Xúy Vân giả dại

A. Tri thức Ngữ văn

1. Khái niệm chèo

Chèo nguyên là một loại hình kịch hát dân gian, phổ biết ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường được diễn ở sân đình trong thời gian có các lễ hội. Về sau, chèo được chuyên nghiệp hóa dần với sự hình thành của các gánh chèo, đoàn chèo.

2. Đặc trưng của chèo

Đặc điểm tổ chức biểu diễn

 - Đơn vị biểu diễn chèo là phường, còn gọi là “phường chèo”, hay gọi là “gánh chèo”. Gọi là “gánh” vì mọi phường chèo đi biểu diễn thường mang một gánh đồ. Một phường chèo thường đi từ 10 đến 12 người.

 - Người đứng đầu thường được gọi là ông trùm, bà trùm hay là “trưởng trò”. Chủ yếu là nông dân, chỉ khi nông nhàn thì họ mới gồng gánh hòm đồ lên đường đi “xin đám” – xin biểu diễn vào các dịp.

Sân khấu biểu diễn

 - Đơn giản, thô sơ, được lập ở trước ban thờ hoặc ngoài sân đình, có thể ở bất cứ chỗ nào, miễn là rộng rãi, bằng phẳng, thuận lợi cho người diễn, người xem.

Lối kể chuyện

 - Chèo thường được đưa lên sân khấu cả một chuyện có đầu có cuối, thường dựa vào sự tích truyện cổ dân gian có sẵn

 - Thời gian trong chèo tiến triển tuần tự như các tình tiết trong truyện cổ, không thể đảo lộn trật tự thời gian như trong kịch hiện đại

 - Lối kể chuyện sân khấu giống lối kể chuyện trong cổ tích, chú trọng nhiều vào diễn biến tình tiết câu chuyện mà ít đi vào phân tích tâm lí nhân vật như ở kịch hiện đại.

 - Chèo phản ánh cuộc sống bằng phương pháp tự sự tạo nên sự rung cảm sâu sắc cho người xem

Nhân vật chèo

 - Nhân vật chèo gần gũi với đời sống thường ngày của người dân lao động xưa, gồm nhiều hạng người trong xã hội, có địa vị, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác khác nhau.

- Xét theo tính cách, nhân vật chèo được phân thành hai loại chính: vai chín (tích cực) và vai lệch (tiêu cực). Mỗi loại nhân vật thường tự biểu hiện mình bằng một số điệu hát và động tác múa đặc trưng.

Nội dung tư tưởng

 - Nêu những mâu thuẫn trong xã hội phong kiến, phê phán những thói xấu, những hạng người xấu, phê phán những gì trái với đạo đức, tâm lí xã hội

 - Thể hiện lòng yêu mến, quý trọng con người đặc biệt là đề cao người phụ nữ - lớp người mà giai cấp phong kiến cho là thấp hèn nhất. Vấn đề trọng tâm trong chèo là vấn đề đạo đức. Chèo phê phán những người phụ nữ kém đạo đức.

B. Soạn bài Xúy Vân giả dại

I. Tìm hiểu chung

- Tóm tắt nội dung vở chèo: Kim Nham là một nho sinh, trọ học ở Tràng An. Sau khi kết duyên với Xúy Vân, chàng tiếp tục lên kinh miệt mài đèn sách đợi khoa thi, để Xúy Vân sống trong cảnh cô đơn, buồn bã. Ở quê. Xúy Vân bị gã Trần Phương tán tỉnh, hứa hẹn ngon ngọt. Nàng giả điên với hi vọng thoát khỏi Kim Nham để theo Trần Phương. Sau những cố gắng chạy chữa cho vợ không thành, Kim Nham đành phải để nàng được tự do. Xúy Vân tìm đến Trần Phương nhưng hắn trở mặt, quay lưng. Từ chỗ giả điên, Xúy Vân đã hóa điên thật.

- Trích đoạn Xúy vân giả dại: Thể hiện cảnh Xúy Vân tự dựng lên màn điên loạn của chính mình.

⇒ Bố cục của lớp chèo:

+ Phần 1 (từ đầu đến “ai biết là ai”): Xúy Vân xuất hiện.

