Khi con tu hú

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Tố Hữu (1920 - 2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành.

- Quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Tố Hữu cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

- Ông là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Đồng thời ông cũng là một cán bộ cách mạng lão thành của Việt Nam.

- Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

- Một số tác phẩm: Từ ấy (1937 - 1946), Việt Bắc (1947 - 1954), Gió lộng (1955 - 1961), Ra trận (1962 - 1971), Máu và hoa (1972 - 1977…

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác vào tháng 7 năm 1939, khi tác giả mới bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ.

b. Thể thơ: Bài thơ “Khi con tu hú” được sáng tác theo thể thơ lục bát.

3. Bố cục: 2 phần

- Phần 1. Từ đầu đến “Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”: Bức tranh thiên nhiên mùa hè.

- Phần 2. Còn lại: Tâm trạng của người tù chiến sĩ cách mạng.

II. Trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa

Câu 1: Nên hiểu nhan đề bài thơ như thế nào? Hãy viết một câu văn có bốn chữ đầu là “Khi con tu hú” để tóm tắt nội dung bài thơ. Vì sao tiếng tu hú kêu lại tác động mạnh mẽ đến tâm hồn nhà thơ như vậy?

- Nhan đề bài thơ có thể được hiểu là một cụm từ chỉ thời gian, nhưng vẫn chưa đầy đủ.

- Nội dung: Khi con tu hú gọi bầy cũng là khi mùa hè đến, trong chốn ngục tù ngột ngạt, người chiến sĩ cách mạng khát khao cháy bỏng được tự do.

- Tiếng tu hú kêu tác động mạnh mẽ đến tâm hồn nhà thơ vì nó gợi nhắc về mùa hè phóng khoáng, tưng bừng với bao cảnh sắc quyến rũ đối lập với cảnh tù chật chội.

Câu 2: Nhận xét về cảnh mùa hè được miêu tả trong 6 câu thơ đầu. Những chi tiết nào khiến em có nhận xét đó?

- Cảnh mùa hè được miêu tả trong sáu câu thơ đầu vô cùng sinh động, thiên nhiên hiện lên với đầy đủ màu sắc, âm thanh, hương vị. Tiếng chim tu hú gọi bầy đã làm sống dậy trong lòng tác giả cảnh sắc của mùa hè rạo rực, mê say:

- Những chi tiết biểu hiện vẻ đẹp, nhịp sôi động của mùa hè:

  • Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần: hương vị ngọt ngào, mời gọi.
  • Tu hú gọi bầy, vườn râm ve ngân: âm thanh vui nhộn, đặc trưng của mùa hè.
  • Trời xanh cao, diều sáo lộn nhào tầng không: không gian khoáng đạt, tự do.

⇒ Tất cả được khắc họa bằng một hồn thơ tinh tế, tình yêu cuộc sống, khao khát tự do mãnh liệt. Bức tranh thiên nhiên cũng vì thế vui nhộn, giàu sức sống.

Câu 3: Phân tích tâm trạng người tù - chiến sĩ được thể hiện ở 4 câu thơ cuối. Mở đầu và kết thúc bài thơ đều có tiếng tu hú kêu, nhưng tâm trạng của người tù khi nghe tiếng tu hú thể hiện ở đoạn thơ đầu và đoạn cuối rất khác nhau, vì sao?

- Trạng thái cảm xúc bức bối, ngột ngạt của người tù - người chiến sĩ được thể hiện trực tiếp ở 4 câu cuối:

  • Cách ngắt nhịp bất thường ở câu 8 (ngắt 6/2), câu 9 (ngắt 3/3).
  • Các từ ngữ diễn đạt hoạt động, trạng thái với sắc thái mạnh: dậy, đạp tan, ngột, chết uất.
  • Các từ ngữ cảm thán, diễn đạt sự bức xúc: “ôi, làm sao, thôi, cứ…”

- Mở đầu và kết thúc bài thơ đều có tiếng chim tu hú, nhưng:

  • Tiếng tu hú ở đầu bài thơ gợi ra một cảnh tượng mùa hè sôi động, vui tươi.
  • Còn tiếng tu hú ở cuối bài thơ gợi sự ngột ngạt, u uất khiến cho tâm trạng chiến sĩ thêm đau khổ, bức bối vì cảnh giam hãm, mất tự do.

Câu 4: Theo em, cái hay của bài thơ được thể hiện nổi bật ở những điểm nào?

Cái hay của bài thơ được thể hiện ở:

- Nội dung: Bức tranh thiên nhiên mùa hè sôi động đầy màu sắc, âm thanh và hương vị. Cùng với đó là lòng yêu cuộc sống, khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.

- Nghệ thuật: Hình ảnh gần gũi, thể thơ lục bát giản dị, nhịp thơ đa dạng…

III. Đọc - hiểu văn bản

1. Bức tranh thiên nhiên mùa hè

- Âm thanh: “tiếng chim tu hú, tiếng ve ngân, tiếng sáo diều” thể hiện sự sôi động, vui tươi.

- Màu sắc: màu vàng (bắp rây), màu đỏ (trái chín), màu hồng (nắng đào), màu xanh (trời xanh) gợi sức sống

- Hương vị: chín, ngọt

⇒ Cảnh thiên nhiên mùa hè rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, ngọt ngào hương vị.

2. Tâm trạng của người tù chiến sĩ cách mạng

- Người tù cách mạng cảm thấy bí bách, ngột ngạt:

  • Động từ mạnh: “đạp”, “ngột”, “chết uất”
  • Một loạt từ cảm thán: “ôi”, “làm sao”, “thôi”...

- Tiếng chim tu hú xuất hiện ở câu mở đầu và kết thúc: Tiếng chim tu hú hay chính là tiếng gọi của sự tự do, tiếng gọi của cuộc sống đang thúc giục niềm khao khát tự do, thoát khỏi chốn ngục tù, và sâu xa hơn là khao khát đất nước được hòa bình độc lập đang cháy hừng hực trong lòng tác giả.

Tổng kết:

- Nội dung: Bài thơ thể hiện sâu sắc lòng yêu cuộc sống và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.

- Nghệ thuật: Thể thơ lục bát giản dị, giàu hình ảnh, giọng thơ tha thiết…

  • 32.838 lượt xem
Sắp xếp theo