a. Giới thiệu, đánh giá một tác phẩm thơ là trình bày trước người nghe những thông tin cơ bản về bài thơ như: nhan đề, tác giả, nội dung (đề tài, chủ đề, cảm xúc,…) và đặc sắc nghệ thuật (thể loại, từ ngữ, vần, nhịp, các biện pháp tu từ,...); đồng thời, nêu nhận xét, ý kiến của người giới thiệu về nội dung, nghệ thuật,... của bài thơ đó.
b. Để giới thiệu, đánh giá một tác phẩm thơ, các em cần:
Đề bài: Hãy giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá của em về một bài thơ thuộc đề tài quê hương, đất nước.
a. Chuẩn bị
- Lựa chọn bài thơ về đề tài quê hương đất nước.
- Văn bản bài thơ được trình bày trên giấy hoặc trên trang trình chiếu của máy tính (slide), hình ảnh, sơ đồ (nếu cần thiết).
- Tập đọc diễn cảm bài thơ.
b. Tìm ý và lập dàn ý
- Hoàn cảnh ra đời, đề tài của bài thơ?
- Bài thơ thể hiện tâm trạng gì?
- Bài thơ có những nét đặc sắc về nghệ thuật?
- Bài thơ thể hiện cái nhìn của tác giả về con người và cuộc đời?
c. Thực hành nói và nghe
Gợi ý
Xin chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi xin được trình giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ.
Quê hương, đất nước vốn là một đề tài vô cùng quen thuộc trong sáng tác văn học. Trong số những bài thơ viết về đề tài này, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là bài thơ mà tôi yêu thích nhất.
Mùa xuân nho nhỏ được viết không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, thể hiện niềm yêu mến cuộc sống, đất nước và ước nguyện của tác giả. Về nội dung, bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, cuộc đời cũng như thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp “một mùa xuân nho nhỏ của mình” vào mùa xuân lớn của dân tộc.
Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Nhà thơ đã đón nhận mùa xuân với tất cả sự thăng hoa của tâm hồn, điêu luyện trong ngòi bút. Câu thơ cứ như câu nói tự nhiên không trau chuốt từ ngữ nhưng vẫn mang âm hưởng thi ca. Kế tiếp mùa xuân của thiên nhiên, là mùa xuân của đất nước:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Hình ảnh “người cầm súng” - những người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ nền hòa bình và “người ra đồng” - những người nông dân lao động phục vụ chiến đấu. Mùa xuân được khắc họa ở đây đã gắn với ý thức và tinh thần bảo vệ dân tộc cùng với trách nhiệm của mỗi người đối với việc giữ gìn mùa xuân hoà bình cho dân tộc và đất nước. Cùng với đó là hình ảnh “lộc giắt đầy trên lưng”, “lộc trải dài nương mạ” cho thấy sức sống của mùa xuân đang căng tràn khắp mọi nơi. Tất cả đều đang “hối hả” và “xôn xao” để bừng nở.
“Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Trong suốt bốn nghìn năm đó, đất nước đã phải trải rất nhiều “vất vả” và “gian lao” để dựng nước và giữ nước. Nhờ có bốn nghìn năm vất vả đó, mà ngày hôm nay đất nước giống như “vì sao” tỏa sáng giữa bầu trời rộng lớn. Từ “cứ” thể hiện sự quyết tâm vươn về phía trước, không chịu đầu hàng khuất phục trước mọi khó khăn.
Để rồi cuối cùng nhà thơ bộc lộ khao khát được cống hiến cho đời. Nhà thơ muốn hóa thân vào muôn loài vạn vật làm tươi đẹp rộn ràng cho cuộc sống:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Bên cạnh nội dung, bài thơ cũng có những nét độc đáo về nghệ thuật. Trước hết, nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” gửi gắm nhiều ý nghĩa. “ Mùa xuân” mang ý nghĩa tả thực, là mùa đầu tiên trong năm. Khi đó, vạn vật bắt đầu đâm chồi nảy lộc, bừng dậy sức sống. Nhưng “mùa xuân” còn biểu tượng cho vẻ đẹp, cho sức sống thanh tân tươi trẻ, cho những gì tinh khiết nhất của đất trời. Kết hợp với từ “nho nhỏ” làm rõ đặc điểm của mùa xuân rất giản dị, nhỏ bé và khiêm nhường thôi. Với nhan đề này, tác giả đã bày tỏ mong muốn được làm một mùa xuân, nhưng chỉ là một mùa xuân nho nhỏ - đóng góp công sức nhỏ bé của mình làm đẹp thêm mùa xuân đất nước. Tiếp đến, bài thơ được viết bằng thể thơ năm chữ, có nhạc điệu trong sáng. Cùng với đó là nhiều hình ảnh giàu tính biểu tượng như “người cầm súng”, “người ra đồng”, “con chim hót”, “một cành hoa” kết hợp với các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ… góp phần thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Mùa xuân nho nhỏ là một bài thơ giàu giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ.
Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe...