Nhớ rừng

I. Tìm hiểu chung 

1. Tác giả

- Thế Lữ (1907 - 1989), tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ.

- Quê ở Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).

- Ông là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới (1932 - 1945) trong buổi đầu.

- Thế Lữ đã đóng góp một phần quan trọng trong việc đổi mới thơ ca, đem lại thắng lợi cho thơ mới.

- Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết truyện (truyện trinh thám, truyện kinh dị, truyện đường rừng lãng mạn…). Sau đó, ông chuyển hẳn sang hoạt động sân khấu, và là một trong những người có công đầu xây dựng ngành kịch nói ở nước ta.

- Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Một số tác phẩm chính: Mấy vần thơ (thơ, 1935), Vàng và máu (truyện, 1934), Bên đường Thiên lôi (truyện, 1936), Lê Phong phóng viên (truyện, 1937)...

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ: Nhớ rừng là một bài thơ tiêu biểu nhất của Thế Lữ và là tác phẩm góp phần mở đường cho sự thắng lợi của thơ mới.

b. Thể thơ: thơ tám chữ. 

II. Trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa

Câu 1: Bài thơ được tác giả ngắt thành 5 đoạn, hãy cho biết nội dung mỗi đoạn.

- Đoạn 1. Từ đầu đến “ Với cặp báo chuồng bên vô tư lự ”: Cảnh ngộ bị giam cầm của con hổ.

- Đoạn 2 và 3: Tiếp theo đến “ Than ôi! Thời oan liệt nay còn đâu ”: Nỗi nhớ của con hổ về cảnh sơn lâm.

- Đoạn 4. Tiếp theo đến “ Của chồn ngàn năm cao cả, âm u ”: Nỗi uất hận về những cảnh tầm thường, giả dối của vườn bách thú.

- Đoạn 5. Còn lại: Giấc mộng về rừng thẳm của con hổ.

Câu 2: Trong bài thơ có hai cảnh được miêu tả đầy ấn tượng: cảnh vườn bách thú, nơi con hổ bị nhốt (đoạn 1 và đoạn 4); cảnh núi rừng hùng vĩ, nơi con hổ ngự trị những ngày xưa (đoạn 2 và đoạn 3)

a. Hãy phân tích từng cảnh tượng.

- Cảnh tượng ở vườn bách thú: Hình ảnh “hoa chen, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng, nước đen…” - khung cảnh nhân tạo của vườn thú gợi sự tù túng, tầm thường.

- Cảnh núi rừng hùng vĩ, nơi con hổ ngự trị những “ngày xưa”: núi rừng, con sông…

b. Nhận xét việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu các câu thơ trong đoạn 2 và đoạn 3. Phân tích để làm rõ cái hay của hai đoạn thơ này.

- Việc sử dụng từ ngữ và hình ảnh chọn lọc nhằm diễn tả cảnh đại ngàn hùng vĩ, mạnh mẽ phi thường bí ẩn linh thiêng giang sơn của con hổ.

c. Qua sự đối lập sâu sắc giữa hai cảnh tượng thiên nhiên nêu trên, tâm sự con hổ ở vườn bách thú được thể hiện như thế nào? Tâm sự ấy có gì gần gũi với tâm sự người dân Việt Nam đương thời?

- Sự tương phản, đối lập gay gắt giữa cảnh tượng vườn bách thú, và cảnh núi rừng hùng vĩ diễn tả thấm thía nỗi nhớ tiếc da diết, đau đớn của con hổ đối với những quá khứ huy hoàng của nó.

- Tâm sự của con hổ là tâm trạng của người dân Việt Nam mất nước đang sống trong cảnh nô lệ và tiếc nhớ khôn nguôi thời oanh liệt với những chiến công chống giặc ngoại xâm vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Câu 3: Căn cứ vào nội dung bài thơ hãy giải thích vì sao tác giả mượn “lời con hổ ở vườn bách thú”. Việc mượn lời đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung cảm xúc bài thơ?

Hình ảnh con hổ - chúa sơn lâm, nhưng nay lại bị giam hãm trong cũi sắt là biểu tượng rất đắt về anh hùng chiến bại mang tâm sự u uất. U uất vì tù túng, mà phải chấp nhận cái tẻ nhạt, tầm thường. Cảnh rừng khoáng đạt, hùng vĩ - giang sơn của chúa sơn lâm - là biểu tượng của thế giới rộng lớn, tự do và cao cả. Với hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng đó, nhà thơ rất thuận lợi trong việc nói lên tâm sự và cảm hứng lãng mạn của mình.

