Lính đảo hát tình ca trên đảo

I. Kiến thức Ngữ văn

1. Thơ tự do

- Thơ tự do không có thể thức nhất định, không bị ràng buộc về số dòng, số chữ, vần,...

- Là thơ có phân dòng, có thể là sự kết hợp của các đoạn làm theo nhiều thể khác nhau hoặc tự do hoàn toàn.

- Thơ tự do xuất hiện do nhu cầu giải phóng cảm xúc khỏi sự ràng buộc chặt chẽ của các quy tắc về hình thức, phản ánh được những khía cạnh mới của cuộc sống đa dạng, thể hiện những cái nhìn nghệ thuật mới của nhà thơ.

2. Nhân vật trữ tình

- Là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ,... trong bài thơ. Đó là một người hoặc một giọng nào đó nói với người đọc những cảm nhận, rung động, suy tư,... của bản thân về con người và cuộc sống.

- Nhân vật trữ tình là “con người đồng dạng” của tác giả - nhà thơ hiển ra từ văn bản, nhưng không đồng nhất giản đơn với tác giả.

3. Hình ảnh, ngôn từ và cảm hứng chủ đạo

- Hình ảnh trong bài thơ hiện lên qua việc tác giả sử dụng:

  • Các từ ngữ (tượng thanh, tượng hình, từ láy,...)
  • Các biện pháp tu từ gợi cho người đọc cảm nhận về bức tranh đời sống thông qua các giác quan (thị giác, thính giác,...)

⇒ Giúp nhà thơ miêu tả sống động hoặc truyền tải cảm xúc, tư tưởng mạnh mẽ.

- Cảm hứng chủ đạo trong thơ là trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt, tràn đầy, bao trùm, xuyên suốt tác phẩm, gắn với một tư tưởng, một cách đánh giá của tác giả. Thường có những dạng cảm hứng chủ đạo như: cảm hứng anh hùng, tự hào, bi thương, trào lộng,...

II. Soạn bài Lính đảo hát tình ca trên đảo

1. Chuẩn bị

- Tác giả:

  • Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở Nam Sách, Hải Dương.
  • Năm 1968, khi mới chỉ mười tuổi, ông đã có tập thơ được đăng báo.
  • Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Từ góc sân nhà em (thơ, 1968); Góc sân và khoảng trời (thơ, 1968); Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974); Chân dung và đối thoại (tiểu luận phê bình, 1998)...

- Trường Sa là một quần đảo trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cuộc sống của những người chiến sĩ ở đây có nhiều khó khăn, thiếu thốn.

- Bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo viết năm 1982, được in lần đầu trong tập thơ “Bên cửa sổ máy bay” (1985). Bài thơ gắn với kỉ niệm của Trần Đăng Khoa khi ông đến với quần đảo Trường Sa, cùng sống với những người lính đảo ở nơi này. Những hình ảnh, nhân vật trong bài thơ chính là một phần hiện thực cuộc sống của người lính đảo những năm 80 của thế kỉ XX.

2. Đọc hiểu

Câu 1 : Bản tình ca của lính đảo có gì đặc biệt?

Có giai điệu ngang tàn như gió biển, lời ca toàn những nhớ nhung và yêu thương.

Câu 2 : Kết thúc bài thơ có điều gì bất ngờ?

Hình ảnh “những đá trọc đầu” xuất hiện đầy bất ngờ và ám ảnh, gợi về những người lính đảo không ngại khó khăn, đang ngày đêm bảo vệ tổ quốc.

3. Trả lời câu hỏi

Câu 1 : Nhân vật trữ tình trong bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo là ai? Có thể chia bài thơ làm mấy phần? Hãy đặt tên cho mỗi phần đó?

- Nhân vật trữ tình: Những người lính đảo (xưng “chúng anh”)

- Bài thơ có thể chia làm 2 phần:

  • Phần 1. Bốn khổ đầu: Giới thiệu chung về người lính đảo.
  • Phần 2. Còn lại: Bản tình ca của người lính đảo.

Câu 2 : Sân khấu, diễn viên và khán giả của buổi biểu diễn có gì đặc biệt? Đâu là lí do tạo ra sự đặc biệt này? Qua đó, em thấy hình tượng người lính đảo hiện lên như thế nào?

