Tư liệu tham khảo Tây Tiến

I. Tư liệu tham khảo về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Quang Dũng

- Đẹp trai, đa tài (viết văn, làm thơ, vẽ tranh, đàn,...) nhưng Quang Dũng không hề ra dáng, ra vẻ mà hết sức hồn hậu, dân dã. Ông sống với bạn bè, mọi người xung quanh một cách hòa đồng. Trong kí ức những người quen biết, hình ảnh về Quang Dũng luôn là nét vui tính, dí dỏm, thông minh, hồn hậu, dễ gần gũi. Nhà thơ vẫn thường tự nhận mình là “thằng bé nhà quê” và các tác phẩm của ông thường trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, dân dã của làng quê, phố phường, quê hương, đất nước.

- Nhà thơ có “máu giang hồ”, thích đi đây đi đó, đặc biệt thích vào rừng với lòng yêu vẻ hoang dã, nguyên sơ chốn sơn lâm. Bước chân phiêu lãng của nhà thơ từng lên các vùng Mường Đà Bắc, Mai Châu, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng,... → Hầu như các tác phẩm của ông đều mang âm hưởng của núi rừng.

- Là một họa sĩ, nhạc sĩ thơ văn Quang Dũng bàng bạc chất nhạc, chất họa. Và chính dòng máu thích phiêu lưu, giang hồ khiến giọng thơ Quang Dũng hào hùng, phóng khoáng, sảng khoái.

2. Tác phẩm Tây Tiến

Những cái dốc thăm thẳm “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, những chiều “oai linh thác gầm thét”, những đêm “Mường Hịch cọp trêu người”, rồi rải rác dọc biên cương những “nấm mồ viễn xứ”... tôi mô tả trong “Tây Tiến” là rất thực, có pha chút âm hưởng “Nhớ rừng” của Thế Lữ, mà sau này vô tình tôi mới nhận ra...

Trong bài thơ “Tây Tiến”, tôi còn viết “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Hồi ấy trong đoàn chúng tôi rất nhiều người sốt rét trọc cả đầu. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thố, mình lại không giữ vệ sinh, vả lại có giữ cũng chả được, nên bộ đội không những bị ốm, mà còn chết vì sốt rét rất nhiều. Chúng tôi đóng quân ở nhà dân, cứ mỗi lần nghe tiếng cồng nổi lên, lại tập trung đến nhà trưởng thôn, để tiên một con người vĩnh biệt rừng núi.

Tôi muốn gợi thêm một ý của bài thơ “Tây Tiến” để ói lên cái gian khổ, thiếu thốn ở miền Tây. Ngay cả khi nằm xuống, nhiều tử sĩ cũng không có đủ manh chiếu liệm. Nói “áo bào thay chiếu” là cách nói của người lính chúng tôi, cách nói ước lệ của thơ trước đây để an ủi những đồng chí của mình đã ngã xuống giữa đường.

(Vũ Văn Sỹ - Ghi theo lời kể của nhà thơ Quang Dũng; tạp chí Văn nghệ Quân đội)

II. Các bài phê bình

Bàn về nét hào hùng và hào hoa hòa điệu

Nếu nỗi nhớ làm hình tượng sống dậy thì hình tượng làm cho nỗi nhớ có khối có hình. Cả hai thấm đượm trong nhau đem đến cho cho thi phẩm một sự sống thơ. Hình tượng người Tây Tiến ở đây là bức chân dung hòa chung của cả cái tôi Tây Tiến ẩn hiện đó đây cùng đoàn chiến binh Tây Tiến được khắc họa trong toàn bài.

Cảm nhận nghệ thuật, người ta cứ thích phân lập người với cảnh. Phân lập để khỏi lẫn, là nên. Nhưng cà tin vào phân lập, vô hình trung đang tách cá khỏi nước. Trong một chỉnh thể nghệ thuật, nhất là với thơ, cảnh và người nhị vị mà nhất thể. Không chỉ theo nghĩa quen mòn một chiều: cảnh là phông nền để tôn con người . Mà là quan hệ hai chiều máu thịt: cảnh xâm nhập vào người, người san mình vào cảnh. Cuộc gặp gỡ con người với cảnh vật nơi này là một mối lương duyên. Chất người Tây Tiến chỉ tỏa sáng khi cọ sát và tôi luyện trong thiên nhiên miền Tây. Và chốn rừng thiên nước độc kia chỉ thực sự thành trang thơ này khi in soi vào những tâm hồn Tây Tiến. Thậm chí, cảnh đã ấp vào nó dáng người, người đã pha vào mình nét cảnh. Tấy Tiến hào hùng và hào hoa là bởi miền Tây dữ dội và thơ mộng. Có thể nói cảnh miền Tây và người Tây Tiến là một cặp tương thân.