Câu 4: Nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét về thơ Thế Lữ: “Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” (Thi nhân Việt Nam, Sđd). Em hiểu như thế nào về ý kiến đó? Qua bài thơ, hãy chứng minh.

Nhà phê bình Hoài Thanh đã ca ngợi Thế Lữ “như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” cho thấy nghệ thuật sử dụng từ điêu luyện, đạt đến độ chính xác cao:

  • Khắc họa chân thực âm thanh núi rừng: tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi, tiếng thét khúc trường ca dữ dội.
  • Điệp ngữ tạo ra sự tiếc nuối (nào đâu, đâu những...)
  • Câu thơ nhịp nhàng, cân đối khi miêu tả dáng điệu hùng dũng, mềm mại của con hổ.

III. Đọc - hiểu văn bản

1. Cảnh ngộ bị giam hãm, tâm trạng uất hận của con hổ khi bị giam hãm

a. Tình cảnh và thái độ của con hổ

- Tình cảnh: bị nhốt trong cũi sắt, giống như một món đồ chơi.

- Thái độ:

  • “gậm”, “căm hờn” cho thấy sự căm hờn, phẫn uất tạo thành một khối âm thầm nhưng dữ dội như muốn nghiền nát, nghiền tan ra.
  • “Ta nằm dài”: thể hiện sự ngao ngán, buông xuôi.
  • “Khinh lũ người kia”: khinh thường, thương hại cho những kẻ (gấu, báo) tầm thường nhỏ bé, dở hơi, vô tư trong môi trường tù túng

⇒ Tâm trạng của con hổ muốn nói đến tâm trạng của người dân mất nước, căm hờn và phẫn uất trong cảnh đời tối tăm.

b. Cảnh vườn bách thú và thái độ của hổ

Hình ảnh “hoa chen, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng, nước đen…”: Khung cảnh nhân tạo của vườn thú gợi sự tù túng, tầm thường.

2. Nỗi nhớ của con hổ về cảnh sơn lâm

a. Cảnh rừng núi

  • “bóng cả cây già”: rừng núi hùng vĩ, đầy vẻ hoang sơ
  • “gió gào ngàn”, “giọng nguồn hét núi”: âm thanh của đại ngàn hoang dại.
  • “đêm vàng bên bờ suối”: đêm trăng đẹp, diễm lệ khi con hổ đứng uống ánh trăng thật lãng mạn.
  • “Mưa chuyển bốn phương ngàn”: cảnh mưa rung chuyển đại ngàn hùng vĩ, hổ lãng mạn ngắm giang sơn đổi mới.
  • “Bình minh cây xanh”, “ tiếng chim ca”: cảnh chan hòa ánh sáng, rộn rã tiếng chim ca hát cho giấc ngủ của chúa sơn lâm.
  • “Mặt trời gay gắt”: cảnh tượng đẹp dữ dội, cả không gian nhuộm đỏ bởi ánh tà dương.

⇒ Thiên nhiên hoang vắng, đẹp rợn ngợp và con hổ với tư thế và tầm vóc uy nghi, tráng lệ.

b. Tâm trạng của chúa sơn lâm

- Giọng điệu và hành động: “dõng dạc”, “đường hoàng”, “lượn tấm thân”, “vờn bóng”, “ mắt…quắc”… thể hiện sự uy nghi, ngang tàn, lẫm liệt của chúa sơn lâm.

- Điệp từ “ta”: cho thấy khí phách ngang tàng của vị chúa tể.

- Câu hỏi tu từ: Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu ?

⇒ Tâm trạng đau đớn, tiếc nuối khôn nguôi của hổ với một thời huy hoàng trong quá khứ.

3. Niềm khao khát tự do mãnh liệt

- Từ cảm thán “hỡi” kết hợp với những hình ảnh trong quá khứ huy hoàng: khát khao tự do, trở về với rừng xanh.

- Tâm sự của con hổ chính là tâm sự của người dân Việt Nam mất nước đang sống trong cảnh nô lệ: tiếc nhớ một thời vàng son của dân tộc và khao khát cuộc sống tự do đến cháy bỏng.

Tổng kết:

  • Nhớ rừng mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt. Từ đó, bài thơ đã khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước thở ấy.
  • Nghệ thuật: sử dụng các biện pháp tu từ độc đáo, giọng điệu độc đáo…
  • 34.023 lượt xem
Sắp xếp theo