- Khái niệm: Chêm xen là xen một từ, một cụm từ vào câu nhằm giải thích, thêm ý cho câu hoặc hướng tới mục đích tu từ.
- Dấu hiệu nhận biết: Thành phần chêm xen có khi được đặt giữa câu, có khi được đặt cuối câu, được đánh dấu bằng dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn hoặc dấu phẩy.
- Ví dụ:
Ngữ liệu | Vị trí | Vai trò ngữ pháp | Dấu câu | Tác dụng |
Sáng nay, thằng lớn của tôi - mười lăm tuổi, lúc cho nó ăn đã sơ ý mở hết cửa, thế là nó vù đi. (Nguyễn Quang Sáng, Con khướu sổ lồng). |
Ở giữa câu | Đi kèm với chủ ngữ, bổ sung ý nghĩa cho danh từ | Dấu gạch ngang và dấu phẩy | Bổ sung thông tin |
Bởi vì…bởi vì…(San cúi mặt và bỏ tiếng Nam dùng tiếng Pháp), người ta lừa dối anh. (Nam Cao, Sống mòn). |
Ở giữa câu | Đi kèm với trạng từ, bổ sung ý nghĩa cho quan hệ từ | Dấu ngoặc đơn | Biểu thị tình cảm, cảm xúc |
Thanh định rõ nhìn: con mèo của bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước. (Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan) |
Ở cuối câu | Đi kèm với vị ngữ, bổ sung ý nghĩa cho danh từ | Dấu phẩy | Bổ sung thông tin |
Cô bé nhà bên (có ai ngờ) Cũng vào du kích |
Ở giữa câu | Đi kèm với chủ ngữ, bổ sung ý nghĩa cho danh từ | Dấu ngoặc đơn. | Biểu thị tình cảm, cảm xúc |
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi) (Giang Nam, Quê hương) |
Ở cuối câu | Đi kèm với vị ngữ, bổ sung ý nghĩa cho danh từ | ||
Đã nhìn thấy cây đàn ấy thì phải đánh - đánh cái cuộc đời mình vào đấy- để rồi xem nó ra được thành tiếng gì. (Nguyễn Tuân, Chùa Đàn). |
Ở giữa câu | Đi kèm với vị ngữ; bổ sung ý nghĩa cho động từ | Dấu gạch ngang | Bổ sung thông tin |
II. Biện pháp liệt kê
- Khái niệm: Là nêu một chuỗi các thông tin cùng loại
- Dấu hiệu nhận biết: Những từ ngữ chỉ chuỗi đối tượng được liệt kê có thể đặt ở giữa hoặc cuối câu; thành phần liệt kê ở cuối câu thường được đắt sau dấu hai chấm; liệt kê chưa hết các đối tượng thường dùng dấu ba chấm hoặc kí hiệu v.v
- Mục đích (tác dụng):
+ Cung cấp thông tin cụ thể hơn cho câu.
+ Thể hiện cảm xúc, thái độ, cái nhìn của người viết.
- Ví dụ:
Ngữ liệu | Số lượng | Dấu hiệu hình thức | Vị trí | Mục đích |
Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành, dưỡng dục của gia tộc, ông bà, cha mẹ, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh, huyết mạch sự sinh sôi, nẩy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong cộng đồng dân tộc yêu thương. (Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn) |
4 |
Dấu phảy
|
Giữa câu |
Nêu rõ những người mà “con” khắc ghi công ơn sinh thành, dưỡng dục. ⇒ Cung cấp thông tin. |
Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trồng chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng… (Vũ Bằng, Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt) |
4 | Dấu gạch ngang, dấu phảy, dấu ba chấm | Cuối câu |
Cụ thể hóa những đặc điểm của mùa xuân Hà Nội. ⇒ Cung cấp thông tin. |
Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc,… (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chuyện cơm hến) |
7 | Dấu hai chấm, dấu phảy, dấu ba chấm | Cuối câu |
Cụ thể hóa các từ để diễn tả vị cay của người Huế. ⇒ Cung cấp thông tin. |
Một số cây cối và động vật có tính cách tượng trưng: con hạc và con nai thể hiện tuổi thọ, cây tre là đạo đức, cây mận là sức mạnh tinh thần và thể chất, cây cúc thể hiện hạnh phúc,v.v. (Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam) |
4 | Dấu hai chấm, dấu phảy, kí hiệu v.v. | Cuối câu |
Cụ thể hóa cho ý: một số cây cối và động vật có tính cách tượng trưng. ⇒ Cung cấp thông tin. |
Nhưng một điều bố thấy: khi nghe đến chuyện tuổi thơ của bố thì Khánh chớp chớp mắt, rồi mắt đỏ lên, đang nói nhiều, trở thành im lặng; đang nghịch ngợm rong chơi trở nên hiền hậu chuyên cần; bài tập nham nhở trở thành chỉn chu; đang ăn mặc lôi thôi, diêm dúa trở thành gọn gàng, giản dị… (Duy Khán, Tuổi thơ im lặng). |
4 | Dấu chấm phẩy, dấu ba chấm | Cuối câu |
Thể hiện cảm xúc, thái độ: bộc lộ những cảm xúc, sự thay đổi của nhân vật Khánh khi nghe đến chuyện tuổi thơ của bố. |
Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động ! Tre, anh hùng chiến đấu. (Thép Mới, Cây tre Việt Nam) |
6 | Dấu chấm | Trong nhiều câu của đoạn văn |
Cung cấp thông tin về những ý nghĩa của tre. Bộc lộ cảm xúc tự hào về vai trò của cây tre Việt Nam. |
Câu 1: Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen được sử dụng trong các câu sau:
a. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán - bên ngoài trời nắng gắt - rồi thong thả đi bên bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà.
(Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan)
⇒ Biện pháp chêm xen trong cụm “bên ngoài trời nắng gắt” bổ sung thông tin cho hiện tượng nói đến trong vế trước: giải thích vì sao Thanh đổ mồ hôi.
b. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó.
(Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan)
⇒ Biện pháp chêm xen trong cụm “ngày nào” bổ sung thông tin về thời gian. Đồng thời, cụm “ngày nào” thể hiện trạng thái hồi tưởng, hoài niệm ở nhân vật. Nhờ thành phần này, hành động “nhớ lại” của Thanh trở nên hợp lí, và hình ảnh “bàn chân xinh xắn của Nga đi trên đó”sống động hơn trong kí ức Thanh.
c. Tuy nhiên, ông thường xuyên bị thanh tra Gia-ve (người luôn ngờ vực về nhân thân của ông) rình mò, theo dõi.
(Phần tóm tắt tác phẩm Những người khốn khổ)
⇒ Biện phép chêm xen trong cụm “người luôn ngờ vực về nhân thân của ông” bổ sung thông tin về đặc điểm của nhân vật Gia-ve. Giải thích rõ hơn bản chất con người công cụ của Gia -ve cũng như thái độ của Gia - ve đối với Giăng Van - giăng. Nhờ việc giải thích đó, mọi hành động quyết liệt, lạnh lùng của Gia - ve đối với Giăng Van Giăng trở nên dễ hiểu hơn.
Câu 2: Viết ba câu có sử dụng biện pháp chêm xen, nội dung có liên quan đến các truyện đã đọc trong bài.
- Nhân vật Thanh (trong truyện Dưới bóng hoàng lan) là một người nhạy cảm, tinh tế.
- Gia-ve (người đại diện cho công lý) đã gây ra cái chết của Phăng-tin.
- An-tôn Sê-khốp (1860 - 1904) là một trong những nhà văn lớn nhất của văn học Nga.
- Nhân vật Phăng-tin luôn khao khát gặp con – đứa con gái đã thất lạc của chị - trước khi qua đời.
- Nhân vật Thanh vẫn luôn cảm thấy bình yên và thong thả mỗi khi trở về ngôi nhà của bà – không gian thân thuộc đối với chàng.
- Gia- ve ( gã thanh tra luôn rình rập và theo dõi Giăng van –giăng) là một kẻ vô cùng độc ác.
Câu 1: Phân tích tác dụng của việc dùng biện pháp liệt kê ở các câu sau:
a. - Ô, đấy là viên tướng bại trận của Bắc triều, cái hồn bơ vơ ở Nam quốc, tranh chiếm miếu đền của tôi, giả mạo họ tên của tôi, quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược, Thượng đế bị nó bưng bít, hạ dân bị nó quấy rầy, phàm những việc hưng yêu tác quái đều tự nó cả, chứ có phải tôi đâu.
(Nguyễn Dữ, Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên)
⇒ Phép liệt kê: Liệt kê hàng loạt những việc làm xấu xa của tên tướng giặc: chiếm miếu đền, giả mạo họ tên, quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược, Thượng Đế bị bưng bít, hạ dân bị quấy rầy,…
⇒ Tác dụng: Liệt kê kể ra hàng loạt các việc làm của tên tướng giặc nhằm mục đích nhấn mạnh những tội ác mà hắn đã gây ra.
b. Ngoài các món thường thấy ở cỗ Tết như gà luộc, giò, chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, xúp lơ xào thịt bò,... - món nào cũng mang dấu ấn tài hoa của người chế biến - là các món khác thường như gà quay ướp húng lìu, vịt tần hạt sen, chả chìa, mọc, vây...
(Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn)
⇒ Phép liệt kê: Liệt kê hàng loạt món ăn: gà luộc, giò, chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, súp lơ xào thịt bò; gà quay ướp húng lìu, vịt tần hạt sen, chả chìa, mọc, vây.
⇒ Tác dụng: Liệt kê hàng loạt các món ăn nhằm nhấn mạnh sự phong phú, đa dạng của nền ẩm thực nước nhà mỗi dịp tết đến.
c. Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế,
Ngày hai mươi, trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu,
Ngày hăm lăm, Bá tước Lương Minh bại trận tử vong
Ngày hăm tám, Thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn
(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)
⇒ Phép liệt kê: liệt kê ngày tháng cùng các trận đánh.
⇒ Tác dụng: Việc liệt kê hàng loạt ngày tháng cùng các trận đánh tương ứng nhằm nhấn mạnh thời gian và sự việc diễn ra, thể hiện niềm tự hào về những chiến công của quân và dân ta.
Câu 2: Viết ba câu có sử dụng biện pháp liệt kê, nội dung liên quan đến các văn bản trong bài học.
- Nguyễn Trãi đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Quân trung từ mệnh tập, Ức trai thi tập, Quốc âm thi tập…
- Những tác phẩm tiêu biểu của Thạch Lam gồm có: Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), Ngày mới (1939), Hà Nội băm sáu phố phường (1943)...
- Những người khốn khổ là một tác phẩm đồ sộ với nhiều nhân vật gồm: Giăng Van-giăng, Gia-ve, Phăng-tin, Cô-dét, Ma-ri-uýt…
- Tác phẩm Dưới bóng hoàng lan đã đem đến cho người đọc một khung cảnh yên bình qua vùng thiên nhiên vùng quê với con đường gạch rêu phủ, bức hoa tường thấp yên tĩnh, giàn thiên lí hoa thơm, cùng cây hoàng lan bóng tỏa.