Nói và nghe: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại)

1. Trước khi nói

- Lựa chọn một sản phẩm văn hóa yêu thích: có thể chọn một sản phẩm văn hóa riêng của vùng, miền nơi sống hoặc một sản phẩm văn hóa chung của đất nước.

- Để nêu được ý kiến xác đáng, cần tìm hiểu về nguồn gốc, đặc điểm, giá trị của sản phẩm văn hóa truyền thống được lựa chọn trong cuộc sống hiện tại.

- Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi.

- Sắp xếp các ý thành một dàn ý với các phần Mở đầu, Triển khai, Kết luận.

- Lựa chọn một số từ ngữ then chốt phù hợp với vấn đề trình bày.

2. Trình bày bài nói

a. Dàn ý

- Mở đầu: Giới thiệu tên sản phẩm văn hóa truyền thống và nêu khái quát ý kiến về sản phẩm văn hóa đó trong cuộc sống hiện tại.

- Triển khai:

  • Nêu ngắn gọn một số thông tin cơ bản về sản phẩm văn hóa truyền thống: nơi ra đời của sản phẩm, vị trí của sản phẩm, ý nghĩa của sản phẩm,…
  • Trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về sản phẩm văn hóa truyền thống (của quê hương, đất nước). Tùy theo đề tài và thời gian, có thể chọn trình bày ý kiến về một vài khía cạnh: hiện trạng, giá trị, hướng bảo tồn, phát triển,… sản phẩm văn hóa đó trong cuộc sống hiện tại. Chú ý đưa ra các lí lẽ, bằng chứng làm cơ sở cho ý kiến của em.
  • Sử dụng ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,…) và điều chỉnh ngữ điệu nói cho phù hợp.

- Kết luận: Khẳng định ý nghĩa của sản phẩm văn hóa truyền thống đối với cuộc sống hiện tại.

b. Gợi ý triển khai

Mở đầu

- Giới thiệu về bộ phim gia đình Việt Nam: Về nhà đi con.

- Nêu ý kiến: Bộ phim hay, giàu giá trị nhân văn, để lại nhiều suy ngẫm; là sản phẩm văn hóa của người Việt, phản ánh văn hóa gia đình Việt Nam.

Triển khai

- Về nhà đi con (tên cũ: Nước mắt của gà trống) là một bộ phim truyền hình được thực hiện bởi Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam do NSƯT Nguyễn Danh Dũng làm đạo diễn. Phim phát sóng vào lúc 21h00 bắt đầu từ ngày 8 tháng 4 năm 2019 và kết thúc vào ngày 12 tháng 8 năm 2019 trên kênh VTV1.

- Ông Sơn (NSND Trung Anh) đã có hai cô con gái, nhưng ông vẫn muốn vợ sinh thêm đứa thứ ba với hy vọng sẽ là con trai. Vợ ông khi đó cũng không còn trẻ trung khỏe mạnh, nhưng cũng đành phải chiều theo ý chồng. Kết quả là bà đã qua đời ngay sau khi sinh được cô con gái thứ ba. Ông Sơn đau lòng và hối hận, nhưng còn hối tiếc hơn khi vợ đã mất nhưng đúa con thứ ba lại vẫn là con gái. Ba chị em gái lớn lên với tính cách và số phận hoàn toàn khác nhau, đây cũng là những hình ảnh có tính đối lập mà bộ phim mang lại.

- Thông điệp của bộ phim: 

    • Đâu đó trong xã hội này vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, sinh con trai để nối dõi tông đường.
    • Cho dù cuộc sống có rất nhiều trắc trở, khó khăn, nhưng gia đình luôn là nơi yên bình nhất để trở về.

- Bộ phim kết thúc bằng những lời tự sự đầy trưởng thành của Dương khi nhìn lại sóng gió đã qua. Kèm theo đó, những thước phim tua chậm, ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình khiến khán giả xúc động. Dương tâm sự: “Bố không hoàn hảo, cũng có nhiều sai lầm nhưng bố tôi hi vọng sai ở đâu là sẽ sửa. Ở mỗi bước trưởng thành, tôi nhận ra sự vĩ đại của bố nằm ở những điều bé nhỏ và sự bao dung của bố nằm ở những điều khắt khe… Trong suốt quá trình trưởng thành, tôi và chị Thư, chị Huệ đều nghe bố nói: Về đi con, về nhà với bố. Vì bố là bố, bố là nhà, bố là gia đình, bố là tất cả. Tiếng gọi về nhà với chúng tôi mãi mãi là về với bố, về trong yêu thương của bố".

Kết luận

 - Bộ phim là sản phẩm được đầu tư chỉn chu, mang nhiều thông điệp ý nghĩa, được khán giả đón nhận và yêu thích. 

- "Về nhà đi con" là một sản phẩm văn hóa giàu giá trị, là một trong những bộ phim xuất sắc về tình cảm gia đình trong kho điện ảnh Việt Nam. 

3. Sau khi nói

Trao đổi về bài nói để cùng rút kinh nghiệm.

  • 142 lượt xem
Sắp xếp theo