Nói và nghe: Trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử)
1. Trước khi nói
- Mục đích nói: Cung cấp thông tin cơ bản về một cuốn truyện lịch sử, khơi gợi hứng thú ở người nghe và khuyến khích họ tìm đọc tác phẩm.
- Người nghe: Những người yêu thích truyện lịch sử hoặc quan tâm đến cuốn truyện lịch sử được giới thiệu.
- Cách thức:
Phương án thứ nhất: Trình bày bài nói trên cơ sở bài viết đã thực hiện. Với phương án này, em cần tóm lược nội dung bài viết thành dàn ý bài nói, gồm đầy đủ các phần. Ghi chú những điểm cần nhấn mạnh trong cách mở đầu, triển khai và kết luận để gây ấn tượng cho người nghe.
Phương án thứ hai: Chưa có bài viết giới thiệu về cuốn truyện. Trước hết, em cần tìm đọc một số cuốn truyện lịch sử, chọn một cuốn em cảm thấy có hứng thú để giới thiệu. (Gợi ý những cuốn truyện em có thể đọc: Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng; Đêm hội Long Trì, An Tư của Nguyễn Huy Tưởng; Núi rừng Yên Thế của Nguyễn Hồng; Trên sông truyền hịch, Người Thăng Long của Hà Ân;…). Sau khi đọc kĩ cuốn truyện, em hãy lập dàn ý bài nói.
2. Trình bày bài nói
a. Dàn ý
Mở đầu
Nêu các thông tin chung về cuốn truyện.
Triển khai
Trình bày các nội dung chính; nêu một vài nét nổi bật về nghệ thuật của cuốn truyện
Kết luận
Nêu suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của cuốn truyện.
b. Gợi ý triển khai
Mở đầu
“Sử Việt 12 khúc tráng ca” được nhà báo Dũng Phan viết và xuất bản vào tháng 8 năm 2017 với tổng 272 trang sách. Đây là cuốn sách dành cho tất cả mọi thế hệ không chỉ riêng các bạn trẻ. Bởi vì chỉ cần bạn là người Việt Nam thì đều có thể tìm kiếm được trong đây tình yêu với sử nhà bởi tính chất hấp dẫn, bi hùng và những bài học cảu tiền nhân để lại thông qua những câu chuyện đặc sắc.
Triển khai
Nội dung sách kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Cuốn sách chính là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với các nhận định và đánh giá riêng của tác giả Dũng Phan. Những câu chuyện được kể lại đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan.
Cuốn sách không những đưa các bạn đọc đến với những vị anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt,..mà cuốn sách còn nhắc đến những nhân vật rất quan trọng chưa được đánh giá đúng mực như Khúc Hạo hay những địa danh bị lu mờ như thành Bình Lỗ, đầm Thị Nại,…càng không chỉ nói sơ qua chiến tích ở Bạch Đằng, mà còn đưa ra những chi tiết giúp độc giả hiểu thêm về kĩ thuật đóng cọc trên sông, giải đáp chuyện bí ẩn Quan Trung hành quân thần tốc.
“Sử Việt 12 khúc tráng ca” là cả một quá trình tổng hợp, đúc kết lịch sử trên dưới 1000 năm của dân tộc ta, từ thời Ngô Quyền, người anh hùng đã chấm dứt sự đô hộ ngàn năm của phương Bắc, đến hết thời vua Gia Long người đã có công trong việc thống nhất, mở rộng bờ cõi, giải thích lí do vì sao lãnh thổ nước ta có hình dạng hình S như hiện nay, và kết thúc ở thời vua Minh Mạng, còn bao gồm cả những nhận định, những suy nghĩ, trăn trở đánh giá riêng của tác giả về thời kỳ này.
Với lối viết rất thoải mái trong ngôn từ, sử dụng văn phong của giới trẻ cùng với cách đặt vấn đề rất tự nhiên và cuốn hút. Nó không giống với như những sách lịch sử có trên thị trường hiện nay, thay vì đơn thuần liệt kê các tình tiết, sự kiện lịch sử, tác giả Dũng Phan đã viết dưới dạng kể chuyện và quan trọng hơn cả là bàn luận về các câu chuyện lịch sử ấy.
Kết luận
“Sử Việt 12 khúc tráng ca” phù hợp với tất cả mọi lứa tuổi, đặc biệt là những bạn đọc đam mê Lịch Sử nhưng chán nản với những tài liệu khô khan. Hãy tìm và sở hữu ngay cuốn sách này khi bạn có cơ hội, chắc chắn bạn sẽ không phải hối hận.