Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học

Các bước giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học

Bước 1: Chuẩn bị nói
  • Xác định đề tài, mục đích nói, đối tượng nghe, không gian và thời gian nói
  • Tìm ý và lập dàn ý
  • Luyện tập
Bước 2: Trình bày bài nói
  • Giới thiệu nội dung tác phẩm
  • Giới thiệu những điểm nổi bật về nghệ thuật, chủ đề và thông điệp.
  • Nhận xét, đánh giá tác phẩm
Bước 3: Trao đổi, đánh giá
  • Trao đổi: Lắng nghe ý kiến và câu hỏi của người nghe, Trả lời và giải thích rõ ràng những ý kiến đó.
  • Đánh giá: Đưa ra đánh giá khách quan, rõ ràng.

Bài trình bày nói: Giới thiêu, đánh giá về bài thơ Nắng mới - Lưu Trọng Lư

Vào những năm 1932 - 1945, phong trào Thơ mới đã thổi vào nền văn học nước nhà một luồng gió mới lạ, đánh thức cả một nền thơ đang “triền miên trong cõi chết”. Một trong số những nhà thơ tiên phong và góp phần làm nên chiến thắng không nhỏ trong phong trào Thơ mới phải kể đến Lưu Trọng Lư. Năm 1939, ông cho ra đời tập thơ đầu tay “Tiếng thu” gây nhiều tiếng vang nhất bởi chất thơ cất lên từ những kỉ niệm thời thơ ấu, về quê hương, dòng sông, cánh diều,... Trong đó phải kể đến “Nắng mới”, một trong những thi phẩm thành công, nổi bật của phong trào thơ mới. Hôm nay tôi sẽ giới thiệu và đưa ra những đánh giá của bản thân về tác phẩm này, mong mọi người cùng lắng nghe và chia sẻ cùng tôi. 

Bài thơ là hồi ức của tác giả về ngươi mẹ thân yêu của mình, một đề tài không hề mới lạ nhưng vẫn lay động tâm hồn người đọc bởi những xúc cảm chân thành kết hợp với nghệ thuật thơ đặc sắc.

Với tình yêu cái đẹp và tâm hồn nhạy cảm, Lưu Trọng Lư luôn đi tìm kiếm và chắt chiu cái đẹp, từ những vẻ đẹp thanh cao đến bình dị, đời thường. Thiên nhiên trong thơ ông tất thảy đều thi vị và thật nên thơ. Mở đầu bài thơ là hình ảnh quê hương trong vẻ đẹp của nắng mới:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác gà trưa gáy não nùng”

Nắng ở đây không tươi tắn như nắng trong thơ của Hàn Mặc Tử: “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. “Nắng mới” ở đây là sự giao thoa giữa ấm và lạnh, nắng và mưa, sáng và tối, khô và ẩm, cũ và mới, dĩ vãng và hiện tại. Lúc này không gian đã chuyển màu sang thời gian, rồi ngược lại thời gian lóng lánh: hắt bên song – biên giới giữa trong nhà và ngoài sân, giữa riêng ta và vũ trụ. Cộng hưởng với ánh nắng soi rọi tiềm thức ấy là tiếng gà trưa xao xác, não nùng. Hai từ láy trong cùng một câu thơ khiến giọng thơ như trầm hẳn xuống, trĩu nặng.

Nhà thơ chập chờn nhớ sống lại kí ức tươi sáng về người mẹ trong những ngày nắng mới:

“Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không”.

Nhớ về thời “dĩ vàng” là nhớ về quá khứ, dù tươi đẹp đến mấy nhưng cũng đã mãi mãi lụi tàn và không thể quay trở lại. Những “ngày không”, có lẽ là những ngày ấu thơ khi tác giả còn nhỏ, được sống cùng mẹ và chưa phải lo nghĩ, vướng bận điều gì.

Từ nỗi nhớ về ngày thơ bé, hình ảnh người mẹ thân yêu, giản dị hiện lên ngày càng rõ nét:

“Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.”