Gian nan bao giờ cũng được xem là ngọn lửa thử vàng đối với chí khí anh hùng. Chả thế mà có câu:"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", lại có câu:"Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay" (Đào Tấn). Để làm bật lên chí khí anh hùng, văn chương xưa nay thường phải đặt nhân vật vào hoàn cảnh đặt thù là gian nan thử thách. Ở đây cũng thế. Vẻ kiêu hùng có lẽ là ấn tượng mạnh nhất mà quân Tây Tiến đã in vào tâm trí Quang Dũng. Họ là "Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng" (Chính Hữu) đã mang cái chí của nam nhi thời loạn, đã xếp bút nghiên ra sa trường. Gian nan chốn sa trường vừa là thách thức vừa là cơ hội để chất kiêu hùng Tây Tiến tỏa sáng. Dường như, mạch cấu tứ cũng dựa một phần vào sự tăng cấp của gian nan. Thiên nan vạn nan liên tiếp giăng ra hòng bẻ gãy ý chí của họ. Nhưng họ quyết đương đâu với và cứ lần lượt vượt qua. Nào những dãi dầu thân xác trong dằng dặc thời gian: "Anh bạn dãi dàu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời". Nào sự hiểm trở của lộ trình: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngưởi trời". Nào oai linh bí hiểm của rừng thiêng nước độc luôn uy hiếp tinh thần: "Chiều chiều oai linh thác gầm thét". Rồi sự rình rập của thú dữ:" Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người". Rồi sự hoành hành của dịch bệnh nơi lam sơn chứng khí làm sinh lực tiêu hao: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc"... Trong hành trình của ý chí, thử thách cuối cùng, ngọn lửa thử vàng cuối cùng bao giờ cũng là cái chết. Không vượt qua nó, làm sao có thể kiêu hùng! Nhưng kể cả thử thách cam go nhất ấy, họ cũng vượt qua. Họ có thể chết, nhưng không khuất phục cái chết, trái lại, họ đón nhận đầy ngạo nghễ: "Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Hào hùng là nét nổi, nhưng hào hoa cũng không hẳn là nét chìm. Nói hào hoa là nói phẩm chất nghệ sĩ. Nó được nhìn nhận trong quan hệ con người với cái đẹp, gồm cả cái đẹp trong cuộc đời, trong thiên nhiên, và trong nghệ thuật. Một người hào hoa không thể thiếu sự nhạy cảm với cái đẹp, thái độ trân trọng cái đẹp và cư xử đẹp. Quân Tây Tiến trên bất cứ bước đường nào, dù gian truân đến đâu cũng không hờ hững với vẻ đẹp của tạo vật. Lúc nao lòng trước một thế núi kì vĩ:"Ngàn thước lên cao ngàn thước xuông", lúc lại phóng hết tầm mắt mà tận hưởng một bức tranh mông lung mờ ảo của họa sĩ thiên nhiên:"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Đã là kẻ hào hoa thì sao có thể thiếu...hoa. Thế giới Tây Tiến vậy mà tràn ngập những hoa. Này là "Mường Lát hoa về trong đêm hơi", này là "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa". Rồi thì "Hồn lau nẻo bến bờ", rồi thì "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"... Nhọc nhằn đến mấy học cũng không thể thiếu những đêm văn nghệ với tiếng khèn, điệu múa, nét nhạc, lời thơ,...Nhưng, đáng kể nhất vẫn là niềm quyến luyến với tình người, tình yêu. Ngày thì "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Đêm thì "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"...Còn gì có thể hào hoa và tình tứ hơn?

