Múa rối nước - hiện đại soi bóng tiền nhân

I. Tìm hiểu chung

1. Văn bản thông tin

- Văn bản thông tin là văn bản được viết để truyền đạt thông tin, kiến thức.

- Đặc điểm của văn bản thông tin: khách quan, trung thực, không có yếu tố hư cấu, tưởng tượng; thông tin thường được tổ chức theo một trong các cấu trúc: nguyên nhân - kết quả; trật tự thời gia; so sánh, phân loại; vấn đề và giải pháp.

2. Văn bản “Múa rồi nước - hiện đại soi bóng tiền nhân”

- Văn bản đã trình bày các thông tin chính: nguồn gốc của múa rối nước; thời gian, không gian biểu diễn rối nước; đặc điểm của con rối; vấn đề bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước.

- Nhan đề: hàm chứa chủ đề bài viết - giới thiệu về nghệ thuật múa rối nước và vấn đề bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa rối nước hiện nay.

II. Trước khi đọc

Câu 1: Khi nghe cụm từ “con rối”, điều đầu tiên bạn nghĩ tới là gì? Vì sao như vậy?

Cụm từ “con rối” gợi đến một món đồ chơi. Vì món đồ chơi này rất quen thuộc với mỗi người.

Câu 2: Bạn đã có những hiểu biết gì về rối nước? Hãy nêu những điều bạn còn thắc mắc và muốn tìm hiểu sâu thêm về loại hình nghệ thuật này?

- Một số hiểu biết: Rối nước là một loại hình nghệ thuật, được biểu diễn dưới nước…

- Thắc mắc: Cách điều khiển con rối…

III. Trả lời các thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Trò rối nước ở Việt Nam ra đời từ bao giờ?

Tương truyền, múa rối nước được hình thành từ thế kỉ XI – XII.

Câu 2: Trong trò rối nước, con rối đã được chế tác và điều khiển như thế nào?

Người điều khiển sử dụng hệ thống sào kết hợp với dây được gắn ở phần thân dưới để điều khiển con rối.

Câu 3: Việc bảo tồn, phát triển rối nước có điểm gì chung với bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật cổ truyền khác của dân tộc?

Việc bảo tồn, phát triển rối nước cũng như bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật cổ truyền khác của dân tộc đều đang gặp khó khăn, thách thức khi nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại xuất hiện đã hấp dẫn, thu hút hơn.

IV. Trả lời câu hỏi

Câu 1: Tóm tắt những thông tin chính của văn bản.

Tương truyền, múa rối nước được hình thành từ thế kỉ XI – XII. Múa rối thường được biểu diễn trong các buổi hội làng hay các dịp lễ Tết; sau này rối vào thành phố, nhà hát… Nghệ thuật múa rối là sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình và kĩ thuật biểu diễn. Rối nước khác rối cạn là người điều khiển sử dụng hệ thống sào kết hợp với dây được gắn ở phần thân dưới để điều khiển con rối. Giữa nhịp sống tốc độ thời cách mạng 4.0, rối nước vẫn được duy trì và bảo tồn.

Câu 2: Tìm trong văn bản những thông tin cho phép khẳng định múa rối nước là “môn nghệ thuật thấm đẫm tinh thần Việt”.

- Múa rối thường được biểu diễn trong các buổi hội làng hay các dịp lễ Tết.

- Đề diễn được trò rối nước, người ta phải dựng lên nhà rối (còn gọi là thủy đình) trên mặt ao làng, với lối kiến trúc mái chùa cong cùng mành tre, cờ phướn, võng lọng, cổng hàng mã…

- Những con rối được đẽo gọt từ gỗ sung, được tạo hình ngộ nghĩnh với màu sắc rực rỡ, tươi vui và dân dã.

- Rối nước cần tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống mõ, tiếng kèn sáo và cả những tiếng pháo phụ trợ để thật tròn vai.

Câu 3: Nêu đặc điểm của cách triển khai thông tin trong văn bản. Hãy phân tích mức độ thuyết phục của cách triển khai ấy.

- Cách triển khai thông tin trong văn bản:

+ Nêu những đặc điểm “độc”, “lạ” của nghệ thuật rối nước để gây tò mò

⇒ Giải đáp những câu hỏi có thể nảy sinh ở độc giả khi đọc phần sa-pô (Rối nước có nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển như thế nào? Thời gian và không gian biểu diễn của rối nước có gì đặc biệt? Những yếu tố nào cấu thành nghệ thuật rối nước?...)

+ Nêu “bài toán khó” giữa bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước.

