Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh)

Câu 1: Người viết văn bản nghị luận bao giờ cũng hướng tới đối tượng cần thuyết phục. Theo em, văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hướng tới đối tượng nào?

- Đối tượng của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là toàn thể nhân dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc.

Câu 2: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một trích đoạn của Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam. Điều gì cho thấy phần trích này vẫn thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh?

- Đặc điểm của văn bản nghị luận được xem là hoàn chỉnh:

  • Có một luận đề (vấn đề được nêu để bàn luận ở văn bản nhằm thuyết phục người đọc).
  • Có đầy đủ bố cục 3 phần (mở bài giới thiệu vấn đề, thân bài gồm các luận điểm có đủ lí lẽ và bằng chứng, kết bài nêu ý nghĩa của vấn đề)

- Các đặc điểm của phần trích:

  • Có luận đề rõ ràng, được khái quát bằng nhan đề (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
  • Mở bài: Khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta và sức mạnh vô song của tinh thần ấy.
  • Thân bài: Gồm một số luận điểm, mỗi luận điểm có lí lẽ và bằng chứng lấy từ lịch sử chống ngoại xâm, từ thực tế của cuộc kháng chiến đang diễn ra.
  • Kết bài: Khẳng định lại sự quý báu của truyền thống yêu nước và kêu gọi phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân trong công cuộc kháng chiến.

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một văn bản nghị luận hoàn chỉnh.

Câu 3: Bài nghị luận có mấy luận điểm? Nêu từng luận điểm và chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm, từ đó rút ra nội dung bao quát của văn bản?

- Bài nghị luận có 3 luận điểm:

  • Luận điểm 1 (Từ đầu đến “... và lũ cướp nước”): Nêu vấn đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
  • Luận điểm 2 (“Lịch sử ta…” đến “... nồng nàn yêu nước”): Truyền thống yêu nước của nhân dân ta thể hiện qua lịch sử đấu tranh giữ nước xưa kia và qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày nay.
  • Luận điểm 3 (Còn lại): Cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước quý báu của nhân dân.

- Mối quan hệ giữa các luận điểm:

  • Luận điểm 1 có tính chất khái quát.
  • Luận điểm 2 làm sáng tỏ điều khẳng định ở luận điểm 1.
  • Luận điểm 3 nêu phương hướng hành động trên cơ sở rút ra nhận thức từ hai luận điểm trước đó.

- Nội dung bao quát của văn bản: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Câu 4: Căn cứ vào những bằng chứng khách quan nào mà tác giả khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”? Vì sao lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta được tác giả xem là một “truyền thống quý báu”.

- Bằng chứng:

  • Bằng chứng trong sử sách nói về những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,...
  • Bằng chứng thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra.

- Lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta được tác giả xem là một “truyền thống quý báu” vì:
Được duy trì qua nhiều thế hệ;

  • Nhờ có lòng yêu nước mà dân tộc ta mới giành và giữ gìn được nền độc lập;
  • Là nhân tố quyết định tương lai của đất nước.

Câu 5: Văn nghị luận của Hồ Chí Minh bao giờ cũng hướng người đọc đi từ nhận thức tới hành động. Qua văn bản này, tác giả muốn người đọc nhận thức được điều gì và có hành động như thế nào? Những nhận thức và hành động đó có ý nghĩa như thế nào trong đời sống cộng đồng?

- Nhận thức và hành động: tình yêu đối với dân tộc, Tổ quốc là truyền thống quý báu của dân tộc, mỗi người dân đều phải hiểu được rằng chúng ta là người con đất Việt, cần nêu cao tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc; cần phải thể hiện tinh thần yêu nước bằng những việc làm cụ thể tùy điều kiện, hoàn cảnh, vị thế của mình trong xã hội.

- Ý nghĩa: Từ việc nhận thức, hành động đúng đắn → Góp phần bảo vệ, gìn giữ và xây dựng đất nước ngày một phát triển, vững bền.

Câu 6: Theo em, những yếu tố nào đã góp phần làm nên sức thuyết phục của bài nghị luận này? Vấn đề được bàn luận trong văn bản có ý nghĩa trong thời đại ngày nay nữa không? Vì sao?

- Yếu tố góp phần làm nên sức thuyết phục:

  • Là văn bản đầy đủ các yếu tố, đặc điểm để được xem là văn bản hoàn chỉnh, mẫu mực.
  • Câu văn trùng điệp, nhiều vế, có sự đăng đối, tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, truyền cảm;
  • Nhiều hình ảnh giàu sức biểu cảm.

- Vấn đề được bàn luận vẫn còn ý nghĩa thời sự trong thời đại ngày nay vì:

  • Để đất nước phát triển mạnh mẽ, vững bền luôn cần sự đóng góp công sức của mọi người dân.
  • Vấn đề giữ gìn, bảo vệ đất nước, lãnh thổ của Tổ quốc vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng, cấp thiết.
  • 11 lượt xem
Sắp xếp theo