Dục Thúy sơn

A. Tìm hiểu chung

I. Hoàn cảnh ra đời

- Dục Thúy Sơn có thể được sáng tác vài thời điểm sau cuộc kháng chiến chống giặc Minh và trước khi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn.

- Bài thơ được sưu tầm và xếp vào Ức Trai thi tập.

II. Thể thơ và bố cục

- Thể thơ: Ngũ ngôn luật thi (ngũ luật) - một thể của thơ Đường luật;

- Bố cục:

+ Sáu câu đầu thiên về tả cảnh, bức tranh núi Dục Thuý;

+ Hai câu kết: thể hiện cảm xúc hoài niệm của tác giả.

B. Soạn bài Dục Thúy Sơn

I. Trước khi đọc

Câu 1: Hãy kể một vài địa danh của đất nước từng khơi nguồn cảm hứng cho thơ ca.

Ví dụ: Côn Sơn (Bài ca Côn Sơn - Nguyễn Trãi), Hương Sơn (Bài ca phong cảnh Hương Sơn - Chu Mạnh Trinh)...

Câu 2: Chia sẻ ngắn gọn ấn tượng của bạn về một bài thơ thể hiện cảm hứng ấy.

Ví dụ: Bài thơ “Bài ca Côn Sơn” đã cho thấy sự khung cảnh thiên nhiên ở Côn Sơn nên thơ hấp dẫn cũng như sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên.

II. Trả lời các thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Lưu ý các yếu tố cơ bản của thế loại.

- Bài thơ viết theo thể ngũ ngôn luật thi, gieo vần ở các câu 1,2,4,6 và 8 (bản phiên âm gieo vần “an”). Giọng thơ nhịp nhàng, nghe như có tiếng nhạc.

Câu 2: Chú ý các chi tiết miêu tả, các hình ảnh so sánh, ẩn dụ.

- 6 câu đầu miêu tả cảnh núi Dục Thúy như một tiên cảnh.

- Hình ảnh ẩn dụ “liên hoa phù thủy thượng”, hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp trong khiết của nhà Phật, mà trên núi Dục Thúy lại có chùa tháp, mượn hình ảnh hoa sen nổi trên mặt nước để gợi liên tưởng đến vẻ đẹp rực rỡ, cao quý của địa danh.

- Hình ảnh so sánh “bóng tháp” với “trâm ngọc”, “gương sông” với “ánh tóc huyền” gợi vẻ đẹp thướt tha như của nàng tiên nữ.

III. Trả lời câu hỏi

Câu 1: Nêu một vài điểm khác biệt đáng chú ý giữa bản dịch nghĩa và bản dịch thơ.

- Bản dịch nghĩa: Dịch chính xác nghĩa của câu thơ chữ Hán, ý nghĩa câu thơ được thể hiện rõ ràng.

- Bản dịch thơ: Thể thơ năm chữ, ngắn gọn và hàm súc, tuy nhiên chưa truyền tải được hết nội dung của nguyên tác.

+ Bản dịch thơ đảo hai câu 3 và 4, trật tự và logic ý thay đổi.

+ Từ “cảnh” trong nguyên văn và bản dịch nghĩa là “cõi”, “bờ cõi” (như biên cảnh, xuất nhập cảnh). Do cấu trúc câu theo trật tự ngữ pháp tiếng Việt, từ “cảnh tiên” trong bản dịch thơ dễ bị hiểu nhầm là phong cảnh, cảnh sắc.

+ “Bóng” là hình ảnh phản chiếu của sự vật, có thể do ánh sáng (bóng nắng, bóng râm), có thể do tính chất phản chiếu của gương, của mặt nước,… Bản dịch nghĩa, theo logic của nguyên văn, xác định rõ “bóng tháp” hiện lên trên mặt nước. Do hạn định về số chữ, bản dịch thơ chỉ nói chung là “bóng tháp”, rất có thể dẫn đến cảm nhận sai.

+ Bản dịch nghĩa (và nguyên văn) là “trâm ngọc xanh” (trâm thanh ngọc), đặc tả màu sắc của “trâm”, bản dịch thơ chỉ dịch chung là “trâm ngọc”, chưa gợi rõ màu sắc.

+ “Thuý hoàn” trong nguyên văn là “mái tóc xanh” (bản dịch nghĩa), chuyển thành “tóc huyền” trong bản dịch thơ, “huyền” là màu đen.

Câu 2 : Xác định đặc điểm kết cấu của Dục Thúy Sơn.

  • Kết cấu của bài thơ: đề - thực - luận - kết.

- Đề là hai câu mở đầu bài thơ.

- Phần thực với hai câu thơ tả thực.

- Phần luận là hai câu thơ với 4 hình ảnh ẩn dụ đối nhau.

- Phần kết là hai câu cuối.

  • Theo mạch nội dung:

- Sáu câu đầu: Cảnh thiên nhiên trên núi Dục Thúy

- Hai câu cuối: Nỗi niềm khi nhớ về người xưa.

Câu 3 : Bức tranh toàn cảnh về vẻ đẹp của núi Dục Thúy được miêu tả như thế nào?

Bức tranh được miêu tả rất sống động: Dáng núi như đóa hoa sen nổi trên mặt nước, bóng tháp soi xuống mặt nước như chiếc trâm ngọc xinh đẹp, mặt nước phản chiếu hình ảnh ngọn núi như cô gái đang soi mái tóc mềm mượt của mình.

