a. Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện là nêu lên ý kiến phân tích và nhận xét của mình về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện. Cũng như viết, việc thuyết minh để giới thiệu và đánh giá về một tác phẩm truyện có thể tập trung vào một phương diện hoặc vấn đề nổi bật nào đó. Trong phần Viết, các em đã được hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện. Với phần Nói và nghe, các em cần chuyển nội dung bài viết thành bài thuyết trình, kết hợp với lời nói, giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể phù hợp để trình bày lại nội dung đã viết trước người nghe.
b. Để giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện, các em cần:
- Đọc lại truyện, tìm hiểu, ghi nhớ các thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tóm tắt truyện, nắm vững đặc sắc hình thức và nội dung của truyện.
- Xem lại dàn ý đã thực hiện ở phần Viết, suy nghĩ kĩ để bổ sung ý mới so với bài đã viết (nếu có), điều chỉnh dàn ý cho phù hợp với yêu cầu của việc thuyết trình.
a. Chuẩn bị
- Đọc lại văn bản và các tài liệu liên quan đến tác giả, tác phẩm.
- Đọc lại dàn ý và bài viết đã thực hành ở phần Viết.
- Chuẩn bị các phương tiện hỗ trợ cho bài thuyết trình (tranh ảnh, máy chiếu…)
b. Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý: Xem lại dàn ý đã chuẩn bị ở phần Viết, bổ sung (nếu cần) và những chỗ cần lược bỏ, cần nhấn mạnh trong bài nói.
- Lập dàn ý: Xem lại dàn ý và nội dung đã làm ở phần Viết. Tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp với trình tự bài nói. Các em cần lưu ý:
c. Nói và nghe
Dựa vào nội dung bài nói để chuẩn bị thực hiện thuyết trình.
Đề bài: Giới thiệu đánh giá về nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh.
* Mở đầu: Giới thiệu về vấn đề thuyết trình: nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh.
* Nội dung chính: Thuyết trình tuần tự nội dung một cách hợp lí:
(1) Giới thiệu khái quát về tác giả Sương Nguyệt Minh và truyện “Người ở bến sông Châu”.
(2) Tóm tắt ngắn gọn truyện “Người ở bến sông Châu”
(3) Giới thiệu, đánh giá về nhân vật dì Mây trước, trong và sau chiến tranh:
- Trước chiến tranh: là một cô gái trẻ, đẹp nhất làng; có tình yêu trong sáng, sắt son dành cho San.
- Trong chiến tranh: một lòng chung thủy, thương nhớ người yêu; trở thành một nữ quân y kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ, chở che cho đồng đội.
- Sau chiến tranh: Trở về làng với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần: Mất một chân, đi lạng gỗ, mái tóc xơ, rụng; chứng kiến người yêu đi lấy vợ, giấu nỗi đau vào sâu thẳm tâm hồn,… nhưng ở nhân vật dì Mây vẫn toát lên những phẩm chất đáng trân quý:
(4) Đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật dì Mây của tác giả:
* Kết thúc: Bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình về nhân vật; điều muốn nhắn nhủ đến người nghe sau khi đọc tác phẩm.
Phần mở đầu: Chào hỏi, giới thiệu về vấn đề thuyết trình
Xin chào thầy cô và các bạn. Em tên là…………………., học sinh lớp………, trường THPT…………………………
Sau đây em xin trình bày bài nói giới thiệu, đánh giá về nhân vật dì Mây trong tác phẩm “Người ở bến sông Châu” của tác giả Sương Nguyệt Minh
Kính thưa thầy cô giáo, thưa toàn thể các bạn, chiến tranh đã qua đi nhiều thập kỉ nay, nhưng những di chứng đau thương mà nó để lại vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi với bao thế hệ, bao gia đình và biết bao con người. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhà văn, nhà thơ cả thời chiến lẫn thời bình đã chọn viết về chiến tranh với những đau thương, mất mát để ghi lại một thời kì hào hùng, oanh liệt nhưng cũng không ít nỗi buồn của lịch sử dân tộc. Truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của tác giả Sương Nguyệt Minh chính là một trong số đó.
(Học sinh thuyết trình với giọng điệu trầm lắng, thiết tha, chân thành)
Thuyết trình nội dung chính
Nhà văn Sương Nguyệt Minh xuất thân từ vùng quê nông thôn nghèo thuộc huyện Yên Mô (Ninh Bình) lên thành phố học hành, công tác rồi bước vào con đường viết văn. Bằng con mắt tinh tường và sự quan sát của một người đàn ông từng trải; bằng một cái đầu lạnh và trái tim ấm nóng, Sương Nguyệt Minh đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị, nhất là những tác phẩm viết về người phụ nữ hiện đại như: “Đàn bà”, “Giếng cạn”, “Cái nón mê thủng chóp”, “Bản kháng án bằng văn”,… Bên cạnh đó, Sương Nguyệt Minh cũng dành sự quan tâm đặc biệt để viết về những người phụ nữ bước ra từ thời chiến với biết bao tình cảm yêu thương, trân quý mà nhân vật dì Mây trong tác phẩm “Người ở bến sông Châu” là một minh chứng tiêu biểu.