+ Phần 2 (từ “bước chân vào” đến “Ờ”): Xúy Vân xưng danh

+ Phần 3 (Còn lại): Xúy Vân giãi bày.

II. Trước khi đọc

Câu 1 : Giữa sự nở rộ của muôn vàn phương tiện nghe nhìn và các hoạt động giải trí hấp dẫn, bạn nghĩ như thế nào nếu ai đó đề nghị bạn bỏ chút thời gian xem một vở chèo cổ?

Giữa sự nở rộ của muôn vàn phương tiện nghe nhìn và các hoạt động giải trí hấp dẫn, lời đề nghị đi xem một vở chèo cổ là khá thú vị, hấp dẫn.

Câu 2 : Bạn có thấy tò mò khi nghe đến tên lớp chèo Xúy Vân giả dại hay không? Hãy tận dụng các điều kiện hiện có của mình để xem lớp chèo này hoặc toàn bộ vở chèo Kim Nham.

Tên lớp chèo “Xúy Vân giả dại” gợi cho người đọc sự tò mò.

III. Trả lời các thẻ trong văn bản đọc

Câu 1 : Hình dung khi thể hiện lời thoại này, diễn viên sẽ có động tác diễn xuất tương ứng như thế nào?

Gợi ý: Diễn viên có gương mặt biểu hiện sự đau khổ, quằn quại.

Câu 2 : Lời thoại này thể hiện trạng thái tâm lí gì của nhân vật?

Lời thoại thể hiện sự đau khổ, xấu hổ của Xúy Vân.

Câu 3 : Hình ảnh vợ chồng quấn quýt xuất hiện ở đây có ý nghĩa gì?

Hình ảnh vợ chồng quấn quýt cho thấy mong muốn một gia đình hạnh phúc, ấm êm của Xúy Vân cùng với nỗi hối hận muộn màng.

IV. Trả lời câu hỏi

Câu 1 : Nêu nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xúy Vân.

+ Nguyên nhân trực tiếp: Lời xúi dục và hứa hẹn ngon ngọt của Trần Phương – gã người tình trăng hoa và đểu cáng (nguyên nhân này có thể được nhận biết một phần qua những chi tiết ngoài văn bản, ở đoạn tóm tắt tác phẩm và một phần qua chính đoạn xưng danh của Xuý Vân trong văn bản).

+ Nguyên nhân sâu xa: nỗi buồn chán, cô đơn khi phải sống xa chồng và niềm khát khao cảnh sống êm đềm, hạnh phúc của Xuý Vân.

Câu 2 : Trong lớp chèo Xúy Vân giả dại, đoạn lời thoại nào thể hiện rõ nhất “ngôn ngữ điên” của nhân vật? Vì sao bạn xác định như vậy?

- Đoạn lời thoại gắn liền với điệu “hát ngược” ở cuối văn bản (đoạn trích).

+ Rất nhiều đối tượng, sự vật được nhắc đến nhưng giữa chúng không có mối liên hệ gì với nhau. Có cảm tưởng Xuý Vân đã tiện đâu nói đó, nhớ gì nói nấy, mỗi câu nói như một mảnh rời, được gá ghép với nhau một cách lộn xộn.

+ Mọi sự vật đã được nhân vật nhìn theo một logic ngược, phải đảo lại hoàn toàn thì mới đúng với ghi nhận của tri giác thông thường: “Chuột đậu cành rào, muỗi ấp cánh dơi,/ Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,/ Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây”,... Tất cả những điều trên dễ dàng đưa đến cho người nghe, người đọc cảm giác rằng người nói quả thực là một kẻ điên hoặc không bình thường.

Câu 3 : Hãy chọn phân tích một đoạn lời thoại để làm rõ những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xúy Vân.

- Đoạn lời thoại được thể hiện bằng điệu “quá giang”. Ở đây, ta vừa thấy một Xuý Vân buông xuôi, thuận theo sự chi phối của hoàn cảnh “Cách con sông nên tôi phải luỵ đò”, vừa thấy một Xuý Vân muốn phản kháng “Chả nên gia thất thì về,/ Ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười.”. Đặc biệt, bên cạnh một Xuý Vân buông thả theo chuyện “gió trăng” là một Xuý Vân luôn có nỗi hổ thẹn ngấm ngầm, muốn thanh minh, phân bua và cũng biết tự dặn lòng cần giữ tiết “Tôi chắp tay lạy bạn đừng cười,/ Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng./Gió trăng thời mặc gió trăng,/ Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên.”.

