Yêu cầu cần đạt và Tri thức Ngữ văn

Yêu cầu cần đạt 

I. Kiến thức 

1. Đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như ngôn từ, cấu tứ, hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản; nhận biết và phân tích được vai trò của yếu tố tượng trưng trong thơ.

2. Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản thơ; phát hiện được các giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh từ văn bản thơ.

3. Nhận biết và phân tích được một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ văn học. Phân tích được tính đa nghĩa của ngôn từ trong tác phẩm văn học.

4. Nhận biết được đặc điểm và tác dụng của một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường. 

II. Kĩ năng 

- Viết được văn bản nghị luận về một bài thơ: tìm hiểu cấu tứ và hình ảnh của tác phẩm.

- Biết giới thiệu (dưới hình thức nói) về một tác phẩm nghệ thuật (văn học, điện ảnh, âm nhạc, hội họa) theo lựa chọn cá nhân.

III. Phẩm chất

- Biết sống hòa đồng với con người, thiên nhiên; biết trân trọng những nỗi buồn trong sáng vốn thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với cuộc đời. 

Tri thức Ngữ văn

1. Cấu tứ trong thơ

- Cấu tứ là một khâu then chốt, mang tính chất khởi đầu của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thơ nói riêng. Trong lĩnh vực thơ, cấu tứ gắn liền với việc xác định, hình dung hướng phát triển của hình tượng thơ, cách triển khai bài thơ, sao cho toàn bộ nhận thức, cảm xúc, cảm giác của nhà thơ về một vấn đề, đối tượng, sự việc nào đó có thể được bộc lộ chân thực, tự nhiên, sinh động và trọn vẹn nhất.

- Sản phẩm của hoạt động cấu tứ trong thơ là tứ thơ (thường được gọi đơn giản là tứ). Tứ đưa bài thơ thoát khỏi sơ đồ ý khô khan, trừu tượng để hiện diện như một cơ thể sống. Nhờ có tứ, tổ chức của bài thơ mới trở nên chặt chẽ, mọi yếu tố cấu tạo đều liên hệ mật thiết với nhau và đều hướng về một ý tưởng – hình ảnh trung tâm. Mỗi bài thơ thường có một cách cấu tứ và một cái tứ riêng. Chú ý tìm hiểu vấn đề này là điều có ý nghĩa quan trọng trong việc đọc hiểu thơ, nhìn ra những phát hiện độc đáo của nhà thơ về con người, cuộc sống và đánh giá đúng phẩm chất nghệ thuật của bài thơ.

- Vì mối liên hệ nhân quả tất yếu giữa cấu tứ và tứ trong nhiều trường hợp, người ta đã đồng nhất hai khái niệm này. Lúc đó, có thể xem “tìm hiểu cấu tứ của bài thơ” và “tìm hiểu tứ thơ của bài thơ” là hai hình thức diễn đạt khác nhau về cùng một ý (nội dung).

- Tứ thơ mang tính chất quyết định sự thành công hay thất bại của bài thơ. Xuân Diệu đã từng nhận định về điều này: “Ngôn từ, lời chữ, vần rất là quan trọng, bởi thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai. Mà cái quan trọng thứ nhất làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài. Làm thơ khó nhất là tìm tứ”. Ông cũng lí giải thêm về khái niệm này như sau: “Tứ là hình tượng thơ được diễn đạt được một ý trọn vẹn, từ chỗ có ý sẽ đẻ ra tứ, có tứ tất có ý, nhưng có ý chưa hẳn đã có tứ. Bởi lẽ ý là do suy nghĩ mà ra, là của chung mọi người, tứ mới là của riêng thi sĩ”. Như vậy, tứ thơ chính là sự hóa thân của ý thơ qua một hình tượng cụ thể, sáng tạo, có giá trị thẩm mĩ cao.

Ví dụ: “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là một bài thơ có tứ thơ mới lạ nhưng cũng rất mực tự nhiên. Hai hình tượng chính của thi phẩm là “trăng” và “ta” – nhân vật trữ tình của bài. Mối quan hệ của hai nhân vật có sự thay đổi theo bố cục của tác phẩm: thời thơ ấu và thời trai trẻ vào lính của nhân vật trữ tình. Ở thời điểm đó, trăng và con người thân thiết, gắn bó như tri kỉ. Ở thời điểm sau, khi con người đã được chuyển sang không gian sống mới – nơi đô thi tấp nập, “quen ánh điện, cửa gương”, trăng đã trở thành người xa lạ như “người dưng qua đường”. Sự đối lập giữa hai thời điểm, hoàn cảnh sống ấy đã gợi ra “ý thơ”, song “tứ thơ” chỉ thực sự bật ra khi xuất hiện tình huống bất thường: “Thình lình đèn vụt tắt – Phòng buyn đinh tối om”. Vào giây phút ấy, nhân vật trữ tình vội mở toang cửa sổ và bắt gặp vầng trăng, người bạn tri kỉ năm nào vẫn vẹn nguyên, sáng trong trên bầu trời đêm của thành phố. 

