Tác giả Nam Cao

Nam Cao là một tài năng lớn, một nhà văn xuất sắc đã góp phần cách tân và hiện đại hóa nền văn xuôi quốc ngữ. Ông đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Cả cuộc đời Nam Cao là hành trình phấn đấu không ngừng nghỉ để xây dựng và hoàn thiện một nhân cách cao đẹp trong cuộc đời và sáng tạo nghệ thuật.

I. Con người

1. Tiểu sử

- Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29 – 10 – 1915.

- Quê quán: Ông sinh tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam - nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.

⇒ Một trong những vùng đất “thang mộc: của vương triều nhà Trần. đất phù sa màu mỡ, ruộng ít vườn nhiều, hoa trái bốn mùa mà nổi tiếng nhất là chuối ngự. 

⇒ Có lẽ vì thế mà ngôi làng ấy trở thành mảnh đất “quần ngư tranh thực”, các phe phái xâu xé, đấu đá lẫn nhau và nạn nhân cuối cùng là những người nông dân cùng khổ, thân cô thế cô.

⇒ Quê hương Hà Nam của ông cũng là đất địa linh nhân kiệt. Riêng văn chương, gần với thời ông có Nguyễn Khuyến, Tú Xương.

- Xuất thân: từ một gia đình bậc trung Công giáo, cha Nam Cao là ông Trần Hữu Huệ làm thợ mộc, làm thuốc, mẹ là bà Trần Thị Minh làm nông và dệt vải.

- Là anh cả của một gia đình đông anh em (bốn em trai, ba em gái) nhưng chỉ một mình Nam Cao được ăn học chu đáo.

- Cuộc sống đói nghèo, bệnh tật đeo bám và giày vò Nam Cao ngay từ những ngày thơ ấu. Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh.

2. Các chặng đường đời:

- Năm 1922, Nam Cao học sơ học ở trường làng. Đến cấp tiểu học và bậc trung học, gia đình gửi ông xuống Nam Định học ở trường Cửa Bắc rồi trường Thành Chung. Nhưng vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành Chung ông đã phải về nhà chữa bệnh, rồi lập gia đình năm 18 tuổi, vợ là Trần Thị Sen.

- Năm 1933 - Nam Cao 18 tuổi, ông vào Sài Gòn, nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác. Ông gửi in trên Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư. Có thể nói, các sáng tác "tìm đường" của Nam Cao thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời.

- Năm 1938, Nam cao bị ốm nặng. Do bệnh tim và tê thấp nên ông phải trở ra Bắc tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, sau đó Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, Thụy Khuê, Hà Nội. Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân Du, Nguyệt.

- Năm 1941, truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, với bút danh Nam Cao do NXB Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo. Phát xít Nhật vào Đông Dương, trường bị trưng dụng, Nam Cao thôi dạy học.

- Rời Hà Nội, Nam Cao về dạy học ở Trường tư thục Kỳ Giang, tỉnh Thái Bình, rồi về lại làng quê Đại Hoàng. Thời kỳ này, Nam Cao cho ra đời nhiều tác phẩm. Ông in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên Trung Bắc Chủ nhật, viết xong tiểu thuyết Chết mòn, sau đổi là Sống mòn.

- Tháng 4 - 1943, Nam Cao bí mật gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc và là một trong số những thành viên đầu tiên của tổ chức này, cùng với một số nhà văn tên tuổi như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi,...

- Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, rồi ông được cử làm Chủ tịch xã của chính quyền mới ở địa phương. Ông cho in truyện ngắn Mò sâm banh trên tạp chí Tiên phong.

- Năm 1946, Nam Cao ra Hà Nội hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc. Tiếp đó, ông vào miền Nam với tư cách phóng viên. Tại Nam Bộ, Nam Cao viết và gửi in truyện ngắn Nỗi truân chuyên của khách má hồng trên tạp chí Tiên phong, in tập truyện ngắn Cười ở NXB Minh Đức, in lại tập truyện ngắn Chí Phèo. Ra Bắc, Nam Cao nhận công tác Văn hóa Hà Nam, làm báo Giữ nướcCờ chiến thắng của tỉnh này.

