- Văn bản nghị luận là loại văn bản thể hiện chức năng thuyết phục thông qua một hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ.
+ Đề tài của văn bản nghị luận rất rộng, bao gồm mọi vấn đề của đời sống như chính trị, xã hội, đạo đức, triết học, nghệ thuật, văn học ,…
+ Căn cứ vào đề tài được đề cập và nội dung triển khai có thể chia văn bản nghị luận thành nhiều tiểu loại, trong đó nghị luận xã hội và nghị luận văn học là hai tiểu loại phổ biến, quen thuộc.
+ Ở những bối cảnh văn hóa và thời đại khác nhau, văn bản nghị luận có những đặc điểm riêng.
- Khi viết văn bản nghị luận tùy vào tính chất của thể loại được chọn, các tác giả cũng thường chú ý sử dụng yếu tố biểu cảm và tự sự để làm tăng hiệu quả thuyết phục cho văn bản.
- Luận đề là vấn đề, tư tưởng, quan điểm, quan niệm…được tập trung bàn luận trong văn bản.
Việc chọn luận đề để bàn luận luôn cho thấy rõ tầm nhận thức, trải nghiệm, sở trường, thái độ, cách nhìn nhận cuộc sống của người viết. Thông thường, luận đề của văn bản được thể hiện rõ qua từ nhan đề.
Ví dụ:
- Bàn luận về sức mạnh của tình yêu thương (luận đề là: sức mạnh của tình yêu thương)
- Bàn luận về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đối với toàn cầu (luận đề là: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 với toàn cầu).
- Luận điểm là một ý kiến khái quát thể hiện tư tưởng, quan điểm, quan niệm của tác giả về luận đề. Nhờ hệ thống luận điểm (gọi nôm na là hệ thống ý), các khía cạnh cụ thể của luận đề mới được làm nổi bật theo một cách thức nhất định.
- Luận điểm cần được trình bày một cách rõ ràng, có hệ thống, có định hướng cụ thể và đảm bảo tính chính xác cao.
- Lí lẽ, bằng chứng hay được gọi nôm na là luận cứ. Lí lẽ nảy sinh nhờ suy luận logic được dùng để giải thích và triển khai luận điểm, giúp luận điểm trở nên sáng tỏ và đứng vững. Bằng chứng là những căn cứ cụ thể, sinh động được triển khai từ thực tiễn hoặc từ các tài liệu sách báo nhằm xác nhận tính đúng đắn, hợp lí của lí lẽ.
Bài nghị luận xã hội là một trong nhiều dạng của văn nghị luận, đề cập các vấn đề xã hội được quan tâm rộng rãi, không đi vào những vấn đề, lĩnh vực quá chuyên sâu nhằm tạo được sự hồi đáp tích cực, nhanh chóng từ phía người đọc, người nghe. Đề tài của bài nghị luận xã hội rất phong phú, thường được xếp vào hai nhóm chính:
- Bàn về một hiện tượng xã hội
- Bàn về một tư tưởng đạo lí có tính phổ cập.
Đáp ứng yêu cầu chung của một văn bản nghị luận, bài nghị luận xã hội cũng phải xác lập được luận đề rõ ràng, triển khai bằng hệ thống luận điểm tường minh với lí lẽ thuyết phục và bằng chứng xác đáng, có lời văn chính xác, sinh động.
- Thân Nhân Trung (1418 - 1499), tự là Hậu Phủ, người làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
- Ông đỗ Tiến sĩ năm 1469, là người nổi tiếng văn chương trong hội Tao đàn thời Hậu Lê, được Lê Thánh Tông tin dùng.
- Năm 1484 Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn Bài kí để danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba (Đại Bảo tam niên Nhâm Tuất khoa tiến sĩ đề danh kí) để khắc lên bia trong Văn Miếu, khởi đầu cho việc xây dựng bia ghi danh tiến sĩ sẽ thành truyền thống về sau.
- Hiền tài là nguyên khí của quốc gia là đoạn trích nằm trong bài văn bia nói trên. Trước đoạn này tác giả nêu chủ trương bồi dưỡng trọng dụng hiền tài của các triều vua Lê. Sau đoạn này là danh sách 33 vị đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất ( 1442).
Văn bia là loại văn khắc trên bia đá gồm nhiều thể khác nhau, rất phổ biến thời trung đại thường ghi chép những sự kiện quan trọng hoặc tên tuổi sự nghiệp của những người có công đức lớn để lưu truyền hậu thế. Nhiều văn bia là những áng văn nghị luận độc đáo, giàu hình, chứa đựng giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc.
