Dẫn chứng từ rapper Đen Vâu

I. Cuộc đời và con người Đen Vâu

Đen Vâu (1989) tên thật là Nguyễn Đức Cường, sinh ra tại thành phố biển Hạ Long.

Tốt nghiệp cấp 3, Đen Vâu đi làm ngay, trở thành một công nhân vệ sinh bãi biển ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và gắn bó với nghề này suốt 7 năm. Có thời gian, Đen Vâu xin nghỉ không lương, cùng em trai mở một quán cà phê để vừa kiếm sống, vừa làm nơi gặp gỡ với những người chung sở thích. Quán lỗ, Đen Vâu tiếp tục đi làm để lấy tiền trang trải cho việc duy trì quán, cốt giữ lấy niềm vui. Đến năm 2016, anh mới chính thức nghỉ việc, đóng quán.

Đen Vâu đến với rap một cách tình cờ và đam mê rap từ thuở cắp sách đến trường. Đó là một lần vô tình được nghe một ca khúc và thấy thích, lên mạng lục tìm thì mới biết đó là nhạc rap. Rồi càng tìm hiểu, anh càng thích thể loại này. Dù bén duyên với rap từ những năm 2000 nhưng phải tới gần 10 năm sau, tên tuổi của Đen Vâu mới thực sự được biết tới thông qua bản hit “Đưa nhau đi trốn”. 

Anh cho biết chính âm nhạc đã cứu cánh cho cuộc sống khó khăn, là nơi anh có thể giãi bày tiếng lòng trong những ngày tháng cô độc. Trải qua quãng thời gian tuổi trẻ đầy khó khăn đã tôi luyện nên một Đen Vâu rất “đời”, mang tới thứ âm nhạc có thể xoa dịu lòng người.

Không chạy theo thị trường hay trào lưu, xu hướng, suốt bao nhiêu năm Đen vẫn kiên trì, kiên định theo một lối riêng, một cá tính âm nhạc khác biệt được gọi là “thứ âm nhạc tử tế”. Anh đặt hết tâm tư, tình cảm cùng những trải nghiệm về cuộc sống vào lời ca. Các bài hát cất lên tiếng nói của tuổi trẻ - như những bản tuyên ngôn giúp khán giả tìm thấy được sự đồng cảm trong từng ca từ. Đặc biệt, người ta cũng thấy trong những ca khúc Đen sáng tác sinh động, giàu hình ảnh và đậm chất thơ.

II. Về âm nhạc của Đen 

1. Hiện thực cuộc sống 

Quãng thời gian tuổi trẻ vất vả mưu sinh cùng sự phản đối của gia đình, những người thân yêu nhất khi anh đặt chân vào hành trình âm nhạc đã khiến cho âm nhạc của anh đậm chất đời: “Đen rất lõi đời vì đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống” (ca sĩ Thái Vũ). Hiện thực cuộc sống được phơi bày qua con mắt, đôi tay chàng trai đã qua độ tuổi mới lớn, đã được trải nghiệm, lăn xả với cuộc đời khắc nghiệt.

Tuổi trẻ, ai cũng đều khao khát được đi đến những chân trời mới: “lớn lên muốn đi xa hoài”. Như một con thiêu thân, chúng ta “lao vào đời để kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội”. Guồng quay không ngừng nghỉ của cuộc sống, làm con người phải loay hoay lo nghĩ, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai. Có (không chỉ) một cô gái với “đôi giày cao gót” chông chênh thiếu ăn, thiếu ngủ “trong những lần phải chạy deadline”“đồng lương vẫn khi không khi đủ”. Và cuộc đời cứ tiếp diễn như vậy, chỉ là “những chuỗi ngày được chấm công”. Đó là cuộc sống ở nơi thành thị đông đúc “chật chội náo nức”, nơi mà “cả việc thở cũng làm ta lao lực” đến mức anh viết một giục giã rằng, hãy trốn đi, trốn đi trước khi “đời giết ta lần nữa”. 

Những câu hát được gieo vần và biến hóa khôn lường khiến người nghe đồng cảm. Họ đồng cảm về cuộc sống nơi phố phường muốn “xô ta cả khi ta trốn trong phòng ngủ - Âu lo theo về dù ta đã trốn trong phòng ngủ”, chốn công sở “đi sớm về hôm mà đồng lương vẫn không khi đủ”. Đồng cảm thực tế phũ phàng trong cuộc sống “người ta không quý con ong, mà người ta chỉ quý mật”. Và những người đồng âm ấy, họ cũng đồng cảm về sự cô đơn, lẻ loi giữa biển người mênh mông, về những “tối đi về đơn độc, em thấy lòng mình lặng thinh”.

