Mùa xuân chín

A. Tri thức Ngữ văn

1. Phong trào Thơ mới

- Phong trào Thơ mới là một trào lưu thơ ca về cơ bản có tính chất lãng mạn tiểu tư sản, hình thành, phát triển trong văn học Việt Nam những năm 1932 – 1945. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh từng chỉ ra ba dòng chính trong Thơ mới (tất nhiên luôn luôn giao hoán với nhau):

+ Dòng chịu ảnh hưởng thơ phương tây (Pháp)

+ Dòng chịu ảnh hưởng thơ Đường

+ Dòng ít chịu tác động các nguồn khác mà có tính cách Việt Nam rõ rệt

- Chia làm 3 giai đoạn chính

+ 1932 – 1935: Đây là giai đoạn đánh dấu sự chớm nở của thơ mới, với sự đấu tranh gay gắt giữa hai trường phái thơ. Ở giai đoạn đầu, Thế Lữ là nhà thơ tiêu biểu nhất của Phong trào thơ mới với tập Mấy vần thơ (1935).

+ 1936 – 1939: Cái Tôi Thơ mới những năm này không dè dặt, không mộng sầu man mác mà công khai, mạnh dạn bày tỏ những ước muốn, khát vọng sống, khát vọng hưởng thụ và cả những nỗi khổ đau riêng. Giai đọan này xuất hiện nhiều tên tuổi lớn như Xuân Diệu (tập Thơ thơ -1938), Hàn Mặc Tử (Gái quê - 1936, Đau thương-1937), Chế Lan Viên (Điêu tàn - 1937), Bích Khuê (Tinh huyết - 1939), … Đặc biệt sự góp mặt của Xuân Diệu, nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”

+ 1940 – 1945: Đây là giai đoạn thơ mới xuất hiện nhiều khuynh hướng khác nhau, về cơ bản vẫn giữ được nét đặc trưng của thơ mới những giai đoạn đầu, song đã bắt đầu có sự thoái trào.

2. Tác giả Hàn Mặc Tử (1912 - 1940)

Tiểu sử

- Quê quán: Đồng Hới, Quảng Bình.

- Gia đình: Trong một gia đình công giáo nghèo, có 5 anh chị em.

- Học vấn: Học hết trung học tại trường Pellerin (bậc thành trung).

- Đường đời: Nhiều chông gai, khó khăn,đầy bi thương, nhất là trong chuyện tình cảm.

Con người

- Gốc công giáo nên thiên hướng tâm linh.

- Con người trực giác nhạy bén, nhạy cảm.

Sự nghiệp sáng tác

- Là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra “Trường thơ Loạn”.

- Đặc điểm trong thơ Hàn Mặc Tử:

+ Những vần thơ điên loạn, ma quái.

+ Bên cạnh đó là những vần thơ trong trẻo, tươi tắn vô ngần.

+ Thơ ông ảnh hưởng trường phái thơ siêu thực.

- Đặc biệt, thơ tình Hàn Mặc Tử là những lời tình đau thương nhất trong thi ca Việt Nam bởi nó gói gọn cả không gian, cả thiên nhiên vạn vật trong đau khổ nhưng đó lại là niềm đau rất đẹp, rất thơ.

- Những tác phẩm chính: Gái quê (1936) , Thơ Điên gồm 3 tập: Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và Đau thương, Xuân Như Ý, Thượng Thanh kí. Và tác phẩm kịch: Duyên kì ngộ, Quần tiên hội,…

- Tư tưởng

“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển bằng hết cảm giác của Tình yêu. Tôi đã vui buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống.”

3. Tác phẩm

- Mùa xuân chín là bài thơ do Hàn Mặc Tử sáng tác, được xếp ở phần Hương thơm trong tập thơ Đau thương 1938.

- Cùng với Đây thôn Vĩ Dạ, Tình quê,... đây là những thi phẩm đầy thơ mộng viết về cảnh quê, tình quê của Hàn Mặc Tử.

B. Soạn bài Mùa xuân chín

I. Trước khi đọc

Câu 1: Bạn có nhớ những bài thơ, những câu thơ nào về mùa xuân mà mình đã từng đọc?

- Một số bài thơ như: Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Xuân (Chế Lan Viên), Vội vàng (Xuân Diệu), Chiều xuân (Anh Thơ)...

- Một số câu thơ:

Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

(Hồ Chí Minh)

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

(Xuân Diệu)

Câu 2: Điều gì khiến bạn có ấn tượng hay thích thú ở những bài thơ, câu thơ ấy?

