1. Thông điệp của bài viết là tất cả mọi thứ sẽ biến mất khi bạn đối diện với cái chết, chỉ còn lại những gì quan trọng nhất và cách tốt nhất để tránh khỏi những cạm bẫy là hãy nghĩ rằng bạn sẽ mất đi thứ gì đó.
2. Yếu tố tạo nên sức thuyết phục:
- Sử dụng yếu tố tự sự để nói về trải nghiệm của bản thân 🡪 tăng tính chân thực 🡪 tạo tính hấp dẫn thu hút người đọc
- Sử dụng yếu tố biểu cảm: nêu những cảm xúc của người viết thông qua trải nghiệm 🡪 tăng tính thuyết phục cho quan điểm của người viết
3. Những lời kể về các trải nghiệm cá nhân của tác giả đóng vai trò rất quan trọng trong bài viết, nó là bằng chứng thực tế giúp quan điểm của tác giả có sức thuyết phục hơn với người đọc, và người đọc qua đó có thể tiếp cận thông điệp của bài viết dễ dàng hơn.
1. Mở bài: Trình bày trực tiếp mục đích của bài luận hoặc nêu thông điệp chính của bản thân.
2. Thân bài: Tuỳ vào mục đích của bài luận về bản thân, bạn có thề triền khai phần thân bài theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ:
- Thể hiện suy nghĩ, đúc rút về cuộc sống từ những sự kiện có thực mà mình đã trải qua: Bạn có thề sắp xếp các sự kiện theo trật tự thời gian hoặc theo mạch suy ngẫm.
- Làm rõ những điểm mạnh, đểm yếu cần nói đến nhất của bản thân dựa trên những bằng chứng xác thực, đáng tin cậy. Bạn có thề sắp xếp các ý theo trình tự logic và
3. Kết bài: Nhắc lại những điểm chính trong bài viết, nêu lên suy ngẫm, bài học từ những trải nghiệm của bản thân, kêu gọi hành động, gợi mở suy nghĩ cho người đọc.
“Điều gì làm nên một con người hạnh phúc? Thế nào là một cuộc sống hạnh phúc?”... Đó là những câu hỏi mà có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng nghĩ tới. Hạnh phúc giống như một đích đến mà con người luôn theo đuổi, một trạng thái tinh thần hoàn hảo mà ai cũng mong muốn. Mỗi người có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc, còn đối với tôi, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều rất nhỏ bé, bình dị, và hạnh phúc là do bản thân chúng ta kiến tạo.
Tôi không phải một người truyền cảm hứng, tôi chỉ mong muốn những điều mình viết ra sẽ là những chia sẻ hữu ích, đem đến cho mọi người những góc nhìn đa dạng, những suy ngẫm rộng mở hơn,... Và cũng thật tốt nếu quan niệm về hạnh phúc của tôi cũng sẽ góp phần thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của người đọc. Đó là những điều tôi đúc kết từ cuộc sống hiện thực, từ những gì tôi đã được thử, được trải nghiệm sâu sắc.
Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, thật khó để định nghĩa. Với mỗi cá nhân, hạnh phúc lại mang tầm vóc, màu sắc khác nhau. Đối với nhiều người, hạnh phúc thật lớn lao, kì vĩ, mang tầm vóc nhân loại: chẳng hạn như sáng tạo ra những phát minh vĩ đại làm thay đổi tích cực cho cuộc sống con người, hay mang lại cho nhân dân đời sống ấm no, đủ đầy,... Đối với những người già, hạnh phúc của họ có lẽ đơn giản là được ở bên con cháu, có những bữa đoàn tụ, sum vầy,... Đối với người trẻ tuổi, khi họ được sống hết mình, được là chính mình và theo đuổi những đam mê, khi đó họ hạnh phúc. Với một người giáo viên, còn điều gì hạnh phúc hơn là học sinh mình đạt kết quả cao? Hay với người bác sĩ, cảm giác khi có thể cứu sống một bệnh nhân sau nhiều giờ phẫu thuật căng thẳng, mồ hôi chảy đầm đìa, chắc hẳn đó là hạnh phúc.
Với tôi, một cô gái trẻ tuổi chưa có quá nhiều trải nghiệm và va vấp trong cuộc đời, hạnh phúc với tôi đơn giản lắm.
Đơn giản, đó là những chiều đi học về tôi vẫn thấy nội đợi tôi trước sân nhà, hay đang chăm sóc cây cảnh trong sân, có khi là đang cho bầy chó con uống sữa. Vào buổi tối, cả gia đình chúng tôi quây quần bên nhau, bố mẹ hạnh phúc, cả gia đình hòa thuận, êm ấm. Tôi đã từng trải qua cảm giác mất đi người thân yêu của mình, đã nhiều ngày chứng kiến cảnh bố nằm trên giường bệnh, vậy nên có lẽ niềm hạnh phúc lớn lao nhất của tôi là gia đình khỏe mạnh, mỗi ngày trở về đều thấy họ, sự hiện diện đó chính là liều thuốc tinh thần hiệu quả nhất với tôi - với mỗi chúng ta.
