Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh)

I. Gợi dẫn trước văn bản đọc

Câu 1: Có bao giờ bạn băn khoăn khi phải phân biệt cái mới với cái cũ. Hãy chia sẻ trải nghiệm của mình.

- Có/không.

- Trải nghiệm: Thích thú, hào hứng với cái mới nhưng lại tiếc cái cũ, lưu luyến chưa muốn bỏ. Phân vân giữa việc sử dụng hai loại cũ - mới,...

Câu 2: Bạn hãy lựa chọn và so sánh một bài thơ thuộc phong trào Thơ mới với một bài thơ thuộc thời kì trung đại để tìm ra những điểm khác biệt.

Tiêu chí  Thuật hứng (Bài 1 - Nguyễn Trãi)

Tương tư chiều (Xuân Diệu)

Bài thơ

Trúc mai bạn cũ họp nhau quen.

Cửa mận tường đào chân ngại chen.

Chơi nước, chơi non đeo tích cũ;

Qua ngày qua tháng dưỡng thân nhàn.

Thi nghèo sự biến nhiều bằng tóc;

Nhà ngặt quan thanh lạnh nữa đèn.

Mùi thế đắng cay cùng mặn chát.

Ít nhiều đã vậy một hai phen.

[...] Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!

Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi,

Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời.

Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm!

Gió bao lần từng trận gió thương đi,

- Mà kỷ niệm, ôi, còn gọi ta chi...

Thể thơ 
  • Thất ngôn bát cú Đường luật.

→ Niêm luật chặt chẽ.

  • Thơ tự do.

→ Câu dài ngắn linh hoạt.

Nhịp thơ
  • 2/2/3
  • 3/3/3; 3/3/2;...
Cái tôi
  • Hình ảnh nhà thơ, cái tôi trữ tình ẩn mình sau thiên nhiên, tạo vật để biểu hiện ngôn chí, ngôn đạo, tự tình nặng tính chất duy lý và giáo huấn chung. 
  • Tự do phơi bày cái tôi của mình không một chút dấu diếm (“Anh” chính là cái tôi cá thể)

II. Thẻ trong văn bản đọc

Câu 1: Chú ý vấn đề được nêu để bàn luận.

Vấn đề được nêu để bàn luận: Hãy đi tìm cái điều ta cho là quan trọng hơn: tinh thần thơ mới.

→ Bàn luận về tinh thần của thơ mới.

Câu 2: Cái khó khi phân biệt rạch ròi thơ mới – thơ cũ là gì?

- Cả thơ mới và thơ cũ đều có những bài sử dụng trần ngôn sáo ngữ; đều có những kiệt tác và cũng có cả những “cái tầm thường, cái lố lăng”.

- Cái mới vẫn tồn tại trong những cái cũ.

→ Rất khó để phân biệt rạch ròi thơ mới và thơ cũ.

Câu 3: Tiêu chí nào được nêu để phân biệt thơ mới – thơ cũ?

Tiêu chí để phân biệt thơ mới – thơ cũ: phải nhìn vào đại thể; căn cứ vào hai chữ “ta” và “tôi”.

Câu 4: Chú ý cách lập luận của tác giả.

- Luận điểm: Cái tôi và cái ta trong thơ mới và thơ cũ.

- Lí lẽ: Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi. Nó giống nhau thì vẫn có chỗ giống nhau như chữ tôi vẫn giống chữ ta. Nhưng chúng ta hãy tìm những chỗ khác nhau.

→ Tác giả đưa ra vấn đề rồi gợi mở, triển khai ở phía sau.

Câu 5: Tình trạng “cái tôi” khi mới xuất hiện trong văn học Việt Nam.

- Cái tôi “thực bỡ ngỡ”, như “lạc loài nơi đất khách” bởi nó mang “quan niệm cá nhân” - xưa nay chưa từng thấy.

- Khi cái “tôi” xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam, bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu. Nó cứ luôn luôn đi theo những chữ anh, chữ bác, chữ ông đã thấy chướng. Huống bây giờ nó đến một mình!

- “Ngày một ngày hai, nó mất dần cái vẻ bỡ ngỡ. Nó được vô số người quen. Người ta lại còn thấy nó đáng thương. Mà thật nó tội nghiệp quá!”

Câu 6: Những biểu hiện khác nhau của “cái tôi” trong Thơ mới.

- Tâm hồn của thi nhân chỉ vừa thu xong khuôn khổ chữ “tôi”.

- Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ “tôi”. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu.

  • Thoát lên tiên cùng Thế Lữ;
  • Phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư;
  • Điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên;
  • Đắm say cùng Xuân Diệu;
  • Ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.

→ Mỗi tác giả có một nét riêng mang đậm dấu ấn bản sắc cá nhân.

Câu 7: Chú ý cách sử dụng biện pháp tu từ trong lời văn nghị luận.

Sử dụng biện pháp cấu trúc: “Chưa bao giờ như bây giờ…”, so sánh đối chiếu.

II. Yêu cầu sau khi đọc

Câu 1: Để làm sáng tỏ luận đề “tinh thần Thơ mới”, Hoài Thanh đã nêu lên những luận điểm nào? Chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm đó.

- Khó khăn khi phân biệt thơ mới - thơ cũ.

- Tiêu chí phân biệt thơ mới - thơ cũ: cái tôi - cái ta.

- Cái tôi - tinh thần của thơ mới.

- Khẳng định sự độc đáo, mới lạ của thơ Mới.

→ Mối quan hệ giữa các luận điểm: Các luận điểm sắp xếp theo trình tự logic: nêu vấn đề (chỉ ra sự khó khăn khi phân biệt thơ mới - thơ cũ), giải quyết vấn đề (làm rõ sự khác nhau, chỉ ra cái tôi trong thơ mới) và kết luận.

Câu 2: Ở phần đầu văn bản, tác giả đưa ra các tiêu chí so sánh thơ cũ – thơ mới nhằm mục đích gì?

Ở phần đầu văn bản, tác giả đưa ra các tiêu chí so sánh thơ cũ – thơ mới nhằm mục đích nêu sự khó khăn khi phân biệt thơ mới - thơ cũ, đó cũng là khao khát của người yêu văn, mong muốn, quyết tâm tìm cho được tinh thần thơ mới.

Câu 3: Hãy nhận xét cách diễn giải về “cái tôi” của Hoài Thanh trong văn bản (đặc biệt chú ý đoạn: “Đời chúng ta … cùng Huy Cận”).

- Các nhà thơ mới có xu hướng trốn tránh thoát li hiện thực (Thi nhân ta cơ hồ đã mất hết cái cốt cách hiên ngang ngày trước. Chữ ta với họ to rộng quá…)

- Tác giả chỉ ra rằng Thơ mới chủ yếu đào sâu vào nội tâm tình cảm, tâm hồn của con người, khác với thơ truyền thống họ thường thể hiện trên bề rộng, mơ hồ và cố định.

- Đưa ra ví dụ về các nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới với những nét riêng, những cái tôi mang đậm dấu ấn, bản sắc cá nhân.

→ Đi từ lý thuyết đến những bằng chứng cụ thể, sinh động, giúp người đọc hiểu được tinh thần của thơ mới: luôn phản ánh rõ ràng, chân thực nhất về thế giới nội tâm ẩn sâu trong tâm hồn con người.

Câu 4: Phân tích cách sử dụng bằng chứng trong nghệ thuật lập luận được Hoài Thanh thể hiện qua văn bản.

- Tác giả đưa ra 2 câu thơ khá nổi tiếng trong 2 hoàn cảnh khác nhau, một cái thuộc Thơ mới nhưng lại mạng nét cổ kính và cái còn cái thuộc thơ cũ nhưng lại mang nét hiện đại → Sự khác nhau của 2 thể loại không phụ thuộc vào giai đoạn mà phụ thuộc vào cái hay của chúng.

- Chỉ ra điểm khác nhau giữa thơ mới - thơ cũ (Cái ta - cái tôi)

  • “Ở phương Tây, nhất là từ khi có đạo Thiên Chúa, không bao giờ cá nhân lại bị rẻ rúng đến thế.” → sự khó khăn của cái tôi lúc bấy giờ.
  • Đưa ra tên tuổi của một số nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư…

- Khẳng định lại sự độc đáo, mới lạ và chưa từng có của Thơ mới.

  • Trích dẫn câu nói của chủ báo Nam Phong: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.”

→ Khẳng định ngôn ngữ là phương tiện cơ bản để thể hiện cái bản sắc dân tộc.

→ Các bằng chứng sáng rõ, đa dạng, góp phần chứng minh cho luận điểm của tác giả.

Câu 5: Hãy chỉ ra và phân tích giá trị đặc sắc của những biện pháp tu từ được tác giả sử dụng ở cuối văn bản.

- Biện pháp nghệ thuật:

  • Điệp cấu trúc: “Chưa bao giờ như bây giờ…”
  • So sánh: Tinh thần nòi giống như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt.

- Giá trị đặc sắc:

  • Nhấn mạnh, khẳng định sự mới lạ, độc đáo trong tinh thần của thơ mới.
  • Thể hiện tình cảm của tác giả đối với ngôn ngữ tiếng Việt.
  • Giúp cho lời văn nghị luận giàu tính biểu cảm, hấp dẫn người đọc, người nghe.

Câu 6: Qua văn bản, bạn hiểu được những gì về phong trào Thơ mới và lối văn phê bình của Hoài Thanh.

- Hiểu biết về phong trào Thơ mới:

  • Thơ mới là bước chuyển mình, thay đổi về cả hai phương diện nội dung và hình thức, ở bài viết tập trung trước hết vào phương diện nội dung, cụ thể là sự thay đổi từ cái “ta” chung trong thơ cổ điển đến cái “tôi” cá nhân, bản thể trong thơ mới.
  • Thơ mới đề cao cái tôi riêng, tự do bộc lộ những cảm xúc, suy tư cá nhân thậm chí là táo bạo → Thơ mới có khả năng thể hiện chân thực tất cả cung bậc cảm xúc của thi nhân.

- Lối văn phê bình của Hoài Thanh:

  • Nêu vấn đề cần bàn luận rõ ràng, dễ nắm bắt.
  • Đặt vấn đề khéo léo, dẫn dắt người đọc qua các luận điểm rõ ràng, liên kết, mạch lạc; giải thích cặn kẽ từng vấn đề để người đọc hình dung cụ thể.
  • Câu văn diễn đạt giàu tính biểu cảm.
  • Nghệ thuật lập luận tài tình, thuyết phục.

IV. Kết nối đọc – viết

Hoài Thanh cho rằng: Các nhà thơ phong trào Thơ mới đã “dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về ý kiến này.

Gợi ý triển khai

- Lời thơ là hoạt động ngôn ngữ của nhà thơ được rút ra từ kho từ vựng của cộng đồng mình. Song để tạo ra lời thơ thật sự mới, có khả năng chuyển tải cảm hứng mới của thời đại, làm hưng phấn nhịp điệu trái tim của cả thế hệ, nhà thơ phải tích cực làm giàu có vốn từ.
→ Các nhà thơ phong trào Thơ mới đã vận dụng tài hoa, tinh tế vốn từ ngữ dân tộc, thể hiện tình yêu với ngôn ngữ tiếng Việt mà rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước.

- Một số biểu hiện:

+ Thơ Mới làm một “cuộc nổi loạn ngôn từ” bằng cách sử dụng và kết hợp mới để tạo nên hệ thống từ vựng mới:

  • Sử dụng những con số nhằm biểu hiện quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người: “Ta là một, là riêng, là thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta”. (Hy Mã Lạp Sơn - Xuân Diệu)
  • Cấu trúc “của” + chủ thể: “Hỡi cánh rừng ghê gớm của ta ơi…” (Nhớ rừng - Thế Lữ)
  • Từ nghi vấn dùng theo nghĩa phủ định với cấu trúc “đâu” + chủ thể: “Đâu điệu nhạc điên ta cuồng khao khát” (Đâu điệu nhạc điên cuồng - Chế Lan Viên)
  • Sử dụng nhiều hư từ: “Vì u buồn là những đóa hoa tươi/ Và đau khổ là chiến công rực rỡ” (Đừng quên lãng - Chế Lan Viên)
  • Những kết hợp từ mới lạ làm giàu đẹp kho từ vựng tiếng Việt: “Một bên thi sĩ bên đa tình/ Đôi tim đóng then mà hớ hênh” → “Đôi tim”: thể hiện sự gắn bó, kết chặt.

+ Ngôn ngữ giàu tính nhạc, giàu hình ảnh.

+ Sử dụng nhiều biện pháp tu từ: so sánh (Đàn ghê như nước, lạnh trời ơi - Xuân Diệu); ẩn dụ (Này lắng nghe em khúc nhạc thơm/ Này lắng nghe em khúc nhạc hường - Xuân Diệu); trùng điệp (Là thế, là thôi, là thế đó/Mười năm thôi thế mộng tan tành - Vũ Hoàng Chương),...

  • 324 lượt xem
Sắp xếp theo