Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm thơ

I. Chuẩn bị nói và nghe

- Lựa chọn đề tài bài nói

- Tìm ý và sắp xếp ý: Xem lại hệ thống luận điểm, lựa chọn những ý quan trọng nhất, thể hiện rõ nét quan điểm và phát hiện của bản thân được trình bày trong bài thơ

- Xác định từ ngữ then chốt để làm rõ quan điểm được sử dụng trong bài viết và trình bày trong bài nghe nói

- Phương tiện hỗ trợ: Powerpoint, âm thanh, hình ảnh,…

- Người nghe: Tìm hiểu trước vấn đề, lắng nghe bằng một thái độ tích cực, sẵn sàng đối thoại để làm rõ vấn đề

II. Thực hành nói và nghe

* Người nói:

- Mở đầu: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ hoặc cách dẫn dắt tùy chọn để tạo sự hứng thú cho người nghe

- Thân bài: Lần lượt trình bày các thông tin trong bài nói. Nhấn mạnh các thao tác mình đã sử dụng để tìm hiểu về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Kết bài: Khái quát lại những điều mình cảm nhận cũng như đánh giá về giá trị của bài thơ trên các phương diện về hình thức và nội dung. Có thể khuyến khích người đọc tìm tòi và phát hiện thêm các góc nhìn khác về bài thơ.

* Người nghe:

- Lắng nghe tôn trọng, ghi lại ý chính và chú ý hơn về phong thái

III. Trao đổi

Người nghe Người nói

- Chia sẻ quan điểm, đưa ra những góc nhìn khác về bài thơ

- Đưa ra những góp ý, thắc mắc

- Đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề

- Trả lời thắc mắc

- Thể hiện thái độ lắng nghe chân thành

- Tự đánh giá phần trình bày

- Phản hồi và trao đổi với thái độ lắng nghe và cầu thị.

IV. Rubric đánh giá bài nói - nghe

STT Nội dung đánh giá Kết quả đánh giá
Đạt Chưa đạt
1 Lựa chọn được tác phẩm phù hợp để thực hành giới thiệu, đánh giá     
2 Nêu được phương diện cần tập trung giới thiệu, đánh giá ở tác phẩm thơ đã chọn    
3 Xây dựng được bố cục hợp lí căn cứ vào đặc điểm bài thơ và mục tiêu thuyết trình     
4 Chú ý đặc trưng thể loại khi tạo điểm nhấn cho bài thuyết trình     
5 Phát huy ưu thế của tác phẩm thơ khi thực hiện việc tương tác với người nghe     
6 Sử dụng hiệu quả các phương tiện phi ngôn ngữ     

V. Gợi ý

Phạm Ngũ Lão là một tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam trung đại. Bài thơ “Tỏ lòng” của ông đã để lại nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật.

Trước hết, tác phẩm đã thể hiện được tinh thần của thời đại nhà Trần. Đó là vẻ đẹp của hào khí Đông A, cũng như sức mạnh của con người và quân đội thời Trần. Đến với hai câu thơ đầu tiên, người đọc có thể thấy được một cách rõ nét, chân thực hình ảnh con người, quân đội thời Trần:

“Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

Câu thơ cho thấy hình ảnh người anh hùng tay cầm ngọn giáo để chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Đồng thời, tác giả còn đặt người anh hùng vào không gian “giang sơn” - rộng lớn của đất nước và thời gian “kỷ thu” - vô tận, kéo dài từ năm này qua năm khác để tô đậm thêm tư thế hiên ngang của người anh hùng. Tiếp đó, hình tượng quân đội nhà Trần với tiềm lực mạnh mẽ cũng được nhà thơ thể hiện rõ ràng. Với hình ảnh “Tam quân” có nghĩa là ba quân đã cho thấy đó là một quân đội tinh nhuệ, cả về số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ vậy, Phạm Ngũ Lão còn làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh so sánh: “tì hổ” - sức mạnh như loài hổ, “khí thôn ngưu” - khí thế hào hùng ngút trời của quân đội nhà Trần đã làm lu mờ ánh sáng của sao Ngưu. Đó chính là sức mạnh của con người, quân đội nhà Trần.

Nếu hai câu thơ mở đầu, Phạm Ngũ Lão muốn làm nổi bật vẻ đẹp của con người, đội quân nhà Trần. Thì hai câu thơ cuối, tác giả tập trung thể hiện nỗi lòng của chính mình:

“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

Theo tư tưởng Nho giáo, “công danh” chính là lập công để lưu danh vào sử sách, để lưu lại tiếng thơm cho đời sau. Đó chính là một món nợ lớn của bất kì đấng nam nhi nào thời xưa. “Công danh” đã trở thành lý tưởng đối với họ dưới trong triều đại phong kiến. Phạm Ngũ Lão là một người văn võ song toàn, nhưng vẫn luôn thấy bản thân còn mắc nợ - món nợ “công danh”. Nhà thơ đã mượn điển tích về nhân vật Vũ Hầu - một bề tôi trung thành nhất nhì trong lịch sử Trung Quốc để nói chí tỏ lòng. Khi nhắc đến điển tích này, Phạm Ngũ Lão tự cảm thấy “thẹn” - hổ thẹn với lòng khi chưa lập được công danh với đời. Qua đó, ta thấy được một nhân cách cao đẹp của nhà thơ, với hoài bão to lớn đáng ngưỡng mộ.

Bài thơ đã sử dụng hình ảnh giàu tính biểu tượng, kết hợp với các biện pháp tu từ góp phần thể hiện được tư tưởng nhân văn cao đẹp của tác giả. Thể thơ thất ngôn Đường luật cũng góp phần thể hiện giá trị của bài thơ.

Với “Tỏ lòng’, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện rõ sức mạnh của “hào khí Đông A”. Đồng thời, bài thơ đã thôi thúc trong lòng người đọc một ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước.

  • 2.669 lượt xem
Sắp xếp theo