Ôn tập phần Tập làm văn

Soạn bài

Hướng dẫn chuẩn bị bài:

Câu 1. Phần Tập làm văn trong Ngữ văn 9, tập một có những nội dung lớn nào? Những nội dung nào là trọng tâm cần chú ý?

- Những nội dung lớn trong phần Tập làm văn lớp 9: Văn thuyết minh và Văn tự sự.

- Nội dung trọng tâm cần chú ý:

  • Cách sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn thuyết minh.
  • Cách sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm trong văn tự sự.

Câu 2. Vai trò, vị trí, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh như thế nào? Cho một ví dụ cụ thể.

* Vai trò:

- Muốn cho văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn, người ta vận dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật như kể chuyện, tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hóa hoặc các hình thức vè, diễn ca.

- Các biện pháp nghệ thuật cần được sử dụng thích hợp, góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc.

* Ví dụ: Trong văn bản thuyết minh về con chó, người viết có thể sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả để miêu tả ngoại hình của con vật (hình dáng, kích thước…)

Câu 3. Văn bản thuyết minh có yếu tố miêu tả, tự sự giống và khác với văn bản miêu tả, tự sự ở điểm nào?

- Miêu tả, tự sự trong thuyết minh nghiêng về tính khách quan, khoa học và được sử dụng có mức độ.

- Còn miêu tả, tự sự mang sắc thái chủ quan của người viết, sử dụng nhiều các biện pháp nghệ thuật.

Câu 4. Sách Ngữ văn 9, tập một nêu lên những nội dung gì về văn bản tự sự? Vai trò, vị trí và tác dụng của các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự như thế nào?
Hãy cho ví dụ một đoạn văn tự sự trong đoạn trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm; một đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận và một đoạn văn tự sự có sử dụng cả yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận. (Có thể lấy trong các tác phẩm văn học đã học, đã đọc hoặc trong các bài văn tham khảo của bạn cũng như của mình…)

- Những nội dung về văn bản tự sự là: miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự.

- Vai trò, vị trí và tác dụng của yếu tố miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự:

  • Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự là tái hiện những ý nghĩ, cảm xúc và diễn biến tâm trạng của nhân vật. Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật sinh động.
  • Người ta có thể miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn tả những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật nhưng cũng có thể miêu tả nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả nét mặt, cử chỉ, trang phục… của nhân vật.

- Ví dụ: Đoạn văn thuật lại cảnh Mã Giám Sinh mua Kiều.

Gần nhà Kiều có một mụ mối đưa người viễn khách vào vấn danh. Khi hỏi tên thì được biết đó là Mã Giám Sinh, quê ở huyện Lâm Thanh, tuổi đã ngoài bốn mươi. Nhìn bề ngoài, Mã Giám Sinh ăn mặc chải chuốt, bảnh bao nhưng bản chất thì lại thô lỗ. Chẳng mấy chốc, Mã Giám Sinh đã bộc lộ đúng bản chất của một con buôn khi liên tục giục Kiều đến xem mặt, thử tài đàn hát. Kiều vô cùng đau đớn, xót xa khi lâm vào cảnh ngộ này. Mỗi bước đi đều tuôn lệ vì tủi nhục. Khi bà mối đưa giá ngàn vàng, Mã Giám Sinh còn mặc cả để mua Kiều với giá ngoài bốn trăm.

Câu 5. Thế nào là đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm? Vai trò, tác dụng và hình thức thể hiện của các yếu tố này trong văn bản tự sự như thế nào? Tìm các ví dụ về đoạn văn tự sự có sử dụng các yếu tố đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm.

* Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm:

- Đối thoại là hình thức đối đáp, trò chuyện giữa hai hoặc nhiều người. Trong văn bản tự sự, đối thoại được thể hiện bằng các gạch đầu dòng ở đầu lời trao và lời đáp (mỗi lượt lời là một lần gạch đầu dòng).

- Độc thoại là lời của một người nào đó nói với chính mình hoặc nói với một ai đó trong tưởng tượng. Trong văn bản tự sự, khi người độc thoại nói thành lời thì phía trước câu nói có gạch đầu dòng, còn khi không thành lời thì không có gạch đầu dòng. Trường hợp sau gọi là độc thoại nội tâm.

* Vai trò: Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm là những hình thức quan trọng để thể hiện nhân vật trong văn bản tự sự.

* Ví dụ:

Trong gia đình, người tôi yêu thương và kính trọng nhất chính là ông nội. Ông năm nay đã bảy mươi tuổi. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn lắm.

