Thị Mầu lên chùa

1. Chuẩn bị

Hình ảnh Thị Mầu lên chùa trong bức ảnh gợi cho em ấn tượng: Thị Mầu xinh đẹp, duyên dáng.

2. Đọc hiểu

Câu hỏi gợi dẫn Gợi ý trả lời

Thị Mầu lên chùa có gì khác với lệ thường?

  • Mọi người lên chùa vào mười tư hoặc rằm, còn Thị Mầu lên chùa từ mười ba.

Trong lời giới thiệu với chú tiểu, Thị Mầu đặc biệt nhấn mạnh thông tin gì?

  • Trong lời giới thiệu với chú tiểu, Thị Mầu đặc biệt nhấn mạnh thông tin: Thị Mầu chưa lấy chồng.

Thị Mầu có quan tâm đến việc vào lễ Phật không?

  • Thị Mầu không quan tâm đến việc vào lễ Phật, mà chỉ chú ý đến việc tán tính chú tiều.
Phép so sánh trong lời của Thị Mầu có gì độc đáo?
  • Sử dụng lối nói ví von so sánh thể hiện khát khao yêu đương của Thị Mầu:

“Thầy như táo rụng sân đình

Em như gái rở, đi rình của chua”

 ⇒ Cây táo mọc ở sân đình thường cao, sau mùa xuân chín rụng. Vì ít được chăm sóc lại già cỗi nên táo vừa chua, vừa chát. Gái rở chỉ người phụ nữ mang bầu, thường bị nghén và thèm của chua.

 ⇒ Gái rở đang thèm của chua mà gặp được táo ở sân đình, sẽ càng bộc lộ sự khao khát, mong muốn của nhân vật này.

Những câu hát trong phần này đều tập trung thể hiện điều gì? Câu “Trúc xinh [...] chẳng xinh!” có gì khác với ca dao?
  • Những câu hát tập trung thể hiện nỗi khao khát có được tình yêu của Thị Mầu.
  • Câu “Trúc xinh [...] chẳng xinh!” khác với ca dao:

 ⇒ Câu ca dao:“Trúc xinh trúc mọc đầu đình/Em xinh em đứng một mình cũng xinh”: Cao ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, dù một mình cũng xinh đẹp.

 ⇒ Trong “Thị Mầu lên chùa”: Người phụ nữ phải có đôi có cặp mới xinh.

Đoạn trích có những chỉ dẫn sân khấu nào? Tác dụng của các chỉ dẫn đó với người đọc là gì?
  • Một số chỉ dẫn: ra nói, hát, xứng danh, đế, hát ghẹo tiểu, Tiểu Kính bỏ chạy… (Các chỉ dẫn được đặt trong dấu ngoặc đơn)
  • Tác dụng: Giúp người đọc nắm được hành động của các nhân vật, hiểu rõ hơn về nội dung của vở chèo.

3. Trả lời câu hỏi

Câu 1: Thị Mầu đã sử dụng ngôn ngữ, hành động như thế nào để bày tỏ tình cảm với chú tiểu? Tiếng gọi “thầy tiểu ơi!” lặp lại nhiều lần có tác dụng gì trong việc biểu lộ nỗi lòng Thị Mầu? Em thấy ấn tượng nhất với lời bày tỏ tình cảm nào của Thị Mầu? Vì sao?

(1) Thị Mầu đã sử dụng ngôn ngữ, hành động như thế nào để bày tỏ tình cảm với chú tiểu:

- Hành động: Thị Mầu lấy cớ lên chùa cúng rằm, nhưng thực chất là để tranh thủ cơ hội bày tỏ tình cảm của mình với chú tiểu. Mặc cho Tiểu Kính từ chối quả quyết, Thị Mầu vẫn có những hành động táo bạo như hát ghẹo hay xông ra, nắm tay Tiểu Kính.

- Ngôn ngữ:

  • Vui tươi, háo hức khi sắp được gặp thầy tiểu: “tôi lên chùa từ mười ba”
  • Khen ngợi vẻ đẹp của chú tiều “Người đâu mà đẹp như sao băng thế nhỉ?; Người đâu đến ở chùa này?/Cổ cao ba ngấn, lông mày nét ngang…”;
  • Lời lẽ bóng gió, tình ý “Thầy như táo rụng sân đình/Em như gái rở, đi rình của chua”;
  • Trêu đùa “Này thầy tiểu ơi, ăn với em miếng giầu đã nào, rồi để mõ đấy, em đánh cho”
  • Gạt phăng, dằn dỗi: “Bỏ mô Phật đi!”; “Mô với chả Phật!”
  • Tha thiết giãi bày: “Tri âm chẳng tỏ tri âm/Để tôi thương vụng nhớ thầm sầu riêng”.

⇒ Diễn tả tâm hồn rạo rực một khát vọng tình yêu tự do đến chảy bỏng, khắc họa một con người đầy táo bạo, quyết liệt khi dám phá vỡ khuôn khổ của lễ giáo, bất chấp mọi quy ước xã hội để bày tỏ một cách thành thật tiếng lòng của mình.

- Tiếng gọi “thầy tiểu ơi!” lặp lại nhiều lần: nhằm bộc lộ sự say đắm, tình cảm thiết tha của Thị Mầu dành cho chú tiểu.

- Ấn tượng: với câu “Trúc xinh trúc mọc sân đình/Em xinh em đứng một mình chẳng xinh”: Lời bày tỏ khéo léo, bộc lộ khao khát lứa đôi, hạnh phúc.

Câu 2: Qua ngôn ngữ và hành động của nhân vật Tiểu Kính trong đoạn trích, em có nhận xét gì về nhân vật này?

