Đề 3: Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba

Đề bài: Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2017). Từ đó, rút ra ý nghĩa phê phán của đoạn trích.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

* Phân tích đề:

- Vấn đề nghị luận: Bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba; ý nghĩa phê phán mà Lưu Quang Vũ gửi gắm trong tác phẩm .

- Kiểu bài: Nghị luận về một nhân vật văn học. Từ đó, rút ra nhận xét, đánh giá, khái quát.

- Thao tác lập luận: Phân tích, chứng minh, bình luận…

- Phạm vi dẫn chứng: Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

* Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu về Lưu Quang Vũ, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba

- Hiện tượng Lưu Quang Vũ là sự thăng hoa của tài năng nghệ sĩ cùng không khí sôi động của xã hội Việt Nam những năm tám mươi của thế kỉ XX và tinh thần nhân văn, dân chủ trong đời sống văn học lúc bấy giờ.

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt được ra mắt vào năm 1984, là một trong số rất nhiều những vở kịch nổi tiếng của nhà viết kịch tài ba này. Vở kịch mang ý nghĩa phê phán sâu sắc.

2. Thân bài

a. Giải thích

- Bi kịch: Hiểu theo nghĩa thông thường nhất là tình cảnh éo le, đau đớn của con người.

- Nhân vật bi kịch: Là nhân vật có tài, có hoài bão, khát vọng cao cả và đã cố gắng để thực hiện, nhưng lại bị một thế lực nào đó cản trở khiến cho những hoài bão, khát vọng đó không thể thực hiện được. Cuối cùng, nhân vật phải sống trong sự dày vò, đau khổ hoặc thậm chí phải tìm đến cái chết.

→ Nói đến “bi kịch”: là nói đến trạng thái đau khổ về tinh thần khi con người đứng trước những mâu thuẫn không thể hóa giải, giữa mong muốn, khát vọng và thực tiễn hoàn toàn trái ngược.

b. Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba

* Hoàn cảnh dẫn đến bi kịch: Trương Ba là một người làm vườn có lối sông thanh cao, thích đọc sách, đánh cờ, yêu công việc của mình là ươm những mầm xanh cho cuộc sống. Do một việc làm tắc trách của Nam Tào, Trương Ba bị chết oan. Để sửa sai, Đế Thích – vị tiên cờ trên Thiên đình đã cho hồn Trương Ba được sống trong xác anh hàng thịt. Hoàn cảnh đó nảy sinh bi kịch của Hồn Trương Ba.

* Bi kịch của Hồn Trương Ba

- Bi kịch bị tha hóa:

  • Trước đây: Trương Ba là người làm vườn chăm chỉ, quan tâm tới vợ con, chăm sóc yêu chiều các cháu, hòa thuận tốt bụng với xóm làng. Bởi vậy mà ông được tất cả mọi người yêu kính, quý trọng.
  • Từ khi sống trong thể xác anh hàng thịt: Hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu hiến nhiên của xác thịt. Xác thịt âm u đui mù, song vẫn có tiếng nói riêng, sức mạnh riêng. Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay vì phải sống mượn, gá lắp, tạm bợ và lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác thịt thô phàm của anh hàng thịt mà trái lại còn bị cái xác thịt ấy điều khiển. Đáng sợ hơn, linh hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt anh đồ tể.
  • Trương Ba cảm nhận được sự thay đổi của chính mình, dù không muốn thừa nhận:“Không! Ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn...”, dù đổ lỗi cho xác: “ Đấy là mày chứ, chân tay mày, hơi thở của mày” nhưng Trương Ba vẫn không thể phủ nhận được một sự thật đau đớn là ông đang dần đánh mất mình: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta”.

- Bi kịch bị người thân xa lánh:

  • Nguyên nhân: Sự thay đổi của Trương Ba khiến những người thân và hàng xóm láng giềng không sao hiểu nổi. Càng yêu quý con người trước đây của Trương Ba, họ càng không thể chấp nhận con người hiện tại của ông.
  • Biểu hiện: Người vợ mà ông rất mực yêu thương giờ đây buồn bã và cứ nhất quyết muốn bỏ đi. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!". Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình "như sắp tan hoang ra cả" khiến chị cũng thốt thành lời cái nỗi đau đó: "Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa...”.
  • Tâm trạng của Trương Ba: Trương Ba vô vùng đau khổ, tuyệt vọng. Nỗi đau khổ biểu hiện ra ở sự lúng túng, bất lực trong cách nói, trong sự nhẫn nhục, chịu đựng của tư thế, trong vẻ nhợt nhạt của thần sắc. Qua những biểu hiện ấy, có thể thấy Trương Ba phải mang một gánh nặng tinh thần vượt quá khả năng của ông.