- Mùa thu năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc. Ông là thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Việt Bắc, viết Nhật ký ở rừng.

- Tại chiến khu, năm 1948 Nam Cao gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam.

- Năm 1950 Nam Cao chuyển sang Hội Văn nghệ Việt Nam, làm việc trong tòa soạn Tạp chí Văn nghệ. Tháng 6, ông thuyết trình về vấn đề ruộng đất trong hội nghị học tập của văn nghệ sĩ, sau đó ông được cử làm Ủy viên tiểu ban văn nghệ của Trung ương Đảng. Trong năm đó, ông tham gia chiến dịch Biên giới.

- Tháng 5/1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng về dự Hội nghị văn nghệ Liên khu Ba, sau đó hai nhà văn cùng vào công tác khu Bốn. Nam Cao trở ra tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp, vào vùng địch hậu khu Ba. Ông có ý định kết hợp lấy thêm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết đang thai nghén. Nhưng rồi, Nam Cao và đoàn công tác bị địch phục kích.

- Ngày 30 – 11 – 1951, Nam Cao anh dũng hy sinh ở Mưỡu Giáp, Hoàng Đan, Ninh Bình, hài cốt của ông được đặt tại nghĩa trang Gia Viễn, Ninh Bình.

⇒ Với những đóng góp to lớn của mình, Nam Cao được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Nam Cao là nhà văn, liệt sĩ đã được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt một năm 1996 và nhiều con đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mang tên ông.

- Cũng trong năm 1996, một chương trình mang tên "Tìm lại Nam Cao" được Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam tổ chức với quy mô chưa từng có gồm 35 đơn vị tham gia như Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Nhân dân... Điều đặc biệt là trong đó có sự góp mặt của 7 nhà ngoại cảm mà Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) đã đứng ra mời họ tham gia chương trình "Tìm lại Nam Cao". Kết quả sau gần nửa thế kỷ nằm hiu quạnh trong nấm mồ vô danh ở Gia Viễn – Ninh Bình, cuối cùng Nam Cao đã về yên nghỉ vĩnh hằng nơi quê nhà xã Hoà Hậu, Lý Nhân, Hà Nam.

3. Con người

- Theo những người sống nhiều với nhà văn kể lại, trong cuộc sống đời thường, Nam Cao là người sống thận trọng, nghiêm khắc, khôn vồn và bên ngoài mà sâu sắc nội tâm, nghĩ nhiều về cách đối nhân xử thế.

  • Ông có cách ứng xử với vợ con, gia đình đầy tình thương và trách nhiệm, luôn khuyên bảo cả nhà: “mình nghèo nhưng không được sống hèn”...
  • Đại tá Trần Quốc Thái - nguyên mẫu nhân vật San trong tác phẩm Sống mòn đã chia sẻ: Nam Cao là người rất sâu sắc, coi trọng danh dự của con người. Nhà văn Tô Hoài thì nói Nam Cao là người điềm tĩnh, có phần nhút nhát, nhưng ở nơi mà con người dễ bộc lộ cái hèn nhát hay dũng cảm thì Nam Cao hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt.

- Là nhà văn sinh ra ở làng quê: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê, gia đình nghèo đói lại đông anh em, bản thân từng trải qua đói nghèo, bệnh tật → Hơn ai hết, Nam Cao hiểu rất rõ tình cảnh của những con người lầm than, bần cùng, dưới đáy xã hội. Ông yêu thương và gắn bó với những con người ấy như chính gia đình ruột thịt của mình.

→ Chính vì vậy, khi viết về đề tài người nông dân nghèo, trang viết của ông thấm đẫm tình người. Mỗi tác phẩm đều gửi gắm bao tâm tư, ước vọng và bản thân vỡ òa cảm xúc khi cho nhân vật của mình giữ được thiên lương dù trong hoàn cảnh cố cùng.

