- Không khí tưng bừng đón chào ngày 20 - 11 ở trong trường lớp, ngoài xã hội.
- Bản thân mình: nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.
- Giới thiệu về kỉ niệm (câu chuyện):
+ Đó là kỉ niệm gì,buồn hay vui,xảy ra trong hoàn cảnh nào,thời gian nào?...
- Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm):
+ Kỉ niệm đó liên quan đến thầy (cô) giáo nào?
+ Đó là người thầy (cô) như thế nào?
+ Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).
+ Tình cảm,thái độ của học sinh đối với thầy cô.
- Diễn biến của câu chuyện:
+ Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?...
+ Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.
- Câu chuyện kết thúc như thế nào? Suy nghĩ sau câu chuyện:Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn,trong suy nghĩ: tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).
- Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.
Tuổi học trò hồn nhiên, ngây ngô mà cũng vô cùng đáng yêu với những kỉ niệm thơ ngộ. Học tập dưới mái trường này đã được bốn năm, tôi làm sao có thể nhớ hết những kỉ niệm đẹp đẽ ấy. Nhưng có lẽ trong những kỉ niệm đó tôi nhớ nhất là kỉ niệm với thầy giáo chủ nhiệm của tôi – một kỉ niệm đã dạy cho tôi bài học quý báu mà suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên.
Chuyện xảy ra cách đây không lâu, khi ấy tôi học lớp 8, cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi nghỉ vì sinh em bé, bởi vậy lớp chúng tôi đã thay một thầy giáo vào làm chủ nhiệm. Thầy Hòa dạy Hóa, là giáo viên nổi tiếng nghiêm khắc ở trường. Thầy dạy bất cứ lớp nào cũng đều khiến các bạn sợ hãi. Nhưng tôi lại chẳng hề lo lắng, bởi theo như mọi người nhận xét tôi là đứa nghịch ngợm có số má ở trường. Ngày thầy vào lớp tôi sẽ trêu thầy một phen xem danh tiếng nghiêm khắc của thầy thực chất đến đâu.
Ngày đầu thầy đến lớp nhận công tác chủ nhiệm, tôi đã đến thật sớm, bôi nhọ nồi vào chiếc ghế da màu đen của thầy, khiến cho quần áo thầy bị vấy bẩn. Thầy bước vào lớp, điểm tĩnh, tự tin giới thiệu về bản thân. Và thầy ngồi vào chiếc ghế “tử thần” mà tôi đã bày trò trước đó. Khi thầy đứng dậy cả lớp được một phen ôm bụng mà cười, chiếc quần màu sữa của thầy phía sau đã vằn vện những vết nhọ nồi. Trò đùa tai quái của tôi đã khiến thầy tối sầm mặt, và đi ra khỏi lớp. Hôm đó trong lớp ai cũng biết chỉ có tôi mới dám làm trò đó, nhưng không đứa nào hé răng. Rồi cứ thế cho đến các tiết học sau đó tôi đều bày trò để chọc giận thầy, khi thì lau bảng đẫm nước để thầy không thể viết; khi thì không làm bài tập. Nhưng .... ngày hôm đó đã thay đổi suy nghĩ của tôi hoàn toàn.
Hôm đó trời mưa rất lớn, tan học tôi không đợi tạnh mà đi về ngay. Trên đường về tôi không may bị một chiếc xe máy đâm vào rồi bỏ chạy, tôi bị thương không nặng, nhưng có lẽ do sợ nên tôi bị choáng. Lúc đó đường vắng tanh không một bóng người. Khi tôi cảm thấy đau đớn và tuyệt vọng nhất thì khuôn mặt nghiêm nghị của thầy Hòa xuất hiện. Thầy lo lắng vội vã đưa tôi đến trạm xá của xã và đó cũng là lúc tôi ngất lịm trên tay thầy.