- Hành động: nghiêm trang, cẩn trọng, đúng mực theo nguyên tắc của người tu hành. Khi Thị Mầu bày tỏ tấm lòng bằng lời nói và hành động táo bạo, Tiểu Kính đã kiên quyết không đáp lại, thậm chí còn bỏ chạy.

- Lời nói:

  • Chỉ hỏi và nói những lời lẽ theo đúng bổn phận của mình: “A Di Đà Phật! Chào cô lên chùa”; “Cô cho biết tên để tôi vào lòng sớ”,...
  • Đối diện với những lời bày tỏ quyết liệt của Thị Mầu, Tiểu Kính liên tục tụng kinh, từ chối mọi sự tiếp cận của Thị Mầu: “Cô buông ra để tôi quét chùa, kẻo sư cụ người quở chết!”

⇒ Tiểu Kính là người điềm đạm, một lòng hướng về Phật pháp, chối bỏ mọi quyến rũ cõi trần.

  • Tuy vậy, Tiểu Kính không hoàn toàn vô tình mà vẫn cảm thán trước sự éo le, cay đắng của cuộc đời khi mình vốn là phận nữ nhi, nhưng lại khiến Thị Mầu “hoảng mắt” mà say đắm: “Ngẫm oan trái nhiều phen muốn khóc/ Thấy nhân duyên nghĩ lại nực cười/ Hẳn vô tình thế mới trêu ngươi/ Vì hữu ý nên rằng hoảng mắt/ Chứ có biết đâu mình cũng chỉ là ...”

⇒ Hành động và lời nói của Tiểu Kính cho thấy đây là nhân vật có tính cách đối lập với Thị Mầu, là người đoan trang, tuân thủ lễ tiết, có tâm hồn nhạy cảm - những đặc điểm tiêu biểu của kiểu “đào thương” trong nghệ thuật chèo.

Câu 3: Dưới đây là một số trích dẫn ngôn ngữ của tác giả dân gian (được thể hiện qua tiếng đế) và nhân vật Thị Mầu:

Tiếng đế

Lời đáp của Thị Mầu

- Ai lại đi khen chú tiểu thế, cô Mầu ơi!

- Có ai như mày không?

- Dơ lắm! Mầu ơi!

- Sao lẳng lơ thế, cô Mầu ơi!

- Đẹp thì người ta khen chứ sao!

- [...] chỉ có mình tao là chín chắn nhất đấy.

- Kệ tao.

- Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn/ Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.

Em có đồng tình với cách đánh giá trên đây của tác giả dân gian (qua tiếng đế) về Thị Mầu và thái độ, suy nghĩ của Thị Mầu không? Vì sao?

* Tiếng đế: 

  • Phê phán hành động ve vãn chú tiểu của Thị Mầu.
  • Khép tội cho những lời bày tỏ tâm tình và hành động táo bạo của Thị là lẳng lơ, là dơ.

⇒ Theo quan niệm đạo đức phong kiến, người phụ nữ cần phải đoan trang, chính chuyên, không được phá vỡ những khuôn khổ đạo đức đã thành chuẩn mực: công, dung, ngôn, hạnh. Vì thế, khi Thị Mầu đi ngược lại với quan điểm này, thách thức định nghĩa của đám đông về người phụ nữ, đám đông đã đáp trả lại bằng những lời nhiếc móc, lên án gay gắt.

* Lời đáp của Thị Mầu:

  • Đối diện với những lời lẽ phê phán của đám đông, Thị Mầu đã tỏ ra không quan tâm, không bị lay động, vẫn kiên quyết hành động và bộc bạch một cách thành thật theo tiếng gọi của trái tim.
  • Thậm chí, Thị Mầu còn thách thức đám đông, khảng khái đưa ra tuyên ngôn sống của mình: bất chấp mọi rào cản để được sống và được yêu một cách thành thật và tự do. Lẳng lơ với Thị Mầu là cách lật đổ những khái niệm đã trở thành gông cùm vứi khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ.

⇒ Khát khao sống, khát khao yêu bất chấp mọi khuôn khổ, mực thước cũng chính là thông điệp được tác giả dân gian hết lòng ủng hộ.

Câu 4: Theo em, nhân vật Thị Mầu là người như thế nào? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 6 - 8 dòng) nêu lên nhận xét của mình về nhân vật này.

- Thị Mầu: Xinh đẹp nhưng lại rất lẳng lơ, mù quáng.

- Đoạn văn: Nhân vật Thị Mầu được xây dựng với nét tính cách đặc biệt. Thị Mầu đã dám vượt lên trên những khuôn khổ của Nho giáo để bộc lộ khao khát của bản thân. Mặc dù những hành động trong đoạn trích “Thị Mầu lên chùa” đã cho thấy sự lẳng lơ, mù quáng của nhân vật này trước tình yêu. Nhưng dù sao, Thị Mầu cũng đã dám sống với khao khát yêu đương của bản thân trước một xã hội rất hà khắc với người phụ nữ. Thị có ý thức chủ động trong tình yêu, không tuân theo sự sắp xếp của cha mẹ, không sợ điều tiếng của người đời. Nhân vật này cũng đã gửi gắm được một tư tưởng nhân văn sâu sắc.

Câu 5: Em biết những tác phẩm văn học nào lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật Thị Mầu trong vở chèo Quan Âm Thị Kính?

Bài thơ được lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật Thị Mầu: Thị Màu (Anh Ngọc), Này em Thị Mầu (Ngân Vịnh), Cô Thị Mầu (Trần Đăng Khoa), Hát với Thị Màu (Đoàn Thị Lam Luyến)...

  • 1.597 lượt xem
Sắp xếp theo