Người mẹ đã không còn nữa, tất cả những gì còn lại chỉ là kỉ niệm nhạt nhòa đọng lại trong tâm trí đứa trẻ lên mười. Cũng là “nắng mới”, nhưng trong quá khứ, nắng không “hắt bên song” mà tràn đầy sức sống, niềm vui “reo ngoài nội” vì ánh nắng đó đến vào những ngày còn mẹ. Từ “reo” như một nốt nhạc bay bổng, lảnh lót, tươi vui giữa một bản nhạc trầm lắng, da diết có phần não nùng. Câu thơ như bừng lên sức sống vui tươi, khác lạ. Trong khổ thơ, hình ảnh mẹ gián tiếp xuất hiện thấp thoáng sau màu ảo đỏ, trước giậu phơi. Có lẽ đó chính là hình ảnh thân thuộc nhất đọng lại trong tâm trí người con.

Hình ảnh người mẹ hiền lương - người gắn bó sâu nặng nhất với tác giả, đã chịu biết bao khổ cực trong cuộc sống hiện lên trong những dòng thơ nhẹ nhàng mà đầy cảm xúc. Chi tiết miêu tả ngoại hình của mẹ chỉ xuất hiện trong hai dòng thơ cuối, nhưng đó là hình ảnh đẹp nhất:

“Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa”

Buổi trưa là thời gian ngưng đọng nhất. Lưu Trọng Lư đã đi rất xa về quá khứ để nhớ tỉ mỉ cảnh người mẹ đưa áo ra dậu phơi mỗi khi có nắng mới. Cái nắng mới của hoài niệm này nao nức, tươi vui bởi gắn với một cậu bé lên mười, với một người mẹ trẻ chăm chút, hiền dịu, nụ cười tỏa sáng trên gương mặt. Không gian màu đỏ của nắng và áo trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ của tác giả. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “nét cười đen nhánh” để lại dư vị, cảm xúc vấn vương, lan tỏa trong lòng người đọc. Không phải “nụ cười” hay “miệng cười” mà chỉ là “nét cười” - sự kín đáo, nhẹ nhàng và cũng thật nhanh, như chỉ lướt qua chứ chưa kịp đọng lại trên khuôn mặt mẹ. Hình ảnh ấy cũng gợi nhớ đến hình ảnh những cô hàng xén trong thơ Hoàng Cầm:

“Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng”

(Bên kia sông Đuống)

Bài thơ không chỉ hấp dẫn độc giả bởi tình cảm tha thiết, chân thành và nỗi nhớ sâu sắc của người con hướng về người mẹ tần tảo sớm hôm mà còn bởi nghệ thuật, tài năng ngòi bút Lưu Trọng Lư. Nghệ thuật đảo ngữ được nhà thơ sử dụng góp phần làm tăng khả năng biểu đạt của ngôn ngữ thơ. Giọng điệu thơ giãi bày, bộc bạch những tâm tình sâu kín, chủ thể “tôi” trực tiếp thể hiện những cảm xúc chân thực, lay động lòng người. Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên, gần gũi với bạn đọc,...

Đọc bài thơ, ta càng thấm thía hơn về tình mẫu tử - thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý trong mỗi con người. Bên cạnh những dòng thơ chan chứa tình cảm, cảm xúc về mẹ - người phụ nữ cả đời tần tảo hi sinh của nhà thơ, người đọc còn cảm nhận được sự tinh tế, tâm hồn nhạy cảm của Lưu Trong Lư trước thiên nhiên, đất trời. Có lẽ bởi vì vậy mà nhiều năm trôi qua nhưng sức sống của bài thơ vẫn tràn đầy, để lại những ấn tượng nhẹ nhàng mà đậm sâu trong lòng độc giả.

Trên đây là những cảm xúc, suy ngẫm của tôi sau khi đọc và tìm hiểu về bài thơ, rất mong nhận được những nhận xét, góp ý, chia sẻ của mọi người! Rất cảm ơn các bạn đã lắng nghe. 

  • 1.893 lượt xem
Sắp xếp theo