Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam

Viết báo cáo nghiên cứu - Mẫu 1: Dân ca quan họ Bắc Ninh

1. Mở đầu

a. Lí do chọn đề tài:

"Anh có về Kinh Bắc quê em, mà nghe quan họ mà xem làng nghề

Con sông Cầu in bóng trăng thề người đi người ở người về với ai..."

Những câu ca ngọt ngào, đằm thắm ấy chính là dân ca quan họ Bắc Ninh. Làn điệu dân ca quan họ từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân Bắc Ninh nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tại kì họp lần thứ tư của Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 30 tháng 9 năm 2009, dân ca quan họ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể chỉ sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và ca trù. Điều này chứng tỏ dân ca quan họ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, dân ca quan họ xuất hiện ở rất nhiều nơi trên cả nước nhưng nhiều nhất vẫn là Bắc Ninh. Hầu hết các làng ở Bắc Ninh đều có những địa điểm sinh hoạt hát quan họ. Tuy nhiên, cái nôi đầu tiên của quan họ bắt nguồn từ Làng Diềm hay còn gọi là làng Viêm Xá, thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là nơi bà Thủy tổ của quan họ xuất hiện và truyền dạy lời ca cho mọi người. Qua năm tháng, quan họ không những giữ được nguyên vẹn lối hát truyền thống mà còn xuất hiện thêm nhiều lối hát mới phong phú và đa dạng.

Hiện tại, không ít những bài nghiên cứu, đánh giá của những nhà nghiên cứu đầu ngành về dân ca quan họ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu quan họ trong không gian văn hóa đương đại tại làng Diềm.

b. Mục đích nghiên cứu đề tài:

Tìm hiểu dân ca quan họ tại làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh để thấy được nét độc đáo, đặc sắc và đặc biệt của quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm.

c. Phương pháp nghiên cứu:

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp so sánh, phân tích - tổng hợp.

2. Nội dung:

a. Đôi nét về quan họ Bắc Ninh:

Khác với các loại hình diễn xướng khác, dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng với bạn bè gần xa bởi âm điệu ngọt ngào, trong trẻo, mượt mà, tha thiết. Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép chính xác về thời gian ra đời của làn điệu này. Có người cho rằng quan họ xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỉ XI, ý kiến khác lại nói vào thế kỉ XVII. Dù là thời gian nào thì quan họ vẫn được coi là phương tiện lưu giữ hồn cốt của văn hóa xứ Kinh Bắc. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, quan họ cũng có sự thay đổi, bổ sung. Chúng ta có thể chia thành quan họ truyền thống và quan họ mới.

Trước hết, quan họ truyền thống là lối hát quan họ ra đời đầu tiên. Nó chỉ tồn tại ở 49 làng quan họ gốc tại xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống đòi hỏi người hát phải am hiểu luật lệ, cách hát. Lúc bấy giờ, người ta không gọi là "hát quan họ" mà là "chơi quan họ" bởi cho rằng quan họ là một thú vui tao nhã, thanh tao. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm, chủ yếu là sự đối đáp của các liền anh liền chị vào độ "xuân thu nhị kì".

Khác với quan họ truyền thống, quan họ mới ít nhiều đã có sự cải biên. Hình thức diễn xướng cũng trở nên đa dạng hơn bao gồm hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa,...

Tính đến năm 2016, có tất cả 67 làng quan họ được xếp vào danh sách bảo tồn và phát triển, trong đó có 44 làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh.

b. Mảnh đất và con người làng Diềm:

Làng Diềm thuộc địa phận phường Hòa Long, nơi đây lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa của làng quê xứ Kinh Bắc. Lớn lên trên đất tổ của quan họ, người dân cũng rất ngọt ngào, đằm thắm. Từ trong cách ứng xử, nói năng, đi lại, người dân làng Diềm đều toát lên vẻ mộc mạc, nhẹ nhàng. Họ hiền lành, chất phác và đặc biệt hiếu khách như những câu quan họ mà ta đã từng nghe:

"Khách đến nhà là hát
Khách uống trà là pha"

hay

"Người ơi, người ở đừng về..."

