Thực hành tiếng Việt: Lỗi dùng từ, lỗi về trật tự từ và cách sửa

Câu 1: Hãy tìm lỗi dùng từ trong câu sau và đưa ra cách sửa lỗi thích hợp:

a. Nhà thơ Cô-ba-y-a-si Ít-sa là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thơ hai-cư Nhật Bản.

- Lỗi sai: Lặp từ “nhà thơ”.

- Cách sửa: Cô-ba-y-a-si Ít-sa là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thơ hai-cư Nhật Bản.

b. Đề tài, chủ đề, cảm hứng cũng như nội dung của các bài thơ hai-cư rất đa dạng, khác nhau.

- Lỗi sai: Cách sắp xếp trật từ từ “Đề tài, chủ đề, cảm hứng cũng như nội dung”, Lỗi dùng từ “đa dạng, khác nhau” chưa hợp lí (đa dạng là từ Hán Việt, còn khác nhau là thuần Việt).

- Cách sửa: Nội dung, đề tài, chủ đề cũng như cảm hứng của các bài thơ hai-cư rất đa dạng, phong phú.

c. Bài thơ Thu hứng là một trong những thi phẩm nổi tiếng của Đỗ Phủ.

- Lỗi sai: Lỗi dùng từ “thi phẩm”

- Cách sửa: Bài thơ Thu hứng là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Đỗ Phủ.

d. Nhà thơ đã mượn trí tưởng tượng của mình để tái hiện bằng ngôn từ một khung cảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống.

- Lỗi về trật tự từ: “Nhà thơ đã mượn trí tưởng tượng của mình…”

- Cách sửa: Bằng trí tưởng tượng của mình, nhà thơ đã tái hiện bằng ngôn từ một khung cảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống.

e. Được sinh ra trong một gia đình tri thức, từ nhỏ, nhà văn X đã là một cậu bé say mê đọc sách.

- Lỗi sai: Lỗi về trật tự từ: “từ nhỏ” chưa hợp lí.

- Cách sửa: Được sinh ra trong một gia đình tri thức, nhà văn X đã là một cậu bé say mê đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.

f. Thiên nhiên là một trong những chủ đề quan trọng nhất của thơ hai-cư.

- Lỗi sai: Lỗi dùng từ “quan trọng”.

- Cách sửa: Thiên nhiên là một trong những chủ đề tiêu biểu nhất của thơ hai-cư.

g. Bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử kết lại bằng hình ảnh của nhân vật trữ tình – người phụ nữ nhọc nhằn gánh thóc trên bãi cát trắng.

- Lỗi sai: Lỗi dùng từ: “nhân vật trữ tình”.

- Cách sửa: Bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử kết lại bằng hình ảnh người phụ nữ nhọc nhằn gánh thóc trên bãi cát trắng.

h. Hình ảnh hoa triêu nhan vướng dây gàu khiến nhân vật trữ tình trong bài thơ của Chi-ô rất ư bất ngờ.

- Lỗi sai: Lỗi dùng từ: “ư”

- Cách sửa: Hình ảnh hoa triêu nhan vướng dây gàu khiến nhân vật trữ tình trong bài thơ của Chi-ô rất bất ngờ.

Câu 2: Trường hợp nào dưới đây được xem là mắc lỗi về trật tự từ? Hãy đưa ra cách sửa lỗi cho trường hợp ấy.

a. Một bộ phận độc giả đông đảo đã không cảm nhận được cái mới ngay trong thơ Hàn Mặc Tử.

– Vị trí của từ “ngay” được đặt chưa hợp lí khiến người đọc có thể hiểu sai. Dựa vào những hiểu biết về văn học sử thì ý mà câu văn cần truyền đạt là thơ Hàn Mặc Tử có nhiều cái mới khiến nhiều độc giả không thể ngay lập tức cảm thụ được. Mặt khác, từ đông đảo cũng có thể đặt trước từ độc giả để nhấn mạnh hơn sự thách thức của cái mới trong thơ Hàn Mặc Tử đối với công chúng.

