Cho đề bài: “Hãy viết một bài báo tường để khuyên một số bạn trong lớp cần phải học tập chăm chỉ hơn”. Lập dàn bài các luận điểm, luận cứ và dự kiến cách trình bày.
Gợi ý
(1) Mở bài:
Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần trình bày: Học sinh cần học tập chăm chỉ.
(2) Thân bài
- Tình trạng học tập của các bạn học sinh trong lớp: Nhiều bạn chăm chỉ học tập. Nhưng bên cạnh đó, còn nhiều bạn lơ là, chểnh mảng trong việc học tập.
- Hậu quả của việc học tập không chăm chỉ: Ảnh hưởng đến thành tích của bản thân; Lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình; Lỗ hổng kiến thức trong tương lai…
- Biện pháp khắc phục: Ý thức tự giác học tập; Lời khuyên từ thầy cô, cha mẹ…
(3) Kết bài
Khẳng định tầm quan trọng của việc học tập chăm chỉ.
Một bạn dự định đưa vào bài viết của mình những luận điểm dưới đây:
a. Lớp ta có nhiều bạn học giỏi, lao động tốt, làm vui lòng thầy cô, cha mẹ, xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
b. Các thầy, cô giáo và nhiều bậc phụ huynh của lớp ta đang rất lo buồn.
c. Thế mà một số bạn trong lớp còn tỏ ra chểnh mảng trong học tập.
d. Vậy thì ngay từ lúc này, các bạn ấy hãy chuyên cần học tập hơn.
e. Các bạn ấy chưa thấy rằng, bây giờ càng ham vui chơi, không chịu học hành thì sau này càng khó có được niềm vui trong cuộc sống.
Hệ thống luận điểm này có chỗ nào chưa chính xác? Nếu có, thì theo em, bạn ấy cần phải điều chỉnh, sắp xếp lại như thế nào?
Gợi ý
- Một số luận điểm có nội dung không phù hợp.
- Còn thiếu những luận điểm cần thiết, khiến mạch văn có chỗ bị đứt đoạn và luận đề không được hoàn toàn sáng rõ.
- Sự sắp xếp các luận điểm còn chưa thật hợp lý.
Em phải giúp bạn trình bày luận điểm (e) thành một đoạn văn nghị luận. Hãy cho biết:
a. Trong các câu sau, có thể dùng những câu nào để giới thiệu luận điểm (e)? trong số đó, em thích câu nào nhất?
(1) Tuy nhiên, các bạn ấy chưa thấy rằng, bây giờ càng ham vui chơi, không chịu học hành thì sau này càng khó có được niềm vui trong cuộc sống.
(2) Do đó, các bạn ấy chưa thấy rằng, bây giờ càng ham vui chơi, không chịu học hành thì sau này càng khó có được niềm vui trong cuộc sống.
(3) Nhưng các bạn có nên cứ chểnh mảng trong học tập như thế hay không? Xin hãy nhớ rằng, bây giờ càng ham vui chơi, không chịu học hành thì sau này càng khó có được niềm vui trong cuộc sống.
Hãy nghĩ thêm một vài câu giới thiệu luận điểm khác.
b. Nên sắp xếp những luận cứ dưới đây theo trình tự nào để sự trình bày luận điểm trên được rành mạch, chặt chẽ?
(1) Sau này, khi lớn lên, bạn sẽ sống trong thời đại mà trình độ khoa học - kỹ thuật và văn hóa - nghệ thuật ngày một nâng cao.
(2) Trong xã hội ấy, làm việc gì cũng phải có tri thức.
(3) Muốn có tri thức thì phải chăm chỉ học tập, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
(4) Do đó, người học sinh hôm nay càng ham chơi, không chăm học thì ngày mai càng khó có thể làm được việc gì có ý nghĩa, và do đó, càng khó có được niềm vui trong cuộc sống.
c. Bạn em muốn kết thúc đoạn văn bằng một câu hỏi giống câu kết đoạn trong văn bản Hịch tướng sĩ: “Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không?”. Theo em, nên viết câu kết đoạn như thế nào cho phù hợp với yêu cầu của bạn? Ngoài cách vừa nêu, em còn có thể kết thúc đoạn văn ấy theo cách nào khác nữa?
d. Đoạn văn viết theo cách trên đây là đoạn văn diễn dịch hay quy nạp? Vì sao?
Gợi ý
a. Chọn câu (3)
b. Cách sắp xếp các luận cứ theo trình tự trong sách đã thể hiện tính logic, chặt chẽ.
c.
- Ví dụ: Lúc bấy giờ, các bạn có muốn học tập nữa liệu có được?
- Ngoài ra, có thể kết thúc bài viết bằng nhiều cách khác.
d. Quy nạp
3. Hãy phát biểu (đọc) luận điểm mà em vừa chuẩn bị (viết) trước tổ (trước lớp); sau đó, lắng nghe sự góp ý của các bạn và của thầy, cô giáo để rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân.
Một số luận điểm gợi ý:
- Tình trạng học tập của các bạn học sinh trong lớp: Nhiều bạn chăm chỉ học tập. Nhưng bên cạnh đó, còn nhiều bạn lơ là, chểnh mảng trong việc học tập.
- Hậu quả của việc học tập không chăm chỉ: Ảnh hưởng đến thành tích của bản thân; Lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình; Lỗ hổng kiến thức trong tương lai…
- Biện pháp khắc phục: Ý thức tự giác học tập; Lời khuyên từ thầy cô, cha mẹ…
4. Theo trình tự luyện tập trên lớp, hãy tập viết ở nhà một đoạn văn để trình bày luận điểm “Đọc sách là công việc vô cùng bổ ích, vì nó giúp ta hiểu biết thêm về đời sống”.
Em có thể biến đổi đoạn văn ấy từ diễn dịch thành quy nạp (hoặc từ quy nạp thành diễn dịch) được không?
Gợi ý
Sách là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Sách cung cấp cho ta những tri thức về hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Tiếp xúc với sách, con người có cơ hội tiếp xúc với toàn bộ kho tàng văn hoá của văn minh nhân loại. Đó là một phương tiện không gì thay thế được. Bởi vậy, đọc sách là công việc vô cùng bổ ích mà qua đó, con người có thể không ngừng làm giàu vốn tri thức của mình.