Sở hữu cả hai phẩm chất kiêu hùng và hào hoa, nghĩa là trong cốt cách có sự hài hòa giữa chí anh hùng và hồn nghệ sĩ. Thảo nào, người đọc vẫn xem người lính Tây Tiến là hình tượng lãng mạn, lí tưởng. Thơ viết về người lính thì vô vàn, nhưng trụ được qua thời gian như một tượng đài bằng ngôn từ thế này thì rất ít.

CHU VĂN SƠN

Bàn về nỗi nhớ và mạch thơ

Trong lần in thứ hai, Quang Dũng đã tước bớt đi chữ "nhớ" ở nhan đề, tên bài thơ thơ mới còn như hiện nay là "Tây Tiến". Có lẽ, không chỉ vì thấy thừa, mà còn có lý do khác: sợ lộ và hẹp. Có cần phải phơi lộ nỗi nhớ vốn chan chưa khắp toàn bài lên ngay cái nhan đề hay không? Chả cần, đọc vào, sẽ thấy. Thêm chữ, lắm khi làm hẹp nghĩa, hẹp tầm. "Nhớ Tây Tiến" là cái tựa đề có vẻ khuôn mẫu vào loại nỗi niềm có phần riêng tây. Còn "Tây Tiến" xem ra đã khái quát hơn, lại kiêu hùng hơn. Nó như muốn thâu tóm cả đất trời Tây Tiến, cả cuộc hành binh Tây Tiến vào một bức tranh toàn cảnh chưa cả thiên nhiên cùng trận mạc. Mà thực là như vậy, quy mô Tây Tiến có thể không lớn, nhưng tính chất của nó thì có khác nào một cuộc vạn lí trường chinh. Đến nay, qua bao thăng trầm, Tây Tiến đã chứng tỏ: tự nó là một thế giới nghệ thuật nguyên vẹn, thế giới thăng trầm ấy sẽ còn lưu giữ được lâu dài bầu khí quyển lịch sử của cái thuở ban đầu dân quốc ấy.

Cảnh sắc nằm im lìm trong kí ức vốn chỉ như những tĩnh vật trong bảo tàng, dù là kí ức của một thời chưa xa. Không có thần khí của xúc cảm thổi vào, hình bóng vạn vật dù mỹ lệ đến mấy vẫn chỉ là hóa thạch. Nỗi nhớ dậy lên làm một luồng sinh khí, nó soi tràn đến đâu, cũng tưới tắm đến đấy, muôn vàn hình sắc trong kí ức bấy giờ mới bừng tỉnh để sống đời hình tượng của chúng với tất cả vẻ tươi tắn sơ nguyên. Trong miền kí ức Tây Tiến, cả những chi tiết nhỏ nhất cũng được thấm đượm, bao bọc, chan hòa bởi một nỗi nhớ chập chùng da diết. Nỗi nhớ truyền sức sống cho từng bông lau, từng bó đuốc, từng vách đá, từng chóp mây, khiến chúng thành hồn lau hắt hiu nẻo bến bờ, thành đuốc hoa tưng bừng đêm hội diễn, thành thác dữ oai linh, đỉnh lũ ngang tàng, thành biên ải mồ hoang, góc rừng sốt rét,... Nỗi nhớ lúc thì chơi vơi bất định, lúc thì nôn nao cồn cào. Tất cả như được châm ngòi từ câu mở đầu, nó là cái khoảnh khắc nỗi nhớ thương tràn bờbuộc ra thành tiếng kêu vang động: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!" Câu thơ bảy chữ, thì đã có tới bốn chữ là địa danh, và đã có hình ảnh trực tiếp nào đâu, thế mà nó cư vọng xa vào khộng gian, dội sâu vào tâm tưởng. Nó là tiếng vọng của một quá khứ thăm thẳm không cịu nguôi yên trong tâm can người thi sĩ. Chừng như, kể từ giây phút ấy, chúng không còn là những địa danh vô cảm, vô can trên bản đồ nữa. Từ khoảnh khắc ấy những chữ kia đã cất giữ cho Quang Dũng cả một quãng đời. Bởi thế, toàn bộ bài thơ như một thế gới được bao bọc trong bầu khí quyển riêng của nỗi nhớ này.

