Ôn tập HK2 phần Làm Văn

Soạn bài: Ôn tập phần làm văn

I. Những nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Thống kê, phân loại và hệ thống các bài học phần Làm văn trong SGK Ngữ văn 11.

- Học kì 1:

  • Phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận
  • Thao tác lập luận phân tích
  • Luyện tập thao tác lập luận phân tích
  • Thao tác lập luận so sánh
  • Luyện tập thao tác lập luận so sánh
  • Luyện tập vận dụng c kết hợp các thao tác lập luận phân tích và so sánh
  • Phong cách ngôn ngữ báo chí
  • Bản tin
  • Luyện tập viết bản tin
  • Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
  • Luyện tập Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

- Học kì 2:

  • Thao tác lập luận bác bỏ
  • Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ
  • Tiểu sử tóm tắt
  • Luyện tập viết tiểu sử tóm tắt
  • Thao tác lập luận bình luận
  • Luyện tập thao tác lập luận bình luận
  • Phong cách ngôn ngữ chính luận
  • Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
  • Tóm tắt văn bản nghị luận
  • Luyện tập tóm tắt văn bản nghị luận
  • Ôn tập phần làm văn

2. Trình bày quan niệm, yêu cầu và cách thức tiến hành các thao tác lập luận: phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận.

* Phân tích

- Khái niệm: Làm rõ đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng (sự vật, hiện tượng,…)

- Yêu cầu: Phân tích phải đi liền với tổng hợp

- Cách tiến hành: đi sâu vào từng yếu tố, khía cạnh, song cũng cần đặc biệt lưu ý quan hệ giữa chúng với nhau trong một chỉnh thể thống nhất.

* So sánh

- Khái niệm: tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai hay nhiều đối tượng.

- Yêu cầu và cách tiến hành: Đặt đối tượng so sánh trên cùng một bình diện. Đánh giá trên cùng một tiêu chí.

* Bác bỏ:

- Khái niệm: Bác bỏ là dùng lí lẽ và chứng cứ để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác… từ đó nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe (người đọc).

- Yêu cầu: Khi bác bỏ, cần tỏ thái độ khách quan đúng mực.

- Cách thức tiến hành: nêu tác hại, chỉ ra nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lệch, thiếu chính xác… của luận điểm, luận cứ, lập luận ấy.

* Bình luận:

- Khái niệm: Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của mình về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học.

- Yêu cầu: Trình bày rõ ràng, trung thực (vấn đề) được bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá của mình là xác đáng, có những lời bàn sâu rộng về chủ đề bình luận.

- Cách thức tiến hành: Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bình luận, Đánh giá hiện tượng (vấn đề) cần bình luận, Bàn về hiện tượng (vấn đề) cần bình luận.

3. Yêu cầu và cách thức tóm tắt văn bản nghị luận

- Yêu cầu: Văn bản tóm tắt cần phản ánh trung thực nội dung văn bản gốc.

- Cách thức tóm tắt:

  • Đọc kỹ văn bản gốc. Dựa vào nhan đề, phần mở đầu và kết thúc để lựa chọn những ý, những chi tiết phù hợp với mục đích tóm tắt. Đọc từng đoạn trong phần triển khai để nắm được các luận điểm và luận cứ làm sáng tỏ cho chúng.
  • Tìm cách diễn đạt lại các luận điểm, luận cứ một cách mạch lạc.

4. Yêu cầu và cách thức viết tiểu sử tóm tắt và bản tin

- Yêu cầu: Thông tin một cách khách quan, chính xác về người được nói tới. Muốn vậy, bảng tiểu sử tóm tắt phải ghi cụ thể, chính xác những số liệu, mốc thời gian, thành tích đóng góp nổi bật của người được giới thiệu trong lĩnh vực hoạt động đang được quan tâm. Nội dung và độ dài của văn bản cần phù hợp với mục đích viết về tiểu sử tóm tắt. Văn phong bản tiểu sử tóm tắt cần cô đọng, trong sáng, không sử dụng các biện pháp tu từ.

- Cách viết: Chọn tài liệu phù hợp để viết tiểu sử tóm tắt, viết tiểu sử tóm tắt.

II. Luyện tập

Câu 1. Trong văn bản Về luân lí xã hội ở nước ta, Phan Châu Trinh vận dụng chủ yếu các thao tác lập luận nào? Hãy phân tích và đánh giá hiệu quả của việc vận dụng các thao tác lập luận ấy.

- Thao tác lập luận bác bỏ: bác bỏ cách hiểu nông cạn về luân lí xã hội

- Thao tác lập luận bình luận: những lời đánh giá, nhận xét của tác giả.

- Thao tác lập luận so sánh: so sánh xã hội Pháp và xã hội nước ta

Câu 2. Khi phân tích nội dung câu cách ngôn “Thất bại là mẹ thành công, anh chị bắt đầu phân tích từ đâu, dựa trên những cơ sở nào và sử dụng những ví dụ có thật nào để làm sáng tỏ?

- Cần phân tích từ: nguyên nhân khẳng định “Thất bại là mẹ thành công”, dẫn chứng khẳng định tính đúng đắn của câu cách ngôn, bác bỏ những quan điểm sai lầm (sợ thất bại nên không dám dấn thân).

- Những ví dụ trong thực tế cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại.

Câu 3. Phân tích tác dụng của việc vận dụng thao tác lập luận bác bỏ trong đoạn văn sau và thử viết một đoạn văn bác bỏ với chủ đề tự chọn.

- Phân tích việc vận dụng thao tác lập luận:

  • Bác bỏ loại người không biết sợ cái gì trên đời này. Đấy là quỷ chứ đâu phải là người. Loại người này rất hiếm hoi, thực ra không thể có.
  • Bác bỏ loại người: “…chắc chắn không ít: sợ rất nhiều thứ nhất là quyền thế và đồng tiền. Nhưng đối với cái tài, cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ giày xéo. Đấy là hạng người hèn hạ nhất, thô bỉ nhất, đồi bại nhất”

⇒ Khẳng định tầm quan trọng của những đức tính tốt đẹp.

- Đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bác bỏ:

Thành tích học tập chỉ là một khía cạnh để đánh giá con người. Nhiều người có thành tích học tập yếu, nhưng lại có nhân cách tốt thì đáng được trân trọng. Ví dụ như những cô lao công - họ không có trình độ học thức cao. Nhưng họ là những người lao động chân chính, góp phần bảo vệ môi trường sạch đẹp. Bản thân người học yếu đôi khi thuộc về năng lực cá nhân hoặc do hoàn cảnh chi phối, chính vì vậy không nên đánh giá và kì thị họ. Điều đó sẽ tạo ra suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi. Nhiều học sinh do có hoàn cảnh khó khăn, phần lớn thời gian phải phụ giúp gia đình mà không có thời gian học tập. Như vậy, chúng ta cần biết đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ đối với mọi người xung quanh. 

  • 1.868 lượt xem
Sắp xếp theo