- Là một trí thức: ông luôn đặt tư cách, đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, luôn lao động nghệ thuật một cách công phu, nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Ông thường day dứt, hối hận vì những sai lầm và luôn nghiêm khắc đấu tranh với chính mình để cố thoát khỏi lối sống tầm thường, nhỏ nhoi, khao khát hướng tới cuộc sống tốt đẹp, có ích. Nhà văn cũng luôn trăn trở về nghề văn và lương tâm, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Điều này thể hiện rõ nét trong các tác phẩm ông viết về đề tài người trí thức.

⇒ Với những đặc điểm trên, Nam Cao đã trở thành một nhà văn nhân đạo, theo đuổi con đường nghệ thuật vị nhân sinh, là một người nghệ sĩ chân chính.

II. Sự nghiệp (tập trung vào thể loại truyện ngắn và Chí Phèo)

1. Đề tài

- Sáng tác của Nam Cao tập trung vào hai đề tài chính: cuộc sống người nông dân nghèo ở nông thôn và hình ảnh người trí thức tiểu tư sản nghèo.

- Ở đề tài người nông dân nghèo:

  • Nam Cao phản ánh chân thật, sinh động cuộc sống cùng cực, tăm tối của người nông dân sau lũy tre làng. Ông quan tâm đến số phận khốn khổ của những người dân nghèo trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt những số phận bị đè nén, áp bức, bóc lột, nặng nề. Ông còn viết về những con người ấy chỉ vì quá đòi nghèo mà đánh mất lòng tự trọng, danh dự, chấp nhận bị lăng nhục, xúc phạm chỉ để có miếng ăn,..
  • Nam Cao phản ánh quá trình tha hóa của những con người ấy và có những phát hiện mới mẻ, độc đáo: Xã hội thực dân phong kiến đã hủy diệt cả thể xác lẫn linh hồn của người nông dân hiền lành, lương thiện, đẩy họ vào đường cùng không lối thoát. Đồng thời, nhà văn cũng khẳng định nhân cách và bản chất lương thiện của những con người này ngay cả khi họ đã bị xã hội tàn nhẫn cướp mất cả nhân hình lẫn nhân tính.
  • Tác phẩm tiêu biểu: Chí Phèo, Lão Hạc, Một bữa no, Một đám cưới, Trẻ con không được ăn thịt chó, Đôi móng giò,...

- Ở đề tài người trí thức nghèo:

  • Ông thường lấy mình ra làm "cái máy kiểm nghiệm”, vì thế nên nhân vật chính thường là: những nhà văn nghèo, những viên chức nhỏ, những anh giáo khổ trường tư,... Họ mang nhiều hoài bão cao đẹp, khát khao được cống hiến, được đóng góp cho xã hội, được khẳng định mình trước cuộc đời. Nhưng họ đã bị xã hội bất công và cuộc sống áo cơm “ghì sát đất”.
  • Thông qua những tấn bi kịch của người trí thức tiểu tư sản nghèo, Nam Cao lên án gay gắt xã hội phi nhân đạo đã bóp nghẹt sự sống của con người, đẩy con người vào tình trạng sống mòn, sống thừa,... đồng thời nhà văn cũng thể hiện cuộc sống đấu tranh kiên trì của những người trí thức nghèo trước sự cám dỗ của lối sống cá nhân, ích kỉ, sự đầu độc của môi trường dung tục, từ đó ca ngợi lẽ sống nhân đạo và đầy tình yêu thương.
  • Tác phẩm tiêu biểu: Giăng sáng, Đời thừa, Truyện tình,...

2. Cảm hứng chủ đạo

- Xã hội thực dân nửa phong kiến bấy giờ là mảnh đất màu mỡ để các tác giả khai thác theo khuynh hướng hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945. Đặc biệt là Nam Cao, ông đi sâu vào từng ngõ ngách, lột tả hết tất cả những cái khốn khổ của con người trong xã hội cũ từ nông dân cho đến tầng lớp trí thức. Hầu hết sáng tác của Nam Cao đều kết thúc bằng cái chết, là bi kịch cuộc đời nhân vật chính. Tuy nhiên bi kịch ấy vẫn thấm đượm tình người.

