Ngắm trăng

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Hồ Chí Minh (1890 - 1969) có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn được biết đến với tư cách là một nhà văn nhà thơ lớn.

- Một số tác phẩm nổi bật: Tuyên ngôn độc lập (1945, văn chính luận), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925, văn chính luận), Đường Kách Mệnh (1927, tập hợp những bài giảng), Nhật kí trong tù (thơ, 1942 - 1943)...

2. Tác phẩm

- Xuất xứ: Tác phẩm được rút ra từ tập Nhật kí trong tù (1942 - 1943).

- Bố cục:

  • Phần 1. Hai câu đầu: Cảnh ngộ của Bác trong đêm trăng.
  • Phần 2. Hai câu sau: Sự giao hòa giữa trăng và Bác.

II. Trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa 

Câu 1: Đọc kĩ phần phiên âm, phần dịch nghĩa và phần giải nghĩa chữ Hán để hiểu chính xác từng câu trong bài thơ. Học thuộc bản dịch thơ và nhận xét về các câu thơ dịch.

Học sinh tự đọc kĩ phần phiên âm và dịch nghĩa, dịch thơ.

Câu 2: Ở bài thơ này, Bác Hồ ngắm trăng trong hoàn cảnh như thế nào? Vì sao bác lại nói đến cảnh “Trong tù không rượu cũng không hoa”? Qua hai câu đầu, em thấy Bác có tâm trạng ra sao trước cảnh trăng đẹp ngoài trời?

- Hoàn cảnh ngắm trăng thật đặc biệt của nhà thơ:

  • Thời gian: nửa đêm
  • Không gian: trong tù, nơi chỉ có bốn bức tường tối tăm và xiềng xích.
  • Điều kiện: “vô tửu diệc vô hoa” (không rượu cũng không hoa)

⇒ Hoàn cảnh đặc biệt thiếu thốn, gian khổ, ở cái nơi mà người ta chỉ có thể nghĩ đến cái chết, sự tra tấn, đau khổ nhưng dường như Bác đã quên đi hoàn cảnh và thân phận tù nhân của mình mà thoải mái đứng ngắm trăng, làm thơ.

- Bác nói đến “Trong tù không rượu cũng không hoa”: gợi ra cảm giác thiếu thốn của người tù, nhớ tới rượu và hoa là muốn thưởng thức trọn vẹn cái đẹp.

⇒ Người ngắm trăng trong hoàn cảnh đặc biệt: chốn ngục tù thiếu thốn, tối tăm.

- Tâm trạng của Người: bối rối, xốn xang “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?” (Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ). Từ đó cho thấy tình yêu thiên nhiên say mê, rung cảm mãnh liệt trước vẻ đẹp của tạo hóa.

⇒ Tâm hồn người tù không bị vướng bận bởi những ách vật chất nặng nề, tâm hồn vẫn tự do, ung dung thưởng trăng đẹp.

Câu 3: Trong hai câu thơ cuối của bài thơ chữ Hán, sự sắp xếp vị trí các từ “nhân” (và thi gia), “song, nguyệt” (và minh nguyệt) có gì đáng chú ý? Sự sắp xếp như vậy và việc đặt hai câu dưới dạng đối nhau có hiệu quả nghệ thuật như thế nào?

- Hai câu thơ cuối có sự đăng đối về mặt ý và hình thức:

- Chữ “song” (cửa sổ) ở giữa cặp từ “nhân/nguyệt” - “minh nguyệt/thi gia”: người tù vượt qua song sắt, qua sự kìm kẹp để hướng ra ngoài ngắm trăng. Còn ánh trăng cũng nhòm qua khe cửa ngắm nhà thơ.

- Biện pháp nhân hóa: trăng trở thành người bạn tri âm tri kỷ từ rất lâu của người tù.

