Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu (Trần Tế Xương)

Câu 1: Bố cục bài thơ gồm mấy phần? Đó là những phần nào?

- Cách 1: 4 phần (Đề - Thực - Luận - Kết)

  • Đề (hai câu đầu): Giới thiệu chung vấn đề nói tới, ở đây là kỳ thi Hương được diễn ra năm 1897.
  • Thực (câu 3, 4): Nêu cụ thể hơn nội dung đã đề cập ở hai câu đề, ở đây là hình ảnh các nhân vật trong kì thi.
  • Luận (câu 5, 6): Bàn luận, mở rộng vấn đề - sự hiện diện của những người nước ngoài khiến hình ảnh những nhân vật chính là các sĩ tử, quan trường trở nên tội nghiệp, thảm hại.
  • Kết (hai câu cuối): Tổng kết vấn đề - Nhắc nhở về thực trạng bi hài của kì thi nói riêng và của đất nước nói chung trong hoàn cảnh thực dân Pháp đô hộ.

- Cách 2: 2 phần

  • Bốn câu đầu: Cảm xúc ngao ngán khi Nho học ở thời điểm mạt vận;
  • Bốn câu sau: Niềm day dứt trước tình cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ.

Câu 2: Hai câu đề cho biết điều gì về chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX.

- Thời gian: Ba năm mở một khoa

- Hình thức: Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

⇒ Dưới sự cai trị của “nhà nước” thực dân, đạo học (chữ Nho) đã mạt vận. “nhà nước” chỉ mở kì thi cầm chừng, hổ lốn, mất hết vẻ trang nghiêm của kì thi quốc gia: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Sợ mất an ninh ở Hà Nội, “nhà nước” thực dân đã lùa sĩ tử Hà Nội xuống Nam Định “thi lẫn” với sĩ tử trường Nam. Chỉ một từ “lẫn”, Tú Xương phơi bày cả sự đổ nát của kì thi quốc gia và phê phán “nhà nước” vô trách nhiệm.

Câu 3: Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong cách diễn đạt: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” và “Ậm ọe quan trường miệng thét loa”? Nêu rõ tác dụng của biện pháp tu từ đó trong việc tái hiện hình ảnh các sĩ tử và quan viên người Việt.

- Biện pháp tu từ: Đảo ngữ

- Tác dụng:

  • Nhấn mạnh, khắc sâu ấn tượng về sự nhếch nhác (lôi thôi) của các sĩ tử và cách nói năng tỏ vẻ ra oai (ậm ọe) của đám quan trường;
  • Đồng thời tạo hiệu quả gây cười: những “nhân tài” trong một kì thi quan trọng của quốc gia (sĩ tử, quan trường) nhưng thật nhếch nhác, kém cỏi, thảm hại.

Câu 4: Phân tích tác dụng của phép đối được tác giả sử dụng trong hai câu thực.

- “lôi thôi” đối với “ậm ọe”, “sĩ tử” đối với “quan trường”, “vai đeo lọ” đối với “miệng thét loa”

- Nhấn mạnh hình ảnh của sĩ tử bị chìm trong sự nhếch nhác, quan trường không còn quyền uy, mực thước, trang trọng như trước mà như nhân vật tuồng hề.

Câu 5: Tiếng cười trào phúng được thể hiện như thế nào qua việc đặc tả, nhấn mạnh hai hình ảnh mang tính chất “ngoại lai” là quan sứ và mụ đầm?

- Quan sứ: hình ảnh “cờ kéo rợp trời” (ngọn cờ tượng trưng cho quốc gia, đi cùng với quan sứ Pháp là lá quốc kì nước Pháp) được đặt ở đầu câu, tạo ấn tượng về sự phô trương, thị oai của quan sứ.

- Mụ đầm: Hình ảnh “váy lê quét đất” (chiếc váy là trang phục của người phụ nữ) được đặt ở đầu câu tạo ấn tượng về sự phô trương đến kệch cỡm (quét đất)

Câu 6: Nhắc đến “nhân tài đất Bắc”, tác giả muốn ám chỉ những đối tượng nào? Em cảm nhận được thái độ gì của tác giả qua lời nhắn nhủ ấy?

- Đối tượng: quan trường/ sĩ tử/ những người tài giỏi khác trong thời đại ấy/ những người Việt Nam có lương tri, biết trăn trở trước tình cảnh của dân tộc.

- Thái độ của tác giả:

  • Chế giễu (nhân tài nhưng không phải nhân tài)
  • Xót xa cho vận mệnh của nước nhà.

Câu 7: Nhân vật nào trong bài thơ để lại ấn tượng cho em nhiều nhất? Vì sao?

- Gợi ý: sĩ tử.

- Sĩ tử được miêu tả “lôi thôi”, thể hiện sự nhếch nhác, luộm thuộm trong khi họ là những người đi thi, đáng ra phải trông thật nho nhã, trang trọng. Hình ảnh cái "lọ" - vốn được cho là đựng mực, đựng nước uống của sĩ tử, nhưng lại "đeo" trên vai. Hình ảnh ấy như đang gợi lên sự xiêu vẹo, sự đổ gãy, lếch thếch của những kẻ sau này vốn sẽ trở thành những trụ cột tương lai của đất nước.

Câu 8: Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong bài thơ này là gì?

- Phê phán hiện thực đau buồn, nhốn nháo, nhố nhăng của sĩ tử và quan trường.

- Thể hiện tâm trạng đau đớn, chua xót của nhà thơ trước hiện thực của đất nước.

  • 43 lượt xem
Sắp xếp theo