Thực hành đọc: Ra-ma buộc tội

I. Tìm hiểu chung

1. Sử thi Ấn Độ

- Khái niệm: Sử thi là bức tranh sinh động phản ánh đời sống tư tưởng của nhân dân Ấn Độ qua những cuộc xung đột vũ trang giữa các vương quốc, giữa những chủng tộc sống trên đất Ấn Độ. Sử thi còn là những bài ca vĩ đại ca ngợi những chiến công hiển hách, khí phách hào hùng lí tưởng mà nhân dân Ấn Độ cổ xưa ngưỡng mộ và tôn thờ.

- Tiêu biểu: Sử thi Mahabharat và Ramayana

- Đặc trưng:

Quy mô đồ sộ Trên thế giới ít có những bộ sử thi nào quy mô đồ sộ như hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana của Ấn Độ. Mahabharata dài 22 vạn câu, Ramayana dài 5 vạn câu, gấp bảy lần Iliat và Ôđixê của Hi Lạp cộng lại.
Xung đột gay gắt Hai tập sử thi trên không coi trọng miêu tả chiến tranh mà chú trọng miêu tả sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa đạo lí và phi đạo lí. Nếu có xung đột với nhau, trước tiên phải hoà giải, nếu không thành mới tiến tới chiến tranh.
Đa dạng nhân vật Nhân vật trong sử thi Ấn Độ rất phong phú và đa dạng: Người anh hùng, đạo sĩ, phụ nữ thần thánh, ma quỷ… Nhân vật thường biến hoá đa dạng, nửa thần, nửa người….

2. Sử thi Ramayana

Hoàn cảnh ra đời và xuất xứ

- Hình thành vào khoảng thế kỉ thứ IV – III trước CN, sau bộ Mahabharata nhưng lại kể về chuyện xảy ra trước thời đại của Mahabhata.

- Được quy cho là sáng tác của Valmiki, một nhà thơ sống ẩn dật vào khoảng thế kỉ thứ III TCN, xuất thân đẳng cấp Bà-la-môn và đã tu luyện thành đạo sĩ.

- “Ramayana” là một bộ sử thi bằng tiếng Phạn, được viết bằng văn vần, gồm 24.000 câu thơ đôi (tức 48.000 dòng thơ) trong 7 tập kể về những chiến tích của hoàng tử Rama trong công cuộc chiến đấu tiêu diệt các thế lực đen tối.

Nội dung chính

Bước ngoặt cuộc đời Từ thân phận hoàng tử trưởng sắp được truyền lại ngôi báu nhưng do lòng đố kị của thứ phi Ka-kê-i, Ra-ma bị mất ngôi báu vào tay Bha-ra-ta (con trai của Ka-kê-i) và bị đáy ải vào rừng 14 năm cùng với vợ chàng là Xi-ta và em trai Lắc-ma-na.
Biến cố bất ngờ Gần hết kỳ hạn 14 năm thì xảy ra chuyện chẳng lành. Qủy vương Ra-va-na cướp Xi-ta mang về đảo Lan-ka, được thần linh cứu giúp Xi-ta đã bảo toàn được trinh tiết. Mất vợ, Ra-ma đau buồn nhưng nhờ có sự giúp đỡ của vua khỉ Xu-gri-va, tướng khỉ Ha-nu-man và đoàn quân khỉ giúp sức, Ra-ma đã giết được quỷ vương và cứu được Xi-ta.
Xung đột giữa tình yêu và danh dự Cứu được Xi-ta nhưng Ra-ma nghi ngờ sự trinh tiết của nàng, ruồng rẫy và không muốn nhận nàng làm vợ, Xi-ta phải nhảy vào giàn lửa tiêu để chứng minh cho lòng chung thủy của mình. Biết nàng trong sạch, thần lửa A-nhi đã cứu nàng.
Hạnh phúc Anh hùng Ra-ma cùng người vợ thủy chung quay về kinh đô, cai quản đất nước , khiến cho muôn dân được sống trong thái bình thịnh trị.

3. Đoạn trích Rama buộc tội

- Vị trí: Nằm ở khúc ca thứ VI chương 79

- Bố cục: 2 phần

+ Phần 1 (từ đầu đến “... Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu”): Cuộc gặp gỡ giữa Ra-ma và Xi-ta, diễn biến tâm trạng của Ra-ma.