- Đoạn lời thoại thể hiện mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xúy Vân nhất là từ “Bước chân vào tôi thưa rằng vậy” đến “Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại”. Trong văn bản, Xúy Vân nói với mọi người mà nàng gọi là “chị em”, cũng như đang tự vấn chính mình. Nàng tự xưng tên họ, nói bản thân có “tài cao vô giá”, “hát hay đã lạ”, được gọi là “cô ả Xúy Vân”, cho thấy ở nàng một cô gái xinh đẹp, hát hay, đáng trân trọng. Thế nhưng lại rơi vào nỗi đau khổ khi trót bỏ chồng để đi theo một người đàn ông phụ bạc, “phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương”. Một bên là người con gái đang tuổi xuân thi, với một bên là nỗi đau đớn tủi nhục vì bị ruồng bỏ, sự đối lập này đã cho thấy rõ tâm trạng ân hận của Xúy Vân, chính bi kịch ấy đã đẩy nàng “đến nỗi điên cuồng, rồ dại”. Nỗi ân hận của Xúy Vân tuy muộn màng nhưng cũng cho thấy sự thức tỉnh của nhân vật, điều đó thể hiện nàng đã nhận ra lỗi lầm của mình, đang đấu tranh đau khổ với nỗi ân hận và đau đớn khi đã phụ bạc Kim Nham.

Câu 4 : Đoạn lời thoại được thể hiện theo điệu “con gà rừng” cho biết những điều gì về cảnh ngộ đời sống cũng như niềm mong ước của Xúy Vân?

- Đoạn lời thoại được thể hiện theo điệu “con gà rừng” cho thấy: Đời sống của Xúy Vân lúc này vừa “đắng cay” lại vừa uất ức. Nàng tủi hổ vì bị người đời chê cười là bỏ chồng, dan díu với nhân ngãi, để tiếng xấu cho cha mẹ…

- Đoạn lời thoại còn cho thấy mong ước về cuộc sống gia đình của Xúy Vân, hình ảnh “bông lúa chín vàng”, “anh đi gặt”, “nàng mang cơm” thể hiện một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, gia đình hòa thuận, vợ chồng sớm tối có nhau.

Câu 5 : Qua đoạn xưng danh của Xúy Vân, có thể nhận ra được những đặc điểm gì của sân khấu chèo (cách xưng danh, sự tương tác giữa người xem và người diễn…)?

- Cách xưng danh: Tự xưng tên tuổi, xưng “tôi” - gọi “chị em”.

⇒ Hình thức xưng danh này đáp ứng yêu cầu của khán giả bình dân muốn nắm bắt nhanh chóng về loại, đặc điểm và vai trò của nhân vật, ngay từ lúc nhân vật vừa xuất hiện trên sân khấu (nhân vật thuộc vai chín (tích cực) hay vai lệch (tiêu cực), tính cách ra sao, có vị trí thế nào trong tích trò). Khi đã được nghe những lời xưng danh, khán giả không còn phải bỏ nhiều công để suy đoán về tính cách của nhân vật nữa để có thể tập trung theo dõi nghệ thuật trình diễn (múa, hát) của diễn viên (sự thực, sau màn xưng danh, diễn viên chỉ cố sức thể hiện như thế nào cho nổi bật điều đã được báo trước qua những câu chào hỏi).

- Sự tương tác giữa người xem và người diễn: Xúy Vân chào hỏi, trò chuyện mọi người xung quanh…

Câu 6 : Nêu một số đặc điểm của ngôn ngữ chèo mà bạn nhận biết được qua đoạn trích (thể thơ quen dùng; chất liệu ca dao, dân ca;…)

- Trong chèo, lời thoại của nhân vật có thể được thể hiện bằng hình thức của lời nói thường hoặc hình thức của thơ.