Những bài thơ, câu thơ gợi tả vẻ đẹp của mùa xuân một cách độc đáo, thú vị.

II. Trả lời các thẻ trong văn bản đọc

- Các vần được gieo trong bài thơ.

⇒ Các vần được gieo trong bài thơ: Vần ang (vàng, sang); ơi (trời, chơi); ây (mây, ngây); ang (làng, chang).

- Những từ ngữ có thể gợi ra nhiều nét nghĩa hoặc nhiều khả năng liên tưởng về âm thanh, hình ảnh;

⇒ Những từ ngữ có thể gợi ra nhiều nét nghĩa hoặc nhiều khả năng liên tưởng về âm thanh, hình ảnh: nắng ửng, khói mơ tan, sột soạt gió trêu tà áo biếc, bóng xuân sang, sóng cỏ xanh tươi, tiếng ca vắt vẻo, nắng chang chang.

- Những kết hợp từ ngữ ít gặp trong lời nói thông thường.

⇒ Những kết hợp từ ngữ ít gặp trong lời nói thông thường: gợn tới trời, đám xuân xanh, ý vị và thơ ngây, mùa xuân chính, bờ sông trắng.

III. Trả lời câu hỏi

Câu 1: Nhan đề bài thơ Mùa xuân chín được cấu tạo bởi những từ thuộc loại từ nào và có thể gợi ra cho bạn những liên tưởng gì?

- Nhan đề bài thơ Mùa xuân chín được cấu tạo bởi những từ thuộc loại từ: Danh từ + Động từ và Danh từ + Tính từ.

⇒ Nhan đề cấu tạo bởi từ loại là Danh từ + Động từ: Gợi cảm giác mùa xuân đang đi vào độ căng mọng và tươi đẹp nhất, và vẫn tiếp tục phát triển đẹp hơn nữa.

⇒ Nhan đề cấu tạo bởi từ loại là Danh từ +Tính từ: Gợi cảm giác mùa xuân đã đến độ tròn đầy rồi.

Câu 2: Trạng thái “chín” của mùa xuân trong bài thơ được thể hiện bằng những từ ngữ nào?

Trạng thái “chín” của mùa xuân trong bài thơ được thể hiện bằng những từ ngữ: làn nắng ửng, khói mơ tan, lấm tấm vàng, bóng xuân sang, sóng cỏ xanh tươi, mùa xuân chin

+ Làn nắng ửng – Khói mơ tan: Chữ "làn" như gợi một hơi thở nhẹ nhàng, nắng như mỏng tang, mềm mại trải đều trong thơ và trong không gian. Làn nắng lại "ửng" lên trong "khói mơ tan". Cảnh sắc nhẹ nhàng, đẹp dân dã mà huyền diệu.

+ Lấm tấm vàng: Trân trọng đón lấy cái nắng mới tinh khiết ấy là "Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng!” Sự hô ứng trong vần thơ tạo ra một cảm xúc ấm áp, cảnh vật cân xứng hài hòa, đầy thơ mộng. Vài nét chấm phá đơn sơ mà tinh tế gợi cảm, dung dị mà đáng yêu. Chỉ có "đôi mái nhà tranh" hiện lên trong "làn nắng ửng" nhưng vẫn gợi lên một sức sống đang lay động, dân dã bình yên rất thân thuộc với mọi người. Nắng như đang rắc lên "đôi mái nhà tranh" chút sắc xuân và hương xuân: "Sột soạt gió trêu tà áo biếc".

+ Bóng xuân sang: Câu thơ có một sự ngưng đọng, ngập ngừng cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, vấn vương đón “bóng xuân sang", cảm xúc ngưng tụ như nín thở ấy ẩn mình vào dấu chấm giữa dòng thơ. Mạch thơ ngập ngừng như mạch cảm xúc. Bên giàn thiên lí, mùa xuân đã sang. Mùa xuân nhẹ nhàng bước... như có thể cầm được, có thể ngắm được ngay trước mắt mỗi chúng ta.

+ Sóng cỏ xanh tươi: Cỏ như xanh mãi, tươi mãi trong không gian mênh mông, bao la. Hình ảnh ẩn dụ "sóng cỏ" và ba chữ "gợn tới trời" gợi tả làn cỏ xanh dập dờn trong làn gió xuân nhè nhẹ thổi.

Câu 3: Hãy nhận xét ngôn từ của bài thơ trên hai khía cạnh sau:

- Bài thơ có những sự lựa chọn và kết hợp ngôn từ nào khiến bạn đặc biệt chú ý? Hãy nói cụ thể hơn cảm nhận của bạn về điều này.

