Câu 1: Trật tự trong mỗi cặp câu dưới đây thể hiện những khác biệt về nghĩa như thế nào?
a1. Mồng 8 tháng Ba là ngày phụ nữ Quốc tế. a2. Mồng 8 tháng Ba là ngày Quốc tế phụ nữ. |
a1. Nhấn mạnh phạm vi: quốc tế a2. Nhấn mạnh đối tượng: phụ nữ |
b1. Đỗ Phủ là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng. b2. Đỗ Phủ là nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc. |
b1. Nhấn mạnh đất nước: Trung Quốc b2. Nhấn mạnh sự nổi tiếng. |
c1. Bài thơ đã nói lên sự cảm thông sâu sắc với những người lính của ông. c2. Bài thơ đã nói lên sự cảm thông sâu sắc của ông với những người lính. |
c1. Nhấn mạnh đối tượng: những người lính c2. Nhấn mạnh đối tượng: của ông |
Câu 2: Phân tích và sửa lỗi về trật tự từ trong các trường hợp sau:
a. Tự tình (bài 2) là một trong những bài thơ cất lên tiếng nói quyết liệt đấu tranh cho nữ quyền của Hồ Xuân Hương.
- Lỗi sai: trật tự của cụm từ “quyết liệt đấu tranh”
- Cách sửa: Tự tình (bài 2) là một trong những bài thơ cất lên tiếng nói đấu tranh quyết liệt cho nữ quyền của Hồ Xuân Hương.
b. Câu cá mùa thu, Vịnh mùa thu, Uống rượu mùa thu là chùm thơ của Nguyễn Khuyến nổi tiếng.
- Lỗi sai: trật tự của cụm từ “của Nguyễn Khuyến nổi tiếng”
- Cách sửa: Câu cá mùa thu, Vịnh mùa thu, Uống rượu mùa thu là chùm thơ nổi tiếng của Nguyễn Khuyến.
c. Đến năm 2000, phải thanh toán hết các trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, phải đầu tư một số dụng cụ chuyên khoa cần thiết cho các trạm y tế như răng, mắt.
- Lỗi sai: trật tự của từ “răng, mắt”
- Cách sửa: Đến năm 2000, phải thanh toán hết các trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, phải đầu tư một số dụng cụ chuyên khoa răng, mắt cần thiết cho các trạm y tế xã.
d. Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều.
- Lỗi sai: trật từ của các hành động “úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ” không phù hợp.
- Cách sửa: Họ nằm xuống, úp cái nón lên mặt, ngủ một giấc cho đến chiều.
Câu 3: Trật tự trong các câu thơ Đường luật sau có gì khác trật tự từ thông thường? Phân tích tác dụng tu từ của hiện tượng đảo trật tự từ mà tác giả đã lựa chọn.
a. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.
(Hồ Xuân Hương)
⇒ Nhấn mạnh vào sự bẽ bàng, tủi hổ và cay đắng của người phụ nữ trước thực tại.
b. Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
(Bà Huyện Thanh Quan)
⇒ Nhấn mạnh vào sự nhỏ bé, vắng vẻ của con người trước không gian thiên nhiên rộng lớn.
c. Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
(Nguyễn Trãi)
⇒ Nhấn mạnh vào những âm thanh cuộc sống, gợi lên khát vọng về cuộc sống ấm no cho nhân dân.
d. Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
(Trần Tế Xương)
⇒ Nhấn mạnh vào thân phận vất vả, khổ cực của bà Tú phải lo lắng, bươn chải cho cuộc sống.
Câu 4: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) với câu chủ đề: Mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến luôn mang một nỗi buồn man mác như chính nỗi niềm của tác giả về đất nước, về thời cuộc. Giải thích cách sắp xếp trật tự từ ở một câu trong đoạn văn mà em đã viết.
Gợi ý
Mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến luôn mang một nỗi buồn man mác như chính nỗi niềm của tác giả về đất nước, về thời cuộc. Trong bài thơ Câu cá mùa thu, bức tranh làng quê vào mùa thu được tác giả khắc họa qua những hình ảnh đặc trưng nhất. Ao thu mang vẻ lạnh lẽo với mặt nước trong veo đến độ có thể phản chiếu được sắc trời xanh ngắt của mùa thu. Một cơn gió khẽ thổi khiến chiếc lá vàng khẽ rơi xuống. Phía trên cao, những đám mây đang lơ lửng, mang vẻ chậm chạp. Không gian vắng lặng, cô quạnh đã góp phần diễn tả tâm trạng buồn bã, cô quạnh trong lòng nhà thơ. Đó chính là nỗi lòng của một con người luôn lo lắng cho đất nước.
- Giải thích cách sắp xếp trật tự từ trong câu: Trong bài thơ Câu cá mùa thu, bức tranh làng quê vào mùa thu được tác giả khắc họa qua những hình ảnh đặc trưng nhất.
- Việc đưa cụm từ “Trong bài thơ Câu cá mùa thu” lên đầu làm chủ ngữ góp phần nhấn mạnh vào phạm vi phân tích là trong tác phẩm này.