2. Yếu tố tượng trưng trong thơ

- Trong lĩnh vực sáng tác văn học – nghệ thuật nói chung, sáng tác thơ ca nói riêng, thuật ngữ tượng trưng trước hết được dùng để chỉ một loại hình ảnh, hình tượng mang tính đặc thù. Ở đó, người nghệ sĩ thường sử dụng các hình ảnh, sự vật có thể tri giác được hay các câu chuyện cụ thể để diễn tả hoặc gợi lên cảm nhận sâu xa về những vấn đề có ý nghĩa bao trùm và mang tính bản chất. Thuật ngữ này thường xuất hiện trong các kết hợp từ: hình ảnh, hình ảnh tượng trưng; yếu tố tượng trưng; tính chất tượng trưng; chủ nghĩa tượng trưng,…

- Trước một hình ảnh, hình tượng chứa đựng nhiều tầng nghĩa và gợi lên những cảm nhận đa chiều, người ta có căn cứ để nói đến sự hiện diện của yếu tố tượng trưng. Yếu tố tượng trưng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên tính chất tượng trưng của bài thơ.

- Mọi hình ảnh, hình tượng thơ, xét từ bản chất, đã có tính chất tượng trưng. Nhưng với những sáng tác thuộc trường phái thơ tượng trưng hoặc thuộc loại hình thơ tượng trưng, tính chất này đã đạt một chất lượng mới. Điều này liên quan đến sự tự ý thức sâu sắc của nhà thơ về các mối tương giao bí ẩn trong đời sống, nổi bật là tương giao giữa con người với tạo vật, vũ trụ.

- Ở những bài thơ có yếu tố tượng trưng, các tác giả rất chú ý tô đậm tính biểu tượng của các hình ảnh, chi tiết, sự việc,… Bên cạnh đó, việc phối hợp các âm tiết, thanh điệu, nhịp điệu nhằm khơi dậy những cảm giác bất định, mơ hồ cũng hết sức được quan tâm. Với nhiều nhà thơ tượng trưng, trong số nhiều thủ pháp nghệ thuật được sử dụng, không thể không nói đến việc hòa trộn cảm nhận của nhiều giác quan, việc diễn tả chi tiết những sắc thái chuyển động tinh vi của sự vật, hiện tượng,…

- Ví dụ:

“Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vệt chai cũ đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau dền rau dệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ”

(Bàn tay em - Xuân Quỳnh)

→ Đôi bàn tay tượng trưng cho những vất vả cực nhọc trong cuộc đời Xuân Quỳnh. Dù gánh
trên đôi vai bé nhỏ cả cuộc sống mưu sinh nhưng chị vẫn “tựa một cây xương rồng kiên cường và kỳ diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa tuyệt quý cho cuộc đời”

3. Ngôn ngữ văn học

- Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ biểu đạt đặc thù của sáng tác văn học. Trên cơ sở ngôn ngữ chung của đời sống do nhân dân sáng tạo nên, ngôn ngữ văn học hình thành và phát triển phong phú nhờ lao động tinh thần đặc biệt và đầy cảm hứng của nhà văn. Bởi vậy, ngôn ngữ văn học thể hiện rõ cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của người viết. Tính hình tượng và tính thẩm mĩ là hai tính chất quan trọng nhất của ngôn ngữ văn học, chi phối các tính chất khác như tính chính xác, tính đa nghĩa, tính tạo hình, tính biểu cảm, tính cá thể hóa,…

- Đa nghĩa là một trong những tính chất rất nổi bật của ngôn từ trong tác phẩm văn học. Ở đây, từ ngữ không chỉ có nghĩa đen, nghĩa gốc, nghĩa bản đầy mà còn có nghĩa mới, nghĩa phát sinh, do chúng thường được đặt trong những cấu trúc hay ngữ cảnh đặc biệt.

Ví dụ: "Bánh trôi nước" (Hồ Xuân Hương) - bánh trôi nước là loại bánh truyền thống của người dân Việt Nam; đó cũng có thể hiểu là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với tấm lòng son sắt nhưng phải sống trong xã hội phong kiến thối nát, không được hưởng quyền hạnh phúc, tự do, bình đẳng,... 

  • 119 lượt xem
Sắp xếp theo