Yêu cầu cần đạt và Tri thức ngữ văn

I. Yêu cầu cần đạt

1. Kiến thức

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thơ dân gian như: cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, bút pháp miêu tả.

- Nhận biết và phân tích được ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ trữ tình.

- Phân tích được ý nghĩa hay tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và cách thưởng thức, đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống.

- Nắm bắt được các kiểu lỗi về thành phần câu, biết cách sửa lỗi và vận dụng vào việc sử dụng tiếng Việt của bản thân.

2. Kĩ năng

- Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội (Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại.

- Biết thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi; tranh luận một cách hiệu quả và có văn hóa.

3. Phẩm chất

- Biết đồng cảm, yêu thương còn người;

- Biết trân trọng vẻ đẹp thủy chung trong tình yêu.

II. Tri thức Ngữ văn

1. Truyện thơ và truyện thơ dân gian

a. Truyện thơ

- Truyện thơ là thuật ngữ định danh dùng để chỉ một thể loại văn học thuộc loại hình tự sự, có cốt truyện, câu chuyện, nhân vật, lời kể,... nhưng được thể hiện dưới hình thức thơ.

→ Truyện thơ thuộc phương thức tự sự, có yếu tố hạt nhân là truyện. Hình thức biểu hiện của truyện thơ là thơ.

→ Hai phương thức tự sự, trữ tình kết hợp với nhau trong truyện thơ đã tạo nên điểm đặc biệt, không có ở các thể loại khác: vừa phản ánh đời sống khách quan, vừa biểu hiện trực tiếp thế giới chủ quan của con người.

- Do tự sự bằng thơ, truyện thơ có những điểm mạnh và hạn chế nhất định:

Ưu điểm

Nhược điểm

  • Đáp ứng nhu cầu kể, nghe và diễn của độc giả, nhất là đại chúng trong xã hội thời chưa biết chữ.
  • Với dung lượng tương đối lớn, truyện thơ có thể bao quát được nhiều sự kiện, con người, chi tiết cụ thể, sinh động của đời sống thường nhật.
  • Đời sống nhân vật được khai thác sâu hơn ở phương diện nội tâm, hiện thực cuộc sống thêm phần bay bổng, lãng mạn.
  • Vần luật của thơ ca cũng mang lại những hạn chế nhất định. Nhiều phương diện đời sống không được miêu tả cặn kẽ, cốt truyện ít nhiều bị gò bó trong khuôn khổ.

- Có một số truyện thơ còn lưu lại dấu ấn của sử thi nhưng ở đó cảm hứng thế sự vẫn nổi trội so với cảm hứng lịch sử hướng về những diễn biến lớn trong đời sống cộng đồng.

- Truyện thơ hiện diện trong nhiều nền văn học, có lịch sử lâu đời, phát triển thành một số dòng riêng theo sự chi phối của các điều kiện văn hóa, xã hội cụ thể.

b. Truyện thơ dân gian

- Do tầng lớp bình dân hoặc các trí thức sống gần gũi với tầng lớp bình dân sáng tác.

- Lưu hành chủ yếu bằng con đường truyền miệng, cũng có khi thông qua các văn bản viết.

- Truyện thơ dân gian khai thác đề tài từ nhiều nguồn khác nhau như truyền thuyết, cổ tích, sự tích tôn giáo hay những câu chuyện đời thường.

- Kế thừa truyền thống của dân ca với sự kết hợp hài hòa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình, các truyện thơ dân gian đã thể hiện được một cách sinh động đời sống hiện thực và những tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhiều lớp người trong xã hội, nhất là những người lao động nghèo.

- Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian giản dị, chất phác, giàu hình ảnh, gắn liền với cách tư duy hình ảnh rất đặc trưng của những người sống hòa đồng, gắn bó với đất đai, muông thú, cỏ cây,...