Thơ viết bằng nỗi nhớ từ xưa đến nay khó mà kể hết. Nhưng ít có bài nào mà nhớ nhung lại được biểu đạt bằng nhiều chữ lạ và ám đến vậy. Người đọc Tây Tiến, làm sao quên được chữ "nhớ chơi vơi" trong câu: "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"Chơi vơi là trạng thái của nỗi nhớ hay trạng thái của cảnh vật được nhớ? Nó là cái chông chênh hẫng hụt của kẻ đang phải lìa xa nơi mình từng gắn bó, hay là cái chập trùng xa cách của rừng núi miền Tây? Thật khó tách bạch. Cả chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ chơi vơi ấy. Có phải đó là trạng thái chập chờn rất riêng của cõi nhớ chăng? Chữ "nhớ ôi" này cũng thế: "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Nghe cứ nôn nao, nghèn nghẹn thế nào! Không phải "ôi nhớ" lối cảm thán quen thuộc. Cũng không phải "nhớ ôi là nhớ!" thật thà, khẩu ngữ. Không phải là "nhớ ơi" như tiếng gọi hướng ra người. Mà là "nhớ ôi" như tiếng kêu hướng vào mình. Ta nghe rõ trong lời thơ một nhớ nhung bất chợt cồn lên, kẻ nhớ không thể cầm lòng, đã vỡ òa ra thành tiếng kêu than. Buột miệng ra, mà dư ba súc tích. Lạ thay là ngôn ngữ thơ! Rồi đây, Tây Tiến sẽ khuất dần sau những thăng trầm lịch sử, nhưng tiếng kêu kia hẳn sẽ còn gieo được những bồi hồi một thuở vào lòng kẻ đọc mai sau! Tây Tiến cứ sống trong nỗi nhớ và sống bằng nỗi nhớ như thế.

Một nỗi nhớ ám đến vậy không thể không can thiệp sâu vào tổ chưa thi phẩm. Có thể thấycấu trúc ở đây chính là cấu trúc của nỗi nhớ. Tuy được viết theo điệu hành, kiểu cổ phong, nhưng mạch thơ chính là mạch nhớ. Một mạch nhớ rất Tây Tiến. Nghĩa là có tuân theo thời gian, nhưng thời gian không điều hành tất cả, có tuân theo lộ trình, nhưng lộ trình cũng không độc quyền trói buộc, có tuân theo cung bậc cao dần của cảm xúc, nhưng cũng không phải hối hả một lèo. Người đọc vẫn có thể làn thao tuyến thời gian, lần thao lộ trình hành binh nào đó của bước chân Tây Tiến. Nhưng mạch thơ chủ yếu là sự đan dệt kỉ niệm, với những sực nhớ miên man, nhưng vụt hiện bất chợt, mà trong đó các địa danh có khi chỉ hiện thoáng một dòng tên, có khi là một điểm nhấn nào đó của kỉ niệm. Còn kỉ niệm bao giờ cũng chan hòa cảnh với người, cũng song hành và đan xen cả hai mạch: vừa gian khổ hào hùng, vừa thơ mộng hào hoa. Ví như: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Bởi cái tôi Tây Tiếnvừa kiêu hùng vừa nghệ sĩ, nên mỗi kỉ niệm muốn được lưu trong tâm hồn ấy cũng phải hòa hợp được cả hai nét lãng mạn kia

Như thế, chính nỗi nhớ chập chùng và chơi vơi đó là nhân tố đâu tiên đã thống nhất các đối cực phong phú của Tây Tiến vào một nguồn cảm hứng sáng tạo.