Câu 4 : Nêu những chi tiết miêu tả cận cảnh núi Dục Thúy. Những liên tưởng xuất hiện khi say ngắm thiên nhiên cho thấy nét đẹp nào của tâm hồn Nguyễn Trãi.

- Những chi tiết:

- Dáng núi được ví như đóa hoa sen.

⇒ Hình ảnh đoá sen có ý nghĩa biểu tượng, gợi ý niệm thoát tục, như là cõi tiên rơi xuống trần gian.

- Bóng tòa tháp trên núi như chiếc trâm ngọc khi soi xuống mặt nước.

- Ngọn núi phản chiếu qua sóng nước thì giống như soi mái tóc biếc.

⇒ Trâm ngọc xanh và mái tóc biếc gợi hình ảnh trẻ trung, trong sáng, trữ tình, nên thơ, giúp liên tưởng đến hình ảnh người con gái. Vẻ đẹp của thiên nhiên được so sánh với vẻ đẹp của con người; lấy nét đẹp của người con gái để hình dung bóng núi trên sóng biếc.

- Nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi: Tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên.

Câu 5 : Trong phần kết của những bài thơ viết về đề tài “đăng cao”, “đăng sơn”, thi nhân xưa thường thể hiện chí khí hào hùng, khát vọng lớn lao, hoặc nhấn xưa thường thể hiện chí khí hào hùng, khát vọng lớn lao, hoặc nhấn mạnh sự nhỏ bé, cô đơn của con người trước núi sông kì vĩ. Theo bạn, trong hai câu kết của Dục Thúy sơn, Nguyễn Trãi muốn gửi gắm những nỗi niềm chung ấy hay muốn bày tỏ suy ngẫm riêng của mình?

Trong phần kết, Nguyễn Trãi muốn bày tỏ suy ngẫm riêng: Nỗi niềm hoài niệm về quá khứ, nhìn cảnh nhớ người.

+ Nhân vật Trương Thiếu ở đây là hình ảnh của bậc danh sĩ cao khiết Trương Hán Siêu dưới triều Trần người đã đã được Vua Trần ban cho danh vị cao quý Thiếu bảo. Tên tuổi của ông gắn liền với Dục thúy sơn.

+ Nguyễn Trãi không gọi đích danh tên của Trương Hán Siêu mà gọi danh vị của ông thể hiện sự tôn kính, trọng vọng với người xưa.

+ Tác giả đứng trên núi Dục Thúy nhìn núi ngắm tháp mà bùi ngùi thương nhớ người xưa, hình ảnh Trương Thiếu bảo còn phảng phất đâu đây.

IV. Kết nối đọc - viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một nét đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ Dục Thúy sơn.

Mẫu số 1

"Dục Thúy Sơn” là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Bài thơ làm bằng thể thơ ngũ ngôn bát cú bằng chữ Hán. Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của núi Dục Thúy thần tiên thoát tục, xen vào đó là nỗi niềm cảm hoài về người xưa của tác giả Nguyễn Trãi. Hình tượng thơ mĩ lệ, cảnh sắc đượm vẻ thần tiên. Trong phần luận, 4 hình ảnh ẩn dụ sóng nhau, đối nhau, hình ảnh này làm đẹp thêm hình ảnh kia, thể hiện cách cảm, cách tả của nhà thơ mang tâm hồn thơ mộng, tài hoa. Ức Trai, trong cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, sông núi, ngòi bút tài hoa của ông rất tinh tế và nhạy cảm trong gợi tả và biểu cảm.

Mẫu số 2

Khi đọc bài thơ Dục Thúy sơn, em cảm thấy ấn tượng với tình yêu dành cho thiên nhiên của tác giả Nguyễn Trãi. Điều đó được thể hiện qua việc khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên của núi Dục Thúy. Đầu tiên, Nguyễn Trãi đã miêu tả bức tranh toàn cảnh của núi Dục Thúy qua hai câu thơ “Liên hoa phù thủy thượng/ Tiên cảnh trụy trần gian”. Dáng núi giống như đóa hoa sen nổi trên mặt nước, cứ ngỡ như đây là chốn tiên cảnh. Hình ảnh ẩn dụ đã góp phần lột tả vẻ đẹp thanh khiết, trong trẻo của thiên nhiên. Sau đó, tác giả lại khéo léo khắc họa cận cảnh ngọn núi. Hình ảnh so sánh “Tháp ảnh trâm thanh ngọc/Ba quang kính thúy hoàn” đã giúp người đọc có hình dung cụ thể về chốn non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình. Bóng tháp soi xuống mặt nước như chiếc trâm ngọc xinh đẹp. Còn mặt nước phản chiếu hình ảnh ngọn núi như cô gái đang soi mái tóc mềm mượt của mình. Với khả năng quan sát tinh tế, cùng cách sử dụng ngôn từ độc đáo, bức tranh thiên nhiên núi Dục Thúy hiện lên thật sinh động. Có thể thấy rằng, thiên nhiên nơi đây đã được khắc họa từ một trái tim mang tình yêu say đắm, cũng như tâm hồn đầy lãng mạn và thi vị của Nguyễn Trãi.

  • 2.795 lượt xem
Sắp xếp theo