- Là loại hình kịch hát cổ truyền của dân tộc, phát triển mạnh dưới triều Nguyễn ở vùng Nam Trung Bộ.
- Tuồng có hai bộ phận tương đối khác biệt nhau là tuồng cung đình và tuồng dân gian.
- Nghệ thuật tuồng mang tính tổng hợp, phối hợp cả văn học, ca nhạc và vũ đạo.
- Tích tuồng dân gian giàu yếu tố hài, hướng tới châm biếm các thói hư tật xấu hay đả kích một số hạng người nhất định trong xã hội.
- Một tích tuồng thường có nhiều dị bản, do nó được bổ sung, nắn chỉnh thường xuyên trong quá trình biểu diễn, lưu truyền.
- Thể loại: Tuồng dân gian.
- Tóm tắt nội dung: Trộm Ốc nhờ thầy bói Nghêu gieo quẻ chỉ hướng và ăn trộm nhà Trùm Sò. Ốc đem của trộm được bán cho Thị Hến, một gái góa trẻ đẹp. Lý trưởng và Trùm Sò đến lục soát và bắt được tang vật, liền giải Thị Hến lên trình Quan huyện. Khi đến công đường, Thị Hến đã làm cho Quan huyện và Thầy đề mê mệt vì nhan sắc của mình. Kết quả là Trùm Sò mất tiền, Lý trưởng bị đòn, Thị Hến được tha bổng. Kết thúc vở là cảnh cả Quan huyện, Thầy đề, Lý trưởng vì mê mẩn Thị Hến chạm mặt nhau và bị các bà vợ đánh ghen tại nhà Thị Hến.
- Ý nghĩa: đả kích thói tham lam, bòn rút dân đen của tầng lớp quan lại trong xã hội phong kiến; khắc họa chân dung làng quê buổi suy tàn.
- Thuộc cảnh 1 của hồi thứ II trong tác phẩm “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”.
- Nội dung: thể hiện cảnh tri huyện và đề lại bàn bạc với nhau về cách nhũng nhiễu người kêu kiện.
- Bố cục
+ Phần 1: Tri huyện xưng danh (từ “Quyền trọng” đến “chuyên cần”).
+ Phần 2: Tri huyện và đề lại tính kế bóp nặn người thưa kiện (tiếp đó đến “Lệ đâu?”).
+ Phần 3: Lính lệ bắt đầu thực thi kế hoạch của “quan” (đoạn còn lại).
Câu 1: Bạn đã xem biểu diễn tuồng bao giờ chưa? Bạn nghĩ sao khi loại nghệ thuật sân khấu truyền thống này đang gặp khó khăn trên con đường đến với khán giả hiện đại?
- Rồi/Chưa
- Cuộc sống hiện đại có nhiều phương tiện để con người giải trí, bởi vậy mà các loại nghệ thuật sân khấu truyền thống này đang gặp khó khăn trên con đường đến với khán giả hiện đại.
Câu 2: Hãy tìm xem trên Internet toàn bộ hoặc từng trích đoạn của vở tuồng này.
Học sinh tự tìm kiếm và xem lại.
Câu 1: Cách bài trí nơi huyện đường - những chỉ dẫn cho việc thiết kế sân khấu.
- Trên tường chính giữa là bức hoành phi đề hai chữ “huyện đường”, hai bên hai câu đối. Bên cạnh câu đối là cửa vào nhà trong.
- Bàn giấy của tri huyện để chính giữa, trên có ống bút, nghiên mực, điếu bình.
- Bàn của đề lại cũng có nghiên bút và một chồng đơn từ.
Câu 2: Hoạt động “ăn ý” giữa tri huyện và đề lại.
Sau khi xử Nghêu và Ốc rồi, còn muốn xử Sò và Hến.
Câu 3: Điều gì sẽ xảy ra sau lời nói này của lính lệ A?
Sau lời nói của lính lệ A, ông Trùm Sò và thị Hến sẽ đút lót tiền cho hắn và cùng nhau vào huyện đường để mong được tri huyện xử kiện.
Câu 1: Tóm tắt các sự việc trong đoạn trích.
- Tri huyện bước ra, giới thiệu tên tuổi và chức vụ của mình.
- Đề lại ra sau, thưa về vụ án của Thị Hến.
- Tri huyện và đề lại đưa ra phương án xử tù, phạt đòn và phạt tiền đối với Ốc, Nghêu và lí trưởng còn Sò và Hến thì đợi xem xét
- Lính lệ gọi tất cả vào hầu tòa.
Câu 2: Liệt kê những lời thoại cho thấy sự tương đồng về bản chất, thủ đoạn giữa các nhân vật ở huyện đường, từ tri huyện đến đề lại và lính lệ.
- Những lời thoại chính của tri huyện cần được kể đến: “Sự lí thường phân ẩu/ Được thua tự đồng tiền”; “Tôi thì tôi nghĩ cứ để đu đưa như vậy đã. Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể “ấy” được”; “Phải, nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu”; “...lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, nói thế nào lại chả được”.
- Những lời thoại của đề lại: “Vâng, ta cứ bảo là để tra cứu đã. Thưa còn thằng Ốc, thằng Nghêu, lí trưởng, Thị Hến thì liệu xử cho xong, bọn này toàn đầu trọc cả”; “Bẩm quan xử thật sâu sắc”; “Vâng ạ, quan xử hay lắm”.
- Lời thoại của lính lệ: “Nhắc lại ông Trùm, anh xã và chị Hến biết rằng hôm nay quan bận lắm, tôi bẩm mãi quan mới chịu xử vụ này đấy”. Tất cả những lời thoại nêu trên cho thấy mọi mối bận tâm của tri huyện, đề lại và lính lệ đều chỉ xoay quanh một chữ “tiền”.
