Giới thiệu chung về di tích, thắng cảnh ở quê em (vị trí, đặc điểm chung về di tích, danh lam thắng cảnh).
1. Nguồn gốc
- Di tích đó được phát hiện, xây dựng vào thời điểm nào?
- Những sự kiện lịch sử, câu chuyện gắn liền với sự ra đời của di tích.
2. Nét đặc sắc
- Miêu tả những nét đặc sắc nhất, độc đáo nhất (về kiến trúc, ẩm thực, lễ hội…)
- Đôi nét về những cảnh quan thiên nhiên xung quanh
3. Vai trò, ý nghĩa đối với đời sống tinh thần của địa phương
- Phương diện vật chất
- Phương diện tinh thần
Tình cảm của em đối với danh lam, thắng cảnh đó.
“Ai về đến huyện Đông Anh,
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.
Cổ Loa hình ốc khác thường,
Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây.”
Mỗi khi nghe bài ca dao này, em không khỏi cảm thấy tự hào khi nghĩ về quê hương mình. Chắc hẳn, là một người dân Việt Nam, ai cũng đã từng nghe đến truyền thuyết về vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa với sự giúp đỡ của thần Kim Quy. Trải qua năm tháng, thành Cổ Loa vẫn còn nguyên những giá trị về lịch sử, văn hóa.
Thành Cổ Loa được xây dựng vào khoảng thế kỷ III TCN, dưới thời trị vì của An Dương Vương, do sự chỉ đạo trực tiếp của Cao Lỗ. Thành tọa lạc tại một khu đất đồi nằm ở tả ngạn sông Hoàng - vốn là một nhánh lớn của sông Hồng. Ở thời Âu Lạc thì vị trí của Cổ Loa nằm ngay tam giác châu thổ sông Hồng, là nơi giao lưu giữa đường thủy và đường bộ. Đây được coi là vị trí có thể kiểm soát được cả đồng bằng lẫn vùng núi nên được chọn làm kinh đô.
Có lẽ, nếu nói đến nét đặc sắc nhất khi nhắc đến thành Cổ Loa, ai cũng sẽ phải công nhận đó là ở kiến trúc của thành. Theo tương truyền, thành bào gồm chín vòng xoáy trôn ốc. Tuy nhiên,căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành chỉ có ba vòng. Trong đó, vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi vòng ngoài là 8km, vòng giữa là 6,5km, vòng trong là 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4m - 5m, có chỗ cao đến 8m - 12 m. Chân lũy rộng 20m - 30m, mặt lũy rộng 6m - 12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.
Thành có cấu tạo gồm ba phần: thành nội, thành chung và thành ngoại. Thành nội có hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m -12m, chân rộng từ 20m - 30m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc “Ngự triều di quy”. Kế tiếp là thành trung xây dựng theo một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m. Thành có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3m - 4m (có chỗ tới hơn 8m). Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng.
Bên trong thành là các khu đình, đền bao gồm: đền Thượng (đền thờ An Dương Vương) được dựng trên khu đất rộng 19.138,6m2. Tại vị trí lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạt. Trong đền còn lưu giữ năm tấm bia đá và năm mươi ba hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc. Kiến trúc đền bao gồm tiền tế theo kiểu ba gian, hai chái. Hệ khung kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Trên hệ mái đắp các đầu đao cong, tượng nghê chầu. Các bộ vì chính được làm theo kiểu giá chiêng, sơn son thếp vàng, chạm họa tiết “rồng vờn mây”; trung đường đấu mái liền với hậu cung, tạo thành dạng thức kiến trúc kiểu “chuôi vồ”, bên trong đặt tượng An Dương Vương, bằng đồng, nặng khoảng 200kg, đúc năm 1897. Tiếp đến là đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy) có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung. Đại đình gồm năm gian, hai chái. Kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài, với bốn góc đao cong vút. Các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, với sáu hàng chân cột. Hậu cung nối liền với đại đình qua bộ cửa bức bàn phía dưới và đấu mái ở phía trên. Các đề tài trang trí trên kiến trúc này mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII. Kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu) nằm tọa lạc trên khu vực rộng 925,4m2. Mặt bằng kiến trúc được bố cục theo dạng “tiền Nhất, hậu Đinh”, gồm các tòa tiền tế, trung đường và hậu cung. Chùa Cổ Loa hay Bảo Sơn tự được khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Bố cục mặt bằng nền theo dạng “nội Công, ngoại Quốc”, gồm các hạng mục với tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu cung, gác chuông, tháp mộ, cổng hậu, nhà Tổ, nhà ni, nhà khách. Chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự) được dựng vào thời Hậu Lê, trên diện tích rộng 4.922,4m2. Chùa quay hướng Nam, bao gồm các hạng mục: Tam bảo, tiền đường, thượng điện, nhà Mẫu, giải vũ, hành lang… Cuối cùng, đình Mạch Tràng: tọa lạc trên một khu đất cao, có diện tích 6.198,4m2, gồm các hạng mục tiền tế, đại đình và hậu cung.
Thành Cổ Loa có giá trị về nhiều mặt. Về quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc bảo vệ đất nước. Về văn hóa, thành Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa. Một bằng chứng về sự sáng tạo cũng như trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.
Thành Cổ Loa chính là di tích lịch sử thể hiện nét đẹp không chỉ của quê hương em mà còn là của đất nước Việt Nam.
Việt Nam - mảnh đất hình chữ S với biết bao nhiêu những danh lam thắng cảnh đặc sắc. Nhưng có lẽ, đối với riêng tôi, mảnh đất Hà Nội - quê hương đã gắn bó với nhiều kỉ niệm tuổi thơ là đẹp nhất.
Hà Nội mang trong mình nét đẹp hài hòa giữa sự cổ kính và hiện đại. Trải qua những năm tháng chiến tranh hào hùng, thành phố đã được đổi tên nhiều lần Đông Đô, Thăng Long để đến với cái tên Hà Nội như ngày hôm nay.
Hà Nội cổ được biết đến với ba mươi sáu phố phường. Trong những bức hoạ nổi tiếng về Hà Nội, hình ảnh những con phố cổ nhỏ quanh co với những ngôi nhà mái ngói ngả màu rêu phong đã trở thành một nét riêng, một phần trong tâm hồn người Hà Nội, mà mỗi khi nhìn thấy, người ta không thể không cảm thấy một nỗi xao xuyến khó tả. Phố cổ Hà Nội được đặt tên theo các mặt hàng mà con phố đó buôn bán. Nào là hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay.. Ngày nay vẫn còn những tên phố duy trì được đặc trưng này. Có những phố, hầu hết các gia đình đều theo một nghề thủ công. Nghề được cha truyền con nối và tồn tại đến tận ngày nay.
Nét cổ Hà Nội còn được thể hiện qua những công trình kiến trúc đẹp và độc đáo. Nằm giữa lòng thành phố là Hồ Hoàn Kiếm với hai địa danh nổi tiếng là Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn. Khi nhắc đến Hồ Gươm người ta nhớ đến “Truyền thuyết Hồ Gươm” kể về việc vua Lê Lợi được Rùa Vàng cho mượn gươm đánh giặc. Ta cũng không quên nhắc đến Văn Miếu - ngôi trường đại học cổ nhất của Việt Nam. Với những tấm bia tiến sĩ ghi lại tên tuổi các vị tiến sĩ qua từng triều đại. Ngoài ra, đó còn là ngôi chùa Trấn Quốc, nằm trên một dải đất nhỏ trên Hồ Tây. Chùa là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội với những bàn thờ các đức Phật uy nghiêm bên trong, cùng lăng tẩm của các vị chân tu qua nhiều đời trụ trì. Mênh mông xung quanh là nước, ngôi chùa nằm trên đường Thanh Niên này được xây dựng từ thế kỉ thứ 6. Hay như đền Quán Thánh gần đó được xây dựng vào năm 1010. Ngôi đền thu hút được sự ngưỡng mộ của du khách nhờ bức tượng Huyền Thiên (một trong bốn vị tướng trấn thành Thăng Long) được đúc bằng đồng đen cao 3,72m, nặng bốn tấn. Đây là một trong những tác phẩm độc đáo mà các nghệ nhân đúc đồng cổ Hà Nội để lại cho con cháu. Ngắm nhìn bức tượng, các nghệ nhân ngày nay cũng phải thầm cảm phục sự khéo léo của các bậc tiền bối bởi bức tượng khổng lồ này hoàn toàn được đúc bằng tay với những dụng cụ rất thô sơ của thế kỷ XVII. Chùa Kim Liên ở phủ Tây Hồ cũng là một di tích độc đáo…
Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, Hà Nội còn khoác lên mình một vẻ đẹp hiện đại. Đó chính là vẻ đẹp của kiến trúc Pháp. Với một loạt các công trình mang đậm dấu ấn phương Tây như: Nhà Thờ Lớn, Bắc Bộ Phủ, Nhà Hát Lớn... Ngoài ra, sự hiện đại của thủ đô cũng thể hiện qua việc ngày càng có nhiều những tòa nhà cao tầng được xây dựng.
Nét đẹp của Hà Nội dù hiện đại hay cổ kính đều có những vẻ đẹp riêng biệt. Mỗi chúng ta, hãy luôn trân trọng vẻ đẹp của một thủ đô ngàn năm văn hiến.