Ba truyện kể Thần Trụ Trời, Thần Sét, Thần Gió giúp bạn hiểu được gì về đặc điểm nội dung và nghệ thuật của truyện thần thoại?
a. Nội dung:
- Thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ.
- Từ thuở ban đầu con người chủ yếu dựa vào săn bắn, hái lượm. Hoàn toàn lệ thuộc vào thế giới tự nhiên, chưa thể tách mình khỏi sự hỗn mang mờ mịt.
- Lũ lụt, bão tố, động đất và sóng thần, bệnh tật, thú dữ con người bất lực, sợ hãi kéo dài đến một thời điểm nào đó sẽ tự đặt ra dấu hỏi về thực tại, gắn liền với sự sống và cái chết.
- Bước đầu của sự nguyên thủy, con người phỏng đoán bằng trí tưởng tượng mơ hồ, vô thức
- Trong trạng thái vô thức tập thể, con người thời nguyên thủy đã nhân hóa tự nhiên, tất cả sự việc đều mang “linh hồn” (khởi nguồn thuyết “vạn vật đều có linh hồn”
- Từ đó nảy sinh ma thuật, tín ngưỡng vật tổ, các loại thần linh ngự trị thế gian ⇒ Tư duy hình tượng của con người.
b. Nghệ thuật:
- Sử dụng nhiều yếu tố kì ảo, tưởng tượng.
- Cốt truyện đơn giản, tập trung vào một nhân vật chính.
- Thời gian phiếm chỉ, không gian vũ trụ.
Vẽ sơ đồ hoặc bảng tổng hợp về các văn bản đã học theo gợi ý.
Tác phẩm | Ngôi kể | Nhân vật chính | Sự kiện chính |
Thần Trụ Trời | Thứ ba | Thần Trụ Trời |
Thần Trụ Trời tạo ra trời và đất. - Thần đầu đội trời lên rồi đào đất, đá đắp thành cột cao để chống trời. - Trời cao và khô cứng, thần phá cột, ném vung đá và đất khắp nơi. - Chỗ thần đào lên lấy đất đá thành biển. |
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên | Thứ ba | Ngô Tử Văn |
Cuộc minh oan của Ngô Tử Văn dưới Minh ti. - Tử Văn đốt đền - Tử Văn gặp viên bách hộ họ Thôi và viên thổ công - Tử Văn trong buổi xử kiện dưới Minh Ti - Tử Văn nhận chức phán sự |
Chữ người tử tù | Thứ ba | Huấn Cao |
Huấn Cao cho chữ viên quản ngục. - Huấn Cao là nhân vật chính trong Chữ người tử tù, mặc dù nổi tiếng và có tài viết chữ nhưng lại bị triều đình giam giữ và kết tội chết vì dám chống đối lại triều đình. - Trong thời gian giam giữ trong ngục tù, ông cương trực và bất khuất. Viên quản ngục đã nghe danh tiếng ông Huấn Cao nhưng không ngờ gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu thế này. Viên quản ngục biệt đãi ông Huấn Cao như dọn dẹp chỗ ở, dọn đồ ăn ngon nhưng Huấn Cao tỏ thái độ khinh thường. - Khi thời gian xử tử sắp đến, viên quản ngục tiết lộ ông là người yêu cái đẹp và nghệ thuật, mong muốn xin chữ của Huấn Cao. Cảm động trước tấm lòng của viên quản ngục Huấn Cao quyết định cho chữ trước ngày ra pháp trường. |
Tìm đọc một số truyện thần thoại Việt Nam và thế giới. Chọn một tác phẩm mà bạn yêu thích để chỉ ra các yếu tố đặc trưng của truyện thần thoại: cốt truyện, thời gian, không gian, nhân vật, lời kể…
Gợi ý: Truyện thần thoại là Nữ Oa (Thần thoại Trung Quốc)
- Thời gian: Không xác định
- Không gian: Trời đất mới sinh, đã có cỏ cây, muông thú mà chưa có loài người.
- Cốt truyện: Nữ Oa tạo ra loài người, Nữ Oa luyện đá vá trời.
- Nhân vật chính: Thần Nữ Oa
- Lời kể: Ngôi thứ ba
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ) hoặc Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).
