Kiểm tra tổng hợp cuối năm

Soạn bài Mẫu 1

I. Những nội dung cơ bản cần chú ý

1. Phần Đọc - hiểu văn bản

- Văn nghị luận: một số tác phẩm nghị luận chính trị - xã hội và nghị luận văn học như Tiếng nói của văn nghệ (Nguyễn Đình Thi), Bàn về đọc sách (Chu Quang Tiềm), Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten (Hi-pô-lít Ten)…

- Thơ hiện đại: các bài thơ sau Cách mạng tháng Tám 1945 như Con cò (Chế Lan Viên), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Sang thu (Hữu Thỉnh), Nói với con (Y Phương)... Bên cạnh bài thơ Việt Nam, còn có thơ nước ngoài như bài Mây và sóng (Ta-go)...

- Truyện hiện đại (học các tác phẩm như Bến quê (Nguyễn Minh Châu), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê). Phần truyện nước ngoài trích đoạn các tác phẩm: Rô-bin-xơn Cru-xô (Đi-phô), Bố của Xi-mông (Mô-pa-xăng), Con chó Bấc (Lân-đơn).

- Kịch hiện đại: học trích đoạn kịch Bắc Sơn (Nguyễn Huy Tưởng), Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ).

2. Phần Tiếng Việt

Một số kiến thức như: Khởi ngữ, Các thành phần biệt lập, Liên kết câu và liên kết đoạn văn, Nghĩa tường minh và hàm ý…

3. Phần Tập làm văn

  • Nghị luận xã hội và nghị luận văn học
  • Một số văn bản như Biên bản, Hợp đồng, Thư (điện) chúc mừng và thăm hỏi.

II. Luyện tập

Câu 1. Nghị luận về quan điểm: “Cho đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc”

Gợi ý:

1. Mở bài

- Cuộc sống của con người luôn tồn tại một thứ tình cảm thiêng liêng: tình yêu thương.

- Chỉ khi chúng ta biết yêu thương, mới có thể nhận lại được hạnh phúc.

2. Thân bài

a. Giải thích

- Tình yêu thương:

  • Là một khái niệm chỉ phẩm chất tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn của con người.
  • Đó là tình cảm thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau.
  • Là thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng, xuất phát từ thành tâm, thành ý.

- Hạnh phúc:

  • Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về hạnh phúc.
  • Theo góc độ khoa học: Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng.
  • Theo suy nghĩ cá nhân: Hạnh phúc lớn nhất trên đời này là tin rằng mình được yêu (Victor Hugo).

⇒ Khi con người biết yêu thương, sẻ chia với nhau thì họ sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc.

b. Chứng minh

- Từ khi sinh ra, con người đã nhận được sự yêu thương của gia đình và người thân: bố mẹ là người bao bọc, dạy dỗ...

- Khi lớn lên, chúng ta nhận được tình yêu thương từ những người xung quanh: người yêu, bạn bè, thầy cô…

- Sức mạnh của tình yêu thương:

  • Giúp con người vượt qua mọi nghịch cảnh trong cuộc sống.
  • Luôn cảm thấy vui vẻ, ấm áp và hạnh phúc.

c. Bình luận

- Nhiều người không có tình yêu thương thì dễ mắc phải những căn bệnh tâm lý (trầm cảm, vô cảm…).

- Đôi khi, tình yêu thương không xuất phát từ trái tim chân thành sẽ đem đến những tổn thương.

d. Liên hệ bản thân

- Em có được tình yêu thương đến từ: gia đình, thầy cô, bạn bè.

- Em cũng học cách yêu quý, chia sẻ với những người xung quanh để bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn.

3. Kết bài

- Quan điểm sống “Cho đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc” thực sự đúng đắn.

- Mỗi người hãy học cách sống biết yêu thương, sẻ chia hơn.

Câu 2.

Đề 1: Phân tích tác phẩm Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm

Gợi ý:

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Chu Quang Tiềm và tác phẩm Bàn về đọc sách.

