Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội

1. Định hướng

Ở Bài 1, các em đã thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội có thực trong cuộc sống hoặc được gợi ra từ một hay một số tác phẩm văn học. Phần này tiếp tục luyện tập thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội nhưng là vấn đề tư tưởng, đạo lí.

Để thuyết trình, thảo luận về một vấn đề xã hội, các em cần:

- Lựa chọn vấn đề thuyết trình (những tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa thời sự, ảnh hưởng tới đời sống xã hội, được nhiều người quan tâm...) như đã gợi ý trong phần Viết ở trên.

- Tìm hiểu kĩ nội dung vấn đề cần thuyết trình, tránh trường hợp không phù hợp với thời gian.

- Xác định rõ người nghe bài thuyết trình là ai để có cách trình bày phù hợp.

- Xác định thời lượng trình bày bài thuyết trình.

- Chuẩn bị dàn ý cho bài thuyết trình, tránh viết thành văn để đọc.

- Chuẩn bị các tư liệu, thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy chiếu, video, tranh, ảnh... (nếu cần).

- Người nghe cần chuẩn bị vấn đề và câu hỏi để tham gia thảo luận. Người nghe cũng có thể đề xuất các vấn đề mà bản thân thấy cần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, cần chú ý đến thời gian cho phép của buổi thuyết trình.

2. Thực hành

Chuẩn bị
  • Dựa vào phần Viết ở trên đề thuyết trình.
  • Sắp xếp lại tranh, ảnh chuẩn bị video, máy tính, máy chiếu phục vụ cho buổi thuyết trình.
  • Trao đổi với bạn bè trong nhóm về nội dung, hướng trình bày.
Tìm ý và lập dàn ý
  • Bổ sung, chỉnh sửa dàn ý cho bài thuyết trình.
  • Lựa chọn, thêm bớt nội dung cho phù hợp với đối tượng yêu cầu.
Nói và nghe
  • Người chủ trì: Nêu vấn đề, thống nhất cách thức trình bày, thảo luận…
  • Thảo luận: Người nói trình bày xong, người chủ trì mời người nghe phát biểu ý kiến, hoặc nêu câu hỏi, tranh luận.
  • Kết thúc thảo luận: Tổng hợp ý kiến của nhóm về vấn đề cần thảo luận.
Kiểm tra và chỉnh sửa
  • Người nói: Rút kinh nghiệm về bài thuyết trình.
  • Người nghe: Kiểm tra kết quả nghe.

3. Gợi ý

Đề bài: Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo

Chắc hẳn chúng ta ít nhiều đều đã được nghe qua về công cụ gần đây mới được ra mắt: Chat GPT - một công cụ được xem là toàn năng khi có thể giải đáp tất cả mọi thứ, kể cả viết một bài văn hoàn chỉnh. Sự ra đời, phát triển và thông dụng của Chat GPT đặt ra cho con người những suy ngẫm về sự phát triển của nó nói riêng, và trí tuệ nhân tạo nói chung. Liệu rằng trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có hoàn toàn thay thế được con người? Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của trí tuệ nhân tạo như tiết kiệm sức lao động của con người, giúp phát hiện và hạn chế những rủi ro, xóa bỏ những khoảng cách,... Thế giới ngày càng phát triển hiện đại hơn, thông minh hơn, sự ra đời của những thiết bị công nghệ cao ngày càng nhiều, tỉ lệ người thất nghiệp do trí tuệ nhân tạo thay thế cũng ngày càng gia tăng,... Song, trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế được con người, vì đó là những sản phẩm do con người sáng tạo, chỉ có thể hoạt động với dữ liệu được cung cấp, khả năng sáng tạo hạn chế lại không có kỹ năng mềm,... Điều quan trọng nhất, trí tuệ nhân tạo không có trái tim, không có cảm xúc giống như con người. AI có thể truyền đạt tri thức cho học sinh lĩnh hội, nhưng sẽ không thể dạy cho các em cách để sống, để làm người với nhân cách cao đẹp. AI cũng có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc cải thiện tình trạng sức khẻ bệnh nhân, nhưng sẽ không bao giờ có được sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ với người bệnh,... Sống chung với trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ cao là điều chắc chắn. Để sống chung thoải mái và nhàn nhã với nó, con người phải không ngừng học, nâng cấp bản thân. “Giống như thời xưa, người cưỡi ngựa luôn thắng người đi bộ, nhưng phải học cưỡi nó, ai càng giỏi chế ngự thì chạy càng nhanh” (trích bình luận của một độc giả báo VnExpress). Trí tuệ nhân tạo cũng là con ngựa mà mọi người phải học cách để chế ngự nó.

Đề bài: Vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại

Michella Obama đã từng nói: “Không có giới hạn nào cho phụ nữ. Chúng ta có thể làm được tất cả mọi thứ và trở thành bất kì ai ta mong ước”. Khi xã hội có bình đẳng giới, những nhận thức về vai trò và vị thế của người phụ nữ đã thay đổi hoàn toàn, họ không còn bị bó buộc trong không gian một căn bếp hay một ngôi nhà với những công việc nội trợ diễn ra như một vòng lặp không ngừng nghỉ. Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, phụ nữ đã không ngừng trau dồi tri thức, kĩ năng và không ít người đã đạt đến những địa vị cao trong xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng. Sau hơn 7 thập kỉ, số đại biểu nữ tham gia quốc hội ngày càng nhiều và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Quốc hội hay các cơ quan của Quốc hội, điển hình có thể kể đến nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ủy viên Bộ chính trị - bí thư trung ương Đảng Trương Thị Mai,... Hình ảnh người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam ngày càng tỏa sáng lấp lánh trong niềm tự hào, hãnh diện của cả dân tộc. Đó là những người phụ nữ thời đại mới, vẫn giữ nguyên những nét đẹp truyền thống: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và những vẻ đẹp thời đại mới: tự chủ, tự tin, bản lĩnh, tri thức,... Trong những năm qua, vị thế và vai trò của người phụ nữ đã được khẳng định trong mọi lĩnh vực, từ việc chăm sóc gia đình, con cái đến xây dựng sự nghiệp, đấu tranh để xây dựng đất nước giàu đẹp. Phụ nữ đã chứng minh bản thân là một phần tất yếu, một nửa quan trọng của thế giới.

  • 837 lượt xem
Sắp xếp theo