Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ (Tìm hiểu cấu tứ và hình ảnh trong tác phẩm)

I. Yêu cầu

- Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ (tác giả, vị trí của bài thơ; lý do lựa chọn bài thơ;…).

- Xác định rõ trọng tâm vấn đề được bàn luận trong bài viết (cấu tứ độc đáo của bài thơ và sự chi phối của nó đến hệ thống hình ảnh).

- Xem xét vấn đề một cách toàn diện theo từng khía cạnh cụ thể với những lí lẽ, bằng chứng xác đáng.

- Đánh giá được nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh của bài thơ cũng như giá trị của chúng trong việc thể hiện những khám phá mới về con người và cuộc sống.

II. Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản: Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của Lý Bạch

1. Các thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Giới thiệu về bài thơ.

“Tĩnh dạ tứ” thuộc đề tài “nguyệt dạ tư hương” mà ta gặp trong thơ Đường.

Câu 2: Nêu khái quát cấu tứ của bài thơ và định hướng phân tích, đánh giá.

Đêm yên tĩnh trên đường lữ khách, tình quê hương ngổn ngang muôn lối; nhà thơ chớp lấy một cảm giác sai lạc, tức cảnh sinh tình, viết một bài thơ tuyệt diệu.

Câu 3: Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ.

Phân tích theo bố cục của bài thơ.

Câu 4: Chú ý làm rõ tính khái quát của hình ảnh, chi tiết.

- Ánh trăng vào tận phòng cho biết đêm sâu, nhân thấy ánh trăng rọi sáng đầu giường rõ ràng là người không ngủ.

- Nhà thơ ngẩng đầu ngắm trăng sáng vì thấy trăng như thấy “cố tri”.

- Nhà thơ gặp lại trăng như gặp lại người quen, thấy trăng mà sinh ra nỗi nhớ.

- Ánh trăng làm xót xa lòng người, nỗi nhớ quê nhà trĩu nặng đã khiến mái đầu cúi xuống.

- Chủ đề của bài thơ “tư hương” nhưng lại dành đến ba câu tả trăng, đến câu tâm niệm “tư cố hương” thì liền dừng lại.

Câu 5: Đánh giá chung.

- Lấy cái vô tình nói tình thì tất tình hiện ra, lấy cái vô ý tả ý thì ý chân thật.

- Ở đây “lấy cái vô tình” là dùng đến ba câu để tả trăng. “Lấy cái vô ý” tức là động tác “cử đầu” và “đê đầu” đều như phản xạ tự nhiên, “vô ý”, do sự “điều khiển” tự nhiên gần như vô thức.

Câu 6: Kết luận.

Tĩnh dạ tứ có tính chất tự nhiên, chân thực, đầy hàm ý.

2. Trả lời câu hỏi bài mẫu:

Câu 1: Bài thơ đã được giới thiệu như thế nào?

Bài thơ được giới thiệu bằng cách giải thích nhan đề.

Câu 2: Xác định trình tự, logic triển khai hệ thống ý trong bài viết.

- Giới thiệu bài thơ.

- Nêu khái quát cấu tứ của bài thơ.

- Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ.

- Làm rõ tính khái quát của hình ảnh, chi tiết.

- Đánh giá chung.

- Kết luận.

Câu 3: Cấu tứ và tính chất khái quát của hình ảnh trong bài thơ đã được người viết đề cập ở đoạn nào, câu nào?

- Cấu tứ và tính chất khái quát của hình ảnh trong bài thơ được đề cập đến ở đoạn văn thứ hai.

- Câu văn khái quát: Đêm yên tĩnh trên đường lữ khách, tình quê hương ngổn ngang muôn lối; nhà thơ chớp lấy một cảm giác sai lạc (thố giác), tức cảnh sinh tình, viết nên một bài thơ tuyệt diệu.

III. Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

- Cần chọn viết về những tác phẩm thơ có cấu tứ độc đáo và có hệ thống hình ảnh phong phú được xây dựng theo sự chi phối của tứ thơ, ngoài giá trị tạo hình còn gợi mở những tầng nghĩa sâu xa khác.

- Có thể viết về những bài thơ đã được tìm hiểu trong chính bài học này hoặc thuộc danh mục gợi ý tham khảo của thầy, cô.

Ngữ liệu tham khảo: Nhớ đồng (Tố Hữu); Tràng Giang (Huy Cận); Con đường mùa đông (A.Pushkin); Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử) 

2. Tìm ý, lập dàn ý

a. Tìm ý: Có thể tự đặt ra các câu hỏi xếp theo nhóm như sau để tìm ý:

* Yêu cầu chung đối với việc bàn luận về tác phẩm thơ

- Bài thơ của ai, được sáng tác trong hoàn cảnh nào, xuất bản ở đâu, từng được đón nhận ra sao?