Ông nội sống cùng với gia đình tôi khi tôi còn nhỏ. Chính vì vậy, ông là người đã thay bố mẹ chăm sóc tôi những lúc cả hai phải đi làm. Đối với tôi, ông giống như một ông bụt vậy. Vì đã nghỉ hưu nên khi ở nhà rảnh rỗi, ông thường chăm sóc những cây cảnh trong vườn. Buổi chiều, mỗi khi đi học về tôi thấy ông cặm cụi trong vườn cắt tỉa từng chiếc lá, tưới nước cho từng chậu cây. Vì được ông chăm sóc cẩn thận nên chúng rất tươi tốt và thường xuyên ra hoa. Những lúc đó, tôi lại chạy đến giúp đỡ ông, hai ông cháu vừa làm vừa trò chuyện rất vui vẻ. Tôi còn nhớ, có một lần, cuối năm học lớp năm, ông đã nói với tôi:

- Nếu cuối học kì, cháu đạt được kết quả tôi, ông sẽ mua cho cháu một chiếc cặp sách mới.

- Thật ạ? Vậy cháu sẽ cố gắng học hành thật chăm chỉ ạ! - Tôi háo hức trả lời ông.

Cuối năm học, tôi tự nhủ: “Chắc chắn mình sẽ cố gắng để nhận được chiếc cặp sách từ ông”. Không phụ sự kỳ vọng, kết quả cuối năm các môn chính đều trên chín điểm. Tôi đã cảm thấy vô cùng phấn khích, mong nhanh chóng được về nhà khoe với ông. Tôi tin rằng ông sẽ cảm thấy tự hào về mình. Hôm sau, đúng như lời hứa, ông đã tặng cho tôi một chiếc cặp sách mới tinh.

Ông nội là một người sống rất tình cảm, rất quan tâm đến con cháu của mình. Ông thường kể cho tôi nghe những câu chuyện về cuộc sống của ông thời bao cấp với rất nhiều câu chuyện thú vị. Mỗi khi ông bị ốm, nhìn ông nằm trên giường bệnh với khuôn mặt mệt mỏi. Khi ấy, lòng tôi rất buồn và chỉ mong sao ông sớm khỏi bệnh để hai ông cháu lại cùng nhau chơi cờ, tưới cây.

Đối với tôi, ông không chỉ là ông nội mà còn giống như một người bạn. Tôi luôn luôn yêu ông nội của mình từ tận đáy lòng.

- Đối thoại: “- Nếu cuối học kì, cháu đạt được kết quả tôi, ông sẽ mua cho cháu một chiếc cặp sách mới.

- Thật ạ? Vậy cháu sẽ cố gắng học hành thật chăm chỉ ạ! - Tôi háo hức trả lời ông”.

⇒ Như vậy:

- Độc thoại: “Chắc chắn mình sẽ nhận được chiếc cặp sách từ ông”.

- Độc thoại nội tâm: Khi ấy, lòng tôi rất buồn và chỉ mong sao ông sớm khỏi bệnh để hai ông cháu lại cùng nhau chơi cờ, tưới cây.

Câu 6. Tìm hai đoạn văn tự sự, trong đó có một đoạn người kể chuyện kể theo ngôi thứ nhất, một đoạn kể theo ngôi thứ ba. Nhận xét vai trò của mỗi loại người kể chuyện đã nêu.

* Tìm hai đoạn văn:

- Đoạn văn kể theo ngôi thứ nhất:

“Chúng tôi cứ ngồi im như vậy. Đằng đông, trời hửng dần. những bông hoa thược dược trong vườn đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình. Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu. Ngoài đường, tiếng xe máy, tiếng ô tô và tiếng nói chuyện của những người đi chợ mỗi lúc một ríu ran. Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này…”

(Cuộc chia tay của những con búp bê, Khánh Hoài)

- Đoạn văn kể theo ngôi thứ ba:

“Đời xưa, thời vua Hùng Vương, đất nước ta có núi cao, có sông rộng, trời đẹp nắng vàng, nhưng đồng ruộng thưa thớt, hoa quả chưa có nhiều thứ thơm ngọt như bây giờ. Vua Hùng Vương thứ mười bảy có một người con nuôi là An Tiêm có tài tháo vát và có trí hơn người.

Vua yêu mến An Tiêm thường ban cho của ngon vật quý. Thói thường, các quan được một chút lộc vua thì nâng niu ca tụng; riêng An Tiêm thường bảo: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ!” và xem thường các thứ ấy. Việc đến tai vua, vua giận lắm, bảo: “Đã thế ta cho nó cứ trông vào tài sức của nó xem có chết rũ xương ra không?”...”

(Sự tích trái dưa hấu)

* Nhận xét:

- Đoạn văn trên được kể theo ngôi thứ nhất: Người kể chuyện xưng “tôi”, các sự kiện và nhân vật được kể lại một cách chủ quan, thiên về bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của người kể chuyện.

- Đoạn văn trên được kể theo ngôi thứ ba: Người kể giấu mình đi. Các nhân vật như Mai An Tiêm hay Hùng Vương được gọi bằng tên của mình. Các sự kiện, nhân vật được kể lại dưới cái nhìn khách quan, toàn diện.

  • 6.880 lượt xem
Sắp xếp theo