Hạnh phúc với tôi - như đã nói, với một cô gái trẻ tuổi, chính là được đến trường, mỗi ngày được học và tiếp thu những điều mới mẻ, được gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu với mọi người. Tôi được sống và nỗ lực theo đuổi những niềm yêu thích, đam mê của tôi. Tôi rất yêu nghề giáo, tôi luôn cố gắng học tập và trau dồi đạo đức, tri thức, nhân cách để có thể chạm tới ước mơ đó. Bố mẹ tôi cũng luôn ủng hộ hết lòng. Tình yêu thương, sự thấu hiểu và ủng hộ hết lòng ấy chính là đôi cánh nâng bước tôi đi trên hành trình dài rộng của cuộc đời này. Tôi hạnh phúc, vì tôi được là chính mình.
Tố Hữu đã từng viết: “Sống là cho, đâu phải nhận riêng mình”. Đó là một lẽ sống lớn, và cũng là một niềm hạnh phúc lớn khi chúng ta biết cách cho đi mà không đòi hỏi được nhận lại. Đối với những người trẻ như tôi, việc cống hiến một điều gì đó lớn lao cho xã hội là điều khá khó khăn, nhưng cống hiến cũng có thể bằng những điều nhỏ bé nhưng không vì thế mà tầm thường. Tôi đã viết rất nhiều bài viết, cũng có khi được đăng báo, hoặc trên các diễn đàn mạng trực tuyến, những bài viết ấy đã giúp người đọc thư giãn, có thêm năng lượng tích cực,... Tôi tin rằng, tôi đã đóng góp được phần công sức nhỏ bé của mình, và tôi hạnh phúc vì điều đó.
Một cô gái yêu văn và tâm hồn mơ mộng như tôi, cái cảm giác gọi là hạnh phúc đôi khi cũng đến từ những điều rất nhỏ nhặt, chỉ là hôm nay đi học, bầu trời rất xanh, ánh nắng chan hòa, những cơn gió nhè nhẹ thổi như muốn xoa dịu tâm hồn con người sau những giờ phút mệt mỏi,... Cũng có khi chỉ đơn giản là tôi bắt gặp một bông hoa bên đường, ở một nơi góc khuất và thiếu ánh nắng, nó vẫn vươn mình và nở rộ rất đẹp. Chỉ vậy thôi, cũng đủ để tôi vui vẻ, hạnh phúc rồi.
Đôi khi, niềm hạnh phúc của chúng ta cũng có thể bắt nguồn từ niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Hãy nhớ đến cảnh những bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 khi được chữa khỏi, nhìn những nụ cười, khuôn mặt rạng rỡ ấy, bạn có thấy hạnh phúc không? Nhìn những nụ cười móm mém hòa cùng nước mắt cảm động của những người mẹ Việt Nam anh hùng khi được quan tâm, động viên, tri ân sâu sắc, bất giác tôi cũng thấy thật ấm lòng, niềm hạnh phúc của những người mẹ ấy dường như đã lan tỏa đi thật xa,...
Ở mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh, có lẽ chúng ta lại có những góc nhìn mới, những quan niệm mới về hạnh phúc. Nhưng với tôi, có khi hạnh phúc không phải là đích đến hay kết quả mà là thái độ sống của chúng ta. Hãy yêu những điều giản dị, tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống và sẵn sàng trao đi những niềm vui,...
“Dưới ánh hào quang của mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Nghề giáo xưa nay vẫn được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Đó cũng là một trong những lí do khiến tôi luôn thần tượng những người giáo viên, từ khi còn nhỏ tôi đã nuôi dưỡng cho mình niềm đam mê cháy bỏng, kháo khát ngày càng lớn lao, về một tương lai gần sẽ được đứng trên bục giảng, trở thành một nhà giáo chân chính.
Từ những ngày còn nhỏ hay chơi trò đóng vai với bạn đồng lứa, tôi vẫn thích nhất được làm cô giáo. Tôi thích cảm giác được cầm phấn, bút và tỉ mỉ, nắn nót viết những dòng chữ lên bảng. Tôi say mê cảm giác bản thân có thể truyền tải những kiến thức mới mẻ, bổ ích cho người khác, và tôi cũng vui mừng khôn xiết khi họ tiếp thu được những điều đó. Tình yêu, niềm đam mê với nghề giáo đã được nuôi dưỡng và lớn dần trong tôi. Không chỉ luôn ấp ủ ước mơ trở thành người giáo viên, tôi cũng luôn cố gắng, nỗ lực để trau dồi tri thức, đạo đức và nhân cách, tôi tin rằng đích đến của tôi không còn xa.