Ví dụ: Các văn bia khác như: An Hoạch sơn Báo Ân tự bi do Chu Văn Thường soạn, niên đại Hội Phong 9 (1100) ở chùa Báo Ân núi An Hoạch (Đông Sơn – Thanh Hóa) đã ca ngợi công tích rực rỡ và đạo làm tôi của Thái úy Lý Thường Kiệt; Lam Sơn Dụ lăng bi – văn bia về vua Lê Hiến Tông do các viên Đông các Học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm viết…
Đoạn 1: Từ đầu → "…làm đến mức cao nhất": Vai trò quan trọng của hiền tài đối với quốc gia
Đoạn 2: Còn lại: Ý nghĩa của việc dựng bia, khắc tên người hiền tài.
Câu 1: Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy (trực tiếp hoặc qua phim ảnh) những hàng bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Khi nhìn thấy những hàng bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi cảm thấy rất khâm phục, kính trọng và tự hào về các bậc cha ông.
Câu 2: Bạn đã thấy, đã nghe câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” ở đâu, trong hoàn cảnh nào?
Ví dụ: Một chuyến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Tiết học môn Ngữ văn..
Câu 1: Các vị vua anh minh đã ban ân gì cho kẻ sĩ?
Yêu mến cho khoa danh, đề cao bằng tước trật, nêu tên ở tháp Nhạn, ban danh hiệu Long hổ, bày tiệc Văn hỉ.
Câu 2: Lí do chính của việc dựng bia là gì?
- Vinh danh, lưu lại tiếng thơm muôn đời.
- Khiến cho kẻ sĩ trong vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua.
Câu 1. Tìm trong đoạn 2 của văn bản những từ ngữ thể hiện thái độ trọng dụng hiền tài của “các đấng thánh đế minh vương”.
Những từ ngữ: quý, yêu mến, đề cao, mừng
Câu 2. Trong văn bản có một câu trực tiếp nói về mục đích của việc dựng bia ghi danh những người đỗ tiến sĩ. Bạn hãy cho biết đó là câu nào.
“Thế thì việc dựng tấm bia đá này lợi ích rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước.”
Câu 3. Xác định luận đề của văn bản và cho biết vì sao bạn xác định như vậy?
- Luận đề: Bàn về tầm quan trọng của hiền tài đối với vận mệnh của đất nước.
- Dựa vào: Nhan đề, lí lẽ và dẫn chứng trong văn bản.
Câu 4. Xét về nội dung, đoạn 3 có mối quan hệ như thế nào với đoạn 2?
- Xét về nội dung, đoạn 3 tiếp tục bổ sung cho đoạn 2.
- Đoạn 2: Việc làm thể hiện sự coi trọng của “các đấng thánh đế minh vương” với người hiền tài trong thiên hạ.
- Đoạn 3: Nói về những chính sách khuyến khích hiền tài đã được làm và đang tiếp tục làm (khắc bia) của đất nước.
⇒ Đoạn 3 có mối quan hệ chặt chẽ với đoạn 2, các câu văn trong đoạn 3 bổ sung thêm nội dung chi tiết cho ý lớn: sự trọng đãi của triều đình đối với bậc hiền tài, đã được triển khai trong đoạn văn số 3. Những dẫn chứng được nêu thêm như: vua cho xây dựng đá đề danh ở của Hiền Quan. Đây là sự bổ sung cần thiết vì nó giúp chuyển mạch lập luận từ chỗ bàn về nguyên lí chung đến những việc cụ thể như dựng bia.
Câu 5. Bạn hãy khái quát về nội dung đoạn 4 và cho biết đoạn này đảm nhận chức năng gì trong mạch lập luận.
- Nội dung: Kẻ sĩ nên bị tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp.
- Chức năng trong mạch lập luận: luận cứ trong mạch lập luận, nối đoạn 4 và 5.
Câu 6. Khi viết bài văn bia, tác giả đã thể hiện ít nhất hai tư cách: một là của người truyền đạt “thánh ý”, hai là của kẻ sĩ được trọng dụng, thường suy nghĩ về việc báo đáp. Việc thống nhất hai tư cách đó đã chi phối như thế nào đến cách triển khai luận điểm của tác giả?
- Giúp cho cách triển khai luận điểm trong bài uyển chuyển, linh hoạt.
- Luận điểm triển khai vừa mang màu sắc rắn rỏi, dứt khoát của thành ý, vừa tha thiết, giàu cảm xúc của người hiền tài được trọng dụng, luôn suy nghĩ về việc báo đáp.
Câu 7. Tìm một vài dẫn chứng lịch sử (qua những gì đã học và tìm hiểu thêm) để làm sáng tỏ nhận định sau đây của tác giả bài văn bia: “Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.”