2. Thân bài

a. Tầm quan trọng của việc đọc sách

- Muốn phát triển và trưởng thành, con người phải tiếp thu, kế thừa có sáng tạo những tri thức, kinh nghiệm, thành tựu mà loài người đã tìm tòi, tích lũy được trong suốt quá trình phát triển lịch sử. Sách là kho tàng kinh nghiệm, là di sản tinh thần quý báu của loài người.

- Đối với mỗi con người, đọc sách là cách tốt nhất để tiếp thu kinh nghiệm xã hội, kinh nghiệm sống. Đọc sách còn là sự chuẩn bị để tiến hành cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, tích luỹ tri thức, khám phá và chinh phục thế giới.

b. Những khó khăn của việc đọc sách hiện nay

- Lượng sách in ra ngày càng nhiều, nếu không có sự lựa chọn, xử lý thông tin khoa học, con người dễ bối rối trước kho tàng tri thức khổng lồ mà nhân loại đã tích luỹ được. Chu Quang Tiềm đã chỉ ra một cách xác đáng những nguy hại thường gặp:

  • Sách nhiều khiến cho người ta không chuyên sâu, dễ sa vào lối "ăn tươi nuốt sống" chứ không kịp tiêu hoá, không biết nghiền ngẫm.
  • Sách nhiều khiến người đọc khó chọn lựa, lãng phí thời gian và sức lực với những cuốn không thật có ích.

c. Phương pháp (cách lựa chọn) và cách đọc sách mang lại hiệu quả

* Phương pháp chọn sách:

- Không tham đọc nhiều, đọc lung tung mà phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ những quyển sách thực sự có giá trị, có ích cho mình.

- Cần đọc kỹ các cuốn sách, tài liệu cơ bản thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên sâu của mình.

- Trong khi đọc chuyên sâu, không nên xem thường những loại sách thường thức, gần gũi với chuyên môn của mình. Tác giả khẳng định: "Trên đời không có học vấn nào là cô lập, không có liên hệ kế cận", vì thế "không biết thông thì không thể chuyên, không biết rộng thì không thể nắm gọn. Trước biết rộng rồi sau mới nắm chắc, đó là trình tự để nắm vững bất cứ học vấn nào".

* Cách đọc sách hiệu quả:

- Không nên đọc lướt qua, vừa đọc phải vừa suy ngẫm, "trầm ngâm tích luỹ tưởng tượng", nhất là với các cuốn sách có giá trị.

- Không nên đọc một cách tràn lan, quyển nào có cũng đọc mà phải đọc một cách có kế hoạch và hệ thống. Có thể coi đọc sách là một công việc rèn luyện, một cuộc chuẩn bị âm thầm và gian khổ.

- Cũng theo tác giả, đọc sách không chỉ là việc học tập tri thức mà còn là chuyện rèn luyện tính cách, chuyện học làm người.

3. Kết bài

Khái quát nội dung và giá trị của tác phẩm Bàn về đọc sách.

Đề 2: Cảm nhận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Gợi ý:

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ".

- Cảm nhận chung về bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ".

2. Thân bài

a. Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên

- Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp trong tưởng tượng của tác giả:

  • Các hình ảnh đặc trưng của mùa xuân: hoa tím, sông xanh, bầu trời cao rộng
  • Âm thanh tiếng chim chiền chiện.
  • Giọt long lanh: hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác độc đáo.

⇒ Tác giả say đắm trong mùa xuân của thiên nhiên đất trời với tâm thế đón nhận trân trọng

b. Cảm xúc trước mùa xuân của đất nước

- Hình ảnh lộc xuân trên “nương mạ”: cuộc sống lao động xây dựng đất nước của lực lượng sản xuất.

- Hình ảnh người cầm súng: niềm tin vào ngày mai hòa bình.

- Từ láy “hối hả” và “xôn xao”: thể hiện nhịp sống lao động khẩn trương vội vã nhưng nhộn nhịp, vui vẻ kết hợp hài hòa với nhau.