+ Phần 2 (còn lại): Diễn biến tâm trạng của Xi-ta.

- Tóm tắt: Sau khi chiến thắng quỷ vương Ra-va-na, cứu Xi-ta, nhưng vì danh dự và lòng ghen tuông, Ra-ma đã nghi ngờ sự trong sạch của Xi-ta và tuyên bố ruồng bỏ nàng. Xi-ta đã hết lời thanh minh nhưng rồi nàng phải tự bảo vệ danh dự của mình bằng cách nhảy vào giàn lửa và nhờ thần A-nhi chứng giám.

II. Trả lời câu hỏi

1. Xác định phẩm chất của nhân vật chính được thể hiện qua lời nói, hành động

- Ra-ma:

+ Ngoại hình có tầm vóc phi thường, mang vẻ đẹp của đức hạnh, trí tuệ, tài năng và lòng dũng cảm.

+ Một người bản lĩnh, cương quyết và lạnh lùng.

⇒ Vừa là một vị vua đứng trước thần dân, một anh hùng trọng danh dự đồng thời là một người chồng hết mực yêu thương và xót xa cho vợ của mình. Phải chứng tỏ được ý thức về danh dự.

- Xi-ta: Không chỉ vẻ đẹp hình thức mà còn sống đức hạnh, tình yêu thương bao la đối với con người và cảnh vật, sự chung thủy, sự chịu đựng đáng trân trọng của người phụ nữ trong mối quan hệ với các vấn đề xã hội (tôn giáo, đẳng cấp, hôn nhân) theo quan niệm của giáo lí.

2. Tìm hiểu cách miêu tả nhân vật

- Nhân vật được miêu tả qua: hành động, ngôn ngữ.

- Nhân vật được đặt vào một tình huống: Ra-ma và Xi-ta đoàn tụ nhưng Xi-ta đứng trước mọi người trong cộng đồng như một bị cáo. Ra-ma ngự trên ngôi như một viên quan tòa có quyền kết án.

⇒ Không phải là một cuộc đoàn tụ sau nhiều năm xa cách mà là một phiên tòa đầy căng thẳng.

3. Chú ý đến lời của người kể chuyện, giọng điệu kể chuyện

- Người kể chuyện theo ngôi thứ ba.

- Giọng điệu: Trang trọng.

4. Đọc phần chú thích để hiểu về các yếu tố văn hóa xoay quanh đoạn trích.

Quan niệm của người Ấn Độ về vẻ đẹp của người anh hùng và người phụ nữ trong Sử thi

a. Về người anh hùng

Hình tượng người anh hùng lí tưởng: được xây dựng trên cảm quan và tư duy tôn giáo.

- Nhân vật anh hùng về ngoại hình phần lớn thường có tầm vóc đẹp, có kích thước lớn lao.

- Chú trọng đời sống tâm linh, nên hình dáng không chỉ là cái bên ngoài mà còn là hình dáng được cảm nhận từ bên trong.

- Nhân vật anh hùng trong bộ sử thi Ramayana, có vẻ bề ngoài thánh thiện. Ngoài tầm vóc mang kích thước vũ trụ, tiêu biểu cho sức mạnh thể chất - tinh thần của cộng đồng dân tộc, nhân vật anh hùng sử thi còn sáng ngời vẻ đẹp của đức hạnh, trí tuệ, tài năng và lòng dũng cảm.

- Lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực phi thường được coi là phẩm chất tuyệt đối. trong sử thi Ramayana, nhân vật Ra-ma được xây dựng là người anh hùng “toàn diện toàn mỹ”, không chỉ đẹp về hình thức mà tài năng và đức hạnh của chàng cũng rực rỡ như các vì sao trên bầu trời.

b. Quan niệm về người phụ nữ

Hình tượng người phụ nữ với những vẻ đẹp về hình thức, phẩm chất nhân cách bên trong như đức hạnh, tình yêu thương bao la đối với con người và cảnh vật, sự chung thủy, sự chịu đựng đáng trân trọng của người phụ nữ trong mối quan hệ với các vấn đề xã hội (tôn giáo, đẳng cấp, hôn nhân) theo quan niệm của giáo lí. Với tất cả phẩm chất tốt đẹp, những người phụ nữ ấy xứng đáng được xem là “khuôn vàng thước ngọc”

  • 17.237 lượt xem
Sắp xếp theo