CHU VĂN SƠN

Bàn về sự đối chọi và hòa điệu

Nhìn chi li, có thể thấy ngôn từ trong thi phẩm này có nhiều lớp kết hợp với nhau: lớp động từ mạnh, lớp tính từ gợi tả, lớp thán từ, lớp địa danh,...Nhưng xét tổng thể, Tây Tiến được đan dệt bởi hai hệ thống chất liệu ngôn từ nổi bật, tạm gọi là "rắn đanh" (cương) mà ngữ nghĩa thường gắn với nhưng gì mạnh, thô, sắc, gắt, dữ dằn,... và "mềm mượt" (nhu) mà ngữ nghĩa nghiêng về nhẹ, êm, dịu, ảo mộng, mờ nhòe,...Nếu "rắn đanh" là chất liệu chủ lực trong việc thể hiện nét dữ dằn, kiêu hùng, thì "mềm mượt" lại có vai trò chính trong việc thể hiện vẻ thơ mộng, nét hào hoa, Song song với những "thác gầm thét", "cọp trêu ngươi", "dữ oai hùm", "oai linh", "mắt trừng", "gầm lên", "bừng lên", "gục lên súng mũ", "bỏ quên đời", "áo bào thay chiếu", "về đất", "một chia phôi", "dãi dầu", "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "ngàn thước lên", "ngàn thước xuống", "đoàn quân mỏi", "đoàn binh", "chiến trường", "mồ viễn xứ", "khúc độc hành",...là những "nhớ chơi vơi", "chiều sương ấy", "đêm hơi", "đêm mơ", "cơm lên khói", "thơm nếp xôi", ""mưa xa khơi", "hoa về", "nhạc về", "hồn về", "nàng e ấp", "dáng kiều thơm",... Như hai gam màu nóng lạnh dưới bàn tay phá phách, vờn phối điệu nghệ của Quang Dũng, chúng kết hợp với nhau để làm sống dậy một bức tranh tây tiến độc đáo: vứa tương phản vừa hòa điệu. Cảnh trí hoang sơ bí hiểm mà thơ mộng trữ tình, con người ngang tàng kiêu dũng mà mà tình tứ hào hoa. Thực ra, ngôn ngữ trong thi phẩm nào mà chẳng có "cương" có "nhu"! Nhưng , trong Tây Tiến, sự đối chọi và hòa điệu này là một nguyên tắc thi pháp thống nhất, chi phối từ hình tượng đến chất liệu.

Âm điệu của Tây Tiến cũng gây một ấn tượng khá độc đáo. Một khí vị rất cổ mà lại tân kì. Có phải dạng lai tạp, cổ kim lẫn lộn không? Không. Nghe kĩ, thấy âm điệu chủ là hiện đại nhưng có pha sắc điệu xưa. Ấy là sắc điệu cổ phong của thể hành cườm vào giọng điệu đây ba động củ "cái thuở ban đâu dân quốc ấy". Một nét riêng trong nhạc của thể hành là nhiều đối chọi gay gắt về thanh điệu, vần điệu. Khi qua tay Quang Dũng, nhạc hành nhập cuộc được với thời thế. Bên cạnh ít nhiều những câu dày đặc thanh trắc:"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" là rất nhiều câu giàu thanh bằng:"Mường Lát hoa về trong đêm hơi", "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", "Nhạc về Viêng Chăng xây hồn thơ", thậm chí thuần thanh bằng như "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Liều lượng ấy đã đem đến cho Tây Tiến một nhạc điệu tân kì hơn. Tựa vào nhạc điệu nhiều du dương hoa mỹ đó, nỗi nhớ chơi vơi càng chơi vơi hơn. Hai nét nhạc "cương-nhu" đối chọi mà hòa đồng này chẳng phải là sự song hành độc đáo trong hình thức Tây Tiến hay sao?

Nhạc bao giờ cũng phải ăn với giọng thì mới nổi. Hồi bấy giờ, không biết do ấu trĩ hay do ác ý, người ta từng gọi giọng điệu Tây Tiến là giọng "yêng hùng", "buồn rớt". Thực ra đó chính là chất giọng bi tráng khá hấp dẫn. Mà bi khí trong đó không hế lấn át hào khí. Trái lại, bi khí càng làm cho hào khí thêm chân thực và thấm thía. Đọc Tây Tiến, ít ai không cảm nhận được giọng điệu ấy. Song, khi chỉ ra, người ta thường lẫn với nội dung. Toàn đi tìm những cảnh mất mát hi sinh với hành động quyết liệt, quả cảm như người Tây Tiến được khắc họa trong nội dung(!)Giọng điệu thì trước hết phải tìm trong ngôn ngữ và hình thái tổ chức của nó chứ. Ví dụ, để tạo được điệu buồn (bi), không thể thiếu sắc điệu thương tiếc, nhớ nhung, hoài niệm được thể hiện đậmở những nốt nhấn dọc theo điệu thơ: "xa rồi Tây Tiến ơi", "nhớ về...nhớ chơi vơi", "nhớ ôi", "có thấy", "có nhớ", ở những tính từ trĩu nặng cảm kích xót xa: "dãi dầu", "rải rác", "thăm thẳm",...Còn tạo nên hào khí (tráng), không thể thiếu một chất giọng ngạo nghễ của người đứng cao hơn thử thách, khinh thường gian truân. Trong đó, điêm nhấn ngữ điệu thường rơi vào những từ chỉ động thái mạnh, hoặc sắc thái gắt như "gầm thét", "mắt trừng", "dốc lên", "khuc khuyu", "thăm thẳm", "ngàn thước", "một chia phôi",...Và làm sao thiếu được vai trò của những cụm từ có tính phủ định đậm đặc trong toàn bài: "không bước nữa", "bỏ quên đời", "không mọc tóc", "chẳng tiếc đời xanh", "không hẹn ước", "chẳng về xuôi",...chúng làm nên ngữ khí ngang tàng, bất cần, những nét không thể thiếu của chất giọng kiêu hùng Tây Tiến. Bởi vậy, Tây Tiến tràn đầy hào khí chứ không bi lụy.

