Chiếc lá đầu tiên

I. Tìm hiểu chung

1. Tri thức Ngữ văn: Thể loại

- Tình cảm, cảm xúc trong thơ là những rung động nội tâm, những cảm nhận của nhà thơ về cuộc sống. Tình cảm, cảm xúc trong thơ đánh thức những rung động tinh tế trong trái tim người đọc.

- Cảm hứng chủ đạo trong thơ:

  • Cảm hứng là trạng thái tâm lí dạt dào cảm xúc và sự lôi cuốn, thôi thúc mãnh liệt đối với con người khi tiếp xúc với một hiện tượng, sự vật hay thực hiện một công việc, một hành động nào đó.
  • Cảm hứng chủ đạo trong thơ là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm thơ, tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm. Một tác phẩm thơ có thể có nhiều cảm hứng, nhưng chỉ có một cảm hứng chủ đạo vì đó là cảm hứng chính, bao trùm tác phẩm.

2. Tác giả

a. Tiểu sử

- Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, là con đầu của nhạc sỹ Hoàng Giác. Quê quán: Đông Ngạc - Từ Liêm – Hà Nội.

- Cuộc đời: 

Năm 1969
  • Là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1971
  • Đang học dở khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hoàng Nhuận Cầm tình nguyện nhập ngũ vào binh củng Phòng không – Không quân.
  • Ông đã từng chiến đấu tại mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Năm 1976
  • Trở lại tiếp tục học chương trình Đại học.
Năm 1981
  • Làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó, chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam một thời gian

Năm 2005

  • Quay trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam

Năm 2006 - 2021

  • Sống tại Hà Nội, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và cùng vợ lập Hãng phim tư nhân Điệp Vân.

Năm 2021

  •  Đột ngột qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội.

b. Sự nghiệp

- Các tác phẩm chính đã được xuất bản: Thơ tuổi 20 (in chung, 1974), Những câu thơ viết đợi mặt trời (thơ, 1983), Xúc xắc mùa thu (thơ, 1992), Thơ với tuổi thơ (thơ, 2004), Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (thơ,2007), 36 bài thơ tuyển chọn (thơ, 2008)…

Ngoài sáng tác thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim: Lỗi lầm, Đằng sau cánh cửa, Đêm hội Long Trì, Hà Nội – Mùa đông năm 46, Pháp trường trắng, Ai lên xứ hoa đào, Đoạn trường chiêm bao, Nhà tiên tri, Mùi cỏ cháy…

- Phong cách nghệ thuật: Giọng điệu trẻ trung, sôi nổi, giàu chất trữ tình.

2. Tác phẩm

- Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng chia sẻ: “Có bài thơ tôi viết rất nhanh. Ví dụ bài Sông Thương tóc dài tôi viết trong vòng 5 phút trên vỏ bao thuốc lá, riêng bài Chiếc lá buổi đầu tiên tôi viết trong 10 năm.”

  • Bài thơ ban đầu có tên là Trường ơi, chào nhé. Khổ đầu tiên được viết vào năm đầu tiên tác giả vào đại học, khi vừa mới bước qua i“tuổi khăn quàng, phấn trắng, nắng vô tâm”.
  • Khổ tiếp theo ông viết khi nhập ngũ. Lúc đó là những cảm xúc đã được chắt lọc qua thời gian cùng nỗi nhớ trường lớp, bạn bè, thầy cô, nhớ về tuổi học trò tuổi thần tiên.
  • Thật may mắn sau đó, người lính lãng mạn đó lại trở về sau chiến tranh để làm tiếp bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” khi mà người bạn thân của mình là Nguyễn Văn Thạc “mãi mãi tuổi 20” nơi mặt trận Quảng Trị.
  • Khổ cuối cùng của bài thơ ra đời vào thời điểm sau ngày 30- 4-1975, đất nước thống nhất.

⇒ Bài thơ là kí ức của tác giả về những kỉ niệm tuổi học trò (trường cũ, lớp học năm xưa, bạn bè, những trò nghịch ngợm...và cả tình yêu đầu tiên của mình)

II. Soạn bài Chiếc lá đầu tiên

Trước khi đọc

Kỉ niệm nào về mái trường khiến bạn xúc động nhất? Hãy chia sẻ với các bạn về điều đó.