- Ở phần lớn trường hợp, giữa hai hình thức này có sự kết hợp linh hoạt. Những lời thoại có hình thức thơ mà người đọc nhận thấy trên văn bản sẽ được hát lên theo các làn điệu khác nhau khi diễn viên thể hiện trên sân khấu. Bóng dáng của thơ bốn chữ hay thơ lục bát thường hiện diện trong lời thoại của nhân vật với nhiều biến đổi ở cách ngắt nhịp và số tiếng, một phần có thể do sự chi phối của điệu hát hay ngữ điệu của lời nói thường. Có khi, ta gặp ở đây những cặp lục bát theo đúng mô hình chuẩn như: “Gió trăng thời mặc gió trăng,/ Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên” hay: “Chờ cho bông lúa chín vàng,/ Để anh đi gặt, để nàng mang cơm”. Nhưng cũng nhiều khi ta gặp những cặp hoặc đoạn lục bát biến thể: “Chiếc trống cơm, ai khéo vỗ nên bông,/ Một đàn các cô con gái lội sông té bèo”...

- Ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa: “Bông bông dắt, bông bông díu/ Xa xa lắc, xa xa líu

- Cách nói ví von giàu tính tự sự trữ tình: “Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng”, “chờ cho bông lúa chín vàng”, “con cá rô nằm vũng chân trâu/ để cho năm bảy cần câu châu vào”,…

Câu 7 : Qua lớp chèo này, bạn hiểu thêm được những điều gì về đời sống văn hóa làng xã Việt Nam thuở xưa?

- Qua lớp chèo, có thể thấy được phần nào không gian quen thuộc của nông thôn Việt Nam xưa với các hình ảnh như con sông, bến đò,... những cảnh sinh hoạt như gặt lúa, mang cơm,...

- Ta cũng có thể nhận ra sự tồn tại của những thiết chế tinh thần ràng buộc đời sống con người như quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và dư luận xã hội (rõ ràng ở Xuý Vân luôn có một nỗi ám ảnh về tình trạng “chúng chê, bạn cười”)...

- Tin tưởng vào tín ngưỡng: “than cùng bà Nguyệt”, “ông Bụt”

- Đặc biệt, ta còn cảm nhận được sự đồng vọng thắm thiết giữa những tấm lòng trong cộng đồng làng xã mỗi khi các từ xưng hô như “chị em”, “bạn” vang lên. Hàng xóm láng giềng sống với nhau gần gũi, đoàn kết: Xúy Vân gọi mọi người là “chị em ơi!”, lời nói thủ thỉ tâm tình “Chị em ơi tôi than vài câu nhé, chuyện của Xúy Vân láng giềng cũng đều hay biết.

Câu 8 : Xúy Vân giả dại để che giấu điều gì? Thử biện hộ cho hành động này của Xúy Vân?

- Mục đích giả dại: thoát khỏi cuộc hôn nhân với Kim Nham để đến với Trần Phương.

- Nguyên nhân phải giả dại: trong xã hội Việt Nam xưa, con người cá nhân chưa được tôn trọng.

⇒ Những đòi hỏi về quyền tự quyết lối sống hay quyền lựa chọn người mình yêu thương thường bị phán xét một cách nghiêm khắc; với người phụ nữ, những khát vọng mang tính chất “vượt rào” lại càng bị ngăn trở, cấm đoán ngặt nghèo.

Câu 9 : Với văn bản lớp chèo Xúy Vân giả dại, ta chỉ cần khoảng 3 phút để đọc xong, nhưng để diễn trên sân khấu, cần tới gần 15 phút. Từ thực tế này, có thể rút ra được nhận xét gì về nghệ thuật chèo? (Gợi ý: chức năng của tích trò; tầm quan trọng của diễn xuất gồm hát, múa và các hình thức biểu cảm khác;…)

- Để có vở chèo thành công cần sự chuẩn bị chu đáo, dụng công, tỉ mỉ trong mọi công đoạn.

- Nghệ thuật chèo đặc sắc, không chỉ dựa vào văn bản gốc mà còn nhiều yếu tố khác như tích trò, diễn xuất, khả năng múa, hát của diễn viên,...

- Trong trình diễn, có thể lồng ghép, thêm bớt những nội dung khác để làm phong phú buổi diễn nhưng không làm mất đi tính nguyên văn của nó,...

V. Kết nối đọc - viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về nỗi niềm của nhân vật Xúy Vân được thể hiện qua lớp chèo Xúy Vân giả dại.