Dường như người con của miền quê quan họ đều rất tình - một cái tình ngọt ngào như những lời ca. Không chỉ các liền anh, liền chị khi hát mới duyên dáng mà cái duyên ấy hiện hữu ngay cả trong đời sống hàng ngày. Đó là nét duyên được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vậy, quan họ mới trở nên đằm thắm, mượt mà đến như vậy.

c. Dân ca Quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm - phường Hòa Long - Thành phố Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh:

Đặt dân ca quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm, ta có thể thấy được nét độc đáo, hấp dẫn của làn điệu quan họ nơi đây. Ngày xưa, do hạn chế khi di chuyển nên sự giao lưu giữa Diềm và các làng khác gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, lối hát ở Diềm có điểm khác biệt, "cổ" hơn so với những nơi khác. Các liền anh, liền chị thường sử dụng lối hát chậm rãi, khoan thai, ít các bài lí có tiết tấu nhanh. Chính vì thế, những luyến láy hay tiếng đệm trong lời ca như "Dôông ôi à tô ông tang" "Dôông tang tết, tết tang" "tềnh tếnh"... cũng bị tiết chế. Một số bài "Bóc thư", "Tình thư", "Bóng giăng loan", "Ăn ở trong rừng" không được chia thành trổ ở Diềm.

Khi nhắc đến quan họ làng Diềm, không thể không nhắc đến bốn trụ cột chính hay bốn nghệ nhân kì cựu của quan họ làng Diềm. Đó là các cụ Ngô Thị Nhị, Trần Thị Phụng, Nguyễn Thị Bản, Ngô Thị Lịch. Họ đều là những nghệ nhân lâu đời, thuộc cả trăm ngàn làn quan họ cổ, đã được nhà nước phong danh nghệ nhân ưu tú.

Tại đây, cứ mỗi độ xuân về, ngày hội hay ngày rằm sẽ là ngày họp câu lạc bộ quan họ của làng. Nhiều lúc, chẳng cần nhạc đệm, tự lời đối đáp đã mang nét nhạc du dương. Từng làn điệu như rót vào tâm hồn người nghe nhờ các lời ngân: "Hừ la, hừ la a la..em hỡi hà, ơi hội hừ...".

Đặc biệt, dân làng cũng như chính quyền và các cấp địa phương rất chú trọng giữ gìn, bảo tồn dân ca quan họ. Ở trường Tiểu học Hòa Long, bên cạnh việc trau dồi, rèn luyện kĩ năng, kiến thức, nhà trường đã đưa quan họ vào dạy như một môn học trong các tiết học ngoại khóa. Đây là hoạt động thiết thực giúp bồi dưỡng tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu, thủy chung ở các em học sinh. Từ đó, giúp các em phát triển nhân cách, đạo đức tốt đẹp và thêm yêu quê hương, đất nước.

Với mục đích giữ gìn, bảo tồn dân ca quan họ và phát triển du lịch, chính quyền đã cho xây dựng nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Công trình có tổng diện tích là 19.400 mét vuông, với mức kinh phí hơn 178 tỉ đồng. Điều này cho thấy dân ca quan họ nhận được sự quan tâm, sát sao của người dân và các cấp chính quyền. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn. Đồng thời, tạo động lực cho mỗi nghệ sĩ không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật.

Mặc dù xã hội phát triển nhưng những giá trị văn hóa, tinh thần của quan họ làng Diềm vẫn được gìn giữ, phát huy. Tiếng hát quan họ thiết tha, nghĩa tình của các liền anh, liền chị vẫn làm say đắm biết bao du khách thập phương trong và ngoài nước. Đây chính là sức hút, nét hấp dẫn của quê hương quan họ.

3. Kết luận:

Mỗi một làng quan họ đều mang những nét riêng nhưng nếu đã nghe quan họ thì không thể bỏ qua làn điệu làng Diềm. Làn điệu dân ca mượt mà đằm thắm là một nét đẹp văn hóa và có tầm ảnh hưởng to lớn đối với không gian văn hóa làng Diềm. Quan họ không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Diềm mà còn là toàn thể người dân Việt Nam. Chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như dân ca quan họ làng Diềm.

