Tú Uyên gặp Giáng Kiều (Trích Bích Câu kì ngộ)

I. Trước khi đọc

Câu hỏi: Theo bạn, thế nào là “người đẹp trong tranh” hay “người đẹp như tranh”? Hãy thử chia sẻ tưởng tượng của bạn về hình ảnh người đẹp bước ra từ một bức tranh.

- Người đẹp trong tranh là người có vẻ đẹp hoàn mỹ, nghiêng nước nghiêng thành, có đường nét sắc sảo đẹp như những bức tranh vẽ.

- Tưởng tượng về hình ảnh người đẹp bước ra từ bức tranh: khuôn mặt xinh đẹp, mái tóc dài thướt tha cùng những bước đi uyển chuyển,...

II. Đọc văn bản

Câu 1 (Suy luận): Bạn có nhận xét gì về tình cảm của chàng Tú Uyên thể hiện trong đoạn này?

- Tình cảm của chàng Tú Uyên trong đoạn này: là tình cảm si mê, cảm động trước vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng của cô nàng Giáng Kiều; chàng nguyện sẽ làm tất cả để đổi lấy nụ cười người con gái ngày đêm mình tương tư.

Câu 2 (Tưởng tượng): Hãy hình dung sự thay đổi của khung cảnh trước và sau khi nàng tiên Giáng Kiều làm phép.

- Khung cảnh trước khi nàng tiên Giáng Kiều làm phép: “Lòng người trông xuống sông Tương mơ hình”, “ngày tưởng đêm mơ đã chồn”, “ruột héo, gan mòn”, “nhắp sầu gối muộn có ngày nào nguôi”

→ Khung cảnh ảm đạm, ủ rũ, cô đơn, chỉ cô độc mình chàng Tú Uyên ngẩn ngơ, ôm mộng tương tư mỏi mệt. Ngày ngày chỉ biết thẫn thờ, tiếc nuối bóng nàng, quên ăn uống.

- Khung cảnh sau khi nàng tiên Giáng Kiều làm phép: “tưng bừng sắm sửa tiệc hoa/ Bình trầm đưa khói, chén hà đậm hương”, “tiếng vui đãi nguyệt, tiệc bày đối hoa”, “thảo am thoắt đã đổi ra lâu đài/ Tường quang sáng một góc trời”, “bên nói bên cười”, “bên mừng cố hữu, bên mời tân lang”, “khoe thắm đua vàng”.

→ Từ khi Giáng Kiều làm phép, khung cảnh bừng tỉnh, được ban phát sự sống. Cả khung cảnh bừng sáng, nhộn nhịp, vui vẻ, đông đúc.

III. Sau khi đọc

Câu 1: Dựa vào tóm tắt, cho biết cốt truyện của Bích Câu kì ngộ được xây dựng theo mô hình nào.

- Cốt truyện của Bích Câu kỳ ngộ được xây dựng theo mô hình: Gặp gỡ - Tai biến – Đoàn tụ.

Câu 2: Chỉ ra chi tiết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

Chi tiết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản: chi tiết Tú Uyên nhớ thương Giáng Kiều, hối hận, sinh ra sầu não, đau ốm, định quyên sinh. Đúng lúc ấy, Giáng Kiều hiện ra và tha lỗi cho chồng. Hai người nối lại tình xưa.

→ Chi tiết là là yếu tố tháo gỡ nút thắt, mở ra cái kết đẹp cho câu chuyện. Dù chi tiết mang tính hoang đường nhưng nó đã thể hiện được ước vọng vào ngày mai tươi sáng hơn của tác giả, đồng thời thể hiện xu hướng giải tỏa tâm thức của con người lúc bấy giờ, muốn thoát ly thế giới thực tại đầy bi ai, đầy dẫy bất trắc để tìm về nơi yên bình.

Câu 3: Phân tích đặc điểm của nhân vật Tú Uyên và Giáng Kiều thể hiện qua đoạn trích.

- Tú Uyên: giàu tình cảm, si mê và chung thủy; một lòng một dạ yêu Giáng Kiều.

- Giáng Kiều: xinh đẹp, hiền dịu, chung thủy; mến mộ và một lòng son sắt với Tú Uyên “túc trái tiền nhân”.