Mẫu số 1
Khi đọc tác phẩm “Chữ người tử tù”, em ấn tượng nhất với cảnh cho chữ - được coi là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Tình huống cho chữ diễn ra hết sức tự nhiên trong thời gian đó là đêm cuối cùng Huấn Cao còn ở nhà ngục trước khi về kinh thi hành án. Cảnh cho chữ thiêng liêng lại được diễn ra trong không gian u ám của ngục tối, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Vị thế giữa người cho và người nhận cũng thật đặc biệt. Người cho chữ là người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Còn người nhận chữ là viên quản ngục - người thực thi công lí, có quyền hành thì lại đang “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Cảnh cho chữ đã ca ngợi tấm lòng thiên lương của hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục. Đồng thời, tác giả cũng muốn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn trong con người của Huấn Cao từ đó thể hiện quan niệm thẩm mĩ của Nguyễn Tuân.
Mẫu số 2
Với bàn tay tài hoa của mình, Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù” đã tạo ra một tình huống độc đáo, hấp dẫn đầy kịch tích: đó là cuộc kì ngộ giữa ba nhân vật quản ngục, Huấn Cao và thầy Thơ lại. “Chữ Người tử tù” là một trong rất nhiều những truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Tâm. Truyện xoay quanh ba nhân vật quản ngục, thầy thơ lại và Huấn Cao trong đó nhân vật chính là Huấn Cao và Quản Ngục, bằng tài hoa và sự tinh tế của mình, Nguyễn Tuân đã tạc dựng nên những hình tượng nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn và nhất là một tình huống truyện giàu kịch tính. Tình huống truyện là một sự kiện có tính chất nổi bật mà qua đó bản chất đời sống được bộc lộ. Đối với truyện ngắn, tình huống truyện có ý nghĩa then chốt vì nó góp phần giúp cho cốt truyện phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ và tư tưởng nhà văn được sáng rõ. Vì thế đã có người ví, tình huống giống như một lát cắt trên thân cây mà qua đó thấy được trăm năm đời thảo mộc, là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc toàn bộ truyện ngắn. Chính vì thế, chỉ khi là một bàn tay tài hoa và có sự hiểu đời, hiểu người thì nhà văn mới có thể chọn được một tình huống đặc sắc trong cuộc sống phong phú, muôn màu ngoài kia. Trong “Chữ người tử tù” tình huống truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kì ngộ giữa Huấn Cao và quản ngục. Đó là một tình huống có tính chất éo le, kịch tính và ngang trái, bởi Huấn Cao là tử tù cò quản ngục là quản tù; Huấn Cao đứng đầu đội quân phiến loạn triều đình còn quản ngục lại là công cụ bảo vệ triều đình, đại diện cho triều đình. Huấn Cao là một anh hùng có chí khí, khí phách hiên ngang và có tài viết chữ thư pháp được ví như người tài lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa còn quản ngục mặc dù sống trong chốn cặn bã, lừa lọc, tàn nhẫn nhưng lại yêu cái đẹp, trọng người tài. Huấn Cao bị cầm tù về nhân thân nhưng tự do về thân cách còn quản ngục tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù bởi nhân cách. Trên bình diện xã hội, họ ở hai chiến tuyến đối lập nhau, chính vì thế tình huống truyện càng gay gắt và kịch tính hơn.
Mẫu số 3
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một trong những truyện xuất sắc nhất trong tập Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Để tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện, tác giả đã có sự đan xen, kết hợp hết sức hài hòa với những yếu tố kì ảo. Theo bước chân của nhân vật chính Ngô Tử Văn người đọc được gặp hồn ma của tên Bách hộ họ Thôi để thấy được sự xảo trá của hắn, đe dọa hòng làm Ngô Tử Văn lung lay ý chí. Không chỉ vậy, người đọc còn được xuống cõi âm ti âm u, tăm tối, cây cầu dài hơn nghìn thước được bắc qua một con sông lớn mà “gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương”. Cả một thế giới ma quỷ mà ta thường chỉ biết đến qua tưởng tượng hiện ra trước mắt người đọc: “mấy vạn quỷ Dạ Xoa đều mắt xanh, tóc đỏ, hình dáng nanh ác”; cung điện của Diêm Vương thăm thẳm với những bóng quỷ, hồn ma. Thế giới huyền ảo được miêu tả hết sức chi tiết, sinh động, làm ai nấy đọc cũng không khỏi rùng mình, sợ hãi. Hai yếu tố hiện thực và kì ảo đan cài với nhau trong đó yếu tố kì ảo là nghệ thuật giúp cho câu chuyện thêm phần sinh động, hấp dẫn. Đồng thời cũng phản ánh đúng tinh thần chung của Nguyễn Dữ trong cuốn Truyền kì mạn lục là lấy cái “gì” để nói cái “thực”.