Tôi vào viện có lẽ khoảng 30 phút sau thì tỉnh, lúc này thầy đang ngồi cạnh tôi, tay chống cằm lim dim ngủ. Có lẽ ở chân vết thương nặng, nên khi nhấc mình tôi thấy đau nhói, nên đành nằm im. Đến lúc này tôi mới nhìn kĩ khuôn mặt thầy, khuôn mặt già và khắc khổ, những nếp nhăn đã lằn rõ so với cái tuổi 32 của thầy. Mái tóc thầy đã pha bạc nhiều, ướt nhẹp đi vì có lẽ khi bế tôi chiếc mũ của áo mưa đã bị tuột ra, những giọt nước vẫn thi thoảng nhỏ xuống. Nhìn thầy tôi không kìm nổi xúc động và tự trách bản thân về những hành động nông nổi của mình trước đây.
Sau khi ra viện, nghe các bạn kể tôi mới biết gia cảnh của thầy rất đáng thương. Nhà chỉ có mình thầy nuôi đứa con thơ, vợ thầy mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Thầy suy sụp mất nửa năm, xin nghỉ để ở nhà. Sau đó thầy lấy lại nghị lực, tiếp tục sống và nuôi con. Có lẽ vì cú sốc quá lớn ấy khiến thầy già hẳn đi, và phải mang trên mình khuôn mặt nghiêm khắc như vậy. Tôi thương thầy quá, và càng ân hận hơn, tự trách bản thân mình nhiều hơn.
Thấy động thầy mở choàng mắt quay sang nhìn tôi. Nhìn thầy tôi thấy ấm áp và thân thương lạ thường. Thầy hỏi tôi bằng giọng vô cùng ấm, khác hẳn với khi giảng bài trên lớp:
- Con thấy trong người thế nào? Mưa to nên bố mẹ con đang trên đường tới. Chắc lát nữa sẽ tới nơi thôi.
Tôi chưa kịp trả lời thầy đã dồn hỏi tiếp:
Con đói không? Thầy mua gì cho con ăn nghe.
Bất giác tôi thấy hai sống mũi cay cay. Một đứa con trai nghịch ngợm như tôi bỗng mềm lòng và xúc động vô cùng trước sự tận tâm của thầy. Nếu hôm nay không có thầy đưa đến bệnh viện thì không biết giờ này tôi sẽ ra sao. Tôi thầm cảm ơn thầy, thầm cảm ơn về sự vị tha thầy dành cho tôi. Tôi mở miệng lí nhí:
- Con cảm ơn và xin lỗi thầy trong suốt thời gian qua.... Tôi ngập ngừng không nói hết câu nước mắt đã tràn bờ mi, thấm đẫm xuống mặt.
Thầy nhẹ nhàng xoa đầu tôi, thầy không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến. Nhưng cũng chỉ cần ánh mắt đó thôi tôi đã hiểu được tấm lòng thầy, sự quan tâm mà thầy dành cho tôi.
Sau lần ấy, tôi đã thay đổi hẳn. Không còn là một cậu trò ngỗ ngược, quậy phá, mà tôi tập trung học hành và đặc biệt là môn hóa của thầy. Trước sự thay đổi quá đỗi bất ngờ của tôi ai cũng cảm thấy kinh ngạc, chỉ riêng tôi và thầy Hòa mới hiểu được điều ấy.
Giờ đây tôi đang là học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa. Tôi thầm cảm ơn sự tận tụy, tận tâm mà thầy dành cho tôi. Trong cuộc đời chúng ta ai cũng đôi ba lần vấp ngã, sai lầm, quan trọng là chúng ta biết nhận ra và vượt qua nó. Tôi thầm cảm ơn thầy Hòa, người đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ, để có lối sống đúng đắn và tích cực hơn.
Cứ đến ngày này, ngày Nhà giáo Việt Nam thiêng liêng 20/11, lòng tôi lại đau đớn nhớ đến cái ngày đó…, cũng là ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng là ngày tôi nhận được tin cô giáo chủ nhiệm kính yêu của tôi, người cô mà tôi chưa kịp xin lỗi, đã ra đi mãi mãi.
Năm ấy tôi học lớp 7, cô giáo chủ nhiệm của tôi, người cô mà tôi hằng kính trọng bằng cả trái tim, cô chỉ có bốn mươi mấy tuổi. Bốn mươi mấy ấy nhỉ? Tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ cô có một khuôn mặt hiền hậu và sự dịu dàng cùng tấm lòng bao dung rất lớn. Cô luôn luôn truyền cho chúng tôi những tình cảm tốt đẹp nhất, khai sáng tâm hồn chúng tôi. Cô còn rất tận tình giúp đỡ những bạn học kém và luôn động viên tất cả học sinh phải nỗ lực hơn nữa. Có lẽ vì vậy mà trong cả học kỳ một, tôi luôn là một học sinh xuất sắc của lớp. Đó là vì, như bao bạn học sinh khác, tôi luôn có cô ở bên, cô giáo Hoài Thương của chúng tôi.
Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bước qua học kỳ hai, cô thường xuyên nghỉ dạy vì bị bệnh tim. Tôi không còn được nhận những sự chỉ dạy của cô nên càng ngày tôi càng sút kém trong học tập. Cứ từ từ, từ từ, tôi mất dần đi những kiến thức căn bản nhất. Tôi cảm thấy chán nản, không còn coi trọng việc học nữa. Và rồi, cái ngày ấy đã đến, cái ngày tôi trượt vào lỗi lầm không thể quên.
Hôm ấy, tôi bình thản bước vào trường thì gặp mấy cậu bạn học cũ. (Chúng tôi cùng học một lớp tiểu học với nhau, giờ cùng học một trường cấp hai, nhưng chúng học khác lớp tôi). Vừa thấy tôi, chúng liền hỏi:
- Minh, đi chơi không? Tụi này bao cho!
Tôi ngỡ ngàng:
- Đi chơi ở đâu? Thôi, đi thì phải cúp học ở trường mất. Nghỉ học, tớ sợ lắm!
- Chơi điện tử chứ đâu! Lâu lâu cúp học một buổi có sao đâu nào!
Mấy đứa bạn xúm vào thuyết phục. Lúc này trong đầu tôi bao nhiêu suy nghĩ đối chọi nhau: “Thôi, lâu lâu đi có sao đâu!”, “Đi mà ba biết thế nào cũng no đòn cho xem!” Hai ý nghĩ ấy cứ cấu xé nhau làm đầu tôi như muốn vỡ tung ra. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng nghe theo lời thuyết phục hấp dẫn của mấy đứa bạn. Cả ngày hôm đó, tôi đi chơi rất vui vẻ. Hình ảnh của cô, của ba, của lớp học,… tất cả đều tan biến hết. Tôi không còn thời gian để nghĩ đến hậu quả của sự việc. Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu. Ngày hôm sau, vừa vào lớp, cô đã gọi tôi lên để hỏi tại sao nghỉ học ngày hôm qua. Lúc đó tôi rất sợ hãi, tim đập thình thịch, tưởng chừng như muốn vỡ tung trong lồng ngực. Dù rất sợ, tôi vẫn cố bình thản trả lời cô là nhà có việc bận nên nghỉ. Lúc đó, đôi mắt nhỏ bé của tôi nhìn vào mắt cô, tôi có thể cảm nhận được điều gì đó rất lạ trong mắt cô. Linh cảm cho tôi biết là cô đã biết rằng tôi nói dối. Và rồi cả ngày hôm sau, tôi cứ bị ám ảnh mãi về những điều cô nói. Tôi tự hỏi mình trả lời cô thế có đúng không và có ổn không. Nhưng rồi tôi tặc lưỡi: “Mọi việc đã qua rồi, hãy cứ để nó qua đi, đằng nào cô cũng đâu có truy cứu.” Những ý nghĩ ấy đã giúp tôi cảm thấy bình tĩnh hơn. Rồi chuyện gì đến thì nó phải đến. Cuối giờ, cô yêu cầu tôi viết một bản tường trình về việc nghỉ học của mình và đưa cho phụ huynh ký. Tôi lạnh hết cả xương sống khi nghĩ đến trận đòn nhừ tử của ba mẹ nếu biết mình trốn học. Biết làm sao bây giờ? Một ý nghĩ đen tối và liều lĩnh lóe lên trong đầu tôi: “Phải giả chữ ký thôi, chỉ có giả chữ ký mới may ra thoát được nạn này.” Đâm lao thì phải theo lao! Nghĩ sao làm vậy, ngay tối hôm đó, tôi chẳng còn tâm trí đâu mà học. Gài thật chặt cửa phòng, tôi loay hoay ngồi tập chữ ký của ba. Cuối cùng thì tôi cũng thành công, nói đúng hơn là chỉ thành công dưới con mắt nhỏ bé của tôi. Điều đó được chứng minh khi tôi đưa bản tường trình cho cô. Lúc nhìn thấy bản tường trình, đôi mày cô cau lại, những vết hằn trên trán cũng sâu hơn. Cô từ từ đặt bản tường trình xuống và nhìn tôi:
- Minh, đây có phải là chữ ký của ba em không?