- Các triều đại phong kiến đều chú trọng việc tổ chức các khoa thi, kén chọn người tài.
- Nguyễn Trãi đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo để lật đổ ách thống trị của nhà Minh, là quân sư đắc lực của Lê Lợi trong việc bày mưu tính kế cũng như soạn thảo các văn bản trả lời quân Minh cho Lê Lợi. Vì vậy, sau khi chiến thắng, Nguyễn Trãi đã được nhà vua ban thưởng xứng đáng, phong tước “Quan phục hầu”, giữ một vị thế lớn trong triều đình nhà Lê.
- Ngô Thì Nhậm cũng là một hiền tài, nhận được sự trọng dụng của vua Quang Trung. Tin tưởng vào tài năng, trí tuệ của Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung đã giao cho ông việc ngoại giao với nhà Thanh để tính kế lâu dài. Sau chiến thắng của khởi nghĩa Tây Sơn, Quang Trung phong Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư.
Câu 8. Qua việc đọc văn bản ở trên, bạn hiểu gì về tầm quan trọng của việc xác định mục đích viết và bày tỏ quan điểm của người viết trong văn nghị luận?
- Xác định được luận điểm, trình bày lí lẽ và dẫn chứng thật rõ ràng.
- Lập luận một cách khoa học, lô-gíc…
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về sự cần thiết của việc trọng dụng hiền tài.
Mẫu số 1
Thân Nhân Trung đã khẳng định rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bởi vậy mà việc trọng dụng, bồi dưỡng hiền tài là vô cùng cần thiết và quan trọng. Trước hết, hiểu đơn giản rằng “hiền tài” là người tài cao, học rộng và có đạo đức. Họ sẽ góp phần đóng góp trí tuệ trên mọi lực vững để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Nhưng không chỉ có trí tuệ, họ còn có phẩm chất và đạo đức tốt đẹp, luôn khao khát cống hiến cho tổ quốc. Từ xưa, các bậc đế vương đều chú trọng đến việc bồi dưỡng hiền tài, kén chọn kẻ sĩ. Những người tài đều được trọng dụng, ban ân và ghi danh sử sách. Đến nay, việc bồi dưỡng nhân tài vẫn luôn được quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc bồi dưỡng và kêu gọi nhân tài ra sức phục vụ cho cuộc kháng chiến. Hiện tại, nhiều quỹ khuyến học, học bổng nhằm bồi dưỡng nhân tài được mở ra, đã giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi. Đất nước Việt Nam muốn sánh vai với các cường quốc năm châu thì cần phải chú trọng bồi dưỡng hiền tài.
Mẫu số 2
Thần Nhân Trung từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Quốc gia hưng hay thịnh phụ thuộc vào tư tưởng, trí tuệ của hiền tài, bởi vậy mà việc trọng dụng hiền tài là rất cần thiết. Hiền tài là những con người có học thức, có trí tuệ, giỏi giang hơn người khác và quan trọng là có nhân cách tốt đẹp. Người vừa có tài, có khả năng hoàn thành mọi công việc; vừa có đức, có phẩm chất đạo đức biết sống hết mình vì mọi người, biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,… mới là hiền tài chân chính, là người được quốc gia trọng dụng, đưa đất nước phát triển về mọi mặt. Việc trọng dụng nhân tài, hiền tài là không thể thiếu trong quá trình dựng nước và giữ nước. Từ xưa các bậc đế vương đã biết kêu gọi hiền tài, đề ra những chính sách hấp dẫn nhân tài, đưa ra những ích lợi, phần thưởng cho hiền tài và Hồ chủ tịch cũng đã bao lần kêu gọi hiền tài góp sức cho đất nước trong các cuộc kháng chiến, đề cao việc trọng dụng hiền tài. Dưới sự kêu gọi của Người, rất nhiều những nhân tài, hiền tài đã đứng lên đóng góp tài năng và trí tuệ của mình: các bậc trí thức tân tiến tài giỏi như Vũ Đình Tụng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Trần Văn Giàu, … Dưới sự đóng góp của họ, đất nước ta đã chiến thắng các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ, đất nước tiến dần với nền độc lập, hòa bình. Nếu hiền tài không được kêu gọi, không được trọng dụng thì đất nước sẽ không thể tiến lên, không có sự hưng thịnh như ngày nay. Vì vậy, noi theo tấm gương của các bậc đế vương và Hồ chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta hiện nay vấn đề cao vai trò của việc trọng dụng hiền tài, kêu gọi hiền tài đóng góp công sức cho đất nước mình.