- Ngôn từ của bài thơ đã gợi lên một khung cảnh mùa xuân như thế nào?

Gợi ý:

- Bài thơ đã lựa chọn và kết hợp từ láy với danh từ, tính từ: lấm tấm vàng, sột soạt gió, nắng chang chang.

+ Từ láy “lấm tấm” gợi sự rơi rớt của ánh nắng, tạo nên sắc thái động cho cảnh vật.

+ Từ láy “sột soạt” giúp cụ thể hóa âm thanh của tiếng gió.

+ Từ láy “nắng chang chang” gợi tả mức độ của nắng rất gay gắt.

- Ngôn từ của bài thơ đã gợi lên một khung cảnh mùa xuân đang vào đúng độ “chín”.

+ Mùa xuân chín lúc thì dạt dào, lúc thì lắng dịu trong tâm hồn thi sĩ. Có lúc vồn vã, có lúc mênh mang, như đang lắng hồn mình vào bước đi của mùa xuân rồi bồi hồi, "sực nhớ... " và "bâng khuâng".

+ Cái nhớ bâng khuâng của người lữ khách mãi mãi là tình thương mến, nỗi khát khao giao cảm với hương sắc và khúc nhạc mùa xuân, với làng quê thân thuộc nơi miền Trung "Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"..

Câu 4: Mô tả cách ngắn nhịp và gieo vần trong bài thơ. Chỉ ra những chỗ mà cách ngắt nhịp, gieo vần này có thể gây được ấn tượng đặc biệt với người đọc (chú ý đến vai trò của các dấu câu, sự biến hóa của cách ngắt nhịp, vị trí gieo vần). Từ đó, hãy so sánh mức độ chặt chẽ trong cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ này với một bài thơ trung đại làm theo thể Đường luật.

* Mô tả cách ngắt nhịp và gieo vần:

- Cách ngắt nhịp: Khổ 1: 4/3; Khổ 2: 2/2/3; Khổ: 3: 4/3; Khổ 4: 2/2/3

- Cách gieo vần trong bài thơ: vần chân: vàng, sang (khổ 1); trời, chơi (khổ 2); mây, ngây (khổ 3); làng, chang (khổ 4).

* So sánh với bài thơ trung đại làm theo thể Đường luật:

- Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà):

+ Cách ngắt nhịp: 4/3

+ Cách gieo vần đúng theo luật: vần chân (cư - hư - thư).

⇒ Mức độ chặt chẽ trong cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ Mùa xuân chín: Không quá chặt chẽ, vận dụng một cách linh hoạt để góp phần thể hiện tư tưởng, tình cảm được gửi gắm trong bài thơ.

- Cảm xúc mùa thu (Thu hứng):

+ Trong Thu hứng, về cách gieo vần: Gieo vần chân ở câu 1,2,4,6,8: cùng là vần “âm”; Về cắt ngắt nhịp: ngắt nhịp 4/3 ở tất cả các câu thơ không thay đổi.

+ Còn trong Mùa xuân chín, các vần chân được gieo đó là: ang, ơi, ây, ang, có sự thay đổi ở mỗi khổ thơ. Cách ngắt nhịp giữa các khổ thơ cũng có sự linh hoạt, nhằm phù hợp diễn tả tâm trạng của nhà thơ.

⇒ Mức độ chặt chẽ trong cắt ngắn nhịp, gieo vần của bài thơ này là không quá khắt khe, gò bó sơ với thơ Đường luật.

Câu 5: Con người trong bài thơ hiện diện qua những hình ảnh nào? Hình ảnh nào gắn với nhân vật trữ tình? Hình ảnh nào là đối tượng quan sát hay nằm trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình?

- Con người được thể hiện qua hình ảnh:

+ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

+ Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi.

+ Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

+ Chị ấy, năm nay còn gánh thóc.

- Hình ảnh gắn với nhân vật trữ tình: Khách xa.

- Hình ảnh là đối tượng quan sát: những cô thôn nữ hát trên đồi, có người đã lấy chồng bỏ cuộc chơi;

- Hình ảnh nằm trong tâm tưởng: chị ấy năm nay còn gánh thóc.

Câu 6: Hình ảnh, nhịp và vần trong bài thơ có mối liên hệ như thế nào với mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình?

- Hình ảnh:

+ Đặc tả mùa xuân đầy tươi đẹp ở hai khổ thơ đầu, gợi không khí vui tươi.

+ Hai khổ thơ sau là hình ảnh người con gái bỏ cuộc chơi đi theo chồng, tạo sự tiếc nuối, buồn man mác.