⇒ Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó trong tác phẩm: Lão Hạc, Chí Phèo.

  • Lão Hạc là truyện ngắn chứa chan tình cảm cha con và tình người, lay động bao nỗi xót thương. Nam cao đã kể về cuộc đời, số phận hẩm hiu của lão nông nghèo khổ, thông qua đó thể hiện cái nhìn đầy nhân đạo đối với lão Hạc - cũng chính là đối với những con người nghèo khổ nhưng sống trong sách, thà chết chứ không chịu mang tiếng xấu, làm những điều trái với lương tâm của mình.
  • Chí Phèo mang giá trị nhân đạo mới mẻ, đặc sắc, thể hiện tấm lòng thương yêu của nhà văn Nam Cao với người dân lao động nghèo khốn khổ. Nhân vật Chí Phèo còn là tiếng kêu ai oán, thảm thiết của những con người bất hạnh. Những trang văn của Nam Cao đã lên tiếng bảo vệ và đấu tranh cho quyền làm người, tính lương thiện của con người.

⇒ Cảm hứng nhân đạo và giá trị hiện thực luôn đi đôi trong các sáng tác của Nam Cao.

3. Cách thức miêu tả

- Khi giới thiệu “Cái lò gạch cũ” thành “Đôi lứa xứng đôi”, ông Lê Văn Trương đã rất tinh ý khi viết: “Quyển Đôi lứa xứng đôi có được độc giả hoan nghênh hay không, đó là một điều tôi chưa cần biết, tôi chỉ biết rằng lúc viết nó, ông Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước vào làng văn với những cạnh sắc riêng của mình… Dám nói và dám viết những cái khác người, ông Nam Cao đã đem đến cho ta những khoái cảm mới mẻ và ông đã tỏ ra là một người có can đảm."

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nam Cao là nghệ thuật tạo ấn tượng cho người đọc về những tác động ghê gớm của hoàn cảnh đối với con người. Ông sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau, có biệt tài miêu tả nhân vật bằng cái nghịch dị hay cường điệu nhấn sâu vào những nét dị hình dị dạng, xấu xí của đối tượng được miêu tả.

“Nhưng người đàn bà ấy lại là thị Nở, một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lấn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra. Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bôi cho dày thêm một lần, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra; ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Đã thế thị lại dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công: nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất. Và thị lại nghèo, nếu trái lại, ít nhất đã có một đàn ông khổ sở. Và thị lại là dòng giống của nhà có mả hủi: cái này khiến không một chàng trai nào phải phân vân. Người ta tránh thị như tránh một vật nào rất tởm.”

→ Mục đích của Nam Cao không nhằm bôi nhọ con người mà muốn thể hiện một cách nhìn mới, cách nhìn vào những vẻ đẹp bên trong tâm hồn con người. Dù ngoại hình xấu xí nhưng tình yêu của thị thật đẹp, nó đã sưởi ấm, thức tỉnh lương tri của một con người cô đơn, lầm đường lạc lối.

- Nhân vật Chí Phèo lại được Nam Cao miêu tả từ cái nghịch dị của sự biến dạng.

  • Chí vốn là một canh điền khỏe mạnh, hiền lành. Thế nhưng từ “cái lò gạch cũ” bỏ không đến nhà tù, từ nhà tù trở về làng Vũ Đại, Chí đã bị “quăng quật” và biến dạng.
  • Nếu nét mặt hắn là “mặt một con vật lạ” thì hành động của hắn là hành động của “con quỷ dữ làng Vũ Đại”. Hắn trở thành công cụ của cái ác, sống trong những cơn say triền miên, dài mênh mông. Hắn chửi và đập phá tất cả những cái gì hắn gặp ở trên đường.
  • Chỉ một thời gian ngắn được sưởi ấm trong tình thương, sự chăm sóc của thị Nở, Chí Phèo đã tỉnh ngộ và ao ước được trở lại làm người.
  • Cái chết của Chí Phèo ở cuối truyện càng làm sáng rõ hơn cách thức nhà văn Nam Cao bênh vực con người: miêu tả con người mất hết cả nhân hình, nhân tính nhưng lại tìm được từ trong những cái tưởng chừng như không còn gì nữa ấy, còn đọng lại sự tinh khiết nhất của giá trị con người, một khao khát được sống lương thiện.

