Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật (Điện ảnh)

I. Dàn ý chung 

Mở đầu
  • Nêu tên tác phẩm được giới thiệu và lí do chọn giới thiệu tác phẩm đó.
Triển khai
  • Miêu tả đặc điểm của tác phẩm (thể loại, tính chất, quy mô, dung lượng,...) và nêu nhận xét, đánh giá về tác phẩm theo các góc độ tiếp cận khác nhau.

Kết luận

  • Khẳng định giá trị chung và ý nghĩa của tác phẩm. 

II. Bài mẫu

Bài mẫu số 1: Giới thiệu về bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy 

Làng Vũ Đại ngày ấy là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Sống Mòn cùng hai truyện ngắn của nhà văn Nam Cao: Chí Phèo, Lão Hạc. Tiếp tục mạch đề tài về sự cùng quẫn, bế tắc của người nông dân Việt Nam trước năm 1945, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã cống hiến cho điện ảnh Việt Nam một bộ phim kinh điển. 

Từ ba tác phẩm độc lập kể trên, đạo diễn đã hội tụ các nhân vật khác nhau từ ba tác phẩm quy tụ trong không gian văn hoá của Làng Vũ Đại trước cách mạng tháng 8-1945. Làng Vũ Đại ngày ấy mang hơi hướng tự sự qua lời dẫn chuyện của giáo thứ, người trở thành nhân chứng cho những bi kịch của làng Vũ Đại. Ngôi trường tư thục của anh bị đóng cửa và trở thành nhà thuốc tư nhân, anh bèn phải về quê sống nhờ vợ và viết văn kiếm sống. Cuộc sống ở làng quê còn tăm tối hơn, khi tên Chí Phèo từ anh nông dân nghèo bị đi tù oan, sau khi ra tù anh trở thành một kẻ lưu manh hoá. Vợ con của ông giáo phải ăn cháo cám trừ bữa. Lão Hạc cô quạnh sống một mình cùng con chó vàng trên mảnh vườn suốt ngày bị cha con Bá Kiến doạ nạt để cướp biến thành tài sản của lão... 

Một giờ ba mươi phút với những thước phim đen trắng, độ phân giải hình ảnh và màu sắc chất lượng thấp nhưng giá trị bộ phim mang lại đối lập hoàn toàn. Những thước phim có vẻ "tèm nhèm" ấy lại làm người xem thổn thức, xúc động tới tận tâm can. Từ con ngõ quanh làng, những hàng cây xơ xác đến những mái nhà tranh vách lá xập xệ; từ anh Chí lưu manh, gớm giếc, từ lão Hạc già cả, ốm yếu, gầy mòn tới bá Kiến hống hách trực chờ áp bức dân làng,... tất cả như hiện lên trước mắt chúng ta, như ta đang được sống trong không khí ảm đạm, ngột ngạt và bế tắc bấy giờ. Làng Vũ Đại ngày ấy đưa người xem trở về những năm tháng cùng cực của dân tộc, như được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người nông dân thấp cổ bé họng - những kiếp người lận đận giữa xã hội bề bộn những áp bức, bất công. Quả thực, nếu không có những thước phim từ những người đạo diễn tâm huyết với nghề như vậy, có lẽ thật khó để hình dung được một thời đồng bào ta đã sống cực khổ và đau thương đến thế.

Lối diễn xuất sắc nét, vô cùng nhập vai và tạo hình nhân vật hoàn toàn phù hợp, lại càng đẩy cảm xúc của người xem lên cao. Xem phim mà không khỏi xuýt xoa sao mà họ đóng hay thế, thật thế. Mỗi một nhân vật là một đại diện cho một lớp người trong xã hội thời ấy. Thầy giáo Thứ là đại diện cho lớp trí thức thất thế trước thời cuộc. Là người trí thức nhất mà cũng là người đặt câu hỏi nhiều nhất trong phim. Đó là cái đau đáu của một người trí thức không biết sống sao và biết làm cách nào để phơi bày thực trạng cái ác đang hoành hành. Chí Phèo là đại diện cho lớp người bị lưu manh hóa do bị áp bức đến đường cùng. Ta ám ảnh cái cười của Chí Phèo cũng như ám ảnh cái cười của Joker (2019) - gã hề của thế giới tội phạm – lại xuất phát từ nỗi buồn. Một nỗi buồn tuyệt vọng và cùng cực của một con người bị áp bức đến thậm tệ trong một xã hội đầy rẫy bất công.

Bộ phim góp phần mang lại giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa. Diễn viên Bùi Cường - người đảm nhận vai Chí Phèo - cũng nhận huy chương Vàng hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 (1983). Và cho tới hiện tại, sau hơn 40 năm phim công chiếu, hầu hết các vai diễn trong phim như giáo Thứ (diễn viên Hữu Mười), Chí Phèo (diễn viên Bùi Cường), Thị Nở (diễn viên Đức Lưu) và Lão Hạc (nhà văn Kim Lân) vẫn để lại những ấn tượng khó phai trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.

Bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy vừa tôn trọng những chất liệu văn chương của nhà văn Nam Cao, vừa sáng tạo để tạo ra một không gian điện ảnh với khả năng kết nối tài hoa giữa ba tác phẩm độc lập trở thành một bộ phim thống nhất. Trải qua nhiều năm tháng với những biến động của cuộc sống cũng như sự phát triển không ngừng của công nghiệp điện ảnh, song, Làng Vũ Đại ngày ấy vẫn luôn là kiệt tác của điện ảnh nước nhà, để lại trong lòng bao thế hệ người xem nhiều xúc động, thổn thức.

Bài mẫu số 2: Giới thiệu về bộ phim Anna Karenina

Bộ phim Anna Karenina được dựa trên tác phẩm văn học cùng tên nổi tiếng của đại văn hào người Nga - Lev Tolstoy kể về chuyện tình của Anna Karenina - một người phụ nữ quý tộc quyến rũ, giàu có nhưng không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với người chồng già Alexei Karenin. Anna Karenina là câu chuyện về tình yêu, dục vọng, tội lỗi, và sự tha thứ. “Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ theo cách riêng.”

Anna Karenina kể về 4 gia đình mà mỗi cuộc hôn nhân của họ đều có những nỗi khổ khác nhau. Dolly là một người phụ nữ tốt bụng, dịu hiền, có những người con ngoan ngoãn, nhưng cô phải chịu một nỗi bất hạnh là có chồng ngoại tình. Dolly sống trong một hôn nhân không trọn vẹn, nhưng không đủ can đảm để thoát ra khỏi đó.

Karenina - nhân vật chính của bộ phim, có tới hai cuộc hôn nhân và đều bất hạnh theo những cách khác nhau. Với người chồng là Bộ Trưởng, cô không bao giờ cảm nhận được thế nào là tình yêu. Đó là một mối hôn nhân được duy trì dựa trên lý trí, các chuẩn mực xã hội và niềm tin vào Chúa. Sự ngộp thở đó đã khiến Anna Karenina chính thức sa ngã và rơi vào lưới tình với Bá tước Vronsky. Ở cuộc hôn nhân lần này của cô, lý trí vắng mặt hoàn toàn, chỉ có chỗ cho tình yêu và dục vọng. Nhưng, trong một xã hội còn nhiều định kiến như nước Nga thế kỷ XIX, với việc ngoại tình, bỏ đi để chung sống với người đàn ông khác khi chưa ly hôn như Anna, khán giả khó có thể chấp nhận. Cuối cùng, để thoát khỏi mọi đau khổ từ dư luận xã hội và sự nghi kỵ của bản thân, Anna Karenina chọn cho mình một cái kết bi đát sau những giằng xé nội tâm.

Thế nhưng trong phim, vẫn còn một gia đình khác là định nghĩa về một gia đình hạnh phúc - gia đình của Kitty. Thời còn trẻ dại, Kitty đã từ chối Kostya và khiến trái tim anh tan vỡ. Thế nhưng sau nhiều năm trôi qua và cả hai đều trưởng thành, Kostya đã tha thứ cho việc Kitty làm tổn thương mình và cầu hôn cô lần nữa. Tình yêu của Kitty và Kostya, cũng như cách mà họ yêu nhau đã trở thành nền tảng cho một gia đình hạnh phúc. Không chỉ yêu nhau bằng cảm xúc, họ còn được dẫn lối bởi lý trí và lẽ phải để biết đâu thực sự là tình yêu dành cho mình.

Đó không phải một tình yêu được dẫn lối bởi dục vọng, cạnh tranh hay ghen tị. Tình yêu lý tưởng phải được tạo dựng dựa trên sự chờ đợi, kiên nhẫn, trân trọng lẫn nhau, một người đủ bao dung để tha thứ trước những lỗi lầm, thì người còn lại cần đủ tỉnh táo để hối cải và trân trọng sự bao dung ấy. Một tình yêu không có hai thứ ấy - sự tha thứ và sự trân trọng lẫn nhau, đến cùng sẽ đi đến kết cục là sự bất hạnh.

Kết phim không có hậu nhưng giá trị trường tồn của bộ phim vẫn còn mãi. Đó là khao khát được yêu và xứng đáng được hạnh phúc của nữ giới dù bị kìm kẹp giữa những định kiến xã hội. Bộ phim đồng thời cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh: nếu xã hội không thay đổi, liệu sẽ có thêm những Anna Karenina kết liễu cuộc đời chỉ vì khao khát được yêu hay không?

  • 72 lượt xem
Sắp xếp theo