1. Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện ngắn hiện đại như: Không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện ngôi thứ nhất, sự thay đổi điểm nhìn, sự nối kết giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật.
2. Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận xét được những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.
3. Nhận biết được các đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói để có hướng vận dụng phù hợp, hiệu quả.
- Viết được văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện, chú ý phân tích đặc điểm riêng trong cách kể của tác giả.
- Biết thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong một tác phẩm truyện.
- Thể hiện được tinh thần nhân văn trong việc nhìn nhận, đánh giá con người: đồng cảm với những hoàn cảnh, số phận không may mắn; trân trọng niềm khát khao được chia sẻ, yêu thương.
a. Truyện ngắn
- Truyện ngắn là “tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự, hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền mạch, đọc một hơi không ngừng nghỉ” (Tô Hoài)
- Truyện ngắn thường chỉ hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người → truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp, song tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn.
- Một số đặc trưng thi pháp truyện ngắn:
+ Cốt truyện: bao gồm tất cả các hành động, biến cố được truyện ngắn kể lại theo một trật tự logic nhất định.
+ Nhân vật:
+ Thời gian nghệ thuật:
+ Không gian nghệ thuật: bao gồm không gian bối cảnh, không gian sự kiện, không gian tâm lí; và trong truyện ngắn hiện đại, không gian tâm lí thường chiếm ưu thế, chẳng hạn: Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Trại bảy chú lùn của Bảo Ninh, Năm tháng đi qua của Nguyễn Thị Như Trang v.v.
b. Truyện ngắn hiện đại
- Truyện ngắn hiện đại là một trong những thể loại năng động nhất và có khả năng nhạy bén khi bắt nhịp với sự thay đổi của mỗi thời đại; là thể loại thổi những làn gió mới lạ sớm nhất và mạnh mẽ nhất trong dòng chảy văn học.
Ví dụ: Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân),Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu),,…
- Là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại.
- Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế. Tuy nhiên, những lát cắt đời sống này lại giàu sức khơi gợi, có thể gây ấn tượng mạnh đối với người đọc.
- Do dung lượng bị giới hạn, truyện ngắn đòi hỏi sự chắt lọc, dồn nén của các chi tiết và việc vận dụng bút pháp chấm phá trong trần thuật.
- Câu chuyện (còn có thể gọi là truyện gốc): là nội dung của tác phẩm tự sự, bao gồm nhân vật, bối cảnh và sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian.
- Truyện kể gắn liền với câu chuyện nhưng không đồng nhất: nó bao gồm các sự kiện được tổ chức theo mạch kể của văn bản tự sự, gắn liền với vai trò của người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn và lớp lời văn nghệ thuật. Chú ý đến truyện kể và chú ý đến cách câu chuyện được kể như thế nào.
→ Một số phương diện có thể phân biệt: truyện kể thuộc lĩnh vực văn chương, tồn tại ở dạng văn bản, liên quan đến cá hoạt động viết - xem - đọc - thưởng thức; thường cụ thể, chặt chẽ, có tính hệ thống,...
Ví dụ: cùng về câu chuyện về cái đói, cái nghèo, nhưng khi được đưa vào truyện, mỗi nhà văn lại có cách kể khác nhau. Thạch Lam viết chuyện về cái đói nhưng day dứt hơn cả không phải là về sự nghèo đói về vật chất mà là sự nghèo nàn về đời sống tinh thần (như trong truyện “Hai đứa trẻ”). Nguyễn Công Hoan viết về cái đói với tiếng kêu thảm thiết: hãy cứu lấy con người đang có nguy cơ bị cái đói kéo ghì đến bờ vực của cái chết. Còn trong những trang viết của nhà văn Nam Cao, lại là những day dứt, đau đớn trước tình trạng nhân phẩm con người đang có nguy cơ bị cái đói làm cho xói mòn, tha hóa…
- Để câu chuyện được kể ra, nhất thiết phải có người kể chuyện (tức người biết, nhìn thấy và kể lại câu chuyện ấy). Người kể chuyện bao giờ cũng kể câu chuyện từ điểm nhìn nhất định, được hiểu là vị trí để quan sát, trần thuật, đánh giá.
→ Điểm nhìn chi phối cảm hứng sáng tác và bộc lộ cá tính sáng tạo của nhà văn. Chọn được điểm nhìn thích hợp nhà văn sẽ tạo được cho mình một ấn tượng riêng, độc đáo trong từng trang viết, làm nên phong cách không thể trộn lẫn với ai.