Chiến tranh khốc liệt đến mấy rồi cũng sẽ qua đi, song nỗi đau bởi bom đạn sẽ còn đeo đẳng mãi. Đọc truyện “Người ở bến sông Châu” ta không khỏi tủi hờn, xót đau cho người lính ngày trở về bởi những nghịch cảnh tréo ngoe. Và ẩn sau những trang văn rất trải đời là niềm trăn trở khôn nguôi của người cầm bút về thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ khi ra khỏi chiến tranh. Tất cả những suy tư, trăn trở ấy đã được nhà văn Sương Nguyệt Minh gửi gắm qua nhân vật dì Mây – nhân vật trung tâm của tác phẩm này.
Truyện mở đầu bằng hình ảnh: “Hôm ấy, nước sông Châu đỏ quạch. Sóng lớp lớp đập tung vào mố cầu đổ đứng trơ trọi giữa dòng nước từ thời bom Mỹ thả. Hoàng hôn màu đỏ ối. Mây đen, trắng lẫn lộn bay cuồn cuộn. Nước sông Châu mỗi lúc một lên cao, chảy xiết. Đám rước dâu ngồi trên đò bảo nhau: Lũ mạn ngược đổ về...” không chỉ tái hiện sự dữ dội của dòng sông Châu mùa nước lũ mà còn là dấu hiệu cho những bão giông sẽ ập đến trong cuộc đời người lính ngay trong ngày trở về bởi ngày dì Mây về làng cũng là ngày chú San – người mà dì Mây yêu thương tha thiết, thủy chung – đi lấy vợ.
Chính cảnh đời tréo ngoe ấy, đã biến niềm vui sống sót, trở về của dì Mây (do trước đó gia đình đã nhận được giấy báo tử của dì) đã không còn trọn vẹn. Nhà văn đã rất tinh tế khi dựng lên một bối cảnh đầy ngang trái khi phía bên kia hàng râm bụt là hình ảnh người người ra vào tấp nập, những tiếng cười nói, chúc mừng hạnh phúc của chú San; còn bên này mọi người đón dì Mây trở về với bao cảm xúc vui buồn lẫn lộn: “Cả nhà nói chuyện chủng chẳng. Ông hỏi bâng quơ những chuyện xưa xa lắc. Bố an ủi dì Mây cao số. Chuyện trò chẳng biết vui hay buồn. Mẹ đụng phải cái gì cũng rơi, cũng vỡ. Tim Mai đập thon thót. Thỉnh thoảng bố hỏi, dì Mây miễn cưỡng trả lời, bụng dạ cứ để ở bên nhà chú San”. Tất cả đã gợi ra trong tâm trí người đọc biết bao cảm xúc, nỗi niềm xót thương mỗi khi nhớ đến dì Mây – một người lính bước ra khỏi chiến tranh với nỗi đau chồng chất nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Hình ảnh dì Mây “bụng dạ cứ để bên nhà chú San” gợi lên bao tủi hờn, xót xa, đang giằng xé, cuộn chảy trong tâm can dì có khác chi dòng sông Châu mùa nước lũ: nước mỗi lúc một dâng cao, chảy xiết, đập tung vào mố cầu.
Dì mây có lẽ là một trong những người lính may mắn được sống sót, trở về đoàn viên cùng gia đình. Nhưng những nỗi đau mà chiến tranh đã in hằn trong cuộc đời dì sẽ còn lại mãi mãi. Chiến tranh không chỉ lấy đi của dì tuổi trẻ với nhiều khát vọng, ước mơ; lấy đi mái tóc dài mượt mà, óng ả của người con gái; lấy đi nhan sắc của một thiếu nữ “đẹp nhất làng”; lấy đi một cơ thể lành lặn; mà còn lấy đi cả một tình yêu trong sáng, thuần khiết, đầu đời mà dì dành cho chú San. Để rồi ngày trở về dì phải mang theo một đôi lạng gỗ, mái tóc xác xơ, và một nỗi đau không thể nói thành lời khi chứng kiến người yêu đi lấy vợ do chú San tưởng dì đã hi sinh.