Câu hỏi của cô khiến hơi thở của tôi nóng lên, sống mũi của tôi cay cay, nước mắt tôi chỉ chực ùa ra. Tôi chỉ muốn nói thật to với cô rằng: “Cô ơi, em biết lỗi của em rồi!” Nhưng tôi đã kịp nén lại. Nếu tôi khóc tức là tôi đã nhận mình có lỗi. Tôi mà nhận lỗi với cô thì sau đó chắc chắn sẽ là một trận đòn của ba. Lấy hết can đảm, tôi từ từ ngước nhìn cô. Khuôn mặt của cô khi ấy ánh lên một niềm hy vọng nào đó, chắc là cô đang rất hy vọng tôi sẽ trả lời thành thật.
- Thưa cô, đây… đây chính là chữ ký của ba em!
Khuôn mặt đầy hy vọng, chờ đợi của cô như tan biến, nhường chỗ cho sự thất vọng đang lộ rõ trong đôi mắt cô. Càng nhìn đôi mắt ấy, tôi lại càng đau đớn, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm để nói ra sự thật.
Cô nhẹ nhàng:
- Thôi được rồi, em về chỗ đi!
Vừa nghe câu đó, tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng sự yên tâm đó chẳng kéo dài được lâu. Chiều đó, cô nói tôi mời phụ huynh vào cho cô gặp. Bấy giờ, tôi mới “hồn lìa khỏi xác”. Chân tay tôi như rời ra từng mảnh, tôi không còn đủ sức lực để bước ra khỏi cánh cửa kia, để mời ba tôi vào. Nhưng tôi thật sự không còn lựa chọn nào khác.
Ba và cô đã nói chuyện gần mười lăm phút rồi. Chỉ có gần mười lăm phút nhưng tôi cảm tưởng như đã vài tiếng trôi qua vậy. Tôi đứng ngồi không yên, thấp thỏm, sợ hãi đến khôn cùng. Cuối cùng, ba tôi cũng bước ra. Ba không nói gì cả, không la cũng chẳng mắng. Khuôn mặt ba trông rất buồn. Ba lặng đi, nhìn tôi một lát rồi nói:
- Con hãy suy nghĩ về những việc làm của mình đi. Ba bất ngờ và buồn về con quá!
Suốt đêm hôm ấy, tôi không tài nào chợp mắt được. Việc tôi gây ra làm không khí cả nhà buồn bã, trầm lặng hẳn. Tôi cứ suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Càng nghĩ tôi càng thấy ăn năn, hối hận. Ba ơi, giá mà ba đánh con thật đau! Cô ơi, giá mà cô mắng con thật nhiều! Nếu được như thế thì con không phải day dứt, ân hận thế này. Ba mẹ và cô đã tin con nhiều đến thế, vậy mà con lại… Ngày mai, ngày 20/11, tôi sẽ nói với cô rằng: “Cô ơi, em xin lỗi cô nhiều lắm!”
Rồi một đêm dài đầy mệt mỏi và dằn dặt cũng qua đi. Ánh bình minh đã ló dạng, tôi bước vào trường nhưng trong lòng vẫn cảm thấy nặng nề vì chưa nói được lời xin lỗi cô. Thế rồi, tôi đâu có ngờ chính sáng hôm ấy, buổi sáng mà người học trò đầy mặc cảm tội lỗi như tôi mong chờ được gặp cô để nói lời xin lỗi bằng cả tấm lòng, thì một tin sét đánh đã xé nát lòng tôi. Đêm hôm qua, cô tôi đã ra đi. Một cơn đau tim đột ngột đã cướp đi mạng sống của cô tôi, khiến cô vĩnh viễn không bao giờ có thể nghe tôi nói lời xin lỗi được nữa.