- Do những điều kiện văn hóa, xã hội đặc thù, truyện thơ dân gian đặc biệt phát triển trong sinh hoạt văn hóa, văn học của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt nam. Ngoài một số truyện thơ có nội dung gần nhau bởi sự kế thừa, mô phỏng trong bối cảnh giao lưu văn hóa, mỗi dân tộc lại có riêng những truyện thơ tinh túy, thể hiện được bản sắc của cộng đồng mình.

  • Dân tộc Tày, Nùng: Nam Kim - Thị Đan; Trần Chân; Quảng Tân - Ngọc Lương; Kim Quế; Chuyện chim sáo; Vượt biển,...
  • Dân tộc Thái: Tiễn dặn người yêu; Chàng Lú - nàng Ủa; Khăm Panh;...
  • Dân tộc Mường: Út Lót - Hồ Liêu; Nàng Nga - Hai Mối; Nàng Ờm - chàng Bồng Hương;...
  • Dân tộc Mông: Tiếng hát làm dâu; Nhàng Dợ - Chà Tăng;...
  • Dân tộc Chăm: Hoàng tử Um Rup và cô gái chăn dê; Têva Mưnô;...
  • Dân tộc Khơ-me: Si Thạch, Tum Tiêu;...

→ Truyện thơ dân gian thường có ba đề tài chính: tình yêu, gia đình, xã hội. Các đề tài này vừa có liên kết bên ngoài, vừa có mối liên kết bên trong, vừa thể hiện phạm vi hiện thực được phản ánh. Ba đề tài xâm nhập vào nhau, khó tách bạch.

Cốt truyện trong truyện thơ dân gian phản ánh nội dung phong phú như tình yêu lứa đôi, hôn nhân gia đình, đấu tranh xã hội, tôn giáo, lịch sử, tín ngưỡng,...

Nhân vật trung tâm của truyện thơ dân gian thường là những cặp đôi nam nữ.

→ Về kết cấu: thường được kể theo trình tự thời gian và có chiều hướng kết thúc có hậu.

2. Yếu tố tự sự trong thơ trữ tình

- Thơ trữ tình không đặt trọng tâm vào việc kể một câu chuyện, có nhân vật, có tính cách, có bối cảnh không gian và thời gian với rất nhiều chi tiết cụ thể như truyện thơ, mà ưu tiên hàng đầu cho việc thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình.

- Tuy nhiên, từ xưa đến nay, thơ trữ tình không hề chối bỏ yếu tố tự sự (là những yếu tố như: chi tiết miêu tả, sự kiện, nhân vật, cốt truyện,...), thậm chí ở sáng tác của một số nhà thơ, yếu tố này khá đậm nét. Đọc một bài thơ trữ tình có yếu tố tự sự, độc giả dễ nhận ra bóng dáng của một câu chuyện, một sự kiện với những đường nét cốt yếu của nó.

→ Câu chuyện lúc này có tác dụng làm nền cho tiếng nói trữ tình và luôn chịu sự chi phối của mạch cảm xúc mà tác giả triển khai. Do vậy, câu chuyện thường chỉ được “kể” ở mức độ vừa đủ để cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ trọn vẹn.

- Ví dụ:

Đêm qua mới gọi là đêm

Ruột xót như muối dạ mềm như da

Gọi chàng chẳng thấy chàng thưa

Lần tay bẻ khóa thời vừa rạng đông

Trách trời sao chóng rạng đông

Chẳng khuya chút nữa cho lòng thở than.

→ Bài ca dao 6 câu nhưng tới 5 câu kể lại cho người đọc câu chuyện đêm qua, câu cuối mới bộc lộ tâm trạng, nhưng yếu tố tự sự không có ý nghĩa xác định sự vật khách thể mà chỉ để chủ thể biểu hiện rõ và sinh động hơn.

“Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

(Chân quê - Nguyễn Bính)

→ Yếu tố tự sự: câu chuyện “đi tỉnh” → là duyên cớ của nỗi lo âu, thấp thỏm của chàng trai đang say đắm trong tình yêu.

  • 67 lượt xem
Sắp xếp theo