⇒ Một số kỉ niệm như: Buổi học đầu tiên; Lễ bế giảng cuối cùng…

Đọc văn bản

Câu hỏi gợi dẫn 

Gợi ý trả lời

Bạn hiểu thế nào về hai dòng thơ đầu?
  • Tác giả gợi nhớ về quãng thời gian đã trôi qua theo dòng chảy của thời gian.
Khổ thơ này gợi lên trong bạn những gì về ngôi trường cũ của mình?
  • Khổ thơ gợi lên những kỉ niệm về ngôi trường cũ, những năm tháng học trò đầy hồn nhiên, ngây thơ.
Bạn hình dung thế nào về cảnh được miêu tả trong đoạn thơ này?
  • Một lớp học vui nhộn có “một nàng Bạch Tuyết” dịu dàng như cô giáo và “bảy chú lùn rất quấy” là những cô, cậu học trò.

Bạn cảm nhận như thế nào về tình cảm của chủ thể trữ tình được thể hiện quan đoạn thơ này?

  • Sự xúc động, xôn xao khi nhớ về những kỉ niệm cũ.

Sau khi đọc

Câu 1: Theo bạn, các từ ngữ “một người” (dòng 8), “tôi” (dòng 16), “anh” (các dòng thơ khác) trong bài thơ có thể chỉ những ai? Cách sử dụng các từ ngữ nhân xưng như vậy có tác dụng.

- Các từ: “một người”: nhân vật “em”; “tôi”: tác giả; “anh”: tác giả

- Tác dụng: Giúp tác giả bộc lộ cảm xúc của chính mình và nói thay tâm trạng của ngời khác, nhờ vậy bài thơ dễ dàng chạm đến cảm xúc của nhiều người và tìm được tiếng nói đồng cảm.

  • Khi chủ thể là “anh” vì muốn gửi gắm những nỗi niềm riêng với “em” - mối tình đầu của “anh”.
  • Khi chủ thể là “tôi” vì muốn được chia sẻ những cảm xúc của lòng mình với “bạn” (tất cả mọi người, trong đó có “em”).
  • Khi chủ thể là “ta” trong cuộc trò chuyện cùng “hoa mướp”, lúc ấy “ta” vừa muốn tâm tình với chính mình vừa muốn bộc lộ với cả những người khác.

Câu 2: Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ 3, 4, 6 và nêu tác dụng của chúng.

Khổ 3
  • Điệp ngữ “muốn”, “bao nhiêu”
  • Nhấn mạnh cảm xúc mãnh liệt.
Khổ 4
  • Điệp từ “Nỗi nhớ”
  • Nhấn mạnh nỗi nhớ của tác giả, tạo nhịp điệu cho lời thơ.
  • Câu hỏi tu từ: “Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi”
  • Thể hiện nỗi nhớ da diết của tác giả với các bạn cũ.
Khổ 6
  • Ẩn dụ “Mùa hoa mơ”“mùa phượng cháy”
  • Lần lượt chỉ mùa xuân và mùa hạ, có tác dụng ám chỉ thời gian trôi nhanh và liên tục.

  Câu 3: Nhận xét về tác dụng của việc sử dụng đối thoại ở khổ thơ 5.

- Tạo ra không khí sôi nổi, vui vẻ giúp người đọc hình dung ra khung cảnh của một lớp học.

- Dẫn lại nguyên văn lời thoại trong thơ cũng là cách thể hiện cảm xúc theo lối gián tiếp.

- Khiến cho lời thơ trở nên đa dạng, linh hoạt, âm vang nhiều giọng nói hơn, kỉ niệm càng được khơi gợi sinh động, đáng nhớ hơn.

Câu 4: Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh bộc lộ tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình. Từ đó, nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

- Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh bộc lộ tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình: mê say, yêu, bâng khuâng, nỗi nhớ, xúc động, xôn xao…

- Cảm hứng chủ đạo: Nỗi nhớ về những năm tháng học trò tươi đẹp đã qua.

Câu 5: Bạn cảm nhận như thế nào về hình ảnh “Chiếc lá buổi đầu tiên” ở cuối bài thơ?

Hình ảnh mang tính biểu tượng cho tình yêu tuổi học trò trong sáng, ngây ngô và đẹp đẽ. Những gì có tính chất “đầu tiên” thường ngây ngô, trong trẻo, vì vậy mà rất đẹp đẽ và ấn tượng sâu đậm trong kí ức con người.

Câu 6: Bài thơ gợi lên trong bạn những kỉ niệm và suy nghĩ gì về tuổi học trò?

- Những kỉ niệm với bạn bè, thầy cô và mái trường.

- Suy nghĩ: Tuổi học trò hồn nhiên, ngây thơ và đáng trân trọng.

  • 1.153 lượt xem
Sắp xếp theo