Nuốt nước mắt vào trong, nhìn người mình yêu bên hạnh phúc mới; tình đầu với tất cả yêu thương, nhung nhớ, chờ đợi, sáng trong bất ngờ tan vỡ;… Đó là nỗi đau không thể nói thành lời của dì Mây. Vậy mà chú San vẫn không hề hay biết về sự xuất hiện của dì. Chỉ đến khi tiệc cưới sắp tàn chú mới hay tin dì Mây về. Bất ngờ, chết lặng chú “ngồi phịch xuống ghế ôm đầu”, lát sau mới trấn tĩnh vội chạy tìm dì Mây. Gặp lại người mình yêu sau bao năm xa cách trong tình cảnh trớ trêu, bao cảm xúc như vỡ òa trong trái tim dì khiến dì Mây tức tưởi, trách móc, giận hờn “Hôm nay là ngày gì? Anh nhớ không? Có ngờ đâu ngày ấy tiễn anh đi cũng là ngày li biệt”; đồng thời cũng gợi lại trong dì biết bao kỉ niệm ngọt ngào, nhung nhớ của tình yêu: nhớ ngày tiễn anh ra nước ngoài học trên bến sông Châu mùa hoa gạo, bom rơi, đạn nổ, máy bay rẹt qua đầu khiến “Người con gái bỏ chèo ôm chặt, nép đầu vào ngực người yêu” để rồi ôm nỗi nhớ người yêu ra chiến trường da diết đến mức: “Ngày ở Trường Sơn, trang nhật kí nào em cũng viết tên anh”,… những kỉ niệm, nhớ nhung ấy như làm sống lại tình yêu của hai người ngay trong giờ phút chia ly. Để rồi dì Mây như chết lặng người rũ ra, mềm oạt, từ từ khuỵu xuống khi nghe chú San đề nghị: “Mây! Chúng ta sẽ làm lại”. Ẩn sau tất cả những dòng cảm xúc ngổn ngang ấy ta thấy được một tình yêu chân thành, tha thiết, son sắt, thủy chung mà dì Mây dành cho chú San. Và yêu càng nhiều thì khi tình yêu tan vỡ càng đau đớn, khôn nguôi.
Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đấy. Bản lĩnh của một nữ quân y đã từng vào sinh ra tử giúp dì Mây nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và dứt khoát từ chối lời đề nghị của chú San: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi… Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn”. Trải qua nỗi đau của chiến tranh, nỗi đau của tình yêu tan vỡ nên dường như dì Mây cũng không muốn có thêm một người đàn bà khác cũng chịu khổ như mình. Câu nói mạnh mẽ, dứt khoát ấy của dì vừa như đang kìm nén nỗi đau trong lòng mình; vừa cho thấy dì là một người phụ nữ giàu đức hi sinh, lòng vị tha, sống có trước, có sau,… Đó cũng là những phẩm chất rất đáng trân quý của dì Mây.
Bằng cái tâm của một người nghệ sĩ, nhất là lại là một người nghệ sĩ – chiến sĩ, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã viết về nhân vật dì Mây với biết bao tình cảm chân thành, xúc động, thấu hiểu, cảm thông. Chính những tình cảm đó đã giúp nhà văn đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để miêu tả một cách chân thực những dòng tâm trạng của dì Mây trong ngày trở về chứng kiến người mình yêu bên hạnh phúc mới. Bên cạnh đó, nhà văn đã đặt điểm nhìn kể chuyện vào nhân vật Mai – cháu ruột của dì Mây, cũng là người được nghe, được hiểu, được thấy mọi câu chuyện, cảm xúc của dì Mây, cũng như các nhân vật khác trong tác phẩm. Với người kể chuyện toàn tri ấy, nhà văn đã giúp người đọc có cái nhìn trọn vẹn, thấu đáo về số phận của một người lính, về những hậu quả mà chiến tranh để lại, về những nỗi đau của con người giữa cuộc sống đời thường,…
Phần kết thúc:
Thưa thầy cô giáo, thưa các bạn:
Qua tác phẩm “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, không chỉ cho chúng ta thấy được sự tàn khốc của chiến tranh mà còn là lời nhắc nhở mỗi chúng ta không bao giờ được quên công lao, sự hi sinh quên mình của bao thế hệ cha anh để chúng ta có cuộc sống tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay; nhắc mỗi chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để góp phần nhỏ bé của mình vào việc hàn gắn những nỗi đau chiến tranh; để cuộc sống này ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài thuyết trình của em xin dừng lại ở đây. Em chân thành cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe bài thuyết trình của em. Em rất mong nhận được sự góp ý chia sẻ từ thầy cô và các bạn đề bài thuyết trình của em được hoàn thiện hơn.