Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh)

1. Trước khi thảo luận

- Từng thành viên trong lớp cần nêu vấn đề theo góc nhìn của mình, tập thể lớp trao đổi, thống nhất chọn một vấn đề trong đời sống phù hợp với tuổi, được nhiều người quan tâm làm đề tài cho cuộc thảo luận.

- Sau khi thống nhất đề tài, mỗi cá nhân tự tìm hiểu, tham khảo thêm những tài liệu có liên quan, ghi chép nhanh các ý nảy sinh trong quá trình suy nghĩ để chuẩn bị phát biểu ý kiến thảo luận.

- Lớp cử một người điều hành thảo luận đảm nhận sắp xếp, giới thiệu tuần tự các ý kiến, định hướng vào trọng tâm đề tài, kiểm soát thời gian phát biểu ý kiến của từng người; tổ chức đánh giá, tổng kết cuộc thảo luận.

- Cử một thư kí ghi chép các ý kiến trong cuộc thảo luận.

2. Thảo luận

a. Nội dung

- Người điều hành nhắc lại đề tài, nêu định hướng và mục đích thảo luận.

- Theo định hướng của người điều hành, các thành viên trong lớp lần lượt phát biểu ý kiến. Ý kiến cần tập trung vào trọng tâm vấn đề, phân tích từng khía cạnh, có lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người nghe.

- Người phát biểu sau có thể bàn luận về vấn đề theo góc nhìn riêng, tán thành hay phản đối ý kiến của người phát biểu trước, trên cơ sở đó, khẳng định quan điểm của mình.

- Các thành viên tham gia thảo luận cần nắm được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi và trình bày lại được nội dung các ý kiến đó.

- Thư kí ghi chép các ý kiến, người điều hành dựa vào đó tổng hợp, kết luận về vấn đề. Tùy thực tế cuộc thảo luận, người điều hành có thể khẳng định sự đồng thuận của các ý kiến hoặc khái quát các nhóm ý kiến khác nhau. Mục đích cuối cùng là để mọi người hiểu sâu sắc hơn về bản chất vấn đề và có thái độ, hành động phù hợp.

b. Gợi ý triển khai

Chắc hẳn chúng ta ít nhiều đều đã được nghe qua về công cụ gần đây mới được ra mắt: Chat GPT - một công cụ được xem là toàn năng khi có thể giải đáp tất cả mọi thứ, kể cả viết một bài văn hoàn chỉnh. Sự ra đời, phát triển và thông dụng của Chat GPT đặt ra cho con người những suy ngẫm về sự phát triển của nó nói riêng, và trí tuệ nhân tạo nói chung. Liệu rằng trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có hoàn toàn thay thế được con người? Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của trí tuệ nhân tạo như tiết kiệm sức lao động của con người, giúp phát hiện và hạn chế những rủi ro, xóa bỏ những khoảng cách,... Thế giới ngày càng phát triển hiện đại hơn, thông minh hơn, sự ra đời của những thiết bị công nghệ cao ngày càng nhiều, tỉ lệ người thất nghiệp do trí tuệ nhân tạo thay thế cũng ngày càng gia tăng,...

Song, trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế được con người, vì đó là những sản phẩm do con người sáng tạo, chỉ có thể hoạt động với dữ liệu được cung cấp, khả năng sáng tạo hạn chế lại không có kỹ năng mềm,... Điều quan trọng nhất, trí tuệ nhân tạo không có trái tim, không có cảm xúc giống như con người. AI có thể truyền đạt tri thức cho học sinh lĩnh hội, nhưng sẽ không thể dạy cho các em cách để sống, để làm người với nhân cách cao đẹp. AI cũng có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc cải thiện tình trạng sức khẻ bệnh nhân, nhưng sẽ không bao giờ có được sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ với người bệnh,...

Sống chung với trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ cao là điều chắc chắn. Để sống chung thoải mái và nhàn nhã với nó, con người phải không ngừng học, nâng cấp bản thân. “Giống như thời xưa, người cưỡi ngựa luôn thắng người đi bộ, nhưng phải học cưỡi nó, ai càng giỏi chế ngự thì chạy càng nhanh” (trích bình luận của một độc giả báo VnExpress). Trí tuệ nhân tạo cũng là con ngựa mà mọi người phải học cách để chế ngự nó.

3. Đánh giá

Sau khi thảo luận, cả lớp cần tập trung trao đổi để cùng rút kinh nghiệm.

  • 174 lượt xem
Sắp xếp theo