⇒ Tất cả xuân sắc, xuân đẹp huy hoàng ấy chỉ là một ánh chớp kỷ niệm thoáng qua mà thôi. Cái còn lại, khiến người ta thêm buồn, đó là cái ký ức về xuân thì của “chị ấy” của ngày xa xưa. Cho nên, ở hiện tại, người khách xa sực nhớ cũng là để ngậm ngùi, tiếc thương – tiếc thương cho cái đẹp không biết bây giờ có còn không.

- Nhịp: Cắt nhịp ngắn ở khổ thơ đầu tạo cảm giác vui tươi, rồi nhịp dài ở khổ sau tạo cảm giác trầm buồn, sâu lắng. Sự thay đổi tâm trạng của thi nhân từ quá khứ vui vẻ tới sự hoài niệm trong đau đớn, cô đơn

- Vần: “ang” “ơi” “ây” đều mang âm hưởng vang đọng giống như miền kí ức kéo dài thêm nỗi nhớ của thi sĩ, sự nuối tiếc xa vời

⇒ Cảm xúc trân trọng vẻ đẹp của mùa xuân, vẻ đẹp của thời thanh xuân thiếu nữ nhưng cũng buồn bã, xót xa cho những gì phải chia xa.

Câu 7: Hãy nêu cảm nhận của bạn về nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ có cảm nhận tinh tế, tâm hồn sâu sắc khi cảm nhận được “độ chín” của mùa xuân.

Hàn Mặc Tử đang ở độ “chín” nghề nhất, khao khát được yêu thương, khao khát được sống hòa mình vào cuộc sống bình thường. Chính vì vậy, dù chỉ còn một chút hơi thở cuối cùng, thi sĩ họ Hàn vẫn luôn sống hết mình, yêu đời khát sống trọn vẹn

IV. Kết nối đọc - viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận về một câu thơ hoặc một hình ảnh trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử đã gợi cho bạn nhiều ấn tượng và cảm xúc.

Mẫu số 1

Bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Từ gợi cho em nhiều ấn tượng. Trong đó, em cảm thấy thích nhất câu thơ: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Tác giả đã diễn đạt một cách rất tinh tế hình ảnh làng quê trong buổi bình minh. Hình ảnh “làn nắng ửng” gợi ra cái nắng bắt đầu của một ngày, mang sự tươi mới, trong trẻo mà không chói chang, gay gắt như nắng trưa của mùa hè. Còn hình ảnh “khói mơ tan” gợi ra nhiều cách hiểu, đó có thể là làn khói tỏa ra từ căn bếp của các bà, các mẹ hoặc cũng có thể là làn sương vào sớm hòa với ánh nắng đang dần tan biến. Dưới màu vàng nhạt của nắng mới, hình ảnh “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng” gợi ra một không gian làng quê thật yên bình, xưa cũ. Màu vàng của nắng cùng với màu vàng của những mái nhà trăng tạo nên một gam màu ấm áp. Câu thơ gợi ra một không gian như ngập tràn nắng mới thể hiện hình ảnh mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống. Với câu thơ này, chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp thiên nhiên, cùng như nét độc đáo trong sử dụng ngôn từ của Hàn Mặc Tử.

Mẫu số 2

Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo. Ông để lại cho đời nhiều tập thơ nổi tiếng như Gái Quê, Thơ Điên hay Chơi Giữa Mùa Trăng. Bài thơ "Mùa xuân chín" là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ.Tựa đề bài thơ đầy ấn tượng" Mùa xuân chín", ta nghe như có sự mềm mại, hương thoang thoảng của vị xuân rạo rực mà không kém phần đằm thắm, ý tứ chất chồng những tầng sâu ý nghĩa khiến ta tò mò muốn khám phá, thôi thúc ta đi sâu vào nội dung tác phẩm để khám phá nét "chín" của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử ra sao: "Trong làn nắng ửng khói mơ tan - Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng - Sột soạt gió trêu tà áo biếc - Trên giàn thiên lý bóng xuân sang". Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Trong làn nắng nhẹ của của bầu trời, làn khói xa như tan đi, tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết, chỉ đôi nét chấm phá nhưng khiến ta không khỏi xuyến xao trước khung trời đầy yên bình lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô, cơn gió nhẹ đung đưa những chiếc lá xanh biếc tạo nên thứ âm thanh lạ lùng" sột soạt", tất cả đều quá đỗi nhẹ nhàng mà thân thương. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo xuân về, mùa xuân đến, cây cỏ, thiên nhiên, đất trời, và lòng người như hoà quyện lấy nhau

  • 9.111 lượt xem
Sắp xếp theo