Con người phải sống như thế nào, đâu là giá trị của sự sống con người? ... Đó là những câu hỏi lớn mà nhân loại đặt ra từ rất lâu trước những biến đổi của lịch sử.
Khoahoc.vn tổng hợp một số nhận định, quan niệm về "giá trị sống của con người", giúp các bạn có thêm những góc nhìn mới mẻ và tư liệu để viết văn nghị luận xã hội.
1. “Sống - tôi nói cái sự sống nó tự biết nó chứ không phải lối sống vô tri vô giác của cỏ cây, sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động.” (Nam Cao - Sống mòn)
→ Sống phải có cảm giác - tức phải nhạy bén, nhạy cảm trước những tác động của cuộc sống xung quanh đối với con người.
2. “Biết ngạc nhiên trước cái kiều diễm, đó là điều kiện để làm nên phẩm giá con người”. (Biêlinski)
→ Sống là phải biết rung động, có cảm xúc trước những niềm vui, nỗi buồn, những vẻ đẹp của cuộc sống.
3. “Con phải nhờ người khác dạy, bệnh phải nhờ người khác chữa, dù chính mình là thầy giáo hay thầy thuốc. Nhưng cách làm người ở đời thì phải tự mình suy nghĩ lấy, bao nhiêu đơn thuốc người khác kê cho thường chỉ là giấy lộn”. (Lỗ Tấn)
→ Con người cần phải có suy nghĩ, tư tưởng. Suy nghĩ và tư tưởng sẽ giúp con người hiểu biết, đánh giá đúng thế giới xung quanh và chính mình, có thể đứng vững trước những thử thách của cuộc sống.
4. “Làm sao con người có thể sung sướng khi họ không thể chống cự nổi sự cực khổ đọa đày của thế giới này? Chỉ có thể bằng cuộc sống có nhận thức. Sự hiểu biết và lương tâm tốt đẹp là hạnh phúc, chỉ có nhận thức mới đem lại cho ta cuộc sống ấy. Cuộc sống có nhận thức là cuộc sống hạnh phúc mặc dù thế giới có cực đến đâu chăng nữa”. (Lutvich Vitghenstainơ) ”
5. “Sống là để làm cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công việc tiến bộ chung”. (Nam Cao)
→ Sống là để phát huy, phát triển năng lực, phẩm chất con người và đóng góp sức lực vào sự phát triển xã hội.
6. "... Sự tự do phát triển của mỗi người là điều kiện cho sự tự do phát triển của tất cả mọi người", mặt khác "cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người". (C.Mác và Ph.Ăng-ghen)
→ Con người được tự do phát triển, song sự phát triển của cá nhân phải góp phần vào sự phát triển của xã hội, hai yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau.
---------------------------------------------------
Các bài viết dẫn chứng của Khoahoc.vn sẽ thường xuyên được cập nhật.