Từ xưa tới nay, nghề giáo vẫn luôn là nghề được coi trọng, bởi sản phẩm mà các thầy, cô giáo tạo ra chính là “con người” - nền tảng sức mạnh, giá trị của xã hội. Giáo viên không chỉ giảng dạy, truyền đạt tri thức tới học sinh, họ còn dạy cho con em những chân - thiện - mĩ, những lối sống, đạo đức, phẩm cách con người. Đời sống ngày càng phát triển, khoa học công nghệ kĩ thuật cao, robot, máy móc dần có thể thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực. Gần đây, công cụ mang tên “Chat GPT” ra đời như một từ điển toàn năng, có thể giải đáp bất cứ thứ gì thậm chí là viết ra một bài văn hoàn chỉnh, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định họ có thể tiết kiệm chi phí nhân công nhờ Chat GPT. Song, tôi tin rằng không chỉ Chat GPT mà bất cứ công cụ tân tiến, hiện đại nào cũng không thể thay thế được người giáo viên. Người thầy không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà biết quan tâm, chăm sóc, yêu thương học sinh bằng cả trái tim và tấm lòng bao dung của mình. Đồng thời, thiên chức của người giáo viên là đánh thức tiềm năng của người học, là người dẫn đường, chỉ lối để các em biết tự thân vận động, nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo trên tinh thần chủ động.
Là một học sinh với hành trình dài, rộng trước mắt, tôi phần nào hiểu được trách nhiệm của bản thân cũng như những kì vọng của cha mẹ dành cho con cái của mình. Song, không phải cha mẹ nào cũng có sự động viên con đúng cách, đôi khi kì vọng quá mức trở thành áp lực nặng nề đặt lên vai con trẻ. Tôi hi vọng ngày nào đó, tôi có thể trở thành một người giáo viên, vừa truyền thụ tri thức cho người học, vừa có thể là người để các em tin tưởng, trải lòng, vừa là cầu nối giữa học sinh - phụ huynh. Tôi mong mình có thể nói với họ rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với những ưu - khuyết điểm khác nhau, trước khi mong muốn con mình trở thành thiên tài, hãy ưu tiên dạy con phát triển đạo đức, để con trở thành người tử tế; đừng bắt con phải thực hiện ước mơ của cha mẹ, hãy để con được theo đuổi ước mơ của riêng mình.
Như đã nói, trong suốt những năm tháng được cắp sách tới trường, tôi luôn nỗ lực để trau dồi, hoàn thiện cả về tri thức, đạo đức, nhân cách để sau này có thể trở thành người giáo viên chân chính. Mỗi năm tôi đều đạt được nhiều thành tích tốt cả về học tập và rèn luyện, học lực của tôi đều xếp loại Giỏi, xuất sắc. Đặc biệt, với bộ môn Ngữ văn, tôi được tham gia đội tuyển học sinh giỏi và đã dành được giải cấp thành phố, cấp tỉnh. Những năm học cấp Ba tôi vẫn lựa chọn theo học đội tuyển Văn và sẽ cố gắng hết mình để mang lại những thành tích ấn tượng. Ngoài việc chú trọng học hỏi những tri thức nền tảng, tôi cũng tham gia nhiều khóa học kĩ năng khác như thuyết trình, viết lách,… Tôi rất tự tin khi đứng trước đám đông và trình bày về một vấn đề nào đó, vì tôi luôn có sự chuẩn bị kĩ lượng về cả nội dung và phong thái,… Tôi biết từng đó là chưa đủ để tôi trở thành giáo viên, bởi tôi biết hành trình của nghề giáo rất vất vả, gian nan, nhưng không vì thế mà tôi nản lòng. Tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian và cơ hội, sẽ luôn hết mình theo đuổi đam mê.
Điều tôi cảm thấy may mắn nhất là luôn có gia đình là điểm tựa, liều thuốc tinh thần hữu hiệu. Cha mẹ, ông bà, người thân luôn ủng hộ quyết định và sẵn sàng hỗ trợ khi tôi cần. Mỗi dịp có thể ngồi lại tâm sự, bố tôi luôn nhắc với tôi rằng: Bố mẹ tin tưởng tuyệt đối vào tôi. Bố còn nói rằng, bố luôn đợi một ngày con của bố sẽ trở thành một nhà giáo ưu tú, sẽ là niềm tự hào của gia đình.
Với tất cả những điều đó, cùng với tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi, không ngại khó, ngại khổ, tôi sẽ luôn nỗ lực và vững bước trên con đường theo đuổi ước mơ của mình. Như giáo sư Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cũng là ngôi trường mơ ước của tôi đã chia sẻ: “Giữa khát vọng, giữa đam mê và cuộc sống thực có lúc không đồng điệu, dung hòa; nó không hề đơn giản” - con đường này sẽ còn nhiều chông gai, thử thách, hi vọng không chỉ tôi mà tất cả mọi người, những ai cùng chung niềm đam mê với nghề giáo cao quý này, sẽ thật kiên định, vững vàng và sẽ thành công.