4. Kết cấu mở

- Mở đầu tác phẩm: Nam Cao thường mở đầu câu chuyện bằng các tình huống đang diễn ra:

  • Hắn vừa đi vừa chửi (Chí Phèo)
  • Lão Hạc thổi cái mồi rơm châm đóm (Lão Hạc)

⇒ Như vậy, Nam Cao miêu tả thời gian nghệ thuật không trùng khít với thời gian câu chuyện, tất cả đều đang ở thời hiện tại → tạo cảm giác về cái đang diễn ra, người đọc như hòa mình vào không khí hỗn loạn của làng Vũ Đại ngày ấy.

- Lời kể chuyện: thường dùng những cụm từ hình như, không biết có phải không

Ví dụ: Đoạn nói về xuất thân của Chí Phèo chỉ là những câu hỏi mà không có câu trả lời đích xác ai là người đẻ ra hắn. Nguyên nhân Chí Phèo vào tù cũng chỉ là những lời phán đoán vu vơ: “có người bảo ông lí ghen với anh canh điền”, “có người thì lại bảo anh canh điền ấy… lấy trộm tiền trộm thóc…” → Nhà văn như không biết hết mọi chuyện, muốn mình là người hướng dẫn độc giả cần phải hiểu nhân vật như thế nào? Người đọc - nhân vật - tác giả cùng tham gia quá trình khám phá sự thật về con người → Qua đó độc giả cũng nhận ra được: muốn hiểu được chiều sâu tâm hồn con người là điều không hề đơn giản.

- Kết thúc: Ban đầu nhà văn đặt tên là “Cái lò gạch cũ” và kết thúc truyện là “đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không…” → Gợi nhiều suy ngẫm, một Chí Phèo bố chết đi, một Chí Phèo con sẽ ra đời? Bằng kết thúc đó, ông muốn người đọc phải nghĩ nhiều hơn đến điều này: khi con người còn bị giam cầm trong những định kiến dốt nát và nghèo đói thì đó sẽ là bi kịch cho cá nhân và xã hội, một bi kịch không thể nào khắc phục nổi.

5. Sự di động điểm nhìn trần thuật

- Mở đầu truyện ngắn là cảnh Chí Phèo xuất hiện với tiếng chửi: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi” → Điểm nhìn của người kể chuyện. 

- “Có hề gì?”, “thế cũng chẳng sao”, “chắc nó trừ mình ra…”: cũng không hẳn là điểm nhìn của nhân vật, có thể là điểm nhìn của người dân làng Vũ Đại và cũng có thể vẫn là từ người kể chuyện.

- Đoạn miêu tả Chí Phèo được thị Nở cho ăn cháo hành:

  • “Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu, thương hại” (Điểm nhìn của thị Nở)
  • “Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như mẹ” (Điểm nhìn của Chí Phèo”
  • “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?” (Điểm nhìn của thị Nở)
  • “Đó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi…” (Điểm nhìn của người kể chuyện)

→ Nam Cao đã trần thuật bằng các điểm nhìn khác nhau, nhờ đó người đọc hình dung được một cách cụ thể, sinh động câu chuyện đang diễn ra.

------------------------------------------------

Là nhà văn - chiến sĩ, Nam Cao đã anh dũng ngã xuống trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ở tuổi 35. Sự nghiệp văn chương của ông khép lại khi tài năng đang tỏa sáng và còn biết bao điều dang dở đang còn ấp ủ. Mặc dù vậy, Nam Cao để lại cho đời những áng văn giàu giá trị nhân văn, luôn ẩn chứa sức sống và sức bền bỉ của một giá trị văn chương vượt lên trên “các bờ cõi và giới hạn”.

  • 78 lượt xem
Sắp xếp theo