- Sân khấu: Đá san hô kê lên thành sân khấu, vài tấm tôn làm cánh gà, phông màn làm từ mây trời, sóng nước, không có ánh đèn sân khấu rực rỡ.

- Diễn viên và khán giả: Những người lính đảo với ngoại hình kì lạ, tất cả đều có đầu trọc lốc.

- Lí do tạo ra sự đặc biệt: Thiên nhiên khắc nghiệt của đảo Trường Sa, sự lạc quan của người lính đảo.

- Hình tượng người lính đảo:

  • Hoàn cảnh sống của người lính đảo khắc nghiệt, thiếu thốn.
  • Người lính đảo trẻ trung, yêu đời, tự họa chân dung với cái nhìn lạc quan, hóm hỉnh, đùa vui, sự chủ động, ngang tàng, cứng cỏi, vượt lên hoàn cảnh.

Câu 3 : Phân tích tác dụng của một số biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng để thể hiện hình tượng người lính đảo và khúc tình ca của họ trong sáu khổ thơ cuối.

  • So sánh: Những giai điệu ngang tàng như gió biển; Yêu em thủy chung hơn muối mặn.
  • Nhân hóa: vỏ ốc cất thành lời…
  • Điệp ngữ: nào hát lên
  • Ẩn dụ: những đá trọc đầu

⇒ Tác dụng: Góp phần thể hiện được vẻ đẹp của người lính Trường Sa hiện lên với tâm hồn lạc quan, thơ mộng, khúc tình ca đầy cảm xúc.

  • Tương phản, đối lập: Đối lập giữa giai điệu ngang tàng, mạnh mẽ cất lên và nội dung, cảm xúc đẫm màu thương nhớ trong lời ca; giữa giấc mơ lãng mạn với bóng hình người yêu, đêm trăng thơ mộng và tỉnh mộng trở về thực tế; giữa tình yêu bền chặt nhưng “thư tình chưa biết gửi cho ai”; đối lập giữa bóng tối của biển đêm với sự rực sáng của trái tim yêu nước,...
  • Phép điệp: Tạo ra điệp khúc cho bản tình ca, nhấn mạnh khát vọng tình yêu, sự thủy chung, son sắt trong tình yêu đôi lứa, tình yêu Tổ quốc; khắc họa tư thế hiên ngang, kiên cường, vững chãi và đầy kiêu hãnh của người lính đảo.

Câu 4 : Hãy chỉ ra mạch cảm hứng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo. Nêu nhận xét của em về ngôn ngữ, giọng điệu của bài thơ.

- Mạch cảm hứng: Một buổi biểu diễn âm nhạc.

- Nhận xét: Ngôn ngữ giản dị, đời thường, đậm chất khẩu ngữ; giọng điệu du dương giống như một bản nhạc.

Câu 5: Bài thơ viết về những người lính trên quần đảo Trường Sa vào đầu những năm 80 của thế kỉ XX. Cuộc sống vật chất và tâm hồn của người lính đảo trong bài thơ gợi cho em suy nghĩ gì?

Cuộc sống vật chất và tâm hồn của người lính đảo trong bài thơ gợi cho em suy nghĩ: Yêu mến tinh thần lạc quan, cảm phục sự kiên cường và ý chí quyết tâm của người lính trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

Câu 6 : Tưởng tượng em là khán giả trong buổi biểu diễn văn nghệ của người lính đảo. Hãy chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ,... của em khi đó bằng một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng).

Gợi ý

Giai điệu khúc ca của những người lính đảo gợi cho em thật nhiều cảm xúc. Trước thiên nhiên khắc nghiệt của Trường Sa, họ vẫn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời. Điều đó được thể hiện qua buổi văn nghệ đặc biệt của người lính đảo. Sân khấu là đá san hô kê lên, cánh gà là vài tấm tôn, ngoài kia gió rát mặt, sỏi cát bay “nhưng lũ chim hoang”. Nhưng người lính vẫn vui vẻ biểu diễn, khán giá và diễn viên đều là họ. Hình ảnh những người lính trọc đầu hiện lên thật hài hước. Họ tự ví mình như “sư cụ” đang hát tình ca. Bản nhạc vang lên lúc say đắm, lúc tự hào. Lắng nghe bản nhạc, em cảm thấy thật tự hào và cảm phục những người lính đảo Trường Sa.

  • 513 lượt xem
Sắp xếp theo