- Đất nước được so sánh với những hình ảnh đẹp đẽ, kì vĩ.

- Nhắc nhở mọi người nhớ về những tháng ngày gian khổ trong chiến đấu, cách mạng

- Phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên phía trước dù khó khăn gian khổ.

⇒ Sự lạc quan tin tưởng của nhà thơ ca ngợi sức sống, sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước, dân tộc cho dù trước mắt trải qua nhiều khó khăn, gian khổ

c. Mong ước được cống hiến của nhân vật trữ tình

- Điệp ngữ “ta” kết hợp với các hình ảnh “con chim hót, một nhành hoa, nhập vào hòa ca”: hòa nhập giữa cái riêng và cái chung.

- Hình ảnh ẩn dụ “mùa xuân nho nhỏ”: thể hiện khát vọng được cống hiến và sống ý nghĩa được thể hiện một cách thiết tha.

- Điệp ngữ “dù” kết hợp với “tuổi hai mươi” - còn trẻ, “khi tóc bạc” - già dặn: khát vọng được cống hiện trọn đời.

- Khát vọng sống với tình yêu quê hương, đất nước: xin được hát câu Nam ai, Nam bình để đón mùa xuân, ca ngợi mảnh đất Huế mộng mơ.

3. Kết bài

Đánh giá về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

Mẫu 2

I. Những nội dung cơ bản cần chú ý

1. Phần Đọc - hiểu văn bản

- Văn nghị luận: Một số tác phẩm nghị luận chính trị - xã hội và nghị luận văn học như Tiếng nói của văn nghệ (Nguyễn Đình Thi), Bàn về đọc sách (Chu Quang Tiềm), Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten (Hi-pô-lít Ten)…

- Thơ hiện đại: các bài thơ sau Cách mạng tháng Tám 1945 như Con cò (Chế Lan Viên), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Sang thu (Hữu Thỉnh), Nói với con (Y Phương)... Bên cạnh bài thơ Việt Nam, còn có thơ nước ngoài như bài Mây và sóng (Ta-go)...

- Truyện hiện đại (học các tác phẩm như Bến quê (Nguyễn Minh Châu), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê). Phần truyện nước ngoài trích đoạn các tác phẩm: Rô-bin-xơn Cru-xô (Đi-phô), Bố của Xi-mông (Mô-pa-xăng), Con chó Bấc (Lân-đơn).

- Kịch hiện đại: học trích đoạn kịch Bắc Sơn (Nguyễn Huy Tưởng), Tôi và chúng ta (Lưu Quang Vũ).

2. Phần Tiếng Việt

Một số kiến thức như: Khởi ngữ, Các thành phần biệt lập, Liên kết câu và liên kết đoạn văn, Nghĩa tường minh và hàm ý…

3. Phần Tập làm văn

a. Nghị luận xã hội (nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng đạo lí) và nghị luận văn học (nghị luận về một tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) hoặc về một đoạn thơ, bài thơ).

b. Một số văn bản như Biên bản, Hợp đồng, Thư (điện) chúc mừng và thăm hỏi.

II. Một số câu hỏi ôn tập

Câu 1. Nghị luận về yếu tố tạo nên sự thành công.

Gợi ý:

Trên hành trình chinh phục thành công, mỗi người hãy luôn ý thức được rằng: “ Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến ” (A.Moravia). Và chỉ có không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân, chúng ta mới có được thành công.

Thật khó khăn khi muốn xác tìm ra một định nghĩa đúng về hai chữ “thành công”. Nó là một điều gì đó mà mỗi người trong xã hội này đều mong muốn đạt được. Nói một cách đơn giản nhất thì thành công là đạt được mục tiêu đã đề ra trong công việc hay trong cuộc sống. Và mỗi người trong xã hội đều có những hy vọng về sự thành công riêng của bản thân. Điều đó không chỉ để chứng minh cho xã hội thấy được năng lực của bản thân mà còn để thỏa mãn khát vọng chiến thắng vốn có trong mỗi con người. Nhưng có đôi lúc, có nhiều người đã chạm đến đỉnh cao danh vọng mà vẫn thấy cô đơn, chỉ vì họ không đem lại cho những người xung quanh tình yêu và sự hạnh phúc. Dù với mỗi người, sự thành công là khác nhau nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cảm giác hạnh phúc khi đạt được thành công.

