Đề 4: Phân tích cuộc đối thoại giữa Trương Ba với vợ và đoạn kết vở kịch

Đề bài: Cảm nhận về hai đoạn đối thoại sau trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt:

(1) Vợ Trương Ba: Ông bây giờ còn biết đến ai nữa! Cu Tị ốm thập tử nhất sinh, từ đêm qua đến giờ mê man, mẹ nó khóc đỏ con mắt. Khổ! Thằng bé ngoan là thế! Cái Gái thương bạn, ngơ ngẩn cả người... Không hiểu thằng bé có qua được không, khéo mà... (một lát) Cái thân tôi thì sao trời lại không bắt đi cho rảnh!

……………………………….

Vợ Trương Ba: Ông bảo không được nhưng tôi biết sự thể sẽ đến như vậy, ông sẽ đành ưng chịu như vậy... Tôi không còn giúp gì ông được, tốt nhất là... là... không có tôi nữa, cũng không có khu vườn nữa! (bỏ ra)

Hồn Trương Ba: Bà! (Ngồi xuống, tay ôm đầu)..."

(2) (Vườn cây rung rinh ánh sáng. Ở một góc nhà đó, hiện lên cảnh tượng cu Tị đang ôm chầm lấy mẹ, chị Lụa cuống quýt vuốt ve con... Bà vợ Trương Ba xuất hiện ở phía trước sân khấu)

Vợ Trương Ba: Ông ở đâu? Ông ở đâu?

(Giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện.)

……………………….

Cái Gái: Cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi Mãi..."

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, SGK Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục 2017, trang 153)

Từ đó rút ra ý nghĩa nhân sinh mà tác giả gửi gắm qua hai đoạn đối thoại.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ

* Phân tích đề:

- Vấn đề nghị luận:

  • Nội dung và nghệ thuật của đoạn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với vợ và đoạn kết.
  • Tư tưởng nhân sinh của Lưu Quang Vũ.

- Kiểu bài: Nghị luận về hai đoạn trích. Từ đó, rút ra nhận xét, đánh giá, khái quát.

- Thao tác lập luận: Phân tích, chứng minh, bình luận…

- Phạm vi dẫn chứng: Đoạn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với vợ và đoạn kết trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

* Dàn ý:

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Lưu Quang Vũ và tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

- Giới thiệu về hai đoạn đối thoại.

2. Thân bài

a. Phân tích đoạn đối thoại thứ nhất

* Nội dung

- Sau khi đối thoại với xác hàng thịt, Hồn Trương Ba vô cùng đau khổ, tuyệt vọng vì không được sống là chính mình, bị những nhu cầu của thân xác chi phối, sai khiến và ngày càng tha hóa, đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Ông tìm đến những người thân để được an ủi, xoa dịu những nỗi đau trong tâm hồn. Trớ trêu thay…

- Người vợ mà ông rất mực yêu thương giờ muốn bỏ đi: “đi đâu cũng được… còn hơn là thế này…”. Bà đau khổ không phải vì những rắc rối do ông Trương Ba sống trong thân xác anh hàng thịt gây ra. Hơn ai hết, bà hiểu đó là cái giá phải trả để ông được sống. Bà đau khổ vì ông Trương Ba đã thay đổi: “Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”. Đó không phải là sự thay đổi về hình dáng bên ngoài mà là sự thay đổi của tâm hồn, nhân cách bên trong. Ông Trương Ba ngày xưa là người làm vườn, có những thú vui tao nhã, thích đọc sách, đánh cờ, ươm những mầm xanh cho cuộc sống, quan tâm và yêu thương những người thân trong gia đình. Ông Trương Ba bây giờ thô lỗ và phũ phàng lắm và hầu như không biết gì về mọi việc, mọi người xung quanh, suốt ngày chìm đắm trong những thú vui bản năng, tầm thường.

- Trước những đau khổ của vợ, Hồn Trương Ba đành bất lực vì bà đã nói ra cái điều mà chính ông cũng cảm nhận được. Ông không thể nói lên bất cứ lời an ủi nào, chỉ hỏi những câu vu vơ, vô hồn kèm theo những động tác dằn vặt, những lời than.

- Hồn Trương Ba nhận thức sâu sắc về sự tồn tại vô lí và vô nghĩa của mình. Cuộc sống còn có ý nghĩa gì khi bản thân bị đau khổ dày vò và không những không đem lại niềm vui cho ai mà còn gây đau khổ cho những người mà mình yêu thương. Sau cuộc đối thoại với cái Gái và chị con dâu, Hồn Trương Ba càng thấm thía hơn cuộc sống vô nghĩa của mình, đó là tác động tâm lí cuối cùng như giọt nước tràn li khiến cho ông đi đến quyết định dứt khoát: châm hương gọi Đế Thích, trả lại thân xác anh hàng thịt, xin cho cu Tị được sống còn mình thì mãi mãi ra đi, không nhập vào thân xác của bất kỳ ai nữa.