- Cách triển khai thông tin này có thể quy về mô hình: lần lượt trình bày về từng vấn đề hoặc nhóm vấn đề. Rõ ràng, đây là cách triển khai phù hợp, giúp người đọc có được sự hình dung tương đối toàn diện về nghệ thuật rối nước. Điều đáng chú ý nữa là khi nói về từng vấn đề, tác giả luôn làm rõ mối tương quan giữa truyền thống và hiện đại (điều đã được báo trước ở nhan đề văn bản).

Câu 4: Nêu nhận xét về phần sa-pô của văn bản, từ đó rút ra cách viết sa-pô cho một văn bản thông tin nói chung.

- Sa-pô của văn bản Múa rối nước – hiện đại soi bóng tiền nhân khá gây ấn tượng, gần như đưa rối nước vào góc nhìn của một người thuộc về nền văn hoá khác để “lẩy” ra những điểm lạ đáng chú ý của nghệ thuật này (văn bản được in trong tạp chí Heritage của Vietnam Airlines). Người đọc hẳn sẽ khó bỏ qua một văn bản có sa-pô hấp dẫn như thế.

- Nói chung, khi viết văn bản thông tin, việc đầu tư cho sa-pô luôn có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong môi trường thông tin cực kì phong phú, đa dạng hiện nay. Một sa-pô phải thể hiện được thần thái và thông tin quan trọng nhất của văn bản, với cách dẫn dắt khéo léo, gây cho độc giả sự chú ý ngay từ “cái nhìn đầu tiên”.

Câu 5: Nếu được phép bổ sung vào văn bản những thông tin về các câu chuyện được kể trên sân khấu rối nước, bạn có thể nói điều gì?

Một buổi biểu diễn rối nước có thể có nhiều tiết mục, mỗi tiết mục diễn cảnh một hoạt động quen thuộc như cấy lúa, bừa ruộng, câu ếch, múa rồng, đấu vật, múa võ, cáo bắt vịt, chọi trâu,... hoặc làm sống dậy một số tình tiết nào đó trong các truyện cổ như Tấm Cám, Thạch Sanh, Sự tích Hồ Gươm,... Có thể hình dung mỗi tiết mục là một hoạt cảnh, nếu có cốt truyện thì đó là loại cốt truyện đơn sơ, tối giản.

Câu 6: Từ văn bản được học, hãy nêu cảm xúc, suy nghĩ của bạn về rối nước nói riêng và nghệ thuật cổ truyền của dân tộc nói chung.

- Múa rối nước là loại hình nghệ thuật cổ truyền và lâu đời của dân tộc ta, mang nhiều những nét đặc trưng và thể hiện văn hóa của người Việt.

- Bộ môn này hiện nay không còn được chào đón như trước và đang gặp những khó khăn khi tiếp cận khán giả hiện đại.

- Mong mọi người và những nghệ nhân múa rối nước sẽ cố gắng bảo tồn và duy trì loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc này của Việt Nam.

V. Kết nối đọc - viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về chủ đề: Múa rối nước – món quà kì diệu từ đồng ruộng Việt Nam.

Mẫu số 1

Múa rối nước là loại hình nghệ thuật được xem là món quà kì diệu từ đồng ruộng của làng quê Việt Nam. Bộ môn này hình thành từ thời xa xưa, gắn với nếp sống, nếp sinh hoạt và cách cảm cách nghĩ của con người Việt Nam. Chúng được hình thành từ những người nghệ nhân chân chất, từ ao làng, mái đình, mái chùa cổ kính, đến cả những nguyên liệu để làm ra con rối cũng từ gỗ sung, những thứ dân dã và gần gũi với làng quê Việt Nam. Bước ra từ đồng ruộng, thôn quê, với những gì thân thuộc nhất với con người Việt Nam, ngày nay, múa rối nước đã đi vào thành phố, vào nhà hát, trung ương,… nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng ở nơi mà nó ra đời, vẫn là bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Mẫu số 2

Nhắc tới Múa rối nước (hay còn được gọi là trò rối nước), người ta nghĩ tới ngay một bộ môn nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gắn liền với nền văn hóa Đại Việt. Không chỉ đơn thuần là điều khiển con rối trên mặt nước, loại hình này là sự kết hợp của ca, múa, nhạc, tích, diễn, hề cùng những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, khói, lời giáo trò, câu thoại qua lại, dàn nhạc,.... tất cả tạo thành tiết mục múa rối đặc sắc, sống động, chân thực và giàu cảm xúc. Nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc Việt Nam gắn liền với những điều kiện tự nhiên, sinh hoạt của người nông dân trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ. Với trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo thông minh của cha ông ta đã góp phần hình thành nên loại hình nghệ thuật múa rối nước. Từ những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống và được coi là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một nét văn hóa truyền thống riêng biệt của dân tộc Việt Nam so với nền nghệ thuật Múa rối của các quốc gia trên toàn thế giới.

  • 1.079 lượt xem
Sắp xếp theo