Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

I. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba

1. Bối cảnh lịch sử

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt nguồn từ Mỹ kế thừa và phát huy những thành tựu quan trọng của hai cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại.

- Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc Chiến tranh lạnh đã thúc đẩy sự ra đời nhiều phát minh, thành tựu khoa học mới.

- Từ nửa sau thế kỉ XX, những nguồn năng lượng, vật liệu có sẵn trong tự nhiên đang dần cạn kiệt; vấn đề biến đổi khí hậu khiến nhân loại phải đối mặt với sự thay đổi về nhiệt độ, phá vỡ cân bằng các hệ sinh thái, đe dọa sự sinh tồn của con người. Sự cần thiết phải có những công nghệ mới, an toàn và bền vững ngày càng trở nên cấp thiết.

- Khởi đầu từ nước Mỹ, cuộc cách mạng công nghiệp lần lần thứ 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất nên còn được gọi là cuộc cách mạng số.

- Khoa học và kĩ thuật kết hợp chặt chẽ thành một thể thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy cách mạng công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh, quy mô lớn và hiệu quả cao.

2. Thành tựu tiêu biểu

- Trong khoa học cơ bản: nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực Toán học, Vật lí, Hoá học, Sinh học,.... như sinh sản vô tính, giải mã ADN, thuyết tương đối, tia laze,…

- Nhiều phát minh về công cụ sản xuất mới (hệ thống máy tự động, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, in-tơ-nét,...) nhằm tự động hóa sản xuất dựa vào máy tính.

- Những vật liệu mới, những nguồn năng lượng mới phong phú, vô tận được sử dụng rộng rãi.

- Giao thông vận tải, thông tin liên lạc và chinh phục vũ trụ có những tiến bộ thần kì: máy bay siêu âm, tàu hoả siêu tốc, phương tiện thông tin liên lạc, phát sóng vô tuyến qua vệ tinh, khám phá Mặt Trăng, sao Hỏa,…

- Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp có những tiến bộ nhảy vọt trong phương pháp lai tạo giống, chống sâu bệnh,…

- Công nghệ thông tin phát triển mạnh, hình thành mạng máy tính toàn cầu, góp phần kết nối các khu vực trên thế giới, đưa nhân loại chuyển sang thời kì “văn minh thông tin”.

⇒ Toàn bộ diện mạo của đời sống xã hội cũng như nền kinh tế toàn cầu được biến đổi sâu sắc và mạnh mẽ. 

II. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

1. Bối cảnh lịch sử

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có động lực từ ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.

- Bước vào thế kỉ XXI, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia trên toàn thế giới, góp phần thay đổi đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

- Thế giới phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, dịch bệnh,... cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.

- Trước những thay đổi của thế giới, nhu cầu tiến hành một cuộc cách mạng mới được đặt ra trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI.

2. Thành tựu tiêu biểu

- Dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh với các yếu tố cốt lõi là: trí tuệ nhân tạo (Al), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

- Công nghệ IoT với hàng loạt hệ thống cảm biến và đầu đo (sensor) được áp dụng vào các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

- Trong lĩnh vực y tế, cỗ máy IBM Oát-xơn có biệt danh “Bác sĩ biết tuốt” hỗ trợ tích cực cho quá trình khám và chữa bệnh.

- Trong lĩnh vực vật lí, các người máy thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano góp phần thay đổi sâu sắc cuộc sống của con người.

- Tự động hoá sử dụng hệ thống điều khiển các thiết bị máy móc, năng lượng tái tạo, máy in 3D, xe tự hành, chuyển mạch trong mạng điện thoại, quản lí hành trình và điều chỉnh cân bằng tạo ổn định cho tàu bè, máy bay,... giảm sự can thiệp của con người đến mức tối thiểu.

III. Ý nghĩa và tác động của cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

1. Kinh tế

- Tạo ra bước nhảy vọt chưa từng có của lực lượng sản xuất và năng suất lao động, làm thay đổi vị trí, cơ cấu các ngành sản xuất và các vùng kinh tế, làm xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra một thế giới kết nối, hình thành các mối quan hệ cộng tác, các hình thức hợp tác mới.

  • Lao động trí tuệ trở thành yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất, là động lực chủ yếu tạo nên sự phát triển.
  • In-tơ-nét, điện thoại thông minh và hàng ngàn ứng dụng trí tuệ nhân tạo có mặt ở hầu hết mọi nơi, từ những phương tiện giao thông không người lái đến trợ lí ảo và phần mềm dịch thuật,... đã và đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của nhân loại.

2. Xã hội

- Làm cho sự phân công lao động và chuyên môn hoá ngày càng sâu sắc. Các ngành sản xuất phi vật chất ngày càng được nâng cao, với nội dung, tính chất và hình thức lao động hoàn toàn khác biệt đã làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ của con người trong xã hội.

- Sự tự động hóa ngày càng cao làm cho tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu gia tăng, từ đó dẫn đến những nguy cơ bất ổn về chính trị và xã hội.

- Các ngành nghề ngày càng yêu cầu người lao động có trình độ chuyên môn cao.

3. Văn hóa

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trên cơ sở kết nối toàn cầu, giúp các quốc gia, các dân tộc sát lại gần nhau, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa.

- Những thành tựu cũng góp phần thay đổi lối sống, gắn nhiều hơn với “không gian mạng”, “thế giới ảo”,…

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống: sự xuất hiện những yếu tố văn hóa ngoại lai; sự phụ thuộc vào“thế giới mạng”,…

  • 85 lượt xem
Sắp xếp theo