- Bi kịch sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo:

  • Con người bên trong của Trương Ba: gắn với những nhu cầu tinh thần cao. Trương Ba muốn bảo vệ lương tâm, giữ gìn danh dự, muốn sống có đạo đức và trách nhiệm và sống thanh thản trong những niềm vui giản dị như chăm sóc cây vườn và các cháu…
  • Con người bên ngoài của Trương Ba thì lại khác: Con người bên ngoài Trương Ba gắn với những nhu cầu của thể xác phàm tục. Trương Ba bây giờ cũng thèm ăn thịt, thô lỗ, vụng về và muốn được thỏa mãn những dục vọng tầm thường…

→ Mối quan hệ giữa bên ngoài và bên trong con người Trương Ba: Sự không phù hợp giữa hồn và xác đã tạo nên một cuộc sống giả tạo và tồi tệ đến mức chính Trương Ba cũng cảm thấy rất “quái gở”. Cuộc sống ấy là nguyên nhân căn bản dẫn tới nỗi khổ tâm của Trương Ba “sống thế này còn khổ hơn là cái chết” và làm khổ những người thân của ông.

- Cách giải quyết bi kịch:

  • Trương Ba không chấp nhận buông xuôi trước hoàn cảnh nghiệt ngã. Khi nhận thấy rằng không thể thay đổi được Xác hàng thịt để Xác có thể hòa hợp với hồn, Trương Ba quyết định từ bỏ mối quan hệ với cái xác ấy: “Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?”, “Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”.
  • Lời nói của Trương Ba với Đế Thích, khi gọi Đế Thích xuống trần gian để giải quyết tình thế bi kịch, đã khẳng định mạnh mẽ nhu cầu được sống là mình:“không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

- Với Trương Ba, nhu cầu sống chính là mình cuối cùng vẫn được đánh giá cao hơn nhu cầu tồn tại. Đặt ra vấn đề “sống như thế nào”, đó chính là biểu hiện của ý thức cao về sự sống và cách sống để có được một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa.

- Cuối cùng, Trương Ba chấp nhận từ bỏ đời sống do cái xác mang lại. Trương Ba cũng kiên quyết từ chối một cuộc sống vênh lệch khác (khi Đế Thích định sửa sai tiếp tục bằng cách cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị) để ra đi. Nhưng tháng ngày trú ngụ trong xác anh hàng thịt, Trương Ba biết rằng chỉ có cách đó mới đem lại sự thanh thản: “từ lúc tôi có đủ can đảm để đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa.”

* Nghệ thuật:

- Tạo dựng xung đột kịch phát triển một cách lôgic, lên đến cao trào.

- Khắc họa tâm lí nhân vật rất sinh động.

- Ngôn ngữ đa thanh, đa giọng điệu.

- Khắc họa nhân vật gắn liền với hành động kịch.

2. Ý nghĩa phê phán của đoạn trích

- Phê phán thói chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi phàm phu, thô thiển

- Phê phán những kẻ lấy cớ tâm hồn là cao quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Thực chất, đây là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, của sự lười biếng, không tưởng.

- Phê phán tình trạng sống giả, không dám và cũng không được sống là chính bản thân mình. Đó là nguyên nhân đẩy con người đến chỗ tha hóa do danh và lợi.

3. Kết bài

- Lưu Quang Vũ từng tự bạch rằng, động lực thôi thúc mình viết kịch cũng là những động lực khiến mình làm thơ. Đó là khát vọng muốn được bày tỏ, muốn được thể hiện tâm hồn mình và thế giới xung quanh, muốn được tham dự vào dòng chảy mãnh liệt của đời sống, được trao gửi và dâng hiến

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch kết tinh cả cái tâm và cái tài của người cầm bút. Chính vì thế, từ khi ra đời đến nay, vở kịch vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với độc giả và khán giả.

  • 5 lượt xem
Sắp xếp theo