"Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương."
(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
- Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.
- Thân bài triển khai được các luận điểm.
- Kết bài khái quát được toàn bộ nội dung nghị luận.
- Cảm nhận về hình tượng sóng trong 2 đoạn thơ trên.
- Quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh.
(1) Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ:
- Tác giả Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu cho những nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ. Hồn thơ Xuân Quỳnh hồn nhiên, tươi tắn của một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, nhiều lo âu và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.
- “ Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967 tại biển Diêm Điền trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).
- Khái quát nội dung 2 đoạn thơ: Nỗi nhớ nhung da diết cùng lòng thủy chung sắt son.
(2) Cảm nhận về 2 đoạn thơ:
* Đoạn thơ “Con sóng…còn thức”: Hình tượng sóng gắn liền với nỗi nhớ trong tình yêu
- Hình ảnh đối lập “dưới lòng sâu - trên mặt nước”: con sóng vẫn nhớ về bờ, thao thức trên đại dương xa thẳm
- Thủ pháp nhân hóa “Ôi con sóng nhớ bờ/ ngày đêm không ngủ được”: nỗi nhớ đến cồn cào, day dứt.
- Lòng em cũng luôn hướng về anh, về tình yêu của cuộc đời em: nỗi nhớ đã vượt qua khuôn khổ của ý thức, tồn tại cả trong vô thức, vì đã in sâu vào cõi vô thức: “Cả trong mơ còn thức”.
⇒ Bày tỏ nỗi nhớ một cách trực tiếp, mạnh dạn nhưng đầy chân thành, nỗi nhớ da diết, nỗi nhớ đi sâu vào tiềm thức.
* Đoạn thơ “Dẫu xuôi…một phương” : Hình tượng sóng gắn liền với lòng chung thủy sắt son:
- Hình ảnh đối: xuôi về phương bắc >< ngược về phương nam kết hợp với điệp cấu trúc “Dẫu …”
⇒ Khoảng không gian đặt ra trong khổ thơ nói lên độ dài cách trở, gian lao của thực tế đối với con người thế nhưng càng xa cách bao nhiêu thì lòng người lại thể hiện rõ sự chung thủy bấy nhiêu.
- “ Hướng về anh một phương ” như một lời khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát. Một lời thề thủy chung sắt son.
* Nghệ thuật: Đoạn thơ với thể thơ 5 chữ, cách ngắt nhịp, phối âm, hình ảnh giàu sức biểu cảm; vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, điệp, đối; ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên,…đã thể hiện nỗi nhớ nhung da diết của một tình yêu nồng nàn và thủy chung son sắt.
(3) Nhận xét về quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh:
- Xuân Quỳnh thể hiện 1 quan niệm tình yêu mang tính chất truyền thống. Biểu hiện cụ thể qua nỗi nhớ của người phụ nữ đang yêu được ẩn dụ kín đáo qua hình tượng sóng. Tình yêu còn gắn liền với sự chung thủy, với khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc.
- Bên cạnh đó, bài thơ thể hiện quan niệm mới mẻ hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Đó là một tình yêu với nhiều cung bậc phong phú, đa dạng: dữ dội, ồn ào, dịu êm, lặng lẽ . Người phụ nữ khi yêu chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và rung động rạo rực trong lòng mình “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”, khao khát kiếm tìm một tình yêu lớn của cuộc đời, dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời, với khát khao được “tan ra” để hòa vào “biển lớn tình yêu”.
⇒ Hai quan niệm này không đối lập mà bổ sung cho nhau làm nên vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu hiện lên qua hình tượng sóng.
- Quan niệm ấy thể hiện qua thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu mang âm điệu của sóng, hình ảnh ẩn dụ của “sóng” mang tính chất biểu tượng.
⇒ Quan niệm ấy đã góp phần tạo nên thành công cho thi phẩm, tạo dấu ấn trong phong cách thơ XQ, qua đó người đọc thấy được khát vọng tình yêu cao đẹp là khát vọng sống vô cùng nhân văn.
(4) Kết luận:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm và nét đẹp trong những khát khao, xúc cảm của người con gái trong tình yêu.
- Mở rộng liên hệ thực tế (hướng đến tình yêu chân chính, thủy chung; biết sống hết mình với tình yêu đích thực, cao đẹp…).