⇒ Cả người và trăng đều chủ động gặp gỡ tự do, vượt qua những rào cản cửa sắt nhà tù. Cuộc ngắm trăng này trở nên thi vị khi hai tâm hồn tri kỉ tìm đến với nhau: người - trăng.

Câu 4: Qua bài thơ, em thấy hình ảnh Bác Hồ hiện ra như thế nào?

Hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ:

  • Tâm hồn thi sĩ lãng mạn, tinh tế.
  • Người tù - người chiến sĩ với sức mạnh tinh thần quả cảm, lạc quan.
  • Tinh thần thép, tự do tự tại, phong thái ung dung vượt trên sự kìm kẹp của nhà tù.

⇒ Người tù cách mạng không màng tới những đói rét, xiềng xích của nhà tù, trái lại, tâm hồn lãng mạn, thăng hoa cùng với vẻ đẹp của tự nhiên.

Câu 5: Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận xét: “Thơ Bác đầy trăng”. Hãy chép lại những bài thơ Bác Hồ viết về trăng mà em biết (chú ý ghi rõ thời điểm sáng tác mỗi bài). Cuộc ngắm trăng trong bài Vọng nguyệt và hình ảnh trăng thể hiện trong các bài thơ khác của Bác có gì đáng chú ý?

- Những bài thơ về trăng của Người:

  • Cảnh khuya: khi Bác còn ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)
  • Rằm tháng giêng: khi Bác ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954)...

- Trăng trong thơ của Bác có nhiều sắc vẻ, trạng thái khác nhau.

  • Trăng được cảm nhận ở hoàn cảnh khác nhau: ngục tù, hay giữa trời nước bao la, lúc bận việc quân, lúc thư nhàn…
  • Trăng hiện lên như một người bạn tri âm, tri kỷ.

III. Đọc - hiểu văn bản

1. Cảnh ngộ của Bác trong đêm trăng

- Hoàn cảnh ngắm trăng:

  • Thời gian: nửa đêm
  • Không gian: trong tù, nơi chỉ có bốn bức tường tối tăm và xiềng xích.
  • Điều kiện: “vô tửu diệc vô hoa” (không rượu cũng không hoa)

⇒ Hoàn cảnh đặc biệt thiếu thốn, gian khổ, ở cái nơi mà người ta chỉ có thể nghĩ đến cái chết, sự tra tấn, đau khổ nhưng dường như Bác đã quên đi hoàn cảnh và thân phận tù nhân của mình mà thoải mái đứng ngắm trăng, làm thơ.

- Tâm trạng của Bác trước cảnh trăng “khó hững hờ”:

  • Câu thơ thứ hai là một câu hỏi tu từ, thể hiện tâm trạng bối rối, xao xuyến trước cảnh đẹp ngoài song sắt.
  • Trước cảnh trăng đẹp như vậy nhưng Bác lại không có rượu để đáp lại tình tứ của ánh trăng, điều này lại càng làm thi nhân bối rối hơn.

2. Sự giao hòa giữa trăng và Bác

- “Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt”: Người và trăng đối nhau qua khung cửa nhà tù

⇒ Bộc lộ chất thép trong tâm hồn, vẫn bất chấp song sắt trước mặt để ngắm trăng. 

- Nhân hóa “nguyệt tòng song khích khán thi gia”: thể hiện trăng cũng giống như con người, cũng vượt qua song sắt nhà tù để tìm ngắm nhà thơ. Đây chính là sự hóa thân kì diệu, là giây phút thăng hoa tỏa sáng của tâm hồn nhà thơ, cho thấy sự giao thoa giữa người và trăng.

⇒ Trăng giống như tri kỉ của con người. 

Tổng kết: 

  • Nội dung: Bài thơ Ngắm trăng đã cho thấy tình yêu thiên nhiên đến say mê, phong thái ung dung của Bác Hồ ngay cả trong ngục tù cực khổ tăm tối.
  • Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh giản dị…
  • 32.108 lượt xem
Sắp xếp theo