Có rất nhiều yếu tố để tạo nên sự thành công của mỗi người. Yếu tố đầu tiên mà chúng ta có thể kể đến chính là thời cơ. Tuy không đóng vai trò quyết định nhưng đây cũng là một yếu tố khá quan trọng. Nếu như khi cơ hội đến với bạn, và bạn biết cách nắm bắt nó để tận dụng thật tốt thì đó chính là một khởi đầu hoàn hảo. Đối với những người nông dân, có lẽ thời cơ của họ đến từ thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi, mùa màng sẽ bội thu và đối với họ đó chính là thành công lớn nhất. Nhưng thời cơ không quyết định quá nhiều đến thành công mà nó phải phụ thuộc vào bản thân mỗi con người. Yếu tố rút ngắn con đường thành công nhanh nhất chính là tài năng. Những người sinh ra đã mang trong mình một năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó và tự ý thức được sẽ dễ dàng đến với thành công hơn. Nhưng không phải ai cũng có tài năng. Khi đó, việc rèn luyện cho mình một trí tuệ vững mạnh sẽ biến ta thành người nắm lợi thế để đến với thành công nhanh nhất. Học vấn luôn là con đường ngắn nhất đến với thành công. Chắc hẳn ai cũng ý thức được điều đó. Khi bạn am hiểu sâu rộng ở một lĩnh vực nhất định, chắc chắn bạn sẽ có được một nền tảng tốt cho công việc của mình. Người nông dân muốn có vụ mùa bội thu thì phải có hiểu biết về giống cây mình trồng (cách gieo trồng, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch). Nhờ có trí tuệ mà chúng ta có khả năng phân tích và xử lý những tình huống phát sinh trong công việc một cách tốt nhất. Có trí tuệ thôi chưa đủ, lòng say mê với công việc cũng rất cần thiết. Nếu như làm một việc gì đó vì bị ép buộc sẽ khiến bản thân cảm thấy chán nản, không muốn cố gắng và dễ dàng bỏ dở giữa chừng. Nhưng khi bản thân cảm thấy yêu thích, say mê và muốn cống hiến cho công việc ấy thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn rất nhiều. Chúng ta cũng cố gắng không ngừng tìm tòi học hỏi cho đến khi đạt được một kết quả nhất định. Thomas Edison đã từng thất bại hơn 10.000 lần mới phát minh ra được chiếc bóng đèn đầu tiên cho nhân loại. Ông từng nói rằng: " Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình ". Nếu không nhờ có lòng say mê và trí tuệ hơn người, liệu ngày nay chúng ta sẽ có những chiếc bóng đèn để sử dụng? Việc trau dồi những kỹ năng mềm như khả năng lắng nghe, hợp tác cũng sẽ giúp cho hiệu quả công việc của bạn cao hơn. Vì chúng ta đang sống trong một tập thể cùng nhau cố gắng để phát triển, dù làm công việc gì cũng cần có sự hỗ trợ từ những người xung quanh mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.

Không có sự thành công nào của họ đến một cách dễ dàng. Bản thân họ đều phải luôn cố gắng trau dồi, rèn luyện bản thân để chinh phục được mục tiêu mà mình đã đặt ra. Không chỉ vậy, chẳng có thành công nào là mãi mãi nên khi đạt được thành công chúng ta không nên tự thỏa hiệp mà dễ dàng ngủ quên trên chiến thắng của ngày hôm qua.