Câu 4: Nhận xét về cách thể hiện thái độ, tình cảm của nhân vật Giáng Kiều qua lời thoại dưới đây:

Thưa rằng: “Túc trái tiền nhân

Không dưng dễ xuống cõi trần làm chi

Song còn mấy bạn tương tri

Bấy lâu chưa có chút gì là đâu

Trước xin từ biệt cùng nhau

Chữ duyên này trở về sau còn dài”?

- Cách thể hiện thái độ, tình cảm khéo léo, tế nhị.

→ Có thể thấy, nhân vật Giáng Kiều là người con gái chung thủy, sắt son một lòng với chồng, dù cho trước khi Tú Uyên có gây ra lỗi lầm khiến Giáng Kiều bỏ về cõi tiên. Hơn thế nữa, nàng còn có tấm lòng bao dung, vị tha, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của chồng, nối lại duyên xưa.

Câu 5: Dấu hiệu nào trong đoạn trích cho thấy đây là truyện thơ Nôm bác học?

- Có thông tin về tác giả của tác phẩm (trí thức Nho học)

- Được sáng tác dưới hình thức văn vần, thể thơ lục bát, xoay quanh đề tài tình yêu.

- Có sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình.

- Cốt truyện xoay quanh số phận của 2 nhân vật chính với nội dung phản ánh số phận.

- Có chất lượng nghệ thuật cao khi nói đến hình ảnh Giáng Kiều.

Câu 6: Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc là gì?

- Những người có tình, sau bao nhiêu khó khăn, thử thách rồi sẽ đến được với nhau.

- Cần phải biết trân trọng từng khoảnh khắc và người yêu thương mình, đừng để mất đi mới hối tiếc.

IV. Bài tập sáng tạo

Hãy diễn xuôi đoạn trích này và nhận xét sự khác biệt giữa đoạn trích và đoạn diễn xuôi về hiệu quả thể hiện nội dung của tác phẩm.

Đến nơi, thơ thẩn mãi đến xế chiều, chẳng thấy đâu… buồn rầu dạo bước, chợt Tú Uyên thấy một cụ già bán tranh tố nữ, tranh có vẽ cô gái giống hệt người hôm nọ đã gặp ở Ngọc Hồ, bèn mua về treo ngay ở phòng học, đến bữa cơm lại dọn thêm chén đũa, mời mọc, chuyện trò với người trong tranh như người thật. Một hôm Tú Uyên ở trường về muộn, đến nhà đã thấy cơm nước bày sẵn. Lòng nghi hoặc, hôm sau, chàng giả cách đến trường, đi một quãng liền quay lại, nấp vào một chỗ. Lát sau thấy thiếu nữ từ trong tranh bước ra quét dọn, lo bếp núc. Mừng rỡ vô cùng, Tú Uyên bước ra vái chào. Thiếu nữ không biến đi đâu được, thú thật mình là Giáng Kiều, người tiên vốn có tiền duyên với chàng. Tú Uyên tha thiết xin phối ngẫu. Giáng kiều bằng lòng rồi hóa phép biến nhà thành lâu đài nguy nga với đủ người phục dịch. Đám cưới được tổ chức, yến tiệc linh đình với bao nhiêu khách tiên đến dự…

- Sự khác biệt giữa đoạn trích và đoạn diễn xuôi về hiệu quả thể hiện nội dung của tác phẩm:

  • Đoạn trích truyện thơ sử dụng lời thơ để diễn đạt lại câu chuyện (kết hợp yếu tố tự sự với trữ tình); đoạn trích diễn xuôi sử dụng hoàn toàn lời văn (yếu tố tự sự) để thuật lại. Như vậy, về hình thức phần diễn xuôi đơn điệu hơn, không có nhiều giá trị về mặt nghệ thuật. 
  • Việc sử dụng ngôn ngữ thơ để thuật lại câu chuyện giúp sinh động, hấp dẫn hơn, thể hiện tài hoa của người viết, đồng thời nhờ thơ có vần nhịp nên người đọc cũng dễ tiếp nhận và ghi nhớ hơn. 
  • 10 lượt xem
Sắp xếp theo