2. Sự cô đơn của con người

Như lời bài hát "Trốn tìm", "Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm", Đen bày tỏ tâm trạng muốn bé lại, để khi đi trốn có người đi tìm. Anh khơi gợi những cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ - vốn bị con người quên lãng trong cuộc sống bận rộn. Thông điệp từ “Trốn tìm” như nói thay nỗi lòng của người trẻ, vốn đang phải đương đầu với mọi thứ thử thách của cuộc đời khi làm người lớn.

Sự cô đơn ấy, có lẽ cũng chính là biểu hiện của sự tự do. Càng cô đơn, càng tự do, và ngược lại: càng tự do, càng cô đơn. Người trẻ ngày nay, dường như chẳng hề thiếu sự tự do, cái mà chúng tôi thiếu, hẳn là một điểm tựa. Vì chênh vênh giữa cuộc sống hối hả, không có một nơi để bấu víu, nên chúng tôi cảm thấy cô đơn. 

3. Khao khát thoát khỏi thực tại để sống với những lí tưởng cao cả

Sự cô đơn, lạc lõng và những áp lực liên tiếp của cuộc đời khiến con người ta khao khát được thoát khỏi thực tại, muốn quên đi thực tại, sống với những lí tưởng cao cả. Khao khát thoát ly thực tại ấy trước hết biểu hiện ở những chuyến đi, đi lang thang: “Ngày nào còn khát - Thì ngày đó ta còn lang thang…” (Cho tôi lang thang)

Những chuyến đi hòa cũng gió và mây đã xoa dịu đi phần nào những tâm hồn chằng chịt tổn thương sau thời gian dài vật lộn với cuộc sống, và cứ thế, người ta muốn đắm chìm với những chuyến đi dài, được tận hưởng, được “thở”: “Chúng ta rồi sẽ có, có những chuyến đi dài”. Cũng có khi, những chuyến đi chẳng hề được sắp đặt, chúng ta cứ đi, đi về phía vô định: “Và ta đang phiêu lưu/Chuyến đi không biết trước” (Một triệu like) và có khi nhận ra “Cuộc chơi đi hơi xa, hơn cả thứ mà ta từng mơ về.” Nhưng có hề gì, bởi tuổi trẻ, làm gì nếu không trải nghiệm?

Về bản chất, những chuyến đi ấy chính là sự trốn chạy, có khi nó táo bạo, phóng túng đến lạ lùng. Họ muốn cùng nhau “đi đến tận cùng, tận cùng chân mây vượt núi cao hay biển sâu”, bỏ mặc tất thảy những ca trực, những tiết học trên giảng đường, bỏ mặc cả sự âu lo của cha mẹ khi “bố em hút rất nhiều thuốc, mẹ em khóc mắt lệ nhòa”. Những cuộc “đưa nhau đi trốn” như đã trở thành một thói quen, một lẽ thường tình. Mệt thì phải nghỉ, quá xô bồ thì phải đi trốn: “Mình kệ những luật lệ mà mình thường vâng lời/ Đời nói mình vô trách nhiệm, có vẻ không oan/ Ừ thì một lần mình là trẻ không ngoan".

Sự trốn tránh, xa rời thực tại trong lời nhạc của Đen dường như đều hướng về tự nhiên, khao khát được trở về với thiên nhiên, trở về những gì xưa cũ: “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau – Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau.” Đó chính là những khoảng không gian rộng lớn, thoáng đãng, nơi mà chúng ta được thở thực sự. Hình ảnh
thiên nhiên cũng gợi ra sự tự do, phóng khoáng để rồi “Ta không muốn những ngày trẻ trở nên gầy gò xanh xao/ta muốn là cánh chim nhỏ, giữa bầu trời trong xanh chao” (Đi theo bóng mặt trời).

Thiên nhiên trong những nhạc phẩm của Đen cũng luôn rất đẹp đẽ và gần gũi, hòa quyện với con người: “Ta sẽ cùng mở nhạc, giữa rừng xanh và nhảy cùng – là đâu đó giữa chập chùng núi non kia – nằm trên đồi hút điếu thuốc và ở trong túi là lon bia” (Đi theo bóng mặt trời).