Viết báo cáo nghiên cứu - Mẫu 2: Nghệ nhân diễn xướng văn học dân gian

1. Đặt vấn đề

Khi văn học dân gian được đặt vào bối cảnh diễn xướng, nó mới thực sự được “sống”, được trọn vẹn. Nghiên cứu về một bối cảnh diễn xướng, các nhà nghiên cứu thường hướng sự quan tâm tới các thành tố như sự kiện/bối cảnh tình huống; bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội; hành động diễn xướng,... và đặc biệt đề cao vai trò của người nghệ nhân diễn xướng. Người nghệ nhân được phân loại theo nhiều tiêu chí như loại hình diễn xướng hay sự chuyên nghiệp,... Trong bài viết này, người viết kế thừa thành quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Việt Hùng trong chuyên đề “Văn bản và diễn xướng văn học dân gian”, sẽ tập trung làm rõ và phân biệt nghệ nhân dân gian theo hai kiểu: nghệ nhân hát kể thực hành tín ngưỡng, ma thuật và nghệ nhân hát kể ngoài tín ngưỡng, ma thuật.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Khái niệm

Khái niệm “nghệ nhân” Theo tiếng Hán, “nghệ” (藝) tức nghề, tài năng, học vấn, kĩ thuật; “nhân” (人) có nghĩa là người. 2 Theo quan điểm cá nhân, có thể luận giải “nghệ nhân” tức ý chỉ một người có khả năng thực hiện một công việc chuyên nghiệp, hoặc có tài năng, học vấn cũng như kĩ thuật ở mức độ cao, đặc biệt. Họ là những người quy tụ gần như toàn bộ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng về một hay vài lĩnh vực.

Nghệ nhân hát kể có thể hiểu là những người biểu diễn qua hình thức kể và ngâm nga những câu chuyện tự sự dài, có thể có sự kết hợp của các nhạc cụ, âm nhạc. Những nghệ nhận sử dụng phương thức diễn xướng này thường ở thể loại sử thi, nhưng trên thực tế sự phân loại này có thể dành cho các thể loại khác cũng có dung lượng dài như truyện thơ

2.2. Phân loại nghệ nhân hát kể

a. Phân loại

Kế thừa thành quả nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng trong chuyên đề “Văn bản và diễn xướng văn học dân gian”, tức dựa vào hình thức diễn xướng của các nghệ nhân, bài viết chia nghệ nhân thành hai kiểu cơ bản: nghệ nhân hát kể thực hành tín ngưỡng ma thuật và nghệ nhân hát kể ngoài tín ngưỡng ma thuật.

b. Điểm tương đồng giữa hai kiểu nghệ nhân: nghệ nhân hát kể thực hành tín ngưỡng, ma thuật và nghệ nhân hát kể ngoài tín ngưỡng ma thuật

Điểm tương đồng thứ nhất giữa hai kiểu nghệ nhân là sự kế thừa của dòng họ, mang tính chất gia truyền.

Thứ hai, người diễn xướng (tín ngưỡng và ngoài tín ngưỡng) khi hát kể những tác phẩm, họ không phải là người trình bày tác phẩm của người khác, cũng không phải là người truyền đạt lại một cách chính xác tác phẩm của người khác. Trong quá trình diễn xướng, nghệ nhân không nhắc lại y nguyên những gì đã được nghe, được học mà sẽ đưa vào những thay đổi do chính mình sáng tạo.

Thứ ba, những người nghệ nhân (tín ngưỡng và ngoài tín ngưỡng) đều là những người trí thức bản tộc – nhất là trong thời đại ngày nay, khi số người thuộc, biết trình bày những sản phẩm văn học, văn hóa dân gian ngày càng ít ỏi.

Điều cuối cùng người viết xếp vào những nét tương đồng giữa hai kiểu nghệ nhân, đó là họ mang trong mình lòng yêu thương, trân trọng sâu sắc những giá trị văn hóa dân tộc.

c. Phân biệt hai loại hình nghệ nhân: nghệ nhân hát kể thực hành tín ngưỡng, ma thuật và nghệ nhân hát kể ngoài tín ngưỡng ma thuật

* Nghệ nhân hát kể thực hành tín ngưỡng, ma thuật – thầy mo Mường.

Trong cộng đồng người Mường, thường có những dòng họ làm thầy mo và truyền từ đời này sang đời khác, nhưng không hẳn theo hình thức cha truyền con nối mà phần lớn theo hình thức đậm chất tâm linh. Ông mo già trong dòng họ ấy khi mất đi, tự nhiên sẽ có người khác trong dòng họ biết làm mo để thay thế cho ông mo già ấy (có nhiều tư liệu cho rằng họ được truyền qua những giấc mơ, cũng có thể sau những trận ốm thập tử nhất sinh,…) – bởi chính người mo có thể giao tiếp được với thế giới bên kia, họ có thể có những quyền năng nhất định để hỗ trợ, giúp đỡ cho cộng đồng Mường.