Câu 3: Đoạn trích cho thấy tri huyện và đề lại không cần phải giữ ý với nhau. Vì sao vậy? Phân tích sự hô ứng nhịp nhàng trong lời thoại giữa hai nhân vật.
- Việc tri huyện và đề lại “cởi mở” với nhau là việc hoàn toàn tự nhiên, dễ hiểu vì hai nhân vật này có sự tương đồng về bản chất (tham lam, xấu xa), lại có quá trình cấu kết với nhau lâu dài trong việc tróc nã, chiếm đoạt tiền bạc từ người thưa kiện.
- Phân tích sự hô ứng nhịp nhàng:
+ Tri huyện muốn kiếm tiền từ “Sò” vì hắn rất giàu, đề lại đã đưa ra phương án nói với mọi người là “ta cứ bảo là để tra cứu đã”
+ Đề lại nói muốn xử cho xong những bọn trọc đầu, tri huyện lập tức hưởng ứng “phải, nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu”
+ Đề lại khen ngợi, nịnh nọt với cách xử kiện của tri huyện “bẩm quan xử thật sâu sắc”, “vâng ạ, quan xử hay lắm”
Câu 4: Qua theo dõi cảnh tuồng Huyện đường, bạn hiểu như thế nào về thái độ và cách nhìn nhận của người dân xưa đối với chốn “cửa quan”?
Người dân xưa chỉ thấy “cửa quan” là chốn ô trọc, lúc nhúc nhưng kẻ đục khoét đầy mưu mô, luôn tìm cơ hội vơ vét “cho đầy túi tham” và làm hại những người “thấp cổ bé họng”, kể cả thành phần bất hảo nhưng ở thế yếu hơn (như lí trưởng, Trùm Sò).
⇒ Cần phải thấy đây là một cách nhìn nhận có tính lịch sử mà việc khắc phục nó phải gắn liền với những đổi thay cơ bản của thể chế. Hiện nay, định kiến dai dẳng này đã dần được xoá bỏ khi xã hội đã phát triển theo chiều hướng văn minh, tiến bộ.
Câu 5 : Lời tự giới thiệu (qua hình thức nói lối) của nhân vật tri huyện đã giúp người xem, người đọc hiểu được điều gì về con người ông ta? Hãy so sánh lời tự giới thiệu đó của một nhân vật cụ thể trong tuồng với những lời tự giới thiệu thường gặp trong đời sống để rút ra nhận xét cần thiết.
Lời tự giới thiệu (qua hình thức nói lối) của nhân vật tri huyện cho thấy ông ta là một kẻ thuộc loại “ăn trên ngồi trốc”, hưởng đủ mùi phú quý và quen sống phóng đãng “Đỉnh chung đà đủ miếng/ Hoa nguyệt cũng quen mùi”. Nhưng điều đáng nói là ông ta đã thực hiện chức phận một cách tồi tệ, cây quyền cậy thế để tự tung tự tác, bất chấp công lí, đạo lí, miễn sao vơ vét được nhiều: “Lấy của cậy ngọn roi/ Làm quan nhờ lỗ khẩu/ Sự lí thường phân ẩu/ Được thua tự đồng tiền/ Dân xã nếu không kiêng/ Bỏ xuống lao giam kĩ”.
Câu 6: Nếu được tham gia dựng lại cảnh Huyện đường trên sân khấu, bạn sẽ lưu ý điều gì về diễn xuất của diễn viên? Vì sao?
- Cần lưu ý: Lời thoại, khuôn mặt, hành động.
- Nguyên nhân: Những yếu tố quan trọng của loại hình nghệ thuật sân khấu.
Viết đoạn văn ngắn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về tiếng cười châm biếm của tác giả dân gian thể hiện qua đoạn trích.
Mẫu số 1
Đoạn trích “Huyện đường” trong vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” đã thể hiện tiếng cười châm biếm của tác giả với thói tham nhũng, việc xử kiện được dựa trên đồng tiền của một bộ phận quan lại trong xã hội cũ. Nhân vật trong truyện đã tự bộc lộ bản chất của mình thông qua ngôn ngữ, cử chỉ làm bật ra tiếng cười sâu cay. Nhân vật tri huyện và đề lại trong đoạn trích là những người đại diện cho quyền lực, công lý nhưng bản chất lại tham lam, dùng uy quyền để bóc lột và vơ vét của cải của nhân dân. Không chỉ vậy, qua đây, tác giả cũng muốn phơi bày một xã hội lừa lọc, thủ đoạn và thiếu tình người. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, tiếng cười được gửi gắm trong đoạn trích vừa sâu cay, vừa mang ý nghĩa phê phán sâu sắc.
Mẫu số 2
Vở tuồng Huyện đường đã thể hiện cái nhìn châm biếm của tác giả về thói tham nhũng, xử kiện dựa trên đồng tiền của một bộ phận quan lại thối nát vô lương tâm trong xã hội cũ. Tác giả để cho nhân vật tự giới thiệu, bộc lộ bản chất của mình thông qua lời thoại, cử chỉ và ngôn ngữ, không cần dùng đến một từ ngữ phê phán hay bình luận nào. Đây là một cách thể hiện rất khéo léo. Thông qua câu chuyện ở huyện đường, tác giả vừa châm biếm vừa phê phán tầng lớp quan lại, nhưng đồng thời cũng phơi bày trước mắt bạn đọc một xã hội lừa lọc, thủ đoạn và thiếu tình người. Tiếng cười được gửi gắm trong tác phẩm vừa sâu cay vừa mang ý nghĩa phê phán sâu sắc.