Nói đến Quang dũng là nói đến một trang tài hoa của xứ Đoài. Ông thuộc tuýp nghệ sĩ đa tài. Làm thơ, viết văn, làm nhạc, vẽ tranh,... mỗi loại đều ít nhiều thành tựu. Và sáng tác của ông bao giờ cũng thấy nhạc họa giao duyên. Có thể nói sự kết hơp nhạc họa là nét tài hoa nổi bật trong ngôn ngữ và bút pháp Quang Dũng. Bất cứ đoạn nào trong Tây Tiến cũng có thể làm minh chứng. Ví như: "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Ở đây, cả nhạc và họa đầu đồng thanh cất tiếng. tiếng nói của chúng chuyển hóa sang nhau. Đến nỗi, có thể xem Quang Dũng đang vẽ tranh bằng nhạc. Âm thanh và nhịp điệu đã tiếp ứng cho ngữ nghĩa để thi sĩ vẽ nên một hình thể núi non và qua đó là tâm thế quân Tây Tiến thật sống động và sắc nét. Câu đầu chia làm hai vế nhịp 4/3, mỗi vế bắc đầu bằng một chữ "dốc" đanh sắc, gợi ra những con dốc tiếp nối nhau. Câu thơ bảy tiếng có tới năm thanh trắc gợi ra sự gồ ghề, gân guốc, góc cạnh, từ láy "khúc khuỷu" lại được phụ họa bằng từ láy "thăm thẳm" gợi được hình thể gập ghềnh, quanh co của núi đèo. Tất cả như hè nhau hòng làm nản chí kẻ leo dốc. Câu thứ hai với hình ảnh "súng ngửi trời", lời thơ không cần nói đỉnh núi mà vẫn gợi ra được đỉnh núi, gợi được thế đứng của kẻ đã chinh phục được đỉnh cao nhất của núi rừng miền Tây. Câu thứ ba, tạo hình bằng nhịp điệu và số từ. Do nhịp 4/3, câu thơ như bẻ đôi thành hai vế tự hồ hai vách núi dựng đứng, với ngàn thước lên và ngàn thước xuống. Một câu thơ mạnh mẽ đây khí lực. Đoạn thơ kết bằng một điệu nhạc mà cũng là một bức tranh: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Chuỗi thanh bằng như nét nhạc du dương mang trong nó sự sảng khoái của người đã trút lại sau lưng bao cực nhọc khi vượt dốc, hay như nét vẽ mềm mượt, mờ nhọe gợi không gian mênh mông của màn mưa giăng từ biên cương tới tận xa khơi, trong đó mờ tỏ những nếp nhà sơn dã? Thật khó mà tách bạch, bởi cả hai đã nhập hẳn vào nhau.

Sự kết hợp táo bạo mà nhuần nhị như thể là bí quyết cuối cùng thuộc cá tính sáng tạo đã giúp Quang Dũng hòa điệu được các đối cực trong mỗi tác phẩm để chúng trở thành những cái đẹp sống động, những sinh thể nghệ thuật độc đáo.

CHU VĂN SƠN

  • 18 lượt xem
Sắp xếp theo