Ông mo cần hội tụ đủ ba yếu tố cơ bản:

Thứ nhất, phải thuộc các bài mo và có khả năng trình diễn nghệ thuật tổng hợp (hát, múa) cũng như biết bày biện các mâm lễ thích ứng với từng nghi lễ trong tang ma. Thứ hai, ông mo phải có đầy đủ đạo cụ: có túi khót (túi thiêng) chứa những vật lạ chính là những vũ khí trừ ma tà bằng vuốt hổ, móng lợn lòi,… “có phép thiêng”.

Thứ ba, có thể coi là yếu tố quan trọng nhất, là họ có tổ tiên bảo trợ khi hành nghề. Trong cộng đồng người Mường, thầy mo càng có nhiều đời làm mo càng được tôn sùng và đánh giá cao về năng lực.

Ông mo cũng là người trần duy nhất, có vai trò trung gian giữa linh hồn người sống với linh hồn người chết.

* Nghệ nhân hát kể ngoài tín ngưỡng, ma thuật – nghệ nhân hát kể sử thi A Chất (dân tộc Tà Ôi, Pa Cô)

Đối với đồng bào Tà Ôi, diễn xướng sử thi có thể diễn ra mọi mùa trong năm, và thời điểm cũng mang tính chất ngẫu nhiên, tùy hứng, tuy nhiên thường diễn ra nhiều hơn vào bên đêm. Không gian diễn xướng không mang tính chất thiêng như tang ma của người Mường; đó có thể ở nhà nghệ nhân, nhà Rông hay bên một bếp lửa hồng một 12 ngôi nhà dài nào đó. Lúc bấy giờ, đồng bào cùng quây quần bên bếp lửa cùng lắng nghe, tham dự buổi diễn xướng ấy của những người “đầu khôn” bản tộc.

Để trở thành người nghệ nhân hát kể sử thi Tà Ôi cần hội tụ đủ các tiêu chí: có một trí nhớ tốt để nắm lòng 7212 câu, làm sao để khi diễn xướng, những câu chuyện về anh hùng, về dân tộc cứ như tuôn chảy trong lời hát; phải có trí tưởng tượng phong phú, biết phân tích diễn biến tâm lý, tính cách của nhân vật. Đồng thời, nghệ nhân cũng cần có giọng khỏe, biết hát và biết vận dụng các làn điệu dân ca, có năng lực tham gia các hoạt động truyền thống và có uy tín trong cộng đồng. Vì lẽ đó, người nghệ nhân hát kể sử thi có thể là những người lao động, họ sống và gắn bó, hòa mình sâu sắc với cộng đồng dân tộc. Nghệ nhân sử thi thường là những già làng, người lớn tuổi trong dòng tộc, họ tộc, gia đình,… là những người đã có những năm tháng đồng hành máu thịt, yêu và hiểu sâu sắc những người đồng bào đơn sơ, mộc mạc mà trân quý của mình. Người duy nhất có thể thực hành diễn xướng trọn vẹn pho sử thi này đã ra đi vào năm 2014 – hai năm sau khi cuốn sách “Sử thi A Chất” được ra đời, đó là cụ Kon Hiêm. Hiện nay, chỉ còn một người còn có thể kể được sử thi này là con trai của cụ Kon Hiêm, ông Ku Treo, ở làng Chi Lanh, xã A Đớt.

Dù diễn xướng A Chất không mang đậm tính chất thiêng liêng như mo Mường, song những nỗi trăn trở của bà cũng như những người yêu văn hóa Tà Ôi, Pa Cô cũng giống như nỗi trăn trở của những ông mo gần đất xa trời, rồi mai đây, liệu có còn những đêm khuya bên bếp lửa hồng, có không tiếng ngân nga của người nghệ nhân “đầu khôn bản tộc”: “Bỗng một ngày màu da của ông mặt trời khác lạ,…”

3. Kết luận

Sau quá trình tìm hiểu, phân tích các trường hợp cụ thể, bài viết căn bản đã phân biệt giữa hai loại hình nghệ nhân: nghệ nhân hát kể thực hành tín ngưỡng ma thuật và nghệ nhân hát kể ngoài tín ngưỡng ma thuật. Đồng thời, bài viết cũng đã đưa ra nhận định về một số nét tương đồng giữa hai loại hình nghệ nhân.

  • 1.970 lượt xem
Sắp xếp theo