4. Cái tôi và quan điểm nghệ thuật

Trong lời nhạc của Đen, hay cũng đúng với cá tính, cuộc đời anh, luôn là một cái tôi khác biệt, một chất riêng dẫu có phần ngông nghênh, táo bạo. Với “Mười năm”, Đen đã dựng nên một thước phim tư liệu của chính mình mang đầy tính hoài niệm chất chứa nhiều tâm sự, hồi ức trong suốt 10 năm thăng trầm trong cuộc sống. Anh dứt khoát rằng Đen Vâu sẽ vẫn là chính Đen Vâu của 10 năm trước, vẫn chân thành, giản dị, sống và làm theo những điều mình muốn, mặc kệ thói đời chê bai, đàm tiếu như một tuyên ngôn chắc chắn của cuộc đời mình: “Tao vẫn sẽ rap cho bản thân tao trước - Khi mà tao còn thở, khi mà chân tao bước - Khi tao còn lo lắng cho những người ghét tao - Dõi theo thằng không bỏ cuộc, mệt mỏi biết bao”

Như một cách nhấn mạnh thêm về cái tôi và quan điểm làm nghệ thuật của mình: không tính toán, vụ lợi, không chạy theo thị hiếu đám đông, trong bài “Đừng gọi anh là idol”, Đen viết: “Anh không phải thần tượng để cho ai noi gương - Anh chỉ là người hát rap, anh chỉ cần không bị coi thường”

5. Âm nhạc truyền cảm hứng

Dù cuộc đời vất vả, gian nan là thế, các ca khúc của Đen không thể hiện sự bi quan. Trên hết, anh muốn mang đến thứ âm nhạc để "chill", khiến con người thấy thoải mái, nhẹ nhõm. Âm nhạc cũng chính là lí tưởng, là điểm tựa tinh thần của anh: “Âm nhạc mở lối cuộc đời Anh, như là ngọn hải đăng ở trên biển” (Bài này chill phết). Nhờ có âm nhạc mà cuộc đời anh bớt cô đơn, u ám: “Đi hát vui lắm em, vì đồng âm của anh họ rất tuyệt/ Bọn anh hát cùng nhau khiến cho thanh xuân này như bất diệt/ Anh thấy mình không cô đơn, không áp lực nào buộc chân Anh.” Việc tìm đến âm nhạc như một liều thuốc tinh thần cũng là biểu hiện của ý chí, khát khao vươn lên, không chấp nhận, cam chịu thực tại đen tối, tù túng.

Trong những lời ca, có rất nhiều câu rap tựa như châm ngôn tràn đầy những trải nghiệm của Đen mà không hề có sự phán xét, dạy dỗ, ngược lại như người bạn chân thành truyền động lực, làm điểm tựa tinh thần cho con người ta vực dậy: “Đại bàng tập đập cánh, trước cả khi nó đã đủ lông/ Chịu nhiều vết thương nhất, mới đủ sức làm con sói đầu đàn/Con người trong nghịch cảnh, càng không được phép chịu đầu hàng.” (Một triệu like)

6. Chất liệu văn hóa, văn học truyền thống và hiện đại

Ca từ trong âm nhạc của Đen Vâu vừa hiện đại vừa “truyền thống”. Bên cạnh những câu rap hiện đại, tự do, phóng túng và rất nhiều những chất liệu văn hóa, văn học được vận dụng linh hoạt: “Nhưng mà mộng mơ Anh nhiều như niêu cơm của Thạch Sanh” (Bài này chill phết), hay “Anh như con cáo, em như một cành nho xanh” (Anh đếch cần gì nhiều ngoài em). Cách Đen viết lên những ca từ cũng mang đậm dấu ấn hiện đại. Anh không đóng vai trò là “cái loa phát thanh” để nói lên tất thảy những tâm tư, bộc bạch nỗi lòng sâu kín; anh cũng không viết những lời phán xét, dạy dỗ, kích động rằng: hãy rời xa khỏi cuộc sống thực tại áp lực này, hãy tìm về những nơi xa xôi không khói bụi thành phố,…

Lời nhạc của Đen không phải những lời tuyên ngôn. Nhạc của anh không chỉ để nghe, mà còn để chiêm nghiệm. Khi “Trốn tìm” được ra mắt, ca khúc đã nhanh chóng nhận được “mưa lời khen” và sự đồng cảm. Có người nhận định ý nghĩa bài hát là quá trình một đời người, từ những ngày tháng trẻ trung, ngây thơ đến khi trưởng thành với những cung bậc cảm xúc, những trải nghiệm vô cùng phức tạp, rối ren. Có người nói Đen ngụ ý cuộc đời này cũng giống như trò chơi trốn tìm ngay thơ bé, cũng có người nói bài hát diễn tả sự cô đơn “khi muốn trốn nhưng không ai muốn tìm”,…

Dù tiếp nhận theo hướng nào, giải thích ý nghĩa bài hát ra sao, có lẽ đều đúng, đều được
chấp nhận bởi họ lí giải từ những cách nhìn, những chiêm nghiệm của cuộc đời họ. Và bài hát,
đối với họ - những người “đồng âm” của Đen Vâu, chính là người bạn chân thành, một người tri
âm, tri kỉ.

III. Những câu rap ý nghĩa của Đen

---------------------------------------------------

Các bài viết dẫn chứng của Khoahoc.vn sẽ thường xuyên được cập nhật.

  • 701 lượt xem
Sắp xếp theo