- Có thể phân chia điểm nhìn trong tác phẩm tự sự thành nhiều loại khác nhau như:
(1) Điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật được kể:
(2) Điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong:
Ví dụ: Nghèo (Nam Cao) - người kể chuyện không trực tiếp xuất hiện mà gián tiếp thông qua sự lộ diện của nhân vật được kể: anh đĩ Chuột. Anh đĩ Chuột buộc dây lên xà nhà, đu vào cái thừng, chui vào tròng,…có lúc buồn rầu vì cảnh nghèo của gia đình, có lúc giận dữ vì bị người đòi nợ dồn ép… Anh đĩ Chuột không phải là người kể chuyện xưng bằng tên kể lại câu chuyện của mình mà chỉ là nhân vật được kể lại, thuộc về cái hiện thực được nói đến. Như thế, ở đây có một nhân vật thứ ba nào đó không lộ diện trực tiếp nhưng đã đứng bên ngoài lặng lẽ quan sát, nhận biết hết thảy về nhân vật, từ hành động đến cả những suy nghĩ và xúc cảm từ đáy tâm hồn của nhân vật và kể lại cho độc giả biết.
Ví dụ: Lễ cầu phúc (Lỗ Tấn), toàn bộ câu chuyện được soi chiếu qua cái nhìn của nhân vật “tôi” – một trí thức trẻ đi xa lâu ngày trở về quê hương Lỗ Trấn chứng kiến tất cả những số phận, con người ở đây và nhận thấy sự khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến đã chà đạp, làm cho con người phải chết dần chết mòn. Vì thế, câu hỏi của chị Tường Lâm: “Con người chết rồi thì có linh hồn nữa không? như rót thêm nỗi đau xót vào lòng nhân vật “tôi”. Trước số phận bi thảm của chị, “tôi” ngập ngừng không dám trả lời vì sợ câu trả lời của mình lại dày vò người phụ nữ bất hạnh kia thêm một lần nữa trước khi chết.
(3) Điểm nhìn không gian (nhìn xa - nhìn gần)
(4) Điểm nhìn thời gian (nhìn từ thời điểm hiện tại, miêu tả sự việc như nó đang diễn ra hay nhìn lại quá khứ, kể lại qua lăng kính hồi ức,…)
- Điểm nhìn còn mang tính tâm lý, tư tưởng, gắn liền với vai kể của người kể chuyện hoặc hoàn cảnh, trải nghiệm của nhân vật.
- Câu chuyện được kể có thể gắn với một điểm nhìn thấu suốt mọi sự việc, mọi quan điểm, một cách đánh giá mang tính định hướng cho người đọc. Nhưng cũng có thể câu chuyện được kể từ nhiều điểm nhìn, gắn với nhiều quan điểm, cách đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau, xoay quanh sự việc hay nhân vật. Điều này tạo nên tính đối thoại của tác phẩm và đặt người đọc vào một vai trò chủ động, tích cực hơn trong việc diễn giải và đánh giá.
- Lời người kể chuyện và lời nhân vật là những yếu tố cấu thành lớp lời văn nghệ thuật của văn bản tự sự.
- Trong văn bản tự sự, đặc biệt ở các thể loại tự sự hiện đại, lời người kể chuyện và lời nhân vật có khả năng kết nối, cộng hưởng, giao thoa với nhau tạo nên một số hiện tượng đặc biệt về lời văn:
Ví dụ: "Lúc về Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo mớ khô cá sặc rằn này hôm nào mẹ tiễn con đi, mẹ nướng rồi xé trộn xoài sống, con thích món này lắm." (Nước chảy mây trôi – Nguyễn Ngọc Tư)
Ví dụ: “Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh. Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang vọng của đời…” (Giăng sáng - Nam Cao)
- Ngôn ngữ nói (còn gọi là khẩu ngữ) là ngôn ngữ âm thanh, được tiếp nhận bằng thính giác.
Ngôn ngữ nói gắn liền với hoạt động giao tiếp của con người trong đời sống thường nhật như trò chuyện ở gia đình, nhà trường, nhà máy, công sở…; phát biểu trong giờ học, cuộc họp, hội thảo; trao đổi khi mua bán ở chợ, siêu thị;…
- Trong một số trường hợp đặc biệt, ngôn ngữ nói cũng xuất hiện dưới hình thức văn bản viết, ví dụ: tin nhắn qua điện thoại hoặc qua các ứng dụng trên mạng xã hội, văn bản bóc băng ghi âm một cuộc phỏng vấn hay lời khai,… Những đoạn hội thoại giữa các nhân vật trong tác phẩm truyện thực chất là ngôn ngữ viết mô phỏng ngôn ngữ nói. Ở đây, ngôn ngữ nói đã được tái tạo, nghệ thuật hóa nhằm thực hiện chức năng thẩm mĩ, không còn là ngôn ngữ đích thực, “nguyên dạng”.
- Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết, được dùng trong sách báo, văn bản hành chính, thư từ,… Ngôn ngữ viết tồn tại trong các văn bản xuất hiện dưới nhiều hình thức vật thể khác nhau: bản viết tay, bản đánh máy, bản in, bản chữ nổi dành cho người khiếm thị,…
Có những văn bản viết mà nội dung thông tin được truyền tải bằng âm thanh, chẳng hạn bài diễn văn, bản tin trên truyền hình,… Tuy các văn bản này được tiếp nhận bằng thính giác, những ngôn ngữ trong đó vẫn mang đầy đủ đặc điểm của ngôn ngữ viết.