– Đề xuất phương án sửa: Một bộ phận đông đảo độc giả đã không cảm nhận ngay được cái mới trong thơ Hàn Mặc Tử.

b. Là thể thơ ngắn nhất thế giới, hai-cư được xem như một đặc sản của văn chương Nhật Bản.

– Câu văn không mắc lỗi về trật tự từ.

c. Nói chung, người đọc thơ trữ tình cần quan tâm đến mạch sự kiện hơn là mạch cảm xúc của bài thơ.

– Ở đây, lỗi trật tự từ, về bản chất, là lỗi kiến thức khi người viết không hiểu đúng bản chất của thơ trữ tình vốn nhấn mạnh cảm xúc hơn là sự kiện.

– Đề xuất phương án sửa: Nói chung, người đọc thơ trữ tình cần quan tâm đến mạch cảm xúc hơn là mạch sự kiện của bài thơ.

d. Rất nhiều hình ảnh đời thường xuất hiện trong thơ hai-cư Nhật Bản.

– Câu văn không mắc lỗi về trật tự từ.

e. Thơ Đường luật mặc dù chặt chẽ bố cục nhưng vẫn có những khoảng trống liên tưởng khơi gợi.

– Các từ ngữ chưa được đặt đúng vị trí theo quan hệ ngữ pháp, cặp quan hệ từ “mặc dù... nhưng” cũng có thể được sắp đặt lại để câu văn gọn và sáng ý hơn.

– Đề xuất phương án sửa: Mặc dù bố cục thơ Đường luật chặt chẽ nhưng vẫn có những khoảng trống khơi gợi liên tưởng.

f. Điều làm thích thú người đọc ở bài thơ này là cách độc đáo gieo vần.

– Trật tự từ chưa hợp lí xét theo nguyên tắc ngữ pháp.

– Đề xuất phương án sửa: Điều làm người đọc thích thú ở bài thơ này là cách gieo vần độc đáo.

g. Trong bài thơ Tiếng thu, đóng vai trò quan trọng là các từ láy tượng thanh.

– Về hình thức, câu này có thể xét là không có lỗi trật tự từ. Tuy nhiên, cũng có thể sắp xếp lại trật tự từ trong câu để câu văn trở nên chỉn chu, chuẩn mực hơn.

– Đề xuất phương án sửa: Trong bài thơ “Tiếng thu”, các từ láy tượng thanh đóng vai trò quan trọng.

h. Nhà thơ cho phép thơ lãng mạn giải phóng cảm xúc của mình một cách rất phóng khoáng.

– Thơ lãng mạn là một trào lưu văn học bao trùm lên các nhà thơ, vì thế viết như câu trong bài là ngược về logic.

– Đề xuất phương án sửa: Thơ lãng mạn cho phép nhà thơ giải phóng cảm xúc của mình một cách rất phóng khoáng.

Câu 3: Phát hiện các lỗi dùng từ hoặc trật tự từ (nếu có) trong đoạn văn đã viết theo yêu cầu của bài kết nối đọc - viết.

Học sinh tự kiểm tra.

Câu 4: Sưu tầm các trường hợp vi phạm lỗi dùng từ hoặc trật tự từ trong một số văn bản báo chí. Phân tích lỗi sai và đưa ra phương án sửa lỗi.

- “Hồng Quân có thể truyền (từ đúng là chuyền) ngược trở lại cho đồng đội của anh đang băng lên dứt điểm” (Hồng Quân bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội xé lưới U23 Myanmar? , báo Dân trí, ngày 14/6/2015);

- “...chủ tịch Hồ Chí Minh ...” (3 lần trong bài không viết hoa chữ Chủ), bài “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”, báo Dân trí, ngày 19/5/2015);

- “Giữa cầu, bốn chiếc ô tô 1 eurospace, 1 chiếc 16 chỗ, 1 sedan, 1 bán tải nằm dúm dó (đúng ra phải là rúm ró), trước đó là một cột đèn nằm ngang giữa đường ” (Thót tim kể chuyện dông lốc khiến Hà Nội tan hoang, báo Việt Nam Nét, ngày 14/6/2015).

  • 6.541 lượt xem
Sắp xếp theo