- Vấn đề chính sẽ bàn trong bài viết là gì? Những phương diện nào của bài thơ sẽ được đề cập?

- Ở từng phương diện nói trên, giá trị của bài thơ đã được thể hiện ra sao? Câu thơ, chi tiết, hình ảnh nào chứng tỏ điều đó? Có những kết quả nghiên cứu, phê bình nào đáng chú ý về vấn đề sẽ được triển khai ở bài viết?

- Bài thơ đã tác động đến bạn như thế nào? Qua khám phá tác phẩm cụ thể này, bạn tích lũy được kinh nghiệm gì về việc đọc một văn bản thơ nói chung?

* Tìm hiểu, đánh giá cấu tứ của bài thơ

- Bài thơ đã hình thành và hoàn thiện dựa trên ý tưởng cơ bản nào? Điều gì đã làm cho ý tưởng ấy được thể hiện một cách sinh động?

- Có thể nêu nhận định khái quát gì về cấu tứ của bài thơ? Nhận định này có gì khác biệt so với những nhận định từng có và đã bao quát hết mọi yếu tố cấu thành của bài thơ chưa?

- Với cách cấu tứ đã nêu, bài thơ thể hiện được phát hiện riêng gì của nhà thơ về thế giới và con người?

* Tìm hiểu, phân tích hệ thống hình ảnh trong bài thơ

- Bài thơ có những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó có thể gợi cho người đọc ấn tượng, liên tưởng gì?

- Có thể nhìn nhận như thế nào về logic kết nối các hình ảnh trong bài thơ với nhau? Cái tứ của bài thơ đã chi phối điều này ra sao?

- Theo mạch triển khai của bài thơ, giữa các hình ảnh có sự vận động phát triển nào đáng chú ý?

- Có thể nói gì về những hàm nghĩa của các hình ảnh trong bài thơ? Sự chuyển hóa về ý nghĩa của các hình ảnh đã được thể hiện ra sao?

b. Lập dàn ý

Mở bài

Giới thiệu chung về bài thơ và xác định vấn đề sẽ được tập trung bàn luận trong bài viết.

Thân bài

Cần triển khai các ý:

- Cảm giác chung mà cấu tứ cùng những hình ảnh và cách diễn tả khác lạ trong bài thơ đã gợi cho người đọc.

- Sự khác biệt của bài thơ này so với các bài thơ khác trên phương diện xây dựng hệ thống hình ảnh và tạo sự kết nối giữa các bộ phận cấu tạo trong bài thơ (thực hiện những so sánh cần thiết để chỉ ra được sự khác biệt).

- Những khả năng hiểu (cắt nghĩa) khác nhau đối với một số yếu tố, hình ảnh trong bài thơ (cần nêu cụ thể).

- Điều được làm sáng tỏ qua việc đọc thăm dò và thử nghiệm các cách đọc khác nhau đối với bài thơ.

- Sự gợi mở về cách nhìn mới đối với thế giới và con người được đề xuất từ mạch ngầm văn bản bài thơ.

Kết bài

Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho đọc giả.

3. Viết

- Dựa vào dàn ý đã lập để thực hiện bài viết. Khi cần, có thể đảo trật tự ý đã có hoặc bổ sung ý mới nảy sinh trong quá trình viết.

- Chú ý nêu những cách nhìn nhận khác nhau (nếu có) về cấu tứ của bài thơ trước khi trình bày ý kiến riêng. Có thể vẽ sơ đồ cấu tứ của bài thơ để người đọc dễ nhận biết.

- Khi nêu hàm nghĩa của các hình ảnh, chi tiết trong bài thơ, cần tránh cách diễn đạt mang tính khẳng định một chiều (vì hình ảnh thơ vốn đa nghĩa, có thể gợi những cách cảm nhận, lý giải khác nhau), nên dùng những từ thể hiện thái độ thận trọng khi nhận xét, bày tỏ cảm nhận riêng như phải chăng, có thể hiểu (nghĩ) là,…

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để thực hiện những sửa chữa, bổ sung cần thiết.

- Đặc biệt, cần xem lại những đoạn viết về cấu tứ của bài thơ, đảm bảo đã diễn đạt đúng cách hiểu của mình đối với vấn đề này.

- Soát lại các đoạn văn bản được trích dẫn nhằm xác nhận đã ghi đúng theo bản gốc.

- Khắc phục các lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp (nếu có). Chú ý viết tách khối các câu, khổ, đoạn thơ được trích dẫn để tạo hiệu quả tích cực về mặt thị giác.

  • 34 lượt xem
Sắp xếp theo