Đối với một học sinh cuối cấp như em thì thành công lớn nhất lúc này là thi đỗ kỳ thi cấp 3. Khi hiểu được những yếu tố của sự thành công, em sẽ cố gắng để rèn luyện trí tuệ và phẩm chất đạo đức, cũng như tìm được đam mê của bản thân để đạt được mục tiêu trước mắt cũng như những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Quả vậy, ai cũng mong muốn mình sẽ đạt được một thành công gì đó trong cuộc đời. Và trên hành trình bước đến thành công, chúng ta hãy tạo dựng cho mình một đôi cánh mạnh mẽ để có thể bay cao trên bầu trời mơ ước.

Câu 2. Phân tích hình tượng những chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Gợi ý:

Phạm Tiến Duật thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” - một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ, người đọc sẽ cảm thấy ấn tượng với hình ảnh những chiếc xe không kính.

Khi đọc nội dung, người đọc chắc hẳn biết được đó là một “bài thơ”. Vậy mà Phạm Tiến Duật lại đưa vào nhan đề là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Hai chữ “bài thơ” đã cho ta thấy rõ cách khai thác, cách nhìn hiện thực cuộc sống của tác giả. Không chỉ viết về những chiếc xe không kính hay hay hiện thực khốc liệt của chiến tranh mà chủ yếu nói về chất thơ từ hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ của những người lính lái xe. Những chiếc xe không kính vốn không phải vì không có kính, mà trải qua những năm tháng bom rơi, bão đạn khiến kính của chúng bị vỡ đi. Không chỉ một chiếc xe mà là “tiểu đội” - đơn vị quân đội nhỏ nhất: Đây không phải là một trường hợp hy hữu mà là hoàn cảnh chung của những chiếc xe vận chuyển trên tuyến đường Trường Sơn. Tiểu đội xe không kính được tác giả khắc họa cũng chỉ là một trong rất nhiều tiểu đội như vậy.

Những chiếc xe không kính là hình ảnh trung tâm của bài thơ. Ngay từ câu thơ mở đầu, hình ảnh những chiếc xe không kính đã xuất hiện cùng với đó là việc lý giải nguồn gốc của nó:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

Với biện pháp tu từ điệp ngữ - các từ “không có kính” nhằm khẳng định, những chiếc xe ban đầu đều lành lặn, hoàn chỉnh. Nhưng trong quá trình di chuyển nơi chiến trường khốc liệt, bom đạn của kẻ thù bắn phá đã khiến kính xe vỡ đi.

Cái thú vị ở đây là, không chỉ một chiếc xe không có kính, mà là rất nhiều chiếc xe. Tất cả những chiếc xe ấy từ trong mưa bom bão đại trở về họp thành một tiểu đội:

“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội”

Hình ảnh những chiếc xe không kính được khắc họa để tô đậm thêm những khó khăn của người lính lái xe trên những tuyến đường vận chuyển:

"Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi."

Nhưng đâu chỉ là không có kính, chiếc xe ấy còn bị hỏng hóc thậm chí là không có cả những bộ phận tưởng chừng như cần thiết nhất:

“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước”

Điệp từ “không có…” cùng với việc liệt kê một loạt các hình ảnh: “xe “kính, mui, đèn, thùng xe” đã cho thấy cái nhìn rất chân thực về chiến tranh. Sự khốc liệt của bom đạn đã hủy hoại đi những bộ phận quan trọng nhất của một chiếc xe.

Nhưng dù có vậy thì chiếc xe vẫn cứ chạy trên mọi nẻo đường, bởi bộ phận quan trọng nhất vẫn giúp cho xe tiếp tục băng băng trên chặng đường phía trước vẫn còn đó. Đó là “một trái tim” - hình ảnh hoán dụ chỉ người lính lái xe. Họ giống như thứ “động cơ” không bao giờ biết mệt mỏi, giúp cho tiểu đội xe không kính vẫn tiếp tục trên hành trình vận chuyển vũ khí, đạn dược đến tiền tuyến:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Tóm lại, những chiếc xe không kính là một hình ảnh có tính biểu tượng cao, nhằm khắc họa những khó khăn mà người lính lái xe phải trải qua cũng như tô đậm thêm vẻ đẹp của họ.

  • 239 lượt xem
Sắp xếp theo