* Nghệ thuật: Ngôn ngữ đối thoại sắc sảo, dồn nén, thể hiện được những day dứt, giằng xé trong nội tâm nhân vật…

b. Phân tích đoạn đối thoại thứ hai

* Nội dung

- Đoạn đối thoại diễn ra trong khung cảnh: "vườn cây rung rinh ánh sáng". Đây là không gian quen thuộc gắn với con người ông Trương Ba, nơi lưu giữ những hồi ức đẹp đẽ về một ông Trương Ba hiền lành có tâm hồn sáng, yêu thiên nhiên, gắn bó với công việc và người thân trong gia đình. Trong đoạn có hai chi tiết quan trọng: Lời thoại của ông Trương Ba với vợ và hành động của cái Gái ăn quả na rồi vùi hạt xuống đất rồi nói với cu Tị: cho nó mọc thành cây mới.

  • Chi tiết 1: Hồn Trương Ba xuất hiện qua lời dẫn chuyện: "Giữa màu xanh cây vườn (...) chập chờn xuất hiện". Đó chỉ là cái bóng, rồi Trương Ba lên tiếng với vợ: "Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, con dao bà giẫy cỏ... Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu". Đây là lời văn, lời nói thấm đẫm cảm xúc thương yêu, quý mến khi được gần gũi bên những người thân, là hạnh phúc của Trương Ba khi được trở lại là chính mình. Qua lời thoại của Hồn Trương Ba, người đọc cảm nhận được mặc dù giờ đây hồn ông không có thân xác trú ngụ, chỉ là cái bóng chập chờn mờ ảo, vô hình, nhưng đó lại là lúc sự hiện diện của Hồn Trương Ba nhiều nhất, thường trực nhất. Qua lời thoại này, nhà viết kịch cũng gửi gắm những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc sống và cả cái chết: Cái chết không đáng sợ khi con người ý thức được ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống, khi con người đã sống hết mình cho những điều mà mình yêu thích và theo đuổi, đã đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt là khi con người vẫn giữ được bản chất tốt đẹp của mình.

→ Trương Ba đã chọn sự ra đi nhưng linh hồn của ông không hoàn toàn tan biến vào hư vô. Linh hồn ấy hòa cùng thiên nhiên cây lá trong vườn, vẫn luôn gắn bó với những người thân, vẫn tồn tại trong những sự vật bình dị nhất, vẫn hằng sống hằng vui buồn cùng họ, vẫn hiện diện trong những điều tốt lành của cuộc sống…

  • Chi tiết 2: Hành động của cái Gái và lời thoại với cu Tị: vùi hạt na xuống đất cho nó mọc thành những cây mới. Hình ảnh này mang ý nghĩa biểu tượng: Cái Gái tiếp nối những điều tốt đẹp mà ông Trương Ba vẫn làm khi còn sống là gieo những mầm xanh cho sự sống. Đó còn là biểu tượng cho sự hồi sinh của linh hồn ông Trương Ba trong những điều tốt lành của cuộc đời. Dù ông nội của cái Gái đã mất đi về thể xác nhưng trong lòng nó ông nội đã hoàn nguyên kì diệu về tâm hồn.

→ Trương Ba đang sống một sự sống khác, sự sống trong tâm hồn của những người thân yêu.

* Nghệ thuật: Đoạn kết với những chi tiết nghệ thuật giản dị, gần gũi mà có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Ngôn ngữ vừa dung dị vừa giàu chất thơ, một chất thơ vút lên từ cuộc sống đời thường còn nhiều trái ngang và bi kịch.

c. Ý nghĩa nhân sinh sâu sắc

- Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được là chính mình. Khi phải sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, sống phụ thuộc vào người khác để đánh mất mình thì cuộc sống ấy là bi kịch với chính con người đó và với những người xung quanh.

- Ý nghĩa sự sống nhiều khi không phải ở sự tồn tại sinh học mà chính là sự hiện diện của ta trong suy nghĩ trong nỗi nhớ của những con người còn sống. Vẻ đẹp tâm hồn có đời sống dài lâu và bất tử so với thể xác. Tâm hồn cao khiết của ông Trương Ba vẫn có mặt trong nỗi hoài niệm, mỗi niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.

- Đoạn trích đem lại bài học nhân sinh thấm đẫm giá trị nhân văn: Được sống làm người là vô cùng quý giá nhưng được sống đúng mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quí giá hơn; sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên, hài hoà giữa thể xác và tâm hồn. Hạnh phúc của con người là chiến thắng được bản thân, chiến thắng sự dung tục, hoàn thiện được nhân cách và vươn tới những giá trị về tinh thần cao quý.

3. Kết bài

Hai trích đoạn trên tuy không dài nhưng là sự dồn nén ý tưởng của tác phẩm. Thắt nút cao trào và cởi nút nhân văn, Lưu Quang vũ đã đưa đến cho người đọc nhiều suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống.

  • 46 lượt xem
Sắp xếp theo