Mẫu số 1

Xây dựng thành công một vai đào pha: Xúy Vân với những nét tính cách, hành động tưởng chừng như đáng lên án, phê phán kịch liệt, song vở chèo Kim Nham đã để lại cho độc giả những suy ngẫm sâu xa về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xúy Vân là lời xúi giục và hứa hẹn ngon ngọt của Trần Phương - một gã người tình trăng hoa và đểu cáng. Song, sâu xa hơn, đó chính là do nỗi buồn chán, cô đơn và khao khát cảnh sống hạnh phúc của nàng sau nhiều ngày tháng đợi chồng theo đuổi nghiệp đèn sách. Xúy Vân phải giả điên để thoát khỏi cuộc hôn nhân với Kim Nham, đến với người tình mà nàng nghĩ sẽ đem lại cho mình những hạnh phúc lứa đôi, quây quần, đoàn tụ. Xúy Vân xuất hiện với tâm trạng buồn khổ về duyên tình, khiến con người tê tái chỉ còn biết cầu cứu, kêu than cùng bà Nguyệt, mong nhận được sự đồng cảm của cộng đồng. Buồn tủi vì duyên phận, nhân vật buông xuôi theo tiếng gọi “gió trăng”, muốn sang sông để tìm kiếm hạnh phúc.Xúy Vân khao khát vượt thoát nhưng cũng lo âu, dằn vặt. Nàng đã hành động trái với đạo lí nhưng biết mình sai, hoảng hốt lo sợ điều tiếng thị phi, sợ người đời khinh miệt, ngầm hổ thẹn vì việc làm của mình. Nàng phân bua và cũng tự dặn lòng mình cần giữ tiết. Đó là mâu thuẫn giữa tình cảm, khát vọng được giải thoát với ý thức về đạo đức của người phụ nữ theo luật lệ phong kiến và dư luận xã hội xưa. Những hình ảnh ẩn dụ đầy chất gợi xoáy sâu vào sự tuyệt vọng về cuộc hôn nhân thiếu vắng tình yêu, sẻ chia của người con gái đáng thương. Hình ảnh “con cá rô nằm vũng chân trâu” thể hiện rõ cảnh sống bế tắc, không lối thoát, “năm bảy cần câu châu vào” chính là những áp lực gia đình, xã hội trói buộc người phụ nữ vào vũng lầy cuộc đời. Tâm trạng nhân vật: tuyệt vọng, bế tắc, cay đắng. Việc Xúy Vân phải giả dại thay vì đường đường chính chính đến với tình yêu cho thấy sự bất lực, vô vọng của người phụ nữ trong hành trình tự giải phóng. Đồng thời, đó cũng là người phụ nữ có ý thức về giá trị bản thân, về quyền được hạnh phúc. Xúy Vân từ chỗ là người phá vỡ chuẩn mực của đạo đức lại trở nên đáng thương hơn đáng trách. Chủ đề đạo đức của vở chèo Kim Nham trở nên mờ nhạt và giá trị nhân bản lại tỏa sáng.

Mẫu số 2

Trong lớp chèo Xúy Vân giả dại, Xúy Vân xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ vừa điên loạn lại vừa đáng thương. Nàng đang bị giằng xé giữa tâm trạng hối hận và nỗi tủi nhục vì sự cười chê của người đời. Nàng hối hận, cảm thấy tội lỗi vì đã phụ bạc Kim Nham, lại càng đau đớn vì bị Trần Phương bỏ rơi, Người phụ nữ không còn điểm tựa này còn phải đối mặt với nỗi cười chê của láng giềng. Trong xã hội phong kiến xưa, đây là một bi kịch lớn với người phụ nữ. Những câu nói điên loạn, kể lể càng cho thấy sự tuyệt vọng và tủi hổ của nhân vật đã lên đến đỉnh điểm, nàng đang bị mắc kẹt trong nỗi ám ảnh ấy mà không biết chia sẻ cùng ai nên càng rơi vào bế tắc. Hình ảnh Xúy Vân trong lớp chèo này là đại diện cho cảnh ngộ của những người phụ nữ xưa trong xã hội cũ, không được tự quyết định thân phận mình, đến khi muốn tìm hạnh phúc lại bị rơi vào